Tại giáo xứ Tân Lập (hạt Thủ Thiêm), hình ảnh thầy Khuê bấm huyệt chữa bệnh miễn phí đã trở nên quá đỗi thân quen với người dân trong khu vực. Công việc của thầy tính đến nay cũng ngót nghét hơn năm mươi năm dài.
Căn nhà cấp 4 của thầy Nguyễn Hữu Khuê bình dị trong con hẻm nhỏ nằm cạnh nhà thờ. Năm nay ngoài tám mươi, tóc đã trắng màu bạch kim, lưng có hơi còng song ông cụ vẫn biểu lộ được những cử chỉ nhanh nhẹn của người ưa hoạt động. “Dù có tới 5 người con và 15 cháu nội ngoại, có thể nhờ cậy, sai bảo, nhưng tôi sống không đòi hỏi, yêu đời, siêng năng rèn luyện thân thể vì không muốn phiền hà con cháu”, ông chia sẻ. Cũng có lẽ những suy nghĩ của thầy luôn được bày tỏ rất cụ thể bằng hành động nên tất cả con, cháu đều vui vẻ khi mỗi ngày thấy cha, ông mình vẫn có thể mang niềm vui giúp đời.
![]() |
Mỗi ngày có khoảng 15-20 lượt người đến chữa bệnh |
Từ những ngày còn là một giáo viên trẻ, thầy Khuê đã bắt đầu gắn bó với công việc thiện nguyện. Ngay từ những năm 1960, khi còn tràn đầy nhiệt huyết tuổi xuân, ông giáo trẻ đã trăn trở về chuyện chữa bệnh giúp người đau yếu. Bởi ngày đó, thuốc men còn khan hiếm, trong khi việc học theo Tây y lại quá xa tầm tay, nên thầy xin theo học nghề bấm huyệt của lương y Huỳnh Thị Lịch nổi danh. Sau ba năm ròng rã vừa đạp xe đi dạy, vừa đi học, thầy bắt đầu nhận những bệnh nhân đầu tiên. Làm bạn cùng chiếc xe đạp, ông còn đi bất cứ nơi đâu có người nhờ đến. Đôi bàn tay trải qua quá trình tập luyện dài lâu ngày càng được phát huy. Tiếng thầy giáo Khuê nhiệt tình làm bác ái được truyền tai nhau. Vậy nên, ông thường hay nói đùa: “Mình chưa bao giờ biết mùi thất nghiệp”.
Đến nay, dù đã tuổi cao nhưng lịch trình một ngày làm việc của ông cụ vẫn được duy trì đều đặn, sáng từ 8g đến 11g đi thăm bệnh đây đó, chiều nhận bệnh tại nhà từ 15g đến khi hết bệnh nhân. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 15-20 lượt người đến chữa bệnh. Cũng chính bởi lý do này nên chỉ trừ dịp đặc biệt, còn lại mỗi ngày ông chỉ có thể đi lễ sáng. Và mọi sinh hoạt thường ngày đều phải hợp lý, khoa học để thời giờ dành cho bệnh nhân không bị ảnh hưởng, thay đổi...
![]() |
Hình ảnh ông lão râu tóc trắng phau, chầm chậm đạp xe quanh khu xóm để tới với những người già hay người còn yếu hơn ông trở nên quen thuộc với bà con trong vùng. “Hy vọng làm nhẹ đi phần nào sự đau đớn, khó chịu thân xác vì bệnh hoặc vì tuổi già theo đúng tinh thần phục vụ Chúa trong mọi người”, thầy xác tín. Luôn giữ tinh thần phục vụ nên vị lương y cũng dấn thân vào hoạt động ở giáo xứ, tham gia hội Legio gần 50 năm với nhiều trọng trách khác nhau…, đến nay, dù chỉ còn cộng tác nhưng khi có người cần kèm thêm giáo lý hay trợ giúp gì trong khả năng, thầy đều vui vẻ nhận lời.
Buổi trưa đợi thầy “đi làm” về, tôi bắt gặp hình ảnh giữa cái nắng chói chang, sau vành nón lá là nụ cười của ông lão hiền từ dắt chiếc xe đạp, tòn ten nải chuối sứ “cảm ơn” của bệnh nhân...
MINH HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.