Thứ Năm, 04 Tháng Ba, 2021 14:28

Sống Mùa Chay Thánh

 

Chuẩn bị tâm hồn thanh sạch, chuyên chăm nguyện cầu, hãm mình, bác ái, yêu thương… là những phương cách sống Mùa Chay một cách cụ thể của cộng đoàn Dân Chúa.

 

CANH TÂN ÐỜI SỐNG GIA ÐÌNH

Linh mục Ðaminh Trần Công Hiển (Chánh xứ Võ Dõng, giáo phận Xuân Lộc): Trong thư mục vụ Mùa Chay năm nay, Ðức Giám mục chủ chăn mời gọi các gia đình hãy trở thành mái ấm của Lòng Chúa Thương Xót. Ðể hiện thực hóa thông điệp ấy, tôi khuyến khích anh chị em giáo dân hãy mở lòng ra với tha nhân, bằng tình yêu thương, lòng bác ái, ủi an những người đau khổ và đỡ nâng người cần giúp đỡ. Trong những ngày sắp tới, tôi cùng với các thành viên trong hội Legio Mariae tiếp tục đến thăm các gia đình “chưa ấm” (các gia đình ly dị, ly thân, bất hòa, đau khổ vì con cái…), để an ủi, sẻ chia, hòa giải, nguyện cầu và đồng hành giúp họ vượt qua những khó khăn hiện hữu trong khả năng có thể. Ðặc biệt, năm 2021 là Năm Thánh Giuse, và ngài cũng là vị thánh bảo trợ các gia đình, nên tôi đã xin phép Ðức Giám mục chủ chăn và đã được ngài chấp thuận cho phép giáo xứ khai mạc chương trình Kính Thánh Giuse tại các gia đình, bắt đầu bằng nghi thức làm phép 38 kiệu ảnh thánh Giuse sau thánh lễ chiều ngày 24.2 tại nhà thờ giáo xứ. Sau nghi thức trang trọng, 38 nhóm giáo dân đã rước kiệu ảnh về các khu xóm, và khởi đầu tổ chức buổi đọc kinh liên gia đầu tiên. Bên cạnh việc chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện tôn kính ngài, tôi cũng mời gọi các gia đình noi gương Thánh Cả bằng cách chu toàn bổn phận của người làm cha mẹ, người làm con cái trong gia đình; thông cảm, chia sẻ với nhau mọi công việc trong cuộc sống hằng ngày, ngõ hầu góp phần thăng tiến đời sống tín hữu trong ơn gọi hôn nhân mỗi ngày một hơn.

 

CHUẨN BỊ TÂM HỒN ÐÓN CHÚA PHỤC SINH

Ông Ðaminh Vũ Hữu Ðức (Giáo xứ Ðạm B’Ri, giáo phận Ðà Lạt): Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tôi may mắn được trở thành cầu nối để chuyển tải những ý lễ từ vùng dịch (nơi thánh lễ cộng đoàn bị tạm ngưng cử hành) đến các linh mục ở vùng nông thôn xa xôi. Cư ngụ ở địa phương không bị dịch, tôi cảm nhận đây là điều may mắn, vì được cùng cộng đoàn giáo xứ tham dự tĩnh tâm, lãnh nhận Bí tích Hòa giải, tham gia nguyện ngắm đi Ðàng Thánh giá để chờ đón niềm vui ngày Chúa sống lại. Biết mình được diễm phúc, cha xứ và giáo xứ chúng tôi cũng không quên cầu nguyện cho những nơi bị dịch bệnh hoành hành sớm được khắc phục, đời sống đạo đức cũng như đời sống xã hội sớm “phục sinh”, để mọi người, mọi nhà được sống trong năm mới an bình, hạnh phúc.

 

LÀM MỚI ÐỜI SỐNG TÍN HỮU

Nữ tu Gratia Ðỗ Thị Thanh Sương (Dòng Con Ðức Mẹ Cần Thơ): Cũng như giáo dân, giới nữ tu khởi sự Mùa Chay theo lời mời gọi của Ðức Giám mục chủ chăn giáo phận, bằng việc ăn chay, làm việc bác ái, ăn năn đền tội, giúp đỡ người nghèo... Cụ thể, tôi cùng các chị em ăn chay và đi Ðàng Thánh giá vào mỗi ngày thứ Sáu trong tuần; hãm mình tiết độ, không xem các chương trình giải trí trên truyền hình; tổ chức giờ kinh cầu nguyện cộng đoàn nhiều hơn vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối và giờ lần chuỗi lúc 13g30, giờ cầu nguyện riêng mỗi ngày. Thông qua việc tiết chế ăn uống, các chị em dành kinh phí nấu hơn 100 phần cơm để trao tặng người nghèo, người neo đơn vào các ngày thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm các tuần trong Mùa Chay. Cùng với sự giúp sức của một số giáo dân thiện nguyện, công việc này đã được duy trì trong nhiều năm qua và đến nay vẫn được tiếp tục, để có thể phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mỗi Mùa Chay, tôi cảm nghiệm là dịp để người tín hữu nhìn lại những ngày tháng qua và canh tân đời sống, nhằm lan tỏa tình yêu Thiên Chúa Phục Sinh đến với tha nhân và với chính mình.

 

YÊU THƯƠNG TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ BÉ

Bà Maria Trần Bạch Huệ (Giáo xứ Nam Hòa, TGP TPHCM): Ở tuổi 86, ngoài việc dự lễ trực tuyến, tôi không làm được gì ngoài việc ở nhà lần chuỗi tôn kính Ðức Mẹ, cầu nguyện cho các linh hồn và khẩn xin cho cơn đại dịch mau chấm dứt, đất nước có đủ vắc xin giúp người dân phòng bệnh một cách hiệu quả nhất. Hầu hết con cái của tôi đang sống ở Mỹ, nơi đại dịch còn rất nặng nề, nên tôi cũng thường xuyên khuyên nhủ các con cháu biết phó thác trông cậy ơn Chúa, chuyên chăm làm việc bổn phận mỗi ngày, tuân thủ các biện pháp phòng dịch để có thể tránh những nguy cơ nhiễm bệnh trong môi trường làm việc, học hành. Mùa dịch cũng là lúc người nghèo gặp khó hơn lúc bình thường, nên tôi thường ngồi trước cửa nhà, chờ những người khuyết tật, người bán vé số, lượm ve chai đi qua để chia sẻ chút ít cho họ. Tôi cho rằng việc thực hành bác ái Mùa Chay có thể làm bằng nhiều cách tùy theo khả năng mỗi người, nhưng cho dù chỉ là việc nhỏ bé thì cũng nên làm, để đem chút niềm vui đến với những người phận nhỏ.

 

GIAO HÒA VỚI CHÚA VÀ VỚI THA NHÂN

Chị Maria Trần Thị Út Hiền (Giáo xứ Gò Vấp, TGP TPHCM): Có thể nói cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền là một trong những nguyên nhân khiến đời sống đạo đức của một số người, trong đó có người trẻ dễ bị xao lãng. Nhịp sống bận rộn cũng là lý do khiến người ta dần xa Chúa, không còn ưu tiên thời gian đến nhà thờ, thậm chí có người bỏ cả lễ ngày Chúa nhật, hoặc không đến tòa cáo giải trong một thời gian dài. Cùng đích của Mùa Chay là cơ hội giúp người tín hữu ăn năn, sám hối để trở về với Chúa; là dịp hòa giải những bất hòa, khoan dung với tha nhân, dốc lòng chừa những lỗi phạm đến người khác. Mọi nỗ lực cũng là để sửa mình trở nên tốt hơn trong mối tương quan với Thiên Chúa; trong mối tương giao xã hội với những người xung quanh, với người thân, với đồng nghiệp, với những người có dịp gặp gỡ hằng ngày. Khi đã ý thức Mùa Chay là khơi nguồn cho lối sống tích cực, tôi cho rằng bản thân mỗi người cần phải cố gắng nhiều hơn để làm mới cuộc sống của chính mình, đừng để Mùa Chay Thánh trôi qua trong phí hoài, vô nghĩa.

Trong sứ điệp Mùa Chay 2021, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh:“Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức Tin chân thành, đức Cậy sống động và đức Ái tích cực”.

 

Bích Vân thực hiện

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm