Ở khu người Hoa Q.5- Chợ Lớn những ngày cuối năm, nhiều con phố lớn nhỏ đã rộn rã bởi hình ảnh những đoàn lân- sư -rồng thi nhau tập luyện hay biểu diễn tài khéo chuẩn bị cho một mùa Xuân mới. Trong những đoàn lân náo nhiệt tiếng trống tiếng xèng ấy, có một đoàn lân đã gắn bó, phục vụ cho những ngày vui chung của giáo xứ, xóm đạo khắp nơi suốt gần 20 năm nay…
CHA CON CÙNG VUN ĐẮP
Phương Tế Đường là tên gọi của đoàn lân-sư-rồng thuộc giáo xứ Phanxicô Xaviê (nhà thờ Cha Tam). Cái tên này xuất phát từ cách phiên âm và đọc trại ra từ chính tên nhà thờ Phanxicô Xaviê-nơi đoàn lân khai sinh. Cha sở Stêphanô Huỳnh Trụ kể lại, việc có đội lân ban đầu xuất phát từ suy nghĩ muốn xây dựng một sân chơi cho giới trẻ trong xứ, để các em gần gũi nhà thờ, đồng thời lưu giữ được nét đẹp văn hóa cổ truyền có nhiều điểm tương đồng giữa hai cộng đồng Việt-Hoa. Từ những suy nghĩ này, vào năm 1995 giáo xứ bắt đầu gầy dựng một đội lân của riêng mình. “Thời đó giữa bạt ngàn đội lân hoành tráng khu Chợ Lớn thì đội lân của giáo xứ thiệt rất nhỏ bé. Tuy nhiên, chỉ một cái trống, hai con lân ban đầu cũng đủ để đám nhỏ vui vẻ kéo nhau vào đội lân nhà thờ. Đáng mừng hơn là các em không phải chỉ vui chơi chốc lát mà có lòng yêu thích thật sự và tham gia tới tận ngày nay…”, cha Trụ nhớ lại. Và cũng từ đó sân nhà thờ thành chỗ luyện tập, thi tài của đoàn lân. Giờ luyện tập của đoàn lân lúc nào cũng phải sắp xếp thiệt khéo và không thể ngày nào cũng luyện vì mỗi tối giáo xứ còn có những giờ kinh nguyện cho giáo dân cũng như các hoạt động của các hội đoàn khác.
Cha Trụ và đoàn lân |
Đã mất công gầy dựng lại sẵn những ưu thế của một khu vực phát triển nghiệp trống-lân, cha Trụ quyết định đầu tư cho đoàn lân thêm đạo cụ, trang phục và “oách” nhất là mời hẳn một sư phụ có kinh nghiệm về hướng dẫn. Từ lúc này từng bộ môn lân-sư-rồng với các kỹ thuật khó, tính chuyên nghiệp mới bắt đầu định hình trong đoàn. Thời kỳ phong độ nhất, đoàn lân có trên 30 thành viên. Mười năm sau, dù không còn sư phụ dẫn dắt, với lòng đam mê cũng như sự đồng hành của giáo xứ, đoàn lân Phương Tế Đường vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Hiện nay đoàn lân có khoảng 20 thành viên chính thức, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau.
Các em ở đội lân trong một buổi biểu diễn |
Thành viên nhỏ nhất mới mười tuổi, còn người lớn nhất đã ngoài ba mươi, tuy vậy đội lân rất khăng khít, gắn bó với nhau. Mặc dù tự tìm tòi luyện tập, người trước chỉ người sau và có những khó khăn về kinh tế, song đoàn lân vẫn đạt được những thành quả đáng khích lệ khi mang về tấm huy chương Bạc, Giải nhì Bảng B, cấp thành phố tháng 12 vừa qua ngay trong lần đầu tiên tham dự. Phương Tế Đường đã là đoàn lân Công giáo đầu tiên tham dự một giải thi đấu do thành phố tổ chức. Ngoài tham gia cuộc thi này, trước đó giáo xứ Phanxicô Xaviê cũng đã nhiều lần đăng cai giải lân-sư-rồng liên xứ để các đoàn lân Công giáo có dịp làm quen, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Đánh giá về thành công của đoàn lân ngày nay, thầy Đaminh Trần Trọng Hiếu-người đồng hành với đoàn lân nhiều năm tự hào chia sẻ: “Vui mừng nhất không phải chỉ ở việc các em mang giải thưởng về mà qua đó thấy được sự gắn kết của các em với nhau, với giáo xứ. Sau nhiều năm, tinh thần ban đầu của đoàn lân khi thành lập với mục đích mang lại niềm vui cho nhau, cho mọi người dựa trên mối gắn kết với xứ đạo vẫn còn được gìn giữ…”. Thầy Hiếu cũng cho biết thêm, không chỉ phục vụ rất nhiệt tình cho giáo xứ mình, các thành viên của Phương Tế Đường còn luôn sẵn sàng đến với các chương trình mà Giáo hội cần tới và cũng luôn hết lòng chỉ dẫn thêm cho những ai muốn học hỏi về nghệ thuật lân-sư-rồng…
Khổ luyện múa trên mai hoa thung |
Duy trì được đoàn lân riêng của giáo xứ trong suốt nhiều năm thật sự là một niềm tự hào không chỉ của các cha, các thầy phụ trách giáo xứ, hay của các thành viên tham gia trong đoàn lân mà còn là niềm vui của bà con giáo dân trong giáo xứ Phanxicô. Bởi đây là một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ để các em gần gũi hơn với nhà thờ, đồng thời là một niềm hân hoan có thể cảm nhận được một cách trực quan nhất khi những ngày vui chung của giáo xứ, của cộng đồng có thêm những hình ảnh vui nhộn, đầy may mắn của những chú lân, sư sống động. Vào những ngày Tết Trung Thu hay Tết Nguyên Đán nhà thờ rộn ràng, thêm vui vì có đoàn lân nhiệt tình biểu diễn.
VÌ NIỀM VUI SẼ ĐƯỢC NHÂN LÊN
Những màn biểu diễn hấp dẫn, đầy kỹ thuật khó của những linh vật luôn làm người xem đã mắt, thán phục. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một quá trình dày công khổ luyện với những ai theo nghiệp lân rồng. Phương Tế Đường cũng không ngoại lệ. Hành trình 20 năm của một đoàn lân dù xuất phát từ một xứ đạo với tinh thần phục vụ riêng vẫn mang linh hồn của nghệ thuật lân-sư-rồng là mang tài nghệ mua vui cho mọi người.
Không coi đây là nghề và thù lao nhận được nhiều khi chỉ có tràng vỗ tay tán thưởng, nhưng mỗi một thành viên ở Phương Tế Đường đều rất nghiêm túc trải qua quá trình rèn luyện. Bắt đầu từ bài học đứng tấn, học đánh trống cho đến khi có thể múa lân, sư, rồng leo cột, nhảy trên mai hoa thung là hành trình rèn luyện tự nguyện của mỗi một thành viên mà chẳng cần ai đốc thúc. Có theo quan sát buổi tập của đoàn lân mới thấy rằng đây là môn nghệ thuật đòi hỏi không chỉ sức khỏe mà còn phải có sự gan dạ và năng khiếu. Vì người biểu diễn phải điều khiển những chiếc đầu lân khá nặng, đồng thời để thêm phần hấp dẫn phải có những màn trình diễn khó như leo cột cao từ 6 đến 10m, hay nhảy trên các cột cao trong màn biểu diễn trên mai hoa thung.
Những giờ tập của đoàn lân trong khuôn viên nhà thờ |
Anh Nguyễn Trường An, trưởng đoàn lân, cũng là người tham gia vào Phương Tế Đường từ những ngày đầu chia sẻ niềm đam mê: “Phải có thời gian dài khổ luyện mới có thể điều khiển lân, sư hay rồng uyển chuyển, có cảm giác chứ không khô cứng. Thực tế dù không chọn đây là nghề nghiệp nhưng những ai đã đam mê tiếng trống múa lân “tùng tùng, cắc cắc” rồi thì không bỏ được và có lẽ cũng không nên bỏ, vì học múa lân cũng là một cách rèn luyện sức khỏe như một môn thể thao lại mang đến niềm vui cho người khác…”. Cũng theo anh An, nhiều bạn trẻ trong giáo xứ tìm đến với đoàn lân cũng vì cảm được những lý do này. “Đặc biệt khi trên lưng áo mỗi thành viên đều có in dòng chữ để mọi người biết đây là đoàn lân sư rồng Công giáo, là một niềm tự hào khích lệ”, anh An chia sẻ thêm.
Giải thưởng đáng khích lệ của đoàn lân trong lần đầu tiên tham gia |
Em Nguyễn Văn Phước -thành viên nhỏ tuổi của đoàn lại có niềm say mê lân-rồng vì: “Mỗi khi cầm đầu lân em có cảm giác vui khó tả. Tiếng trống rộn ràng và các tiết mục múa trong những ngày Xuân, lễ hội... luôn đem đến niền vui, hạnh phúc, bình an cho mọi người. Em thấy mọi người đều vui nên em cũng cảm thấy rất vui khi biểu diễn…”.Vì lý do này mà đã mấy cái Tết liền cậu bé Phước ăn Tết bằng niềm vui trên gương mặt rạng rỡ của bao người tới xem đoàn biểu diễn…
Giống nhiều đoàn lân khác, thời điểm cận Tết là lúc đoàn lân bận rộn nhất vì phải tập luyện và đi diễn nhiều. Nên dù không mang nặng yếu tố kinh doanh nhưng ba ngày Tết hầu như cả đoàn lân lại chẳng có thời gian ăn Tết cùng gia đình như mọi người. Điều lạ là chẳng mấy thành viên trong đoàn tỏ ra buồn vì chuyện này, trái lại còn rất vui vẻ. Khi nói về ba ngày Tết vác theo cờ quạt, trống, xèng…chạy ngược xuôi khắp nơi mắt ai cũng ánh lên một niềm vui. Thành viên trẻ Trương Chí Cường (18 tuổi) chia sẻ: “Hai năm theo đoàn cũng là hai năm em ăn Tết khắp nơi. Em không cảm thấy buồn vì điều này bởi khi mang lại tiếng cười cho người khác em cảm thấy Tết còn vui hơn nữa…”.
Vậy nên, những ngày cuối năm, chuyến xe náo nhiệt tiếng trống lân của giáo xứ Phanxicô Xaviê chở đầy niềm vui vẫn lăn bánh lên đường trước lời mời gọi đây đó…
Tập luyện nhiệt tình, đến với người khác cũng bằng những nhiệt thành tuổi trẻ, đoàn lân Công giáo Phương Tế Đường đã để lại hình ảnh sống động, lung linh những sắc màu mùa xuân thật đẹp như chính những chú lân-sư-rồng.
Minh Hải
Bình luận