Thứ Năm, 04 Tháng Sáu, 2015 14:42

Tết ở Đạ Tông

Mấy ngày này, đi đâu cũng thấy người người, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón tết. Mấy bữa tôi lên Đà Lạt cũng vậy, trong làn gió se lạnh đã nghe thoang thoảng đâu đó mùi bánh chưng nóng hổi trên bếp củi cháy bập bùng. Chợt anh bạn thân cũng là hướng dẫn viên đánh thức trí tò mò: “Lên Đạ Tông để xem người dân tộc M’Nông trên đó đón Tết cổ truyền thế nào, không biết có giống với người dưới miền xuôi? ”... Còn gì tuyệt vời hơn là một chuyến khám phá đầy hứa hẹn. Vậy là cả hai cùng nhau xách ba lô lên và đi

Tết xưa 

Từ Đà Lạt, để lên tới Đạ Tông không xa, chừng 70 km, tuy nhiên đó là đi theo... đường chim bay. Con đường thuận tiện nhất dẫn từ xứ sương mù tới nơi này là trở lại quốc lộ 20, tới ngã ba Liên Khương, từ đó men theo quốc lộ 27. Vậy nên, nếu bắt đầu từ Tòa Giám mục Đà Lạt để lên tới Đạ Tông cũng “ngót nghét” gần 140 cây số, gấp đôi đường... chim bay, trong đó có 80% là đường đèo núi lởm chởm... Ở Đạ Tông, nơi chúng tôi dừng chân là một xóm đạo, giáo xứ Đạ Tông. Ngôi nhà thờ giáo xứ vừa mới khánh thành cách đây hơn năm năm, nằm dưới chân một ngọn núi khá hùng vĩ, với cảnh vật bốn bề như trong bức tranh “sông núi hữu tình”. Ngoài núi, bao quanh giáo xứ còn có con sông Krong K’nô, cùng với hai con suối Đạ Tông và Đarơhố cùng chảy qua. Dacăt Hà Dương, Chủ tịch HĐGX, một người M’Nông nói rằng, con sông con suối này gắn liền với cuộc sống của họ, nước từ suối là nước uống và sinh hoạt, nước sông giúp họ cày bừa, làm lúa, trồng bắp... Trước nay cuộc sống của họ lặng lẽ trôi qua êm đềm như vậy.

Nhà thờ Đạ Tông nơi có đông người M'Nông Gar

M’Nông là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với dân số khoảng 103 nghìn người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung đông nhất ở vùng đất Tây Nguyên. Còn nếu tính riêng trong xứ Đạ Tông thì người M’Nông và số ít các dân tộc khác chiếm đến 98% trong tổng số giáo dân, trong đó chủ yếu là tộc người M’Nông Gar (hiện ở Việt Nam có 16 nhóm người M’Nông), 2% còn lại là người Kinh lên đây bán buôn, trồng cà phê và ở lại định cư. Ông Dacăt Hà Dương nhớ lại, trước đây cuộc sống người dân chỉ quẩn quanh trong các Bon (còn gọi là Buôn, Làng), ít khi được ra ngoài, khái niệm về “Đà Lạt mộng mơ” hay “Sài Gòn phồn hoa” với họ chỉ có trong tâm tưởng... Nhưng giờ đây xã hội phát triển, nhận thức được nâng cao, họ đã học hỏi nhiều cách làm của người dưới miền xuôi để phát triển kinh tế, ngoài việc trồng lúa nước truyền thống, người trong Bon giờ còn biết trồng cà phê. Những người có trách nhiệm trong giáo xứ cùng cộng đoàn dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn nơi đây đã có nhiều chương trình để hỗ trợ người dân phát triển cuộc sống.

Do ngày trước chỉ biết trồng lúa nên Tết của người M’Nông thường tổ chức vào sau vụ mùa, vào tháng 12 dương lịch, gọi là Tết Nhô Rơhi, tức tết mừng lúa về nhà. Vì người M’Nông họ rất quý trọng thóc lúa, coi thóc lúa là những hạt ngọc của Giàng (thần núi, thần rừng) ban phát. Khi lúa đã chất trong kho họ thường làm thịt con gà, con heo và mời người thân, bà con lối xóm đến chung vui. Sau lễ cúng trong gia đình, họ rủ nhau đi từ nhà này sang nhà khác để ăn uống, ca hát, nhảy múa. Ngày Tết của họ thường kéo dài cả tuần lễ.

Mâm cỗ ngày tết của người M'Nông rất đơn giản

Trong mâm cỗ ngày Tết của người M’Nông ở Đạ Tông thường rất đơn giản, không cầu kỳ như nhiều dân tộc khác, chỉ là mâm cơm nếp ăn kèm với thịt. Tuy nhiên, cũng như đại đa số các dân tộc ở Tây Nguyên, mâm cỗ thường không thể thiếu rượu cần, thứ rượu được dùng vào những dịp lễ, Tết quan trọng hay khi tiếp khách quý của gia đình. Rượu do chính tay gia chủ nấu, được làm ra hết sức cầu kỳ và công phu. Rượu thể hiện cho tình đoàn kết, bình đẳng và sự kết nối giữa mọi người với nhau...

Tết nay

“Ngày nay về hình thức thì Tết của người Đạ Tông vẫn không thay đổi nhưng về thời gian thì đã khác”, Dacăt Hà Dương kết luận. Ông cho hay, kể từ khi Đạ Tông được đón nhận Tin Mừng thì nhiều thói quen của bà con trước đây cũng thay đổi theo, họ không còn mê tín, không còn khái niệm về con ma..., thay vào đó họ đặt Chúa là trung tâm cuộc sống, vì thế, ngày Tết cũng được chuyển từ vụ mùa qua dịp lễ lớn của nhà đạo: lễ Giáng Sinh. Giờ đây, với người M’Nông ở Đạ Tông, Giáng sinh là lễ quan trọng nhất trong năm. “Không nhớ rõ từ khi nào, chỉ nhớ không lâu sau khi có Tin mừng đến thì già không chỉ ăn Tết Nhô Rơhi mà còn ăn Tết Giáng sinh !”, bà K’Poh tâm sự.

Về sau, khi kinh tế ngày một khá, việc giao thương buôn bán ngày một nhiều hơn với miền xuôi thì người M’Nông cũng dần “bắt chước” người Kinh, họ tổ chức đón Tết Nguyên đán. Dù không lớn bằng Giáng sinh nhưng qua hằng năm, ngày càng có nhiều gia đình tổ chức ăn uống, vui chơi vào dịp Tết cổ truyền. Dacăt Hà Dương cho biết, nếu như vài năm trước chỉ có chục nhà đón Tết thì giờ đây, cứ 100 gia đình cũng phải hơn nửa là đã ăn Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Tết này vẫn chưa có “bài bản” như Tết Giáng sinh, họ chỉ ăn những bữa cơm nhẹ cùng chút rượu cần, không cúng tổ tiên, không vui chơi linh đình.

Rượu cần, thức uống không thể thiếu của người M'Nông trong ngày tết

Trong mâm cỗ Tết ngày nay của người M’Nông cũng đơn giản như xưa, cơm nếp, thịt và rượu cần. Người M’Nông giờ ăn Tết cũng “xả láng” hơn trước, Tết chính của họ thường kéo dài một tuần, nhiều gia đình khấm khá hơn chút có khi đón tết kéo dài từ Giáng sinh qua tới năm mới. Tết chính của giáo dân Đạ Tông thường vào tối 24 lễ Giáng sinh, được bắt đầu bằng việc tham dự thánh lễ sốt sắng, sau lễ là vui chơi đón Tết. Họ quây quần cùng nhau bên mâm cơm, hàn huyên trò chuyện bên chén rượu cần, sau đó tổ chức văn nghệ theo từng giáo khu, cùng hát, cùng múa nhảy những điệu nhảy cổ truyền trong những bộ đồ truyền thống. Và để tăng thêm vẻ long trọng ngày Tết, mỗi gia đình đều làm một hang đá nhỏ trước ngõ.

Để cùng với giáo dân vui Tết cổ truyền, hằng năm một phần số tiền thu được từ vườn cà phê giáo xứ được cha sở dành vào việc mua heo giết thịt, mừng Tết cho bà con. Thịt heo được chia về các giáo khu, rồi các giáo khu tổ chức nấu nướng và ăn chung với nhau vào ngày Mùng Hai Tết. Hoạt động này đã có từ nhiều năm nay và cha sở hiện tại, linh mục Mathêu Đinh Viết Hoàng, Chánh xứ Đạ Tông, cho biết, dù mới về nhận sở chưa được một năm nay nhưng truyền thống đó hằng năm luôn phải được duy trì. “Vì Tết Nguyên đán là cái Tết cổ truyền của dân tộc ta. Hơn nữa những bữa ăn chung như vậy giúp bà con thêm gắn chặt tình cảm”, cha Hoàng nói. Trong đêm giao thừa vẫn có những thánh lễ đón giao thừa đầy sốt sắng... Ông Chủ tịch HĐGX phấn khởi cho hay, vào ngày mồng 4 Tết sắp tới, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ đến đây thăm, vui Xuân cùng giáo dân. Vùng đất mà trước đây khi còn làm Giám mục Đà Lạt, ĐHY tân cử thường xuyên tới thăm mục vụ.

*

Người dân tộc thường không toan tính, ít lo lắng đến ngày mai, có lẽ vậy nên trong văn hóa ngày Tết của họ thường kéo dài. Họ quan niệm Tết là dịp ăn chơi, hội ngộ sau một năm dài làm lụng vất vả. Đó là truyền thống! Nhưng có một thực tế, việc vui chơi lễ hội lâu dài không khỏi tốn kém, làm cho cuộc sống của họ thêm chật vật hơn, trong khi người dân tộc ở nước ta còn lắm khó khăn, vất vả!.

ĐÌNH QUÝ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác