Cha Ghiđô Maria (Guy Marie) Nguyễn Hồng Giáo, dòng Thánh Phanxicô Việt Nam (OFM), từ biệt cõi thế ngày 6.4.2015, đã để lại tiếc thương cho nhiều người, trong đó có anh em báo CGvDT.
![]() |
Cha đến với CGvDT từ rất sớm. CGvDT ra mắt bạn đọc số đầu tiên tại Việt Nam ngày 10.7.1975, trước đó, từ 1970 – 1975, báo được xuất bản tại Paris – Pháp; đến số thứ 3 đề ngày 24.7.1975, độc giả đã gặp tác giả “Lm Nguyễn Hồng Giáo” với bài “Tin Mừng Chúa nhật”.
Cha xuất hiện trên CGvDT thuở ban sơ cùng với nhiều linh mục tu sĩ quen thuộc với giáo hữu Việt Nam đương thời như các cha Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Vương Đình Bích, Nguyễn Huy Lịch, Thiện Cẩm, Trần Tam Tỉnh, Nguyễn Thiện Toàn, Phan Khắc Từ, Trần Phúc Nhân, Hoàng Sỹ Quý, Trần Xuân Thảo, Nguyễn Văn Trinh; nữ tu Trần Thị Quỳnh Giao (FMM)...
Vào thời điểm đó, có lẽ đối với nhiều người, khi đất nước chuyển sang một giai đoạn lịch sử mới, đây là một chọn lựa không hề dễ dàng! Tuy nhiên, ai quen biết hoặc đã từng tiếp xúc với cha lại nhận ra đây là một biểu lộ tự nhiên của một linh mục thời hậu Công đồng Vaticanô II đã mở ra với thế giới đường hướng canh tân – hòa giải.
Những bài báo đầu tiên của cha trên CGvDT cho nhiều người cảm nhận đây không phải là một “biểu lộ thời cuộc”, mà là bản sắc của một vị tu sĩ dòng Thánh Phanxicô, một trí thức Công giáo có trách nhiệm với Giáo hội và quê hương.
Trách nhiệm này đã thúc đẩy cha, không đứng ngoài lề như một người bàng quan, mà trái lại, nhập cuộc sớm trong một giai đoạn lịch sử của Giáo hội và Đất nước Việt Nam.
Cha nhập cuộc một cách cẩn trọng, điềm tĩnh, suy tư thấu đáo để phân tích, nhận định, đôi khi có những phản biện về các vấn đề của Giáo hội và xã hội. Những tiêu đề các bài báo của cha trên CGvDT giúp hình dung điều này như “Đức tin và thuyết tiến hóa” (CGvDT, số 13), “Vương quyền của Đức Kitô, một quan niệm về vũ trụ” (số 19), “Một khúc quanh lịch sử của Giáo hội” (số 26), “Góp ý về phong trào cầu nguyện” (số 29 – 32), “Thiên Chúa không “thuần túy” nữa” (số 180-182), “Tin Mừng và giải phóng” (số 271), “Đời tu trong vận may của Công Đồng” (số 388 – 390), “Phong trào yêu nước của người Công giáo” (số 431), “Chúng tôi muốn sống hết mình” (số 570), “Về nhu cầu sách tôn giáo” (số 953), “Đạo và đời” (số 651), “Tin Mừng và hội nhập văn hóa” (số 676), “Giáo hội trước tình hình học đường” (số 712), “Nói về việc thờ cúng tổ tiên” (số 883), “Việc huấn luyện tu sĩ của các dòng tu” (số 897), “Tu li bì” (số 937 – 938), “Tết Ta, Tết Tây” (số 944 – 945), “Về đạo đức sinh học” (số 1005), “Người phụ nữ trong Giáo hội” (số 1026), “Giáo hội sau WTO” (số 1586), “Tâm tình với các tân linh mục” (số 1614), “Lòng heo thối hay lương tâm người thối” (số 1856), “Về chuyện quản lý đất nước” (số 1861)...
Ngoài tuần san, cha cũng viết trên nguyệt san CGvDT với nhiều bài khảo cứu chuyên sâu hơn như “Nhân phẩm và nhân quyền” (NS 150), “Một học thuyết kỳ lạ về giới tính” (NS 209)...
CGvDT ghi nhận sự xuất hiện đều đặn của cha từ tháng 7.1975 cho đến năm 2012 với khoảng 350 bài báo trên tuần san và nguyệt san. Số lượng này không chỉ nói lên sự dấn thân trên một chặng đường dài mà còn cho thấy những ưu tư, khắc khoải không ngưng nghỉ của một tu sĩ thuở “tam thập nhi lập” đến thời “thất thập cổ lai hy”.
Ngoài ra, cha còn gắn kết với CGvDT vào những dịp đặc biệt như ấn phẩm kỷ niệm 10 năm giải phóng qua bài báo “Mười năm giải phóng – Cái được và cái mất của người tu sĩ Việt Nam” hoặc trong ấn phẩm kỷ niệm 100 ngày mất của ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình với bài viết từ Bỉ “Ngài vẫn là Ngài”... Chính những bài báo này cho thấy bước đồng hành của cha, ngoài đi theo chiều hướng của Công đồng Vaticanô II, còn là thực hiện một cách trách nhiệm tinh thần Thư chung HĐGMVN 1980.
Có lẽ không ít độc giả CGvDT luôn chờ đợi những bài báo của cha, dù rằng không thể không động não, đôi lúc rất mệt mỏi, về những suy tư, gợi mở của cha - người được nhiều người nhận xét là “sống thật, viết thật”, những ý kiến đồng tình hoặc phản biện nhưng luôn mang tính cách xây dựng chân thành.
Từ nay, CGvDT không còn nhận được những bài báo ký tên “Lm Nguyễn Hồng Giáo” nữa, nhưng dấu ấn trước đó của tác giả này chắc còn lưu lại trong tâm hồn nhiều độc giả hoặc những người lưu tâm tìm hiểu về sau.
Xin thành kính thắp nén hương tưởng niệm cha Ghiđô Maria!
Phạm Ngọc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.