Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Một, 2022 16:00

Tản mạn về tác quyền Thánh ca hơn 30 năm trước

 

Trong những ngày vừa qua, vấn đề tác quyền Thánh ca đang được đặt lại và gây ra một số tranh luận. Nhiều ý kiến trái chiều của các linh mục, nhạc sĩ Công giáo, và cả các ca trưởng, ca viên ca đoàn cũng bày tỏ sự lo lắng... Tôi cũng có đôi chút kỷ niệm lẫn kinh nghiệm trong câu chuyện tác quyền Thánh ca.

 


THỜI KHÓ KHĂN

Sau 1975, hầu như không có ấn phẩm nghe nhìn nào về Thánh ca được thực hiện trong một thời gian dài. Lúc đó chủ yếu chỉ có các album Thánh ca thực hiện từ hải ngoại mang về và được “sang băng” tại Việt Nam. Vì vậy, cuốn băng Cassette Noel 90 được chào đón nồng nhiệt từ giáo dân Sài Gòn, vì là ấn phẩm Thánh ca đầu tiên được thực hiện trong nước sau ngày hòa bình. Album này do Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM (UBĐKCGTP) đứng xin phép; được biên tập, dàn dựng và thực hiện bởi các nhạc sĩ Công giáo Viết Chung, Bảo Chấn...; thu âm và kỹ thuật thì cha Nguyễn Tự Do (CssR) đảm trách. Từ thành công đó, tác giả bài viết này khi đó đang phụ trách Ban Văn hóa - Văn nghệ của Văn phòng UBĐKCGTP, đã mạnh dạn đề xuất thực hiện các album Thánh ca theo chủ đề Giáng Sinh, Mùa Chay, Phục Sinh, Tết Nguyên đán, Đức Mẹ... và luôn được đón nhận, khuyến khích nồng nhiệt từ bà con giáo dân khắp nơi, tạo nhiều hiệu ứng tốt đẹp. Sau sự suôn sẻ này, nhiều tác giả Công giáo có sáng tác Thánh ca đã đề nghị chúng tôi hỗ trợ việc xin phép và thực hiện những chương trình riêng của mình, như các linh mục Thành Tâm, Nguyễn Văn Trinh, Duy Thiên, Thái Nguyên..., các nhạc sĩ Ngọc Linh, Thiện Bản, Thy Yên, Đức Dũng..., rồi nhóm Phụng ca nhà thờ Tân Định, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh...

Trong quá trình làm việc với cơ quan cấp phép, lúc đầu là Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, về sau là Nhà xuất bản Tôn Giáo, chúng tôi luôn được lưu ý về quyền tác giả. Cụ thể, những tác phẩm sử dụng trong album phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của tác giả hoặc thân nhân của họ (nếu họ đã qua đời). Khi ấy chưa có những quy định cụ thể như Luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ..., hay sự ra đời của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) như bây giờ, vì vậy, việc trả tiền tác quyền không được đặt ra cụ thể mà chỉ yêu cầu được sự cho phép của tác giả khi sử dụng những sáng tác của họ trong băng nhạc Thánh ca xin phép.

Sở dĩ phải “kể lể” dài dòng như trên là muốn để đối chiếu với những thực tế hiện tại. 


TÌNH VÀ LÝ

Như trên đã nêu, thời đó có 2 xu hướng làm băng Thánh ca: một là thực hiện album gồm những sáng tác riêng của mình hay của nhóm mình, chuyện này đơn giản vì không phát sinh vấn đề tác quyền; hai là làm album theo chủ đề, phải sử dụng sáng tác của nhiều tác giả khác nhau, thì phải lưu tâm đến chuyện tác quyền. Tuy nhiên, thời điểm hơn 30 năm trước thì cũng không bị đặt nặng, vì lúc đó các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong các chương trình này phần lớn là vui, thậm chí cảm thấy vinh dự vì tác phẩm của mình được trân trọng và phổ quát rộng rãi. Hơn nữa, suy cho cùng thì những bài Thánh ca được sáng tác nhằm mục đích ca tụng, cầu nguyện và tạ ơn Chúa. Không ai nghĩ sẽ “làm giàu” bằng những tác phẩm này. Không ai lại đi đòi tiền tác quyền khi các ca đoàn sử dụng các bài Thánh ca trong thánh lễ hay sinh hoạt mục vụ. Đó là nói về TÌNH, còn khi được sử dụng vào mục đích thương mại thì những người thực hiện phải tuân theo quy định về tác quyền, vì chúng tôi làm những album Thánh ca trong giai đoạn đó cũng phải “bán” những băng cassette này, dù không nặng về kinh doanh mà chủ yếu để trang trải tiền thuê phòng thu, tiền mời nhạc sĩ hòa âm phối khí,  thù lao ca sĩ, chi phí in ấn nhãn băng, mua băng và nhân bản... (thường chỉ mong không lỗ để còn tiếp tục thực hiện những chương trình sau, mục đích để loan truyền Thánh ca, cũng là cách truyền giáo). Vì vậy, dù không hề có chuyện đòi hỏi tác quyền từ những tác giả Công giáo trong giai đoạn đó, nhưng chúng tôi thường vẫn xin phép và gởi cho tác giả ít nhiều, thậm chí đôi khi chỉ là mở một buổi tiệc nhỏ để cảm ơn và là dịp mọi người gặp gỡ. Càng về sau, cũng có những hãng băng đĩa trong nước sử dụng các tác phẩm Thánh ca để thực hiện những album Giáng Sinh và kinh doanh rộng rãi. Họ cũng nhờ chúng tôi liên hệ với các tác giả liên quan để trả tác quyền đàng hoàng, như Công ty Phương Nam Film làm MV Thánh ca đầu tiên “Ave Maria - Xin dâng lời cảm tạ”.

Bây giờ xin trở lại câu chuyện tranh luận mấy tuần qua: “Vấn đề tác quyền Thánh ca”. Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam đã khẳng định trong một thông báo gần nhất (xin xem toàn văn trong số báo này): “Chỉ có tác giả mới có quyền trên tác phẩm của mình”. Vậy chúng ta hãy cứ để các tác giả định đoạt trên tác phẩm của họ, đừng bắt tất cả làm theo một công thức chung (tất nhiên là ở đây đang nói ở góc độ ngoài việc dùng phục vụ trong sinh hoạt tôn giáo, vì chắc chắn các tác giả đều trao tặng một cách nhưng không đứa con tinh thần của mình cho việc phụng sự Chúa và làm loan truyền Tin Mừng trong vô vị lợi). Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý đến khuyến cáo của Ủy ban Thánh nhạc ở điều 5 trong huấn thị vừa qua. Theo ý kiến cá nhân người viết, các tác giả Thánh ca nếu cần một đơn vị bảo hộ tác phẩm của mình để khỏi bị dùng kinh doanh kiếm tiền vô tội vạ, và cũng để giữ gìn tính vẹn nguyên của nhạc và lời mình sáng tác, thì nên ủy quyền cho một cơ quan có pháp nhân, như những nhạc sĩ “đời” vẫn làm (Việt Nam hiện đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Đây cũng là cách để người khác khi kinh doanh có trách nhiệm, thực thi công bằng, và cũng là địa chỉ để khi họ cần liên hệ xin phép tác giả, sẽ dễ dàng kết nối được.

 

 

SAO MAI

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm