Thứ Năm, 05 Tháng Ba, 2020 15:11

Ở lại với người tâm thần

 

Ðã trở thành thói quen, cứ tới cuối tuần, chị Lê Minh Thư (24 tuổi) lại cùng các bạn trẻ nhóm bác ái Thiện Ðăng lên đường, đến các trung tâm bảo trợ xã hội ở Cần Thơ, Hậu Giang… để phục vụ y tế cho người mắc chứng bệnh tâm thần. Với Thư, tìm gặp để chăm sóc bệnh nhân cũng là cách dấn thân vào đời và mang lại niềm vui cho chính mình, giữa bao bận rộn cuộc sống.

 

 

“Hồi còn là sinh viên, tôi sinh hoạt nhóm SVCG do các sơ dòng Chúa Quan Phòng phụ trách, chủ yếu là gặp gỡ, giao lưu, kinh kệ… Một lần nọ, sơ có nhã ý mời tôi cùng đi thiện nguyện, đến trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang cùng các cha dòng Phanxicô và một số bạn trẻ khác giúp người bệnh. Ðó là cơ duyên để tôi quen biết Thiện Ðăng, rồi tham gia luôn cho đến bây giờ”, Minh Thư nói.

Năm năm gắn bó với nhóm, quãng thời gian không dài nhưng gồm hai giai đoạn, đó là khi Thư ngồi dưới giảng đường và bước ra đời, trải nghiệm cuộc sống. Ðể bền đỗ cũng như góp phần duy trì hoạt động ý nghĩa của nhóm, từ một người cộng tác, dần dần Thư xông xáo, trở thành trụ cột. Trong thực tế, một đặc tính dễ hiểu của các nhóm sinh viên là dễ tan rã mà nguyên nhân chủ yếu do nhân lực. Nếu không xây dựng được đội ngũ kế thừa, nòng cốt thì khi lớp trẻ này ra trường, sẽ không có người giữ lửa, nối kết. Thấy được điều này nên Thư, người được nhiều bạn trong nhóm đánh giá là thành viên khá tích cực, đã cố gắng làm gạch nối của các giai đoạn. Giờ đây, cô như người chị của các em sinh viên, chủ động nối kết các bạn, đi đầu trong những sinh hoạt thiện nguyện - công việc chính của nhóm, cho đến chuyện lễ lạy, phụng vụ hằng ngày, hằng tuần, tĩnh tâm, gây quỹ…“Thư nhiệt tình, siêng năng và hăng hái hoạt động lắm”, anh Nguyễn Phước Tôn, dự tu (24 tuổi) dòng Phanxicô và cũng là cựu thành viên của nhóm - bạn cùng thời với Thư nhận xét.

Chuẩn bị cho giờ kinh Phụng vụ tại nhà dòng Phanxicô

 

Dưới sự phụ trách của những cha dòng, các bạn trẻ chia nhau làm việc. Một ngày đến với trung tâm, nhóm chia thành hai phái nhỏ là nam và nữ, phân theo các khu riêng biệt để tắm rửa, xức thuốc, cắt tóc… cho người bệnh. Khác với một số bạn trẻ, cô sinh viên ngành Ðông y khi ấy rất năng nổ và chẳng chút ngại ngần. Dù rằng đôi lần Thư và các bạn trẻ cũng gặp những tình huống khó đỡ, như những phản kháng, những hành động trong vô thức của người bệnh, khi bảo vệ trung tâm chưa kịp ngăn chặn. Tới lui, phụ giúp miết, thành quen, Thư cũng học được cách bảo vệ mình và cả giao tiếp với bệnh nhân, ít là những câu hỏi thông thường về tên, tuổi, về ăn uống hằng ngày… Thư tâm sự, nhiều lúc trong công việc hay các mối quan hệ bên ngoài khiến bản thân bị áp lực, chán nản, bi quan, nhưng khi vào gặp các bệnh nhân, lại nhận ra Chúa đã ban cho mình quá nhiều: “Một trái tim trẻ, một con người trẻ đầy nhiệt huyết, mình không thể sống chỉ cho cá nhân. Phải dẹp bỏ mấy nghĩ suy tiêu cực đè nặng mình. Khi tắm rửa cho các chị em trong đó (trung tâm BTXH), thỉnh thoảng bắt gặp những nụ cười dung dị, đơn sơ, mình thấy thương họ lắm, tiếc là sức mình cũng có hạn, thành ra có thể giúp gì thì cứ cộng tác phục vụ”.

Minh Thư và các bạn Thiện Đăng

 

Ở Cần Thơ, Thiện Ðăng hình thành khá lâu, trải qua nhiều giai đoạn, bây giờ số thành viên cũng khá đông. Năm năm qua, Thư viết tiếp trên trang nhật ký giàu ý nghĩa của nhóm bằng sự hết mình. Là sinh viên rồi bây giờ là nhân viên tại trạm y tế phường, dù có đi nắng về mưa suốt đoạn dài mấy chục cây số từ nội ô thành phố Cần Thơ đến các trung tâm hay có lúc không may, gặp tai nạn giữa chừng, té xe, bể bánh, trơn trợt… hoặc rất bận với công việc…, nhưng cũng chẳng nề hà chi. Trong những chuyến đi ấy, một lần trải lòng, cô gái thừa nhận đã tìm được những người bạn tốt, tích lũy cho bản thân nhiều bài học quý để vào đời, và quan trọng hơn là khi ở lại với người bệnh tâm thần, cô cũng đã thấy chính Chúa đang ở lại với mình, bằng hình ảnh rất thực.

Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm