Từ hơn 1 tuần nay, các giáo phận tại Việt Nam đã quyết định tạm ngưng cử hành mọi Phụng vụ và sinh hoạt đạo đức có cộng đoàn tham dự nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch, theo tinh thần phòng chống, chung tay với xã hội. Thông tin này tạo nên nhiều cảm xúc trong lòng mọi người…
NHÌN THEO HƯỚNG TÍCH CỰC
Cha Phaolô Trần Kỳ Minh, Tổng Đại diện giáo phận Mỹ Tho:Việc ngưng cử hành thánh lễ và các nghi thức Phụng vụ thánh trong mùa Chay không chỉ linh mục buồn mà cách chung giáo dân cũng buồn. Bản thân tôi ban đầu cũng cảm thấy khá nặng nề, nhưng nhìn theo hướng tích cực thì có thể xem đây như dịp để tất cả thành phần Dân Chúa sống tâm tình cầu nguyện, yên lặng nhìn lại chính mình và tìm đến Chúa theo cách riêng của mỗi người. Vì không thể tổ chức các sinh hoạt bình dân, các thánh lễ cho cộng đoàn nên giáo dân hãy cố gắng tham dự thánh lễ trực tuyến. Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi người cần siêng năng, tích cực hơn. Mỗi tối, các gia đình dành giờ kinh chung, lần hạt Mân Côi. Năm nay, giáo phận Mỹ Tho kỷ niệm 60 năm thành lập, theo chương trình dự kiến, ngày 7.4.2020 giáo phận sẽ mừng bổn mạng, nhưng bây giờ mọi thứ đều dời lại. Chính lúc này là thời khắc để từng người cố gắng hiệp thông. Cùng với sự nỗ lực của xã hội, chúng ta xin Chúa gìn giữ tất cả được bình an.
THỔN THỨC VÌ LỄ KHÔNG CÓ GIÁO DÂN
Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu Trà Kiệu, giáo phận Đà Nẵng:Theo chỉ thị của Đức Giám mục giáo phận, Trung tâm Hành hương Trà Kiệu cũng đã dừng mọi hoạt động. Bây giờ, chỉ còn giáo dân trong xứ lác đác đi viếng Mẹ vào các giờ trong ngày. Thật buồn! Theo bổn phận thiêng liêng, mỗi ngày, linh mục đều phải dâng lễ, cầu nguyện với Chúa. Thánh lễ Chúa Nhật Mùa Chay năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh, cộng đoàn không thể tham dự, các cha trong trung tâm buộc dâng lễ đồng tế với nhau nhưng tôi thấy thổn thức lắm. Sự hiện diện của giáo dân trong thánh lễ cho thấy tính hiệp thông của cử hành Phụng vụ, mặt khác, có giáo dân thì chủ chăn và đoàn chiên càng gần gũi hơn. Hiện tại, chúng tôi khuyến khích giáo hữu theo dõi các thánh lễ trực tuyến phát trên trang web giáo phận và của Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. Lễ đặc biệt mừng kính Đức Mẹ Trà Kiệu diễn ra theo thông lệ vào ngày 31.5 hằng năm, muốn tổ chức còn phải xem xét tình hình dịch bệnh như thế nào. Hy vọng cơn đại dịch của nhân loại mau chấm dứt để mọi sinh hoạt đạo đức và đời sống của mọi người trở lại như bình thường.
GIỚI TRẺ HÃY HỌC CÁCH CẦU NGUYỆN
Cha Gioan Lê Quang Việt, Chánh xứ Mactynho - Đặc trách Ban Mục vụ Giới trẻ TGP TPHCM:Trong mấy tuần vừa qua, Ban Mục vụ Giới trẻ Tổng Giáo phận đã làm hình thức trực tuyến để học hỏi sứ điệp mùa Chay năm nay của Đức Giáo Hoàng, từ thứ Bảy ngày 28.3.2020 thì tạm ngưng. Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn xã hội đều đang chung tay đối phó. Riêng trong sinh hoạt giới trẻ, dù không muốn nhưng phải thông báo rằng sẽ không tổ chức đại hội giới trẻ như mọi năm. Chúng tôi cũng đang thảo luận và tìm ra phương án tốt nhất. Cũng có thể là phát trực tiếp những buổi cầu nguyện và gọi mời các bạn cùng chia sẻ, nối kết trên phương tiện mạng. Tuy nhiên, qua biến cố này, tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng hãy tập cho mình thói quen cầu nguyện với Chúa trong thinh lặng và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hẳn nhiên rồi, chúng ta biết thánh lễ trực tuyến như cách làm hiện ở tại các giáo phận, dẫu sao cũng chỉ là hình thức hiệp thông trong hoàn cảnh đặc biệt chứ không mang ý nghĩa toàn vẹn như cử hành Phụng vụ trực tiếp. Còn cầu nguyện, dù bạn ở đâu, ở bối cảnh nào cũng không mất đi tính toàn vẹn và luôn luôn thực hiện được. Các bạn trẻ hãy chủ động hơn. Thời gian này cũng cần học hỏi và trau dồi vốn liếng Kinh Thánh, cầu nguyện, thực hành bác ái, hãm mình để đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh.
GIA TĂNG CẦU NGUYỆN
Nữ tu Bernadette Marie Nguyễn Thị Sáo, Bề trên Giám tỉnh Tỉnh dòng Chúa Quan Phòng Cần Thơ:Có thể nói đây là hoàn cảnh rất đặc biệt của toàn Giáo hội và xã hội, chung tâm tình hiệp thông, nhà dòng có chương trình để các sơ có giờ tự cầu nguyện với Chúa, xin theo ý Đức Giáo Hoàng, xin cho cơn dịch này mau đi qua và xin Chúa chữa lành những ai đang đau khổ do bệnh. Bình thường, cộng đoàn có thánh lễ chung nhưng hiện tại phải ngưng lại. Tham dự thánh lễ trực tuyến quả thật có rất nhiều cảm xúc. Dĩ nhiên là khác hơn so với thánh lễ dự tại chỗ. Một số sơ, tới phần rước lễ đã khóc, không thể kiềm được cảm xúc vì nỗi ao ước được rước Chúa mà nay không thể rước Mình Thánh, đó là một sự mất mát lớn. Dù các sơ đều xác tín ý nghĩa của việc rước lễ thiêng liêng và có niềm tin mạnh mẽ nhưng vẫn thấy thiếu vắng điều gì đó. Với các nữ tu, việc làm thiết thực lúc này là gia tăng cầu nguyện cho Giáo hội và xã hội.
TÌM THÁNH Ý CHÚA
Nữ tu Maria Trần Thị Ngát,Tổng phụ trách dòng Nữ tử Thánh Phaolôtại Việt Nam:Là một hội dòng quốc tế với sứ mạng dùng truyền thông loan truyền Lời Chúa, chúng tôi, chị em ở các cộng đoàn trên thế giới thường xuyên theo dõi thời sự xã hội và Giáo hội. Theo kinh nghiệm cá nhân từng phục vụ tại nhiều nước, từ trước đến nay tôi vẫn chưa từng gặp chuyện phải ngưng tham dự Phụng vụ có cộng đoàn. Ban đầu, chị em trong hội dòng buồn lắm. Cảm giác này, tôi tin chắc cũng là cảm giác chung của nhiều nữ tu, linh mục và giáo dân. Thánh lễ là nguồn mạch ơn cứu độ và là biểu hiện cho một Giáo hội có tính hiện diện, duy trì xuyên suốt. Tuy nhiên, không còn cách nào khác, chúng ta buộc phải hy sinh để cộng tác cùng xã hội phòng chống dịch. Chúa vẫn ban ơn cho loài người bằng cách này, cách kia. Thời điểm này lại trùng hợp vào mùa Chay, trong những giờ lễ trực truyến hay giờ cầu nguyện riêng, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem, Chúa đang muốn nhắn nhủ điều gì?
NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Anh Nguyễn Vĩnh Thành, giáo xứ Bảo Nham, giáo phận Vinh:Chính phủ đã yêu cầu ngừng mọi hoạt động quy tụ đông người thì thiết nghĩ, việc Giáo hội tạm ngưng thánh lễ cộng đồng để giáo hữu theo dõi thánh lễ qua các phương tiện truyền thông cũng là một biện pháp thể hiện đức tin. Mặt khác, chúng ta không phải quá lo lắng vì Tòa Thánh cũng đã có hướng dẫn rồi. Dịch bệnh hoành hành rõ ràng là điều ngoài mong muốn. Lần đầu tiên tôi dự lễ trực tuyến, cảm giác rất lạ lẫm. Nhờ phương tiện truyền thông, tôi có thể chủ động truy cập các trang, có tới giờ lễ của 27 giáo phận, khi bật được kênh nào bắt đầu lễ thì theo kênh đó. Những năm trước, vào mùa Chay, tôi tham dự nhiều nghi thức, các sinh hoạt đạo đức bình dân, còn năm nay thì chỉ ở nhà đọc kinh. Tôi đang làm việc tại Hà Nội, chung sống với các anh chị em Công giáo di dân nên chúng tôi cũng nhắc nhau giữ lễ và các bổn phận đạo đức. Hôm trước, khi Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá, dù lúc cử hành theo giờ Việt Nam đã là giữa khuya, vậy mà mấy anh em cùng rủ nhau tham dự, hiệp thông. Tôi nghĩ, mình tự nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình, vấn đề này quan trọng hơn là hình thức thể hiện.
LÀM VIỆC BÁC ÁI BÙ LẠI
Chị Trần Thị Vy, giáo xứ Giang Sơn, giáo phận Ban Mê Thuột:Lúc này đây, chiếc máy tính cá nhân của tôi trở thành công cụ cần thiết cho cả gia đình. Cả nhà tôi đã bàn luận với nhau rồi, không còn cách nào khác là theo dõi lịch phát lễ trực tuyến của giáo phận. Lễ trực tuyến trong hoàn cảnh này xem ra khá tiện lợi nhưng dễ bị phân tâm. Đây là trường hợp đối đế thôi. Là một người trẻ, có thể nhiều người nghĩ rằng chúng tôi thích sự tiện lợi của hình thức này, vì không cần đến nhà thờ, nhưng thật sự tôi thấy mình đang mất mát rất nhiều. Ngoài việc tham dự lễ trực tuyến, mỗi tối gia đình tôi còn đọc kinh chung. Trước khi ngủ, tôi cũng đọc kinh riêng, lần hạt, cầu nguyện. Rất may, cha sở kịp thời thông tin với giáo dân qua điện thoại nên dù không tới nhà thờ, mọi người cũng dễ nắm bắt được tình hình trong xứ đạo. Chỗ giáo xứ tôi còn có một giáo điểm cho tín hữu dân tộc M’nông, Êđê, bây giờ cũng ngưng lễ, nhưng được biết cha xứ vẫn còn chủ trương phát quà bác ái mùa Chay và mọi người cũng sống tinh thần đùm bọc, sẻ chia với nhau.
TẬP THÓI QUEN MỚI
Bà Nguyễn Thị Liên, giáo xứ Phú Sơn, giáo phận Đà Lạt:Nhà ở vùng quê, tôi hay đi lễ misa hằng ngày cho đến khi thấy cha xứ dán thông báo tạm ngừng lễ trên nhà thờ. Khi nghe thì thấy cũng chột dạ. Một thói quen mấy chục năm nay đều đặn như vậy mà bây giờ không làm thì xót xa chứ. Dù vậy, như mọi ngày, tôi thức sớm, tự lần chuỗi riêng. Xem ra, cầu nguyện một mình cũng có cái hay. Nghe cha sở bảo mọi người dự lễ trên mạng. Có người thì mở được, có người còn chưa biết truy cập mạng là gì, cũng may có mấy đứa cháu trong nhà biết nên chỉ cho. Trong xứ, tôi còn tham gia hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đi đọc kinh chung với các chị, bây giờ không quy tụ được nữa. Cũng khá buồn. Thôi thì, phải hy sinh một chút để cùng xã hội vượt qua đại dịch nguy hiểm.
KHÔNG BI QUAN
Bà Nguyễn Thị Kim Hai, giáo xứ Xuân Hòa, giáo phận Cần Thơ:Mùa Chay năm nào cũng thế, giáo xứ tôi thường có lễ đèn, nguyện ngắm…, nhưng năm nay thì không thực hiện chung. Cũng may, bây giờ xã hội phát triển, có mạng internet, rồi phát lễ qua mạng, mọi người có thể hiệp thông. Cho nên tôi nghĩ, Chúa sẽ định liệu cách tốt nhất cho chúng ta. Đừng quá bi quan. Khi không tham dự các nghi thức Phụng vụ thì tại nhà tôi vẫn tổ chức tham dự thánh lễ trực tuyến, đọc kinh Lòng Thương Xót, lần chuỗi, hy sinh làm việc bác ái. Những điều này vốn cũng là chuyện nên làm.
CHUYỆN CHƯA TỪNG XẢY RA
Ông Nguyễn Văn Thành, giáo xứ Tân Lập, giáo phận Phú Cường:Lần đầu tiên trong đời tôi, từ lúc biết đi đạo đến giờ 86 tuổi, mới có chuyện ngưng lễ diễn ra trên diện rộng như thế. Ở cả 27 giáo phận, giáo dân mình đều không thể đến nhà thờ dự lễ được. Khi nghe tin này, mọi người trong nhà tôi hoang mang. Ai cũng tiếc nuối, hụt hẫng, nhưng vì hiểu được sự cần thiết tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong thời gian này nên chúng tôi tuân thủ. Đọc thư của các vị giám mục, tôi hiểu tầm quan trọng của sự việc cũng như tâm tình của các ngài. Không thể tụ họp tham dự các nghi thức thì ở nhà tôi và các thành viên hiệp thông qua kênh trực tuyến, như chỉ dẫn của Tòa Giám mục. Tôi biết sử dụng iPad nên dễ dàng tự bật, theo dõi tin tức Giáo hội và dự lễ trực tuyến. Việc tham dự dưới hình thức này đúng là còn khá mới mẻ, đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng chung quy lại, chẳng có gì là khó khăn với người có lòng phó thác và đức tin vững vàng.
NGUYỆN NGẮM THEO HƯỚNG DẪN
Ông Nguyễn Văn Giáp, giáo xứ Ngọc Long, giáo phận Vinh:Cũng như mọi người, tôi xác tín vâng phục bề trên, vì hiểu, tôi hiểu quyết định này của Giáo hội có lợi ích cho đất nước và con người. Tất nhiên, tôi muốn tham dự thánh lễ ở nhà thờ, vì sốt sắng hơn. Vùng ven thành phố này, ngày Chúa nhật có hai thánh lễ, cùng với lễ chiều thứ Bảy. Tòa Giám mục có gởi qua thư điện tử cho mỗi giáo xứ tài liệu ngắm 15 sự Thương Khó mẫu, giáo dân có thể dựa vào đó để thực hiện ở nhà. Mùa Chay năm nay hẳn sẽ rất đáng nhớ.
CHỊU KHÓ MỘT CHÚT
Ông Nguyễn Văn Huyền, giáo xứ Sao Mai, TGP TPHCM:Ở giáo xứ, tôi đi hát ca đoàn và tham gia Phụng vụ mỗi chiều. Bây giờ, một ngày cả nhà cùng xếp giờ để đọc kinh, buổi trưa dự lễ trực tuyến, buổi chiều đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót, chia ra nhiều giờ để cầu nguyện. Tôi cho rằng dịp này cần gắn bó với Chúa hơn bất cứ lúc nào. Vì Sao Mai là xứ đạo đầu tiên trên cả nước đóng cửa nên từ nhiều ngày nay, tôi đã tham dự lễ trực tuyến. Tuy vậy, đi lễ mà thiếu cộng đoàn, không có sự gặp gỡ, cùng nhau ca hát, thưa gởi, tôi chưa thật sự quen. Bình thường, hình ảnh mọi người tụ họp, quây quần bên nhau và bên Chúa mang tính chất của sự hiệp nhất. Ở nhà, tôi cảm thấy rời rạc, ngoài ra còn bị ảnh hưởng bởi mạng nữa. Với bí tích Thánh Thể, tuy mình rước lễ thiêng liêng nhưng vẫn khát khao được rước Mình Thánh Chúa. Cha xứ cũng mời gọi mọi người cố gắng làm sao tự chuẩn bị tâm hồn vì biến cố đại dịch này quá bất ngờ. Cha khuyên nên chịu khó hy sinh một chút, ngoài ra ngài cũng nhắc nhở giáo dân thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền. Tất cả, vì ích lợi toàn xã hội, trong đó có người Công giáo.
HÙNG LUÂNthực hiện
Bình luận