Cánh nay tròn 80 năm, ngày 8.1.1938, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Vĩnh Long - giáo phận đầu tiên thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tách ra từ giáo phận Sài Gòn, và giao cho các mục tử bản xứ coi sóc. Ðiều này cho thấy hạt giống đức tin đã triển nở tốt đẹp trên vùng đất này.
Lược sử giáo phận Vĩnh Long ghi nhận: “ Theo bài viết của linh mục thừa sai Henri Hay, Công giáo có thể hiện diện tại giáo phận Vĩnh Long từ tiền bán thế kỷ 17. Sau thời kỳ bách hại đạo từ 1661- 1665, sử tích cho biết họ đạo Cái Nhum, lúc đó thuộc giáo phận Ðàng Trong, chính là Trung tâm truyền bá Phúc Âm ở miền Nam do các linh mục dòng Phanxicô đảm trách” (x. GHCGVN - Niên giám 2016, trang 1041).
![]() |
Trung tâm hành hương Đình Khao kính thánh Philipphê Phan Văn Minh bổn mang GP Vĩnh Long |
Vào thế kỷ 18, Vĩnh Long có khoảng năm họ đạo gồm Cái Nhum, Cái Mơn, Cái Bông, Bãi Xan, Mặc Bắc, nhưng số giáo dân không đáng kể. Ða số giáo dân thời kỳ này từ miền Trung trốn chạy việc cấm đạo và đi tìm đất canh tác để sinh sống. Sang thế kỷ 19, Công giáo phát triển với việc thành lập các hội dòng MTG Cái Nhum, MTG Cái Mơn, dòng Kitô Vua và có khoảng 20 họ đạo trong vùng; trong đó họ Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan trở thành họ đạo lớn, có linh mục phục vụ. Chính trong thời kỳ bị bách hại này, giáo phận thăng tiến, các linh mục, nam nữ tu sĩ thường xuyên đến phục vụ tại các họ đạo.
Khi thành lập, giáo phận Vĩnh Long (gồm địa giới các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và một phần tỉnh Ðồng Tháp) có 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45.318 giáo hữu và 1.780 tân tòng thuộc 7 giáo hạt, 35 họ chánh, 106 họ nhánh. Vào thời điểm 1975, Vĩnh Long có 8 giáo hạt, 51 họ đạo chánh, 90.644 giáo hữu, 90 linh mục. Hiện nay, giáo phận có 10 giáo hạt, 211 giáo xứ, hơn 200 linh mục triều và dòng, trên 200.000 tín hữu. Ngoài các hội dòng kỳ cựu như MTG Cái Nhum, MTG Cái Mơn, Kitô Vua, giáo phận còn có các cộng đoàn dòng Chúa Cứu Thế, Don Bosco, Ngôi Lời, Thánh Phaolô (tỉnh dòng Mỹ Tho), Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn, Chúa Quan Phòng, Con Ðức Mẹ Phù Hộ và Ðan viện Phước Vĩnh.
Từ hậu bán thế kỷ 20, trong bối cảnh phát triển chung của Giáo hội Việt Nam, giáo phận Vĩnh Long đã từng thiết lập Tiểu Chủng viện Á Thánh Minh, Trung tâm truyền giáo - sau trở thành Ðại Chủng viện cho ba giáo phận trong vùng; ngoài ra là các trung tâm hành hương vẫn còn hiện diện đếm hôm nay như Fatima, Ðình Khao, Ðức Mẹ La Mã. Các địa điểm này ngày càng thu hút đông đảo giáo dân trong cũng như ngoài giáo phận tìm đến.
Qua 80 năm hình thành và phát triển, giáo phận cũng ghi nhận công lao của các vị chủ chăn giáo phận gồm ÐGM Phêrô Mactinô Ngô Ðình Thục, các Ðức cha kế nhiệm là Antôn Nguyễn Văn Thiện, Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Raphael Nguyễn Văn Diệp, Tôma Nguyễn Văn Tân và từ 2015 đến nay là Ðức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai.
Với những dấu ấn về thánh tử đạo Philipphê Phan Văn Minh, các họ đạo, các hội dòng kỳ cựu, các hoạt động mục vụ sinh động trong hiện tại, giáo dân Vĩnh Long nói riêng cũng như các giáo hữu Việt Nam nói chung hôm nay có dịp ôn lại chặng đường lịch sử nơi đây, chắc hẳn sẽ xác tín hơn về ơn Chúa tuôn ban trên Giáo hội và có thêm động lực sống đạo và loan báo Tin Mừng.
HOÀNG ANH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.