Trung tâm Điều Dưỡng Bệnh Nhân Tâm Thần (số 37, Phú Châu, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức - TP.HCM) từ lâu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều tu sĩ cũng như các bạn trẻ thiện nguyện vào mỗi sáng Chúa nhật…
![]() |
Tình nguyện dọn vệ sinh trong khuôn viên trung tâm |
Yêu thương cho đi
Có hơn ngàn bệnh nhân tâm thần nên sự ồn ào, lộn xộn dễ gây ấn tượng với những ai đến thăm Trung tâm Điều Dưỡng Bệnh Nhân Tâm Thần - Thủ Đức. Sự lộn xộn biểu hiện trên quần áo, trong cách đứng ngồi, trong tiếng cười nói và những câu chuyện không đầu đuôi... Có lẽ thứ gọn gàng, có “trật tự” nhất nơi đây chính là mái tóc và bộ móng được cắt gọn gàng của các bệnh nhân. Theo lời giải thích của một nhân viên trong trung tâm là bởi tuần nào cũng có những nhóm thiện nguyện từ các hội dòng đến giúp bệnh nhân tắm rửa, vệ sinh, cắt tóc, cắt móng chân móng tay và trò chuyện...
Nhiều năm qua, hình ảnh từng nhóm người vui vẻ tập trung thành hàng, thành nhóm chia nhau cái khẩu trang y tế, bộ đồ nghề cắt tóc, hay những bộ dụng cụ cắt móng... mỗi sáng Chúa nhật đã trở nên quen thuộc với bệnh nhân và những ai có dịp ghé qua đây. Công việc chăm sóc đặc biệt này bắt đầu từ 8 giờ sáng cho tới khi phục vụ hết các bệnh nhân. Một điểm thú vị là không chỉ tu sĩ nam nữ ở các dòng mà còn có thêm nhiều bạn trẻ sinh viên trong ngoài Công giáo ở các trường, các lưu xá gần khu vực của trung tâm cùng đến góp sức. Sau khi làm thủ tục đăng ký nơi bảo vệ, họ chia thành nhiều nhóm nhỏ đến các khu bệnh làm công việc chăm sóc của mình. Những người quen việc vào thẳng các khu trại cắt tóc, tắm rửa, làm vệ sinh, cắt móng, cạo râu... cho các bệnh nhân. Còn chút lóng ngóng thì tham gia vào đội dọn dẹp vệ sinh, phụ bếp ăn... Có khiếu quản trò thì tổ chức sinh hoạt, trò chơi cho người bệnh.
Nam phục vụ nơi trại dành cho bệnh nhân nam, nữ chăm sóc trại của bệnh nhân nữ. Không có người đứng đầu chỉ huy giao việc nhưng ai nấy cũng đều tự giác kiếm việc để làm. Tham gia phục vụ lâu năm nhất vào công việc này phải kể đến các thầy dòng Phanxicô với hơn 10 năm gắn bó. Ngoài ra còn có nhiều dòng tu khác cùng quan tâm góp sức. Công việc chăm sóc không phải dễ dàng vì tâm tính của người bệnh mỗi người mỗi khác nên qua mỗi công việc tưởng nhỏ nhặt như cắt dùm cái móng tay, tỉa lại bộ râu cũng cần phải nhẫn nại, mềm mỏng. Do đó, mới có cảnh người tóc xanh dỗ dành người đầu bạc mà chẳng thân quen máu mủ gì để xin được rửa dùm cái chân, kỳ phụ cái lưng, cắt cho sạch cái móng tay cáu bẩn... Sự ân cần thân thiện của những tu sĩ, những tình nguyện viên nhờ vậy mà trở nên thân thiện, an tâm trong mắt người bệnh. Và chỉ mới nghe có tiếng hỏi cắt tóc, gội đầu... là nhiều bệnh nhân vui vẻ xí chỗ đợi đến lượt.
Riêng các cha dòng Đồng Công vào mỗi tháng hoặc các dịp lễ trọng đều đến trung tâm để dâng lễ cho nhân viên và bệnh nhân ở đây. Mỗi lần đến trung tâm, mất cả buổi để ngồi tòa giải tội, để nói chuyện với họ, đôi khi là những câu nói ngô nghê không trước không sau của bệnh nhân nhưng các cha vẫn phấn khởi đón nhận.
Và những giá trị nhận được
Dù biết công việc này mang nhiều ý nghĩa nhưng không phải ai cũng có thể dấn thân khi còn kỳ thị hoặc ngần ngại gần gũi với người tâm thần. Thầy Giuse Hồ Đức Nguyên (Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm) - tham gia phục vụ tại trung tâm từ nửa năm nay chia sẻ: “Người tâm thần, dưới bất cứ góc độ nào, cũng đáng được quan tâm hơn cả. Có đến những nơi như thế này mới được chứng kiến tận mắt về những nỗi khổ đau khôn tưởng của các bệnh nhân”.
![]() |
Các bệnh nhân vui vẻ khi được tình nguyện viên chăm sóc |
Khi mới bắt đầu làm quen với công việc phục vụ bệnh nhân, không phải ai cũng đều cảm thấy dễ dàng hòa nhịp. Nhưng dần dà, lòng nhân ái và sự cảm thông khiến mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. Mặt khác, còn có thêm tác động qua lại giữa những người phục vụ. Khi chứng kiến cung cách phục vụ của nhiều tu sĩ, không ít bạn trẻ trở nên tích cực và mạnh mẽ hơn. Phương Mai (một sinh viên tình nguyện) kể lại: “Dù chỉ đơn giản nhất là làm công việc vệ sinh, dọn dẹp, nhưng khi lau nhà, lau gầm ngửi phải mùi hôi thối, nếu không có sự thương xót sâu xa dành cho các bệnh nhân thì cũng không dễ gì mà làm được. Lúc đầu mình cũng cảm thấy quá khó khăn nhưng thấy các thầy, các chị vẫn tươi cười chăm chú làm việc, thậm chí vừa làm vừa vui vẻ hỏi thăm những bệnh nhân nặng không dậy được và an ủi họ thì mình như có thêm sức mạnh”.
Mang cảm nghiệm riêng về đức ái trong tinh thần Công giáo thầy Micae Nguyễn Xuân Đức (dòng Phanxicô) nhận thấy rằng: “Phụ trách đồng hành cùng nhóm chăm sóc phục vụ bệnh nhân nhiều năm qua, mình cảm nhận được sự thay đổi cả từ phía người phục vụ lẫn người được phục vụ theo chiều hướng tích cực. Mặt khác, lòng bác ái yêu thương con người dường như được trui rèn sâu sắc hơn qua những cảm nghiệm thực tế, nhất là trong tình huống nhiều người bệnh tâm thần có tinh thần trở nên ổn định hơn khi được chăm sóc...”. Thật đáng mừng cho những mảnh đời bất hạnh!
Chia sẻ về sự hỗ trợ của các đoàn thể thiện nguyện, đặc biệt với những nhóm Công giáo, ông Nguyễn Văn Hải-Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Bệnh nhân Tâm Thần - Thủ Đức, cho biết:“Hiện trung tâm có số bệnh nhân lên đến khoảng gần 1.300 người nhưng chỉ có khoảng 150 cán bộ và nhân viên trực tiếp làm công tác chăm sóc chuyên môn nên việc nhận được sự trợ giúp thêm về cả vật chất lẫn tinh thần nhiều năm qua là một điều vô cùng đáng quý”. Còn bác sĩ Danh Thị Mỹ Dung, cũng là Phó Giám đốc nhận xét: “Qua thánh lễ và việc tiếp xúc với các cha thầy, việc điều trị cho các bệnh nhân tiến triển rất nhiều. Từ những từ đáp thưa, bài kinh hay bài hát trong thánh lễ đã giúp họ khơi gợi lại ký ức và thông qua việc giải tội và thăm hỏi đã giúp bệnh nhân cảm thấy lạc quan, yêu đời vì được chia sẻ và cảm thông”.
Rời trung tâm, một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu - niềm vui của người bất hạnh có lẽ không quá xa vời và bác ái đôi khi cũng thật giản dị!
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.