Thứ Bảy, 18 Tháng Ba, 2023 15:00

Sống tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ

 

Trong sinh hoạt hằng ngày vẫn thường có những sai trái xảy ra liên quan đến cá nhân hoặc số đông. Có những sai trái nhỏ lẻ ít ảnh hưởng đến dư luận quần chúng. Nhưng cũng có những sai trái lớn có ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến dư luận quần chúng, ai ai cũng xì xầm hoặc bàn tán công khai. Lại có những sai trái bất ngờ hoặc không ngờ, bởi lẽ cứ sự thường ở cấp bậc ấy, chức vụ ấy, con người ấy thì làm sao có chuyện bê bối hoặc sai trái được. Ấy thế mà vẫn cứ xảy ra, khiến ai cũng sững sờ hoặc nuối tiếc! Và sự thật vẫn là sự thật, cho dù có tìm mọi cách để thanh minh thanh nga hoặc chạy tội bằng nhiều phương thế, nhiều cách vẫn không thoát.

Khi Chúa Giêsu Kitô khởi sự ba năm hoạt động công khai ở trần gian, Chúa đã nhận ra cái khó đầu tiên của cuộc sống con người, nên Chúa muốn khởi đầu bằng bài học ăn chay cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và sống lành thánh. Chúa không chỉ dùng lời giảng dạy suông, mà đích thân Ngài ăn chay cầu nguyện để rồi mạnh mẽ đối phó với các mưu chước cám dỗ dù có dàn dựng rất bài bản tinh xảo.

Vì vậy, những người tín hữu theo Chúa cần chuẩn bị các phương thức Chúa đã dạy và đã nêu gương, để trực tiếp áp dụng vào thực hành.


ĐỐI PHÓ VỚI CÁC CHƯỚC CÁM DỖ CỦA MA QUỶ

Trong các chước cám dỗ, các chước ma quỷ rất nhiều và đa dạng, đồng thời cũng rất tinh vi. Ma quỷ (deamonium / diable / demon) theo Thánh Kinh và Truyền thống của Hội Thánh coi hữu thể này là một thiên thần sa ngã gọi là satan hay ma quỷ. Hội Thánh dạy rằng thoạt đầu là một thiên thần tốt lành do Thiên Chúa tạo dựng. Chắc chắn ma quỷ và các thần dữ khác được Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành theo bản tính, nhưng chính chúng đã làm cho mình nên ác xấu.

Thánh Kinh có nói tội của các thiên thần này. Sự sa ngã đó cốt tại một lựa chọn tự do của các thụ tạo thiêng liêng này, họ chối bỏ Thiên Chúa và Nước của Ngài một cách triệt để và không thể thay đổi. Chúng ta thấy được sự phản ảnh của cuộc nổi loạn này, trong những lời Tên Cám Dỗ nói với các nguyên tổ chúng ta: “Các ngươi sẽ trở nên như Thiên Chúa” (St 3,5).

Trong thư gởi giáo đoàn Êphêxô, thánh Phaolô đã hướng dẫn các tín hữu phương thức ứng phó với việc chiến đấu thiêng liêng này. Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy lấy toàn bộ binh giáp và vũ khí của Thiên Chúa, như thể anh em có thể vận dụng toàn lực đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6,10-13).

Thánh Phaolô còn dạy: “Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó, anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa!” (Ep 6,14-17).

Giáo lý Hội Thánh hướng dẫn về cuộc chiến đấu chống trả các chước cám dỗ của ma quỷ: “Toàn bộ lịch sử nhân loại là lịch sử của cuộc chiến cam go chống lại quyền lực của sự dữ, khởi đầu ngay từ lúc bình minh của lịch sử và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như Chúa phán. Nằm giữa cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với điều thiện hảo và chỉ sau khi hết sức cố gắng và với sự trợ giúp của ơn Chúa, con người mới đạt được sự thống nhất nội tâm” (GLHTCG 409).


ĐỐI PHÓ VỚI CÁC CHƯỚC CÁM DỖ CỦA THẾ GIAN

Từ  ngữ thế giới (mundus / monde / world) có nhiều nghĩa và cách dùng khác nhau. Ở đây chỉ trình bày ý nghĩa liên quan đến thế gian hay trần gian. Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo thì “Theo quyền năng vô biên của Ngài, Thiên Chúa luôn có thể tạo dựng được một thế giới tốt hơn. Nhưng trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã tự ý muốn dựng nên một trần gian trong tình trạng lên đường hướng về sự hoàn hảo của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, quá trình này gồm có việc những vật này sẽ xuất hiện và những vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Như vậy, cùng với sự tốt lành thể lý cũng có sự dữ thể lý, bao lâu công trình tạo dựng chưa đạt tới mức hoàn hảo của nó”.

“Các thiên thần và các con người là những thụ tạo thông minh và tự do, phải tiến về mục đích tối hậu của mình, nhờ sự lựa chọn tự do và yêu mến điều gì là ưu tiên. Vì vậy, họ có thể đi lạc hướng. Trong thực tế, họ đã phạm tội. Như vậy, sự dữ luân lý vô cùng nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý, đã xâm nhập vào trần gian. Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ luân lý. Tuy nhiên, Ngài cho phép điều đó, vì tôn trọng sự tự do của thụ tạo của Ngài, và một cách bí nhiệm, Ngài biết từ sự dữ dẫn đưa tới điều thiện hảo” (GLHTCG 310 - 311).

Sự hướng dẫn của Hội Thánh giúp ý thức về sự sai phạm của thiên thần và của loài người. Trong thực tế của cuộc sống, con người vừa có thể giúp nhau nên tốt mà cũng có thể kéo nhau làm điều xấu. Việc khuyến khích nhau làm điều thiện cũng nhiều, nhưng việc lôi kéo nhau làm điều ác cũng không hiếm, thường gọi là sự cám dỗ của thế gian. Lại còn các tình trạng như lọc lừa, gian tham, gian dối, phỉnh gạt, kể cả tìm những thủ đoạn sát phạt nhau, hạ bệ nhau trong thế gian, các chước cám dỗ về quyền, về tiền, về tình xảy ra hình như cơm bữa.


ĐỐI PHÓ VỚI CÁC CHƯỚC CÁM DỖ CỦA DỤC VỌNG

Dục vọng (concupiscentia / concupiscence / concupiscense) là một hình thức ước muốn của con người, nhất là ham muốn của giác quan, đi ngược với lý trí. Giáo lý Hội Thánh giải thích từ này và cho biết: “Thánh Phaolô so sánh nó với sự nổi loạn của “xác thịt “chống lại “tinh thần”. Dục vọng xuất phát từ sự bất tuân của tội đầu tiên. Nó làm hỗn loạn các năng lực luân lý con người và, dù tự nó không phải là tội, nhưng nó hướng con người đến chỗ phạm tội” (GLHTCG 2515).

Đối với người tín hữu, sự ý thức về dục vọng là tối cần thiết để giúp sống xứng đáng, sống vững. Mặc dù đã nhận Phép Rửa, người tín hữu còn phải biết cảnh giác về những cám dỗ tự thân, là những cám dỗ xuất phát tự chính bản thân, quen gọi là những cám dỗ về xác thịt. Phần hướng dẫn của giáo lý sau đây thật là cần thiết:

“Nhờ phép Rửa Tội, tất cả mọi tội lỗi đều được tha: tội tổ tông và tất cả các tội cá nhân, cũng như tất cả các hình phạt do tội. Thật vậy, nơi những người đã được tái sinh, không gì ngăn cản họ bước vào Nước Thiên Chúa, dù là tội của ông Ađam, dù là tội của bản thân, dù là những hậu quả của tội, mà hậu quả quan trọng nhất là phải xa lìa Thiên Chúa”.

“Tuy nhiên, một số hậu quả tạm thời của tội vẫn còn tồn tại nơi người đã chịu Phép Rửa, như đau khổ, bệnh tật, sự chết hoặc những mỏng dòn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối,… hoặc cả sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống gọi là DỤC VỌNG (Concupiscentia), hay nói cách ẩn dụ là “bùi dùi nhóm lửa” của tội (fomes peccati): dục vọng, được để lại để chúng ta chiến đấu, không có khả năng làm hại những ai không chiều theo nó mà mạnh mẽ chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô. Hơn nữa, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ”. (2Tm 2,5) (GLHTCG 1263 - 1264)

 

* * *

Khi cầu nguyện tại vườn Cây Dầu chuẩn bị hiến mình hầu cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41).

Khi hướng dẫn các môn đệ về Ngày Cánh chung, Chúa Giêsu cũng đã bảo: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều đang xảy ra và đứng vũng trước mặt con Người” (Lc 21,36).

Trong cuộc sống hằng ngày, bài học tỉnh thức và cầu nguyện luôn cần cho người tín hữu, để có thể khỏi sa các chước cám dỗ, hầu giữ được sự trong sạch, là điều kiện để được nhìn thấy Thiên Chúa, tức được hưởng hạnh phúc trên Quê Trời (x. Mt 5,8).

 

Mt Từ Linh

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm