Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng ba cây số, làng Châu Sơn (xã Cư Êbur) nổi tiếng khắp miền Tây Nguyên với nghề nuôi nai lấy nhung. Dù chỉ là nghề phụ bên cạnh việc bám trụ với rẫy cà phê nhưng với người dân Châu Sơn, con nai trở thành ưu tiên trong đầu tư phát triển đàn vật nuôi do đem lại giá trị kinh tế cao.
![]() |
NỐI TIẾP NGHỀ TỪ TRUYỀN THỐNG QUÊ CŨ
Ðường sá ở làng Châu Sơn vuông vắn như ô bàn cờ, thoáng đãng và yên tĩnh. Nhà thờ của họ đạo Châu Sơn xanh rợp bóng cây nằm ở vị trí gần như trung tâm của ngôi làng càng tô thêm nét thanh bình. Ði một vòng quanh các ngõ xóm, thi thoảng lại bắt gặp mấy tấm bảng nhỏ xíu ghi lại số điện thoại và dòng chữ “có bán nhung nai”. Dấu hiệu nhận biết chỉ có vậy, nên dù là ở ngay khu vực được xem là trung tâm nuôi nai cũng khó lòng biết nhà nào có nuôi hay không. Hầu hết các hộ nuôi đều có sân bãi rộng, và quan trọng hơn là chuồng nai nằm rất sâu phía bên trong ngôi nhà. Lý do là vì con nai có giá trị rất lớn và còn bởi chúng còn là loài cần được chăm sóc kỹ lưỡng nên được “ưu ái” dựng chuồng ở chỗ tốt.
Theo như lời kể của các bô lão, ở vùng đất này, nghề nuôi nai khởi nguồn gần bằng với mốc thời gian hình thành xóm giáo Châu Sơn, tức là từ những năm 1950. Cư dân của giáo xứ Châu Sơn hầu hết là di dân gốc từ Hà Tĩnh. Trong số đó lại có nhiều người đến từ vùng núi Hương Sơn vốn nổi danh có nghề nuôi hươu lấy nhung. Khi đến đất mới, phần vì nhớ nghề, phần vì nuôi hươu, nai đem lại giá trị kinh tế cao và thổ nhưỡng Tây Nguyên rất thích hợp, họ muốn đưa nghề này đến quê mới. Tuy vậy, dù hươu có giá trị hơn, song lại là loài khó kiếm giống và sau này thuộc danh sách cấm nên con nai trở thành lựa chọn hoàn hảo. Cũng có người nhớ chuyện xưa cho rằng ngày trước mấy ông cố Tây hay nuôi nai làm cảnh cho vui cửa vui nhà, bà con cũng từ đó nghĩ đến chuyện gầy dựng đàn nai. Theo cách cũ từ quê cha đất tổ, ban đầu họ nuôi theo kiểu hùn hạp. Từ vài con giống ban đầu mà dần dà thành vùng nuôi nai có tiếng.
![]() |
Nhiều hộ nuôi nai bán các sản phẩm nhưng nai ngâm mật ong, ngâm rượu |
Nghề nuôi nai cứ thế dần trở thành nghề gia truyền ở đây, rồi mở rộng ra chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình. Người làng nối nhau dựng chuồng nuôi nai làm sinh kế, cùng nhau hưng thịnh và cũng cùng nhau đi qua những giai đoạn khó khăn. Con nai giúp bà con nông dân cải thiện đời sống, ngoài ra nuôi nai như cách chơi cảnh và còn cho nguồn phân chăm bón thêm cây trồng. Con nai gắn bó với người làng Châu Sơn đến nỗi sau này của hồi môn của dân trong làng cũng có khi là một, hai con nai. Ngày nay, giá trị một con nai dao động 40 - 60 triệu đồng nên có thể xem đó là một gia sản. Ở làng nai Châu Sơn, nhà nuôi ít thì 2 - 3 con, nhiều có khi lên đến 8 - 10 con, cá biệt có người lập trang trại với đàn nai lên đến vài trăm con. Ước chừng làng nuôi nai hiện có trên 1.000 con. Riêng giá nhung nai tại thời điểm này, theo các hộ nuôi, đang ở mức 70 - 80 triệu đồng/kg.
CHUYỆN Ở LÀNG NAI CHÂU SƠN
Nhung nai không chỉ có giá trị kinh tế cao mà theo sách vở Ðông y còn là một trong bốn loại thuốc quý “sâm, nhung, quế, phụ” dùng để chữa bệnh. Trong khi đó, nai lại vốn là động vật hoang dã không dễ gì chăm sóc, không phải ai cũng có thể nuôi lấy nhung đạt hiệu quả cao. Bí quyết đều là “vốn liếng” lận lưng xuất phát từ kinh nghiệm của những lão nông miền đất đỏ Bazan.
![]() |
Nhung nai cắt lát được sử dụng làm thuốc |
Chúng tôi đến nhà ông Trần Xuân Lam, 60 tuổi, đã có hơn nửa cuộc đời gắn với con nai và được ông dẫn đi “tận mục sở thị” bầy nai đang được ông chăm sóc. Sau nhiều năm lúc thăng lúc trầm, gia đình ông Lam đang có 8 con nai cả đực và cái. Vừa “dụ” chú nai đang trổ cặp sừng nhung - theo ông Lam đánh giá là nhung đã “lên” cỡ trên 1kg - cho khách tận tay rờ thử cảm giác thế nào là sừng nhung, ông vừa kể về nghề. Theo ông, hành trình chăm sóc một chú nai từ những ngày đầu “bỡ ngỡ” cho đến khi “thu hoạch” không hề giản đơn. “Con nai là loài không có mật nên sức đề kháng rất kém, dễ bệnh và chỉ cần bị một cú cắn của bò cạp, rết... là có thể mất mạng. Do đó, nuôi chúng phải vô cùng kỹ càng khâu chuồng trại. Chuồng phải được khử trùng, dọn dẹp thường xuyên. Riêng về việc giúp nai khỏe để cho năng suất nhung tốt thì không chỉ phụ thuộc vào con giống tốt mà còn ở chế độ cho ăn. Cụ thể, dù nai rất dễ ăn, chúng ăn hỗn tạp gì cũng được nhưng mình phải chú ý cho ăn nhiều loại thức ăn phong phú... ”, ông Lam cho biết. Ngoài ra, cũng theo lão nông này bật mí, việc chọn thời điểm cắt nhung cũng cần tính toán vì nếu để nhung lên quá ký, như đến khi 5kg (thường khi đạt đến trên 2kg là người ta bắt đầu cắt nhung), sẽ làm giảm sức con nai, tuổi thọ không bền, giảm năng suất ở những năm sau. Thường một con nai sẽ trải qua hai đợt cắt nhung trong năm nếu sức khỏe tốt. Tuy nhiên cũng có những lúc đã đủ ký cắt, nhưng vào thời điểm không được giá, thì cặp sừng nhung như một khoản tiền bỏ ống, chủ nán thêm thời gian để đợi đến khi thị trường khan hàng hơn...
Anh Trần Trí Ðảo, con trai ông Lam, là thế hệ trẻ nhưng cũng như cha, anh chọn gắn bó với nghề này. Anh Ðảo kể rằng mình nối nghề vì đã quen từ tấm bé khi phụ cha chăm nai và vì dù là nghề phụ song những năm gần đây, khi cây tiêu, điều, cà phê không mang về lợi nhuận cao thì con nai trở nên “thịnh” hơn. Kể về cặp nai của mình, anh Ðảo bảo rằng: “Mỗi con nai ở đây đều phải có giấy tờ như khai sinh vậy. Chăm sóc chúng cũng như chăm bé nhỏ cần cẩn thận, chăm chút... Tôi đang rất mong đợi ngày bán được cặp nhung để có tiền lo vài việc quan trọng”. Dầu vậy, anh Ðảo với ánh mắt lo âu kể thêm với khách về câu chuyện an ninh đang trở thành vấn đề “nóng” của dân nuôi nai. Số là cách đây không lâu, một người bà con của anh đã bị trộm “viếng chuồng nai”. Cặp sừng nhung sắp tới ngày cắt bán bị trộm cắt mất, làm cả làng lo lắng. “Trước đó và sau đó cũng xảy ra những vụ trộm táo bạo như vậy”, anh Ðảo cảm thán. Ðây cũng là lý do chuồng nuôi nai được các hộ dựng sâu bên trong sân nhà. Các hộ nuôi đã đề cao cảnh giác hơn sau những sự việc đáng tiếc như vậy.
![]() |
Người nuôi tăng cường phong phú nhiều loại thức ăn để nai cho ra nhung chất lượng |
Ngoài việc bảo vệ đàn nai an toàn thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm từ nhung nai cũng là bài toán ngày càng khó với người nuôi. Trong hành trình dài hơn 60 năm duy trì nghề nuôi nai ở Châu Sơn cũng có những nốt trầm, lặng, bởi giá nhung, con giống nai tụt giảm. Chị Nguyễn Thị Mai, người đang sở hữu ba con nai đực lấy nhung bày tỏ nỗi buồn lo vì chưa tìm được người mua cặp nhung gần hai ký đang sở hữu: “Nghề nuôi nai lấy nhung chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Thời gian trước ở đây có doanh nghiệp đến tận nơi thu mua nhung nai chế biến sấy khô, ngâm rượu bán cho khách du lịch và đưa ra các tỉnh để làm nguyên liệu thuốc... Nhưng mấy năm nay nghe nói do nhu cầu thị trường giảm nên thương lái cũng ít đến”.
Khó là vậy nên vào thời điểm chật vật, nhiều hộ đành cắt nhung thành lát mỏng trữ đông, sấy khô hoặc chế biến bằng cách ngâm mật ong, ngâm rượu... chờ khách hỏi mua. Họ luôn phải loay hoay khâu tiếp thị, tìm lối ra cho sản phẩm của mình…
Tuy có lúc thịnh lúc suy, song với bà con gắn bó với nghề, mỗi mẩu dài thêm của cặp nhung vẫn là mỗi niềm vui được họ góp nhặt, chăm chút từng ngày.
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.