Thứ Tư, 07 Tháng Chín, 2016 10:56

Suy gẫm về thánh lễ (P4)

Giảng Đài

Lạy Chúa Giêsu, một số người có thể thắc mắc: suy niệm gì về giảng đài đây. Phải chăng giảng đài không phải là một vật dụng trong cung thánh, là một loại bục hay một cái giá để Sách Thánh rồi tác viên phụng vụ công bố Lời Chúa ở đó sao? Phải, có một bàn thờ dùng cho hy tế và bữa tiệc, nên cũng phải có một bàn cho Lời Chúa? Lạy Chúa, trước khi ăn bữa tiệc ly với các môn đệ và trước khi đi đến núi cây dầu, Chúa đã dành những ba năm để rao giảng lời.    

Lời và bữa tiệc, lời và hy tế: những lời này giống như sự tóm tắt diễn từ Thánh Thể. Lời của Chúa dẫn con đến với nghi thức bẻ bánh và hiệp lễ. Giảng đài dẫn con đến với bàn tiệc của Chúa.

Một số giảng đài thực sự là tác phẩm nghệ thuật; chúng lôi kéo sự chú ý của con chỉ sau bàn thờ. Con biết Giáo hội mong muốn giảng đài dành để công bố Lời Chúa, cho nên được thiết kế phù hợp với cung thánh và toàn bộ kiến trúc của nhà thờ, nhất là có chất liệu và kiểu dáng mẫu mã gần sát hoặc giống như bàn thờ. Con vẫn nhìn thấy những giảng đài như thế. Con cho rằng mối liên hệ này không phải do ngẫu nhiên nhưng do tín hữu chủ tâm thực hiện. Không may, một số giảng đài vừa không đẹp vừa rất tầm thường. Chúng như một thứ nội thất nhà thờ khó coi mà sự thô mộc của chúng càng lộ ra nhiều hơn khi tương phản với bàn thờ được làm từ chất liệu quý giá và được điểm tô hào phóng. Lạy Chúa, con biết rằng, tất nhiên, điều này không nói lên sự thiếu kính trọng đối với Lời Chúa.

Khi nhìn vào giảng đài, tâm tình nào vụt lên trong tâm trí con? Theo cách thức riêng, giảng đài nhắc nhớ con về một khoảnh khắc Chúa đã mặc lấy xác phàm và sống giữa thế giới vật chất này. Thế giới đã trở nên giảng đài cho Chúa rao giảng về Chúa Cha, về sự tha thứ, về công bình và yêu thương. Bất cứ nơi nào có một khoảng trống cho dân chúng quy tụ, Chúa liền hiện diện ở đó để công bố lời Ngài. Tại tư gia, quanh các đường phố, trên các ngọn đồi, bên bờ hồ, trong hội đường và đền thờ: lạy Chúa, tất cả những nơi này đều là giảng đài để Chúa nói lời tha thứ, chữa lành, ủi an và bảo vệ kẻ yếu đuối, cô thế cô thân.   

Con không quên nhà tiệc ly. Ký ức về phòng tiệc ly cũng được thắp lên bởi giảng đài. Chính nơi đây, Chúa đã có diễn từ cuối cùng về điều răn yêu thương: các con hãy yêu mến nhau như thầy đã yêu mến các con. Diễn từ này tóm tắt tất cả những gì Chúa đã loan báo cho thế gian. Con mong ước rằng diễn từ yêu thương cũng tóm lược tất cả những gì chúng con được nghe từ giảng đài khi Lời Chúa được công bố ở đây, được giải thích qua các bài giảng, và được đáp lại bằng Lời nguyện Tín hữu.  

Cuối cùng, giảng đài nhắc nhớ con về thánh giá được cắm trồng nơi đồi Canvê. Lạy Chúa, đây là nơi giảng dạy mà từ đó kinh nguyện của Chúa được dâng lên Chúa Cha, lời hứa thứ tha của Chúa, cũng như những lời ủi an của Chúa dành cho Đức Mẹ được vang dội trong toàn thể vũ trụ. “Lạy Cha, xin tha cho họ... Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta...; Thưa bà, này là con bà; này là mẹ của con ...Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.

Lạy Chúa Giêsu, khi ngắm nhìn giảng đài một cách thành kính, xin để cho những lời kinh hoàng rung lên trong trí con. Khi những lời thần linh được công bố, xin để Lời Chúa thấm đậm vào hữu thể con. Khi con lắng nghe bài giảng, cho phép con lãnh hội được thật nhiều những lời từ vị giảng thuyết để chúng thẩm thấu vào tâm hồn, giúp con có thể đón lấy sứ điệp Chúa đã loan báo trên các ngọn đồi và bên bờ hồ, tại nhà tiệc ly và trên núi Canvê. Khi con hiệp chung tâm tình với Lời nguyện Tín hữu của Giáo Hội, ước gì lòng con được đổ đầy tình yêu của Lời Chúa.

Chúng Con Hát Lễ

Lạy Chúa Giêsu, sau bữa tối cuối cùng, Chúa đã hát thánh vịnh với các môn đệ trước khi đi đến núi cây dầu. Đây có phải là bài thánh thi kết thúc bữa ăn trọng thể không, hay là bài tụng ca để chuẩn bị tâm trạng của Chúa trước sự việc quan trọng sắp xảy đến: đó là những cú đòn hãi hùng sẽ giáng xuống thân xác Chúa và Chúa sẽ bị người ta lôi đi đóng đinh vào thập giá? Con đọc thấy rằng Chúa “đã mang vào nơi lưu đày trần gian này một bài thánh ca đã được hát lên suốt mọi thời đại nơi “tiền đình Nhà Chúa” và Chúa đã hoàn toàn hòa nhập vào với cộng đồng nhân loại, kết giao với nhân loại bằng việc chính Chúa đã cất lên ca vịnh chúc tụng này.

Lạy Chúa, con tin rằng Chúa thích ca hát. Chắc chắn Chúa đã hát ca mỗi lần hành hương lên Giêrusalem. Chúa đã hòa nhập với nhóm khách khứa trong đám cưới ở Cana khi người ta đang hát vang lời chúc phúc cho đôi tân hôn. Bữa tối cuối cùng cũng đã kết thúc bằng việc thầy trò hát thánh vịnh. Giờ đây, trên thiên quốc, Chúa cũng hát ca vịnh ngợi khen. Thật hạnh phúc biết bao khi biết rằng Chúa đã cho phép chúng con được hòa chung lời ca tiếng hát với Chúa, Chúa đã liên kết chúng con với bài thánh ca trên trời trước ngai đấng tối cao. Con thật kinh ngạc trước lòng nhân từ rộng lượng của Chúa.

Trong thánh lễ, chúng con tái diễn bữa tiệc ly của Chúa và gợi lại biến cố Chúa chịu chết và sống lại. Theo gương của Chúa, chúng con cử hành mầu nhiệm cứu độ cao cả trong hoan ca. Lời ca tiếng hát đánh động vào chính tình cảm của chúng con là những người được Chúa quy tụ như một dòng giống được tuyển chọn, như hàng tư tư tế vương giả, như một dân thánh, dân riêng của Chúa, dân đã được đặt để riêng ra trong thời gian và không gian này nhằm công bố những kỳ công của Chúa. Bài ca nhập lễ làm nhiệm vụ đó. Các bài thánh ca lúc chuẩn bị lễ vật và  lúc hiệp lễ cũng như vậy.    

Nhưng lạy Chúa, chắc chắn rằng cũng thật là thích đáng nếu như những phần khác trong thánh lễ cũng được diễn ra trong âm nhạc. Con đặc biệt nghĩ đến những lời chào của chủ tế, lời tổng nguyện, Halleluia, kinh tiền tụng, kinh Sanctus (Thánh, chí thánh, chí thánh), những lời truyền phép, vinh tụng ca và Amen long trọng, kinh Lạy Cha, và kinh Chiên Thiên Chúa. Ca hát làm cho những lời nguyện thêm phần hân hoan và long trọng cũng như hướng lòng trí chúng con lên thực tại trời cao đang mở ra trước mắt chúng con.

Bài hát của chúng con âm vang thánh ca được trình tấu trên trời. Đôi lúc âm vang ấy yếu ớt và nghẹt tiếng, đòi hỏi đôi tai đức tin của chúng con phải lắng nghe một cách chăm chú hầu có thể nhận ra những âm thanh từ trời. Nhưng khi chúng con đã làm hết sức mình để làm cho âm nhạc thành ra ngôn ngữ của tâm hồn chúng con trong kinh nguyện, con ước mong tưởng tượng ra rằng Chúa đang mỉm cười một cách mãn nguyện với đoàn con ngay cả đôi khi có những nốt nhạc đi lạc mất tông.

Lạy Chúa, con cầu nguyện rằng dù sau khi thánh lễ kết thúc đã lâu, trái tim con vẫn tiếp tục hát lên những lời ca và giai điệu của những bài ca này. Con cầu xin rằng những gì chúng con ca lên trong nhà thờ sẽ hòa đầy bầu không khí chúng con hít thở và tỏa khắp không gian sống của chúng con. Con ước nguyện âm nhạc trong thánh lễ sẽ lại vang lên trên các đường phố chúng con đi qua, nơi công sở chúng con làm việc và nơi mái ấm gia đình chúng con đang sống. Xin hãy để cho tất cả mọi người đều có thể nghe thấy sứ điệp du dương êm ái như thế.

Lạy Chúa, khi chúng con phải do dự tha thứ hay miễn cưỡng thứ tha, xin hãy để cho bài “Xin Chúa thương xót” rung lên trong hồn chúng con. Lúc tâm trạng chúng con tưng bừng hớn hở, xin hãy để bài Halleluia trở thành điệp khúc cho niềm hoan lạc của chúng con. Khi chúng con khô khan nguội lạnh và không biết cầu nguyện thế nào, xin hãy vang lên trong trái tim chúng con lời kinh “Lạy Cha” mà Chúa đã dạy chúng con. Khi chúng con phải cố gắng để đón nhận trong đức tin những thực tại phũ phàng và ngặt nghèo của cuộc sống con người, xin hãy để tiếng Amen của thánh lễ giúp chúng con can đảm đối diện với sự thật, xin hãy làm vơi đi những gồng gánh khốn khổ chúng con phải vác mang, và đặt vào tim chúng con một niềm hy vọng mới. Lạy Chúa, hãy dạy chúng con biết làm thế nào để hát lên bài tụng ca dâng lên Chúa Cha như Chúa đã ca hát trên thiên đàng.

Lm Giuse Phạm Đình Ái, SSS (biên dịch)

Dựa theo “MÉDITATIONS ON THE MASS”
 của cha ANSCAR CHUPUNGCO, OSB

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm