Thứ Bảy, 01 Tháng Tư, 2017 06:22

Ông cố lưu giữ vãn ngắm cho mai sau

 

“Ngày còn bé, bố là người đã dạy tôi ngắm đứng, rồi ông dẫn vào nhà thờ xin cho tôi được ngắm. Lúc ấy, không hiểu sao mình lại dành cho nguyện ngắm sự say mê lạ kỳ...”, ngồi với chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm gần xứ Hoàng Mai (TGP.TPHCM), ông Vũ Xuân Hoan, người đã sưu tầm, ký âm lại hai tập sách Vãn Hang đá và Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, hồi tưởng lại.

 

Ông Hoan là dân di cư, ngày trước ở xứ Lục Thủy, GP Bùi Chu. Ông kể, thời đó sách ngắm đứng được viết bằng Hán tự. Bố của ông rất thông thạo chữ Nho nên đã được các thầy dòng Đa Minh luyện tập cho cách ngắm đứng theo cung giọng của giáo phận dòng và thực hiện các nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh như diễn hoạt cảnh, đóng đanh và tháo đanh táng xác Chúa. Từ năm 14 tuổi, ông Hoan đã được bố truyền lại cho tất cả. Bấy giờ, nhóm ngắm đứng tại giáo xứ vào các mùa Chay toàn là bô lão nhưng nhờ thành thục cách ngắm, ông Hoan được vinh dự đôi lần tham gia cùng ngắm với mọi người. Khoảng năm 1949, khi nhạc sư Vũ Văn Tuynh về giúp dạy nhạc tại xứ, ông Hoan có những bước đầu tiên tìm hiểu âm nhạc với thầy. Khi học trung học tại trường Hồ Ngọc Cẩn, ông lại tiếp tục làm quen với các bài học hòa âm, thánh ca..., để rồi nhiều năm tháng sau đó, khi đã di cư vào Nam, song song với đam mê ngắm, tình yêu đối với âm nhạc của ông Hoan cũng lớn dần lên qua các bài học từ những người thầy khác.

ông cố lưu giữ

Năm 1987, ông Hoan về cư ngụ tại giáo xứ Hoàng Mai và thường tới lui, góp sức với nhà thờ bằng công việc đệm đàn organ cho các ca đoàn. Khi biết ông Hoan rất rành về ngắm đứng, từ thời cha chánh xứ Giuse Trần Văn Lưu, tiếp đến cha Vinh Sơn Trần Văn Hòa đã giao cho ông tập ngắm đứng cho giới trẻ. Việc hướng dẫn ban đầu vấp phải rất nhiều khó khăn do người nghe không thể tiếp thu cung giọng nên ông Hoan nghĩ ra cách chấm lại nốt nhạc để tập cho họ. Năm 2008, thời linh mục Vinh Sơn Vũ Đức Liêm làm chánh xứ, được sự gợi ý của cha, ông Hoan bắt tay vào công việc sưu tầm bản truyền khẩu và ký âm lại các bài ngắm sao cho hoàn chỉnh, dù lúc này tay phải ông đã yếu và phải dùng tay trái để làm việc. Trước tiên, ông đến các nhà sách Công giáo, thư viện của Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn để tìm tất cả tài liệu sách ngắm đứng bằng chữ Nho và cả chữ quốc ngữ để đem về nghiên cứu. “Điều rất khó cho tôi là tài liệu bố tôi để lại đã thất lạc nhiều nên mình không còn nhớ hết các dấu chấm câu của 15 ngắm theo sách chữ Nho. Trong khi đó, sách tiếng Việt mà tôi sưu tầm được thì khác rất nhiều về dấu chấm câu làm tôi khá bối rối”, ông Hoan cho biết. Nhưng bằng sự kiên trì, ông đã mày mò chỉnh lại dấu chấm câu, lời văn để bản truyền khẩu trở nên thống nhất và chính xác hơn. Tập sách ngắm đứng được ông ký âm theo trí nhớ bởi vẫn nằm lòng cung giọng được bố dạy cho khi xưa. Công việc đưa cung ngắm vào tân nhạc không dễ dàng, tuy vậy, nhờ những kiến thức về âm nhạc đã được học cộng với lòng kiên nhẫn, ông Hoan vẫn cố gắng hết sức để bản ký âm đạt được yêu cầu. Riêng về Vãn Hang đá, lúc đầu cung của bài ca vãn được ghi tên nốt của cổ nhạc. Sau này bản cung ấy thất lạc nên người ta chỉ tập bằng cách truyền khẩu, trí nhớ, do đó cung ca ngày nay đã sai lạc mỗi nơi một khác. Ông Hoan tìm đến nhiều giáo xứ, nghe lại các cung ca, cuối cùng chọn cung của GP Bùi Chu do một số người cao tuổi vẫn còn nhớ rất rõ cung điệu xưa. Khi họ hát, ông thu âm, sau đó về nghe lại để ký âm.

Ngoài ra, trong tập sách ông còn viết hoạt cảnh, có các vai để diễn và viết cả đội hình ở nghi thức táng xác. Sau khi hoàn thành ông đưa hai tập sách lên Ban Thánh nhạc để trình duyệt. Cha Roco Nguyễn Duy đã kiểm tra và xin Đức Giám mục Giuse Vũ Duy Thống phê chuẩn cho dùng trong phụng vụ. Năm 2014, hai tập sách chính thức được sử dụng trong giáo xứ Hoàng Mai cũng như nơi một số giáo xứ khác.

Không chỉ say mê âm nhạc, ngắm nguyện và đem khả năng phục vụ nhà thờ, ông Hoan còn truyền đạt lòng đạo đức cho các con. Trong sáu người con của ông, có một người dâng mình cho đời sống tu trì - linh mục Vinh Sơn Vũ Đức Toàn, hiện là phụ tá giáo xứ Thánh Phaolô 3 – giáo hạt Tân Định; những người con khác đã lập gia đình và đều gắn bó với giáo xứ qua việc tham gia ca đoàn, giới trẻ, giáo lý viên...  Riêng ông Hoan, nay đã 80 tuổi, tuy gánh nặng tuổi tác dường như đè nặng trên đôi vai gầy yếu nhưng ông vẫn còn tỏ ra rất nhiệt huyết mỗi khi có ai đó nhắc đến các chủ đề ngắm đứng hoặc âm nhạc nhà đạo. Cha Toàn xúc động nói về vị thân sinh: “Trong thời buổi khó khăn cho đến lúc đã an nhàn, lòng say mê ấy không một chút suy suyển. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, bố vẫn thường dạy cách ngắm, cho các con tiếp xúc với âm nhạc. Ngày xưa khó khăn không mua được đàn nên có lần tôi cùng bố chế một cây đàn bằng gỗ để luyện ngón. Dù không phát ra tiếng nhưng dùng để luyện ngón vẫn không tệ. Bố tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về nguyện ngắm và ký âm lại là muốn giữ lại cho các thế hệ sau, và một phần cũng bởi lòng say mê quá lớn dành cho âm nhạc, cho nguyện ngắm”.

 

Năm 1959, ông Hoan đi học khóa sư phạm tại trường Mossard Thủ Đức do các Sư huynh dòng La San giảng dạy. Trong khóa học này, các giáo sinh, trong đó có ông, được ghi tên gia nhập Liên hiệp Giáo gia tại Rôma. Ở đây, ông học được cách sử dụng đàn phong cầm và cách đọc tiếng Latinh. Sau khóa học, ông về dạy học ở trường Rạng Đông (kênh A - Kiên Giang) và phụ trách tập hát lễ bằng tiếng Latinh cho ca đoàn (thời đó các lễ trọng đều hát tiếng Latinh). Năm 2005, ông Hoan được người bạn giới thiệu với nhạc sĩ Ngọc Kôn là Trưởng dàn nhạc giao hưởng Salve Mater (Kính mừng Mẹ) của Trung tâm Công giáo Việt Nam (Q3, TPHCM). Với trách vụ nhạc trưởng, ông tham gia chỉ huy dàn nhạc, cùng với các nhạc trưởng Xuân Lâm và Nguyễn Nhung. Dàn nhạc này chuyên phục vụ các xứ đạo có nhu cầu. Khi còn học lớp ca trưởng của nhạc sĩ Hải Linh, ông cũng đã học được cách phối khí bộ gõ do Hải Linh sáng tác để đệm cho những bài thánh ca hợp xướng trang trọng những dịp lễ lớn như khánh thành nhà thờ, bổn mạng giáo xứ, tạ ơn tân linh mục. Ông tìm mua các nhạc cụ, thành lập nhóm người sử dụng bộ gõ này và đã phục vụ cùng với ca đoàn tại rất nhiều giáo xứ.

 

 

THIÊN LÝ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm