Thứ Ba, 09 Tháng Sáu, 2015 09:44

Ngọn nến hồng giữa miền quê nghèo

 

 

Căn nhà nhỏ nằm trong một con xóm ở phường 7, TP. Trà Vinh của bà  Dương Ngọc Lệ  - mọi người gọi thân mật là Tư Lệ - hơn chục năm qua là nơi người bệnh nghèo trong xóm hay các khu lân cận lui tới thường xuyên. Ban đầu, họ đến tìm bà  lấy thuốc với giá rẻ, sau này gắn bó nhiều hơn vì tình người qua những lần gặp gỡ tại “phòng khám từ thiện”.

Căn nhà nhỏ nơi các bệnh nhân nghèo thường xuyên lui tới

Thay đổi  “chiến lược”

Buổi sáng mà tôi đến gặp bà Tư Lệ, bệnh nhân trong nhà hơi đông. Ngồi chờ trong gian phòng khách được dùng vào việc tiếp đón bệnh nhân, tôi có dịp chứng kiến người phụ nữ này trao cho bệnh nhân không chỉ những viên thuốc chữa bệnh, mà còn cả sự an ủi, lắng lo hiếm gặp.

Trước khi phòng khám tình thương ở xóm nhỏ này ra đời, bà Tư Lệ đã có một khoảng thời gian hoạt động tình nguyện. Năm 1966, bà lên Tây Nguyên dạy bổ túc văn hóa cho những em ban ngày phải quần quật làm việc trên đồi cà phê để có cái ăn và chung tay với các nữ tu trong vùng phụ giúp về y tế. Tiếp xúc nhiều hoàn cảnh khó khăn, bà luôn trăn trở về người nghèo và ao ước có thể đem kiến thức và tấm lòng để giúp đỡ họ. Với sự ủng hộ của các cha dòng Chúa Cứu Thế, bà thi đỗ vào trường đại học Y Khoa Huế. Sau khi ra trường định sẽ quay trở lên Tây Nguyên để phục vụ nhưng vào thời điểm đó, gia đình xảy ra biến cố lớn. Má mất, thương cha chỉ một mình, bà Tư về lại Trà Vinh. Năm 1997, bà mở phòng khám tình thương dành cho người nghèo mang tên vị thánh tử đạo Việt Nam Anrê Dũng Lạc, chọn ngày Phục sinh làm ngày khai trương. Những ấp ủ về cơ hội để lắng lo cho người nghèo đã thành hiện thực.

Ban đầu, phòng khám miễn phí cả khám bệnh lẫn thuốc men. Kinh phí đến từ thùng từ thiện nhà thờ và người quen. Một thời gian sau, thùng từ thiện không đáp ứng đủ nên bà chuyển sang hình thức khám miễn phí và cấp toa. Cách làm này tưởng trôi chảy nhưng qua thời gian lại đụng phải nhiều vướng mắc. Toa bệnh nhân được cấp đem ra ngoài mua có khi không đúng thuốc dẫn đến tình trạng uống không dứt bệnh. Thêm vào đó, giá thuốc mắc, bà con uống vài liều rồi bỏ. Trước tình hình đó, Tư Lệ thay đổi “chiến lược” được áp dụng cho đến nay.

Thời điểm hiện tại, phòng khám từ thiện của bà Tư Lệ chuyên phục vụ cho bệnh nhân nghèo, khuyết tật, người cao tuổi, neo đơn... với tủ thuốc do nhà thờ Trà Vinh hỗ trợ. Trẻ em dưới 14 tuổi, mỗi lần khám mất 6.000đ – 7.000đ, người lớn và trẻ trên 15 tuổi khám mỗi lần là 10.000đ. Bà giải thích: “Lấy phí cho mỗi lần khám và thuốc men như vậy tạo cho bệnh nhân cảm giác tin tưởng vào chất lượng. Họ còn cảm thấy thoải mái hơn, ít mặc cảm hơn vì không phải đi xin của ai”.

Bài toán cộng của niềm vui

Từ khi mở ra hoạt động khám chữa bệnh từ thiện, mười tám năm qua, căn nhà nhỏ của Tư Lệ không lúc nào ngớt người. Số lượng bệnh nhân đến khám chỉ có tăng lên chứ không giảm đi. Lúc phòng khám mới mở cửa, ngày không khám tới chục bệnh nhân. Phần vì người bệnh nghèo còn e ngại, phần thì chưa biết có một nơi như vậy. Dần dần, người được “chữa lành” truyền tai nhau, phòng khám bắt đầu tấp nập người ra kẻ vào. Hiện tại, một ngày có trung bình 80 – 90 lượt bệnh nhân đến khám và lấy thuốc. Chị Kim Thị Búp Pha, một người đến khám bệnh tâm sự: “Cả nhà tui đó giờ đều đến đây khám bệnh và lấy thuốc. Mình làm lao động, cái ăn còn không đủ nên hồi đó mỗi lần bệnh chỉ ra tiệm thuốc tây uống đại mấy liều. May mà có bà Tư”. Anh Huỳnh Văn Phong, ngụ tại Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa kể: “Ngày nào cũng làm việc từ sáng đến chiều, dù mệt nhưng dì Tư vẫn niềm nở, kiên nhẫn với từng bệnh nhân”.

Bệnh nhân không chỉ nhận được từ cô Tư Lệ thuốc men mà còn cả sự quan tâm, lo lắng

Trong tuần, trừ ra ngày Chúa nhật, các ngày còn lại phòng khám đều làm việc, buổi sáng từ 7h - 12h, chiều từ 5h - 7h. Những khi có bệnh nhân đông, giờ giấc lại được linh hoạt, kéo dài ra thêm. Bận rộn là vậy nhưng khi được hỏi, bà cười tươi: “Nhìn thấy những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được khám bệnh và lấy thuốc với giá rẻ mình vui trong lòng lắm. Mong ước được phục vụ cho người nghèo bây giờ có chỗ để thực hiện nên ngày ngày chăm lo sức khỏe cho bà con mà cũng hy vọng mình có được sức khỏe để làm việc dài lâu”.

Bên cạnh việc duy trì phòng khám, suốt nhiều năm qua, bà Tư Lệ còn là người hướng dẫn nghiệp vụ cho các bạn  học ngành Y tại thành phố Trà Vinh. Họ đến từ các huyện của tỉnh, thậm chí có một số người ở Tây nguyên. Số lượng sinh viên ở lại cùng bà có đợt đến 20 người. “Đa số sinh viên gia đình không mấy khá giả. Mình và các em ở với nhau, có gì ăn nấy. Ngày ngày các em học ở trường, khi về nhà, mình hướng dẫn thêm coi như thực tập. Được cái em nào cũng thông minh và ngoan ngoãn”, bà Tư chia sẻ. Những thế hệ sinh viên được bà hướng dẫn, nhiều người nay đã ra trường, trở về địa phương làm nghề hoặc hỗ trợ y tế cho các giáo xứ. Chị Nguyễn Nguyệt Hồng Duyên, hiện đang công tác ở khoa Đông Y bệnh viện Đa khoa Trà Vinh kể lại: “Nhà tôi khó khăn nên từ nhỏ phải nghỉ học, phụ việc linh tinh với gia đình. Năm đó vào nhà thờ giữ em với các dì, được một dì quen biết giới thiệu với dì Tư. Vậy là về ở nhà dì Tư rồi tiếp tục đi học. Tụi mình nhờ sự giúp đỡ của dì Tư, cha sở, các dì mới vượt qua được khó khăn mà có công việc ổn định như bây giờ. Từ cách sống và làm việc của dì, mình vỡ ra rất nhiều điều và quyết tâm đeo đuổi nghề y để phục vụ cho bà con ở quê mình”.

Phòng khám Anrê Dũng Lạc, với bóng dáng một người phụ nữ ngày ngày thầm lặng, cần mẫn, vẫn đang tiếp tục những trang nhật ký nồng ấm tình người... 

Thiên Lý

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác