Phòng truyền thống giáo xứ một nét văn hóa đẹp

Một số xứ đạo đó đây đã xây dựng nhà hoặc phòng truyền thống giáo xứ như một cách giữ gìn và nhắc nhớ dấu ấn tiền nhân, vẻ đẹp họ đạo qua các thời kỳ, cũng như nét văn hóa truyền thống đậm màu địa phương…

Cha Micae Lê Văn Khâm làm phép nhà truyền thống xứ Búng năm 2016

Thường không chiếm nhiều diện tích, hoặc chỉ gói gọn trong một căn phòng nhỏ, nhưng công trình phụ mang tên nhà truyền thống dường như trở thành một điểm nhấn văn hóa với bất kỳ giáo xứ nào khi sở hữu. Có thể kể tên một vài xứ đạo có bề dày lịch sử lâu năm như Xóm Chiếu (TGP TPHCM), Búng (GP Phú Cường), Sóc Trăng (GP Cần Thơ), Kim Long (TGP Huế), Trung Lao (GP Bùi Chu), hay những xứ đạo miền cao đậm nét văn hóa Tây Nguyên thuộc giáo phận Ðà Lạt như Lang Biang, Ka Ðơn...

Bề dày về thời gian dường như là yếu tố thuận lợi để không gian của những căn phòng mang tên nhà truyền thống ở những họ đạo cổ thêm phần phong phú. Chẳng hạn khi đến với giáo xứ Búng, ngoài tượng đài thánh Phêrô Ðoàn Công Quí như một nhắc nhớ về minh chứng đức tin hiên ngang của những người con xứ đạo qua lịch sử, thì nhà truyền thống có thể coi là một dấu ấn đặc biệt. Ðược làm phép và đi vào hoạt động vào ngày 15.5.2016, nhà lợp mái ngói, lát gạch tàu, toàn bộ kiến trúc đều mang màu trầm ấm, nằm trong khuôn viên xanh bóng cây của giáo xứ. Với mong muốn gởi gắm lại những dấu tích của tiền nhân, cha Micae Lê Văn Khâm, chánh xứ Búng trước đây đã xây dựng nên nhà truyền thống. Nơi này đã ghi lại chứng tích cổ xưa là những đồ vật của các giáo sĩ, giáo dân đã sử dụng trong việc phụng thờ, loan báo hồng ân cứu độ, tuyên xưng niềm tin Kitô giáo trong những ngày đầu thành lập. Giáo dân xứ Búng rất yêu quý và trân trọng các vị linh mục, các dì phước đến đây và nghỉ yên trên mảnh đất thân yêu, như cha Antôn Nguyễn Văn Võ (1867-1886), cha Robert Keller (1925-1963), nên lưu lại nhiều tài liệu về các vị. Ngoài ra một số thánh giá cổ, hộp đựng của ăn đàng, hộp dầu thánh, chén thánh, sách Kinh Thánh… cũng được trưng bày trong các ngăn tủ kiếng tiện cho người tham quan chiêm ngắm. Nói về công trình này, nhiều giáo dân không giấu niềm tự hào khi giáo xứ có một minh chứng sống động về lòng yêu mến Chúa từ rất sớm.

Một góc phòng truyền thống giáo xứ Tân Việt lưu giữ hình ảnh các linh mục tiền nhiệm

Tại TGP TPHCM, xứ cổ Xóm Chiếu tương tự cũng dành riêng một căn phòng làm nhà truyền thống. Là nhà thờ cổ và là một trong những địa sở kỳ cựu của địa phận Tây Ðàng Trong, ngoài việc bảo tồn, gìn giữ công trình nhà thờ, tháp chuông, chặng đàng thánh giá, tượng..., họ đạo Xóm Chiếu còn lưu giữ nhiều vết tích của thời gian tại nhà truyền thống. Hiện nơi đây có bàn thờ và nhà tạm của nhà thờ thuở ban đầu; tượng thánh Phêrô cùng một số vật dụng cổ xưa. Bà Phạm Thị Mai, giáo dân Xóm Chiếu, chia sẻ: “Dấu ấn tiền nhân, dấu vết cổ xưa gắn với xứ đạo được lưu giữ là một điều khiến chúng tôi rất quý. Tôi nghĩ người trẻ qua đó có thể thêm hiểu và thêm yêu quý xứ đạo mình hơn nữa”.

Tại giáo phận Ðà Lạt, ở xứ Lang Biang, nhờ các chủ chăn nặng lòng với nét văn hóa bản địa, sau khi các ngài cất công sưu tầm, xây dựng đã có một không gian riêng ngay nhà thờ dành trưng bày hiện vật văn hóa từ gần chục năm qua. Ðược biết, trước khi hoàn thiện nhà truyền thống vào năm 2011, giáo xứ đã lập nên ban Văn hóa với nhiệm vụ bảo tồn và sưu tầm cồng chiêng, chóe rượu cần, đồ thổ cẩm, vật dụng lao động của bà con… Bên cạnh đó là mảng văn hóa phi vật thể như ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, dân ca... Những đồ vật sau khi sưu tầm được trưng bày tại nhà truyền thống, còn văn hóa phi vật thể được lưu lại trong máy tính để có thể in ấn phổ biến về sau. Hàng ngàn hiện vật tại đây gần như mô phỏng đầy đủ về tập quán sinh hoạt của dân tộc bản địa. Linh mục Nguyễn Quý Trung là người đã có công phục dựng được nhà dài để lưu giữ những hiện vật này. Cha đã dành riêng một khoảng không gian để các em thiếu nhi vừa đến học giáo lý, vừa tìm hiểu văn hóa của tổ tiên.

Nhà truyền thống giáo xứ Ka Đơn đậm nét văn hóa địa phương

Giáo xứ Ka Ðơn bên cạnh công trình nhà thờ có kiến trúc độc đáo còn có một gian nhà truyền thống như một bảo tàng văn hóa Tây Nguyên thu nhỏ. Công trình này do linh mục chánh xứ trước kia, cha Giuse Nguyễn Ðức Ngọc, xây dựng ngay khu nhà xứ. Luôn rộng cửa với bất kỳ ai say mê văn hóa Tây Nguyên, nhà truyền thống vượt qua phạm vi của họ đạo. Cha Giuse chia sẻ: “Vì ý thức và yêu quý văn hóa bản địa thôi thúc, nên tôi sưu tầm để giới thiệu văn hóa địa phương gắn với hơi thở nhà đạo nơi miền cao”. Khu nhà rộng chừng 200m2 này được phân thành nhiều gian, mỗi gian trưng bày một bộ sưu tập hiện vật, từ vật dụng làm nông, săn bắt, trang sức, y phục, vật dụng sinh hoạt cho đến không gian lễ hội, các loại nhạc cụ và cả góc bếp của người Churu... Tất cả đều được chú thích bằng tiếng Việt và tiếng Churu.

Không có lợi thế về bề dày lịch sử, hoặc chưa có điều kiện sưu tầm, một số phòng truyền thống của giáo xứ chọn cách trưng bày một cách có hệ thống thông qua các cây sơ đồ về các linh mục gắn với giáo xứ, về tiền nhân có dấu ấn đậm nét với họ đạo cũng như hình ảnh, tư liệu về các sự kiện quan trọng của xứ nhà. Như phòng truyền thống ở giáo xứ Tân Việt (hạt Tân Sơn Nhì) khánh thành vào cuối năm 2016. Có thể bắt gặp ở căn phòng này rất nhiều hình ảnh hoạt động, các đoàn thể, hội nhóm, giáo họ, sổ vàng dịp Kim Khánh giáo xứ... Hình ảnh các mục tử gắn bó với giáo xứ cũng được sắp xếp, trưng bày trang trọng. Ðặc biệt là tượng linh mục chánh xứ tiên khởi, cha Ðaminh Vũ Ðức Triêm, được đặt giữa gian phòng, bày tỏ lòng biết ơn của giáo dân Tân Việt với ngài. Một số món đồ cổ như bình, lọ cũng góp thêm phần phong phú cho không gian truyền thống này. Tương tự, họ đạo Sóc Trăng (GP Cần Thơ), Kim Long (TGP Huế) cũng được sắp xếp tô đậm hình ảnh, lịch sử, kỷ vật gắn với chặng đường phát triển. Ðồng thời những phòng truyền thống này còn có thêm các công năng khác như hội họp, học giáo lý...

Nhiều món đồ cổ xưa gắn bó với xứ đạo được trưng bày tại nhà truyền thống xứ Búng

Có thể nói, dù có quy mô tổ chức, cách thức xây dựng khác nhau, song sự hiện diện của những căn nhà, phòng truyền thống ở các xứ đạo ít nhiều góp phần lan tỏa sự yêu quý, trân trọng các giá trị văn hóa tinh thần trong nếp sống đạo vốn đã quen thuộc.

Minh Minh

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc kỳ họp thường niên lần 1/2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc kỳ họp thường niên lần 1/2024
Sau khi gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh tại văn phòng HĐGMVN, chiều ngày 14.4.2024, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 29 Đức cha của 27 giáo phận đã quy tụ về Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long...
Thánh lễ do Đức TGM Ngoại Trưởng Tòa Thánh chủ sự tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Thánh lễ do Đức TGM Ngoại Trưởng Tòa Thánh chủ sự tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn vào chiều ngày 13.4.2024.
Không chỉ đồng hành với người Công giáo, Tòa Thánh còn muốn đồng hành với dân tộc Việt Nam...
Không chỉ đồng hành với người Công giáo, Tòa Thánh còn muốn đồng hành với dân tộc Việt Nam...
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho giảng lễ.
Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc kỳ họp thường niên lần 1/2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc kỳ họp thường niên lần 1/2024
Sau khi gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh tại văn phòng HĐGMVN, chiều ngày 14.4.2024, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 29 Đức cha của 27 giáo phận đã quy tụ về Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long...
Thánh lễ do Đức TGM Ngoại Trưởng Tòa Thánh chủ sự tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Thánh lễ do Đức TGM Ngoại Trưởng Tòa Thánh chủ sự tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn vào chiều ngày 13.4.2024.
Không chỉ đồng hành với người Công giáo, Tòa Thánh còn muốn đồng hành với dân tộc Việt Nam...
Không chỉ đồng hành với người Công giáo, Tòa Thánh còn muốn đồng hành với dân tộc Việt Nam...
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho giảng lễ.
Đức TGM Ngoại trưởng Vatican: “… Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự mong muốn và ý định thực hiện chuyến thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp…”
Đức TGM Ngoại trưởng Vatican: “… Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự mong muốn và ý định thực hiện chuyến thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp…”
Đức TGM Ngoại trưởng Vatican: “… Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự mong muốn và ý định thực hiện chuyến thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp…”
Đức TGM Paul Richard Gallagher thăm nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn
Đức TGM Paul Richard Gallagher thăm nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn
Chiều ngày 13.4.2024, Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh đã thăm nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn. Tại đây, ngài đã nghe giới thiệu khái quát về cuộc đại trùng tu ngôi nhà thờ.
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đến văn phòng HĐGMVN
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đến văn phòng HĐGMVN
Lúc 14 giờ ngày 13.4, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher - Ngoại trưởng Tòa Thánh đã đến văn phòng HĐGMVN.
Ngoại trưởng Tòa Thánh đến văn phòng HĐGMVN, bắt đầu thăm Tổng Giáo phận TPHCM
Ngoại trưởng Tòa Thánh đến văn phòng HĐGMVN, bắt đầu thăm Tổng Giáo phận TPHCM
Rời sân bay Tân Sơn Nhất, lúc 14 giờ ngày 13.4, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher - Ngoại trưởng Tòa Thánh đã đến văn phòng HĐGMVN
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher bắt đầu thăm Tổng Giáo phận TPHCM
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher bắt đầu thăm Tổng Giáo phận TPHCM
Lúc 13 giờ 19 phút, ngày 13.4.2024, chuyến bay số hiệu VN 119 của hãng hàng không Vietnam Airlines, chở Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher - Ngoại trưởng Tòa Thánh đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM.
Đức TGM Paul Richard Gallagher thăm Đại Chủng viện Huế
Đức TGM Paul Richard Gallagher thăm Đại Chủng viện Huế
Tối 11.4.2024, Đức TGM Paul Richard Gallagher đã dẫn đầu phái đoàn viếng thăm Đại Chủng viện Huế.