Thứ Ba, 09 Tháng Bảy, 2019 09:07

Tản mạn về tranh thánh - ảnh thờ

 

Không biết đến bao giờ, giáo dân Việt Nam mới có thể chấp nhận những khung cảnh truyền tin như thế này, mặc dù nếu Ðức Maria sống vào thời công nghệ số ngày nay buổi truyền tin sẽ diễn ra như vậy:

 - Maria và sứ thần Gabriel trong bộ váy satin của các cô gái nhà giàu bắc Mỹ. Phòng khách sang trọng, cổ điển, Maria ngồi trên thảm, mặt quay vào trong, tay che luồng ánh sáng chói lòa từ phía cửa sổ nơi Gabriel đang cung kính quỳ chào.

- Maria mặc áo kimônô, đôi chân trần bỏ lên ghế. Trên bàn chiếc iPhone7, tai nghe, cánh hạc giấy, bông hồng tươi, cặp kính thời trang gọng đen nằm lộn xộn bên cạnh đĩa hưa hấu đang ăn dở. Thiên thần Gabriel với đôi cánh sáng rực, ngồi trên thành ghế salon, váy trắng qua đầu gối, tay cầm cành huệ trắng (họa tiết thường thấy trong các tranh truyền tin cổ điển). Ánh mắt thiên thần nhìn Maria như chờ đợi. Maria vẻ mặt đăm chiêu đang tìm câu trả lời sứ thần đưa tin.

- Câu chuyện diễn ra lúc sáng sớm trong phòng rửa mặt. Maria còn mặc áo ngủ. Gabriel áo tay ngắn, quần Jean, hai tay trong túi quần, đứng dựa lưng vào tường. Giống như nhiều bức tranh truyền tin khác, vẻ mặt hai người đều toát lên nét suy tư thánh thiện...

Và còn nhiều bức họa truyền tin được thể hiện táo bạo hơn.

Ở đây, các họa sĩ không hề có ý bôi bác, xuyên tạc - mà qua ngôn ngữ hội họa - diễn tả niềm tin cùng những suy tư của con người ngày nay về câu chuyện mở đầu Tân Ước hơn 2.000 năm trước.

"Truyền tin" ở thế kỷ 20

 

Kho tàng nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật thánh bao gồm nhiều bộ môn: kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ, vật dụng thánh và cả nhiếp ảnh, đồ họa..., đã góp phần quan trọng hình thành nền văn minh Kitô giáo. Gắn bó mật thiết nhất trong đời sống thiêng liêng của người tín hữu chính là tranh thánh, ảnh thờ. Trải dài hàng ngàn năm suốt lịch sử nhân loại, các giá trị của nền văn minh ấy, đặc biệt tư tưởng thần học, giáo lý, những câu chuyện kể Kinh Thánh được khắc họa trên khung vải, gỗ, tường nhà vô cùng phong phú về thể loại, chất liệu cho đến ngày nay vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ sáng tạo. Mỗi câu chuyện tôn giáo được thể hiện theo phong cách, tập quán của thời đại chúng xuất hiện. Sự khác biệt đa dạng về đường nét, bố cục, sắc màu tái hiện rõ nét không gian văn hóa từng giai đoạn lịch sử thế giới. Bên cạnh tài nghệ của các nghệ sĩ, phải kể đến tầm nhìn, trình độ cảm thụ cái đẹp của giới lãnh đạo, nhiều thế hệ tín hữu các Giáo hội mới có thể cống hiến cho hậu thế một di sản rực rỡ, đỉnh cao của nghệ thuật linh thánh như thế.

Tranh thánh Icôn

Icôn, nghĩa thông thường là biểu tượng. Trong mỹ thuật tôn giáo là loại tranh thánh, linh ảnh có nguồn gốc rất xa xưa từ thời Hy Lạp cổ đại, một lãnh thổ rộng lớn, hùng mạnh, nơi dung nạp và phát triển rất nhiều ngành nghệ thuật, văn học, và đặc biệt là truyền thống nghệ thuật Kitô giáo.

Ðây là nền nghệ thuật thánh độc đáo, rất đặc trưng của các Giáo hội Chính Thống đậm sắc màu phương Ðông, với hai trường phái chính là icôn Nga và Hy Lạp. Họa sĩ vẽ icôn trên tấm gỗ với loại sơn đặc biệt, sau đó phủ lên một lớp dầu để bảo quản gỗ và màu sơn. Ða số tranh icôn được sáng tác, phục chế trong các tu viện dưới bàn tay khéo léo của các tu sĩ, nghệ nhân Chính Thống giáo. Hiện nay tại tu viện Petchori, cách Matcơva 600km, thầy dòng Zenon, nhà thần học trẻ, họa sĩ vẽ icôn tài ba theo phong cách thuần túy Byzantine được giới chuyên môn gọi là Rublev mới. Ðây có lẽ là danh hiệu cao quý nhất trong thế giới icôn. Andrei Rublev là tác giả bức “Chúa Ba ngôi”, một trong hai icôn đẹp nhất, nổi tiếng nhất của Nga từ thế kỷ 14 (bức thứ hai là bức “Ðức Mẹ Ðồng Trinh” của Vladimir).

Chúa Ba ngôi. Tranh icôn - Andrel Rublev

 

Tranh thờ của các Giáo hội Chính Thống đều theo phong cách icôn. Các bức bích họa trên tường theo đề tài Kinh Thánh trong điện Kremlin và nhiều cung điện khác ở Nga cũng cùng bút pháp ấy. Người xem rất dễ nhận biết icôn qua nét vẽ, màu sắc và nhất là nội dung gởi gắm trong tranh.  Icôn thường dùng màu đậm, tương phản, nhìn chung gần như sơn mài Việt Nam. Bố cục không chú ý nhiều đến luật phối cảnh gần xa, tất cả đều hiện trên mặt gỗ. Ðường nét icôn cho người xem cảm giác không mềm mại, uốn lượn nhất là các nếp gấp y phục, nhiều nét giống tranh khắc gỗ, đồ họa. Màu sắc, nét vẽ đều mạnh mẽ, dứt khoát, không có sự trung chuyển. Ðôi mắt các nhân vật trong tranh thể hiện đơn giản nhưng sắc sảo, sâu thẳm, nhìn thẳng người xem.

Bạn đọc có thể nhận biết các biểu trưng điển hình, mẫu mực của tinh thần icôn được thể hiện sống động trong linh ảnh “Ðức Mẹ Hằng cứu giúp” - một icôn nổi tiếng và được phổ biến rộng rãi nhất thế giới có nguồn gốc từ đảo Crete, Hy Lạp. Ðến Rome năm 1499, hiện trưng bày tại nhà thờ thánh Anphongsô của Dòng Chúa Cứu thế :

- Ngôi sao tám cánh nổi bật trên của khăn đội đầu, biểu tượng cổ nhất về Ðức Maria, Nữ thần rạng đông, Sao mai... Ðôi mắt Mẹ hiền dịu không hướng trực tiếp về Chúa Giêsu mà nhìn về phía chúng ta. Các ngón tay của bàn tay phải không nắm lấy tay Hài Nhi mà hướng chỉ về Hài Nhi. Tư thế của bàn tay trái cho thấy Mẹ không bồng Chúa Con cho riêng mình mà hình như đang trao cho ai đang đứng trước linh ảnh. Cái miệng nhỏ và tai phải lộ ra phía dưới khăn đội đầu nhấn mạnh ý lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng.

- Ðầu quay nhìn về phía Thiên thần Gabriel, Hài Nhi Giêsu với ánh mắt chiêm niệm - chứ không phải hoảng hốt - bình thản đón nhận thông điệp khổ nạn. Áo trong của Ðức Mẹ màu đỏ là màu lửa, máu của Ðấng Cứu Chuộc, Mẹ thông phần cứu chuộc của con. Áo choàng màu xanh thẫm của biển cả, bầu trời, màu của sự kiên trinh. Mặt trong áo choàng nói lên sự an vui, tự tại với sắc xanh của lá cây, thiên nhiên. Hình ảnh Mẹ Maria luôn đội khăn kín đầu theo tập quán phương Ðông, biểu tượng đức khiêm nhường.

- Hai màu áo trong và ngoài của Ðức Giêsu chính là biểu tượng hai bản tính của Người: Thiên Chúa (màu vàng nhũ); Con người (xanh lá cây). Thắt lưng màu đỏ là tình yêu cứu độ bao bọc tất cả loài thụ tạo. Bàn chân phải vắt chéo qua bàn chân trái ngụ ý trong khổ hình thập giá hai chân đặt lên nhau và đinh đóng xuyên qua. Chiếc dép của bàn chân này bị rớt xuống không phải vì giật mình, sợ hãi như nhiều người giải thích, mà ở đây, Ngài muốn ẩn giấu Thiên tính trong hành trình khổ nạn (chiếc dép vàng biểu tượng của vinh quang).

- Tổng lãnh Thiên thần Gabriel ở phía trên, bên phải cùng một góc độ hình họa như Mẹ Maria. Nếu Mẹ quay nhìn sang bên trái, Mẹ sẽ gặp ngay ánh mắt thiên thần Gabriel nghiêng nghiêng hướng về Mẹ. Trong buổi truyền tin, hai người cũng đã nhìn nhau như vậy. Thiên thần Gabriel cầm thánh giá và bốn cây đinh. Tổng lãnh thiên thần Micae bên trái tay cầm cây giáo, bọt biển và bình đựng giấm chua. Những dụng cụ liên quan đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đôi tay hai Thiên thần được bọc trong khăn: dấu chỉ của sự tôn kính. Ba vết sọc trên tay áo là quân hàm của vị Tổng lãnh Thiên thần.

Người con hoang đàng - Một phong cách kính màu hiện đại

 

Với tài nghệ và nhất là bằng cái nhìn, họa sĩ icôn nắm bắt được ý nghĩa thần học của chủ đề muốn diễn tả và biến đường nét, sắc màu thành biểu tượng thiêng liêng. Icôn không phải là một tác phẩm hội họa thuần túy mà là những hình ảnh cách điệu, ẩn dụ đủ để diễn đạt một khái niệm của thế giới vô hình bằng cái hữu hình.

Icôn là một cửa sổ để khi chiêm ngắm, người tín hữu có thể đi vào một thế giới khác và những hình ảnh, biểu tượng kia đưa cái thánh thiêng đến với con người nơi thế giới phàm tục. Mỹ thuật Công giáo cố gắng diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa làm người dưới hình dạng con người cụ thể (như ba bức Truyền tin trên đây). Trong khi đó, các nhân vật icôn dường như không thuộc về thế giới con người, họ là những thần linh của một thế giới huyền bí. Có thể nói, tranh icon là một bản văn Kinh Thánh bằng hình ảnh mà người sáng tác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, và như thế, họ chính là nhà thần học diễn giải Kinh Thánh qua tranh.

Kính màu

Hơn 2.200 năm trước, những bức tranh kính màu đầu tiên đã được sản xuất ở Ai Cập. Từ thế kỷ thứ I, người Ý đã sử dụng kính làm cửa sổ để lấy ánh sáng. Hàng ngàn năm nay, tranh kính nghệ thuật gần như được sử dụng độc quyền cho các cửa sổ nhà thờ Công giáo, Hồi giáo và các công trình xây dựng quan trọng. Kính màu phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XII, khi trường phái kiến trúc lừng lẫy Gothic với những ngọn tháp, những hàng cột cao vút ra đời. Vài chục năm sau, hàng trăm công trình kiến trúc, phần lớn là thánh đường Công giáo mọc lên khắp châu Âu mà nhà thờ Thánh Denis, Paris (1122-1151) là điểm nhấn nổi bật nhất, mở ra một kỷ nguyên kiến trúc với kính màu nghệ thuật vô cùng rự rỡ. Nhiều cửa sổ kính màu vẫn còn nguyên vẹn với kích thước rộng lớn như trong nhà thờ Thánh Martin ở Tours - Pháp từ thế kỷ thứ IV. Kính màu được làm từ chất silicat trong cát, trộn lẫn đá vôi và các phụ gia như muối rồi đem luyện ở nhiệt độ gần 3000oC. Trong lúc luyện kính, các chất phụ gia là những ôxit kim loại khác nhau sẽ cho các màu khác nhau, và chúng quyết định giá thành của kính như các màu đỏ, vàng, cam, đỏ tía.

Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Tranh sơn dầu - Caravago

 

Ngày xưa, đây là một nghề thủ công nhưng đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt vừa bảo đảm tính nghệ thuật vừa chịu được gió mưa ở độ cao 70-80 mét cách mặt đất. Các mảnh kính màu được gắn kết với nhau bằng những khung, đường viền bằng chì, sắt bao quanh hình họa, mảng khối một cách hợp lý, tạo nên các đường viền đậm, nhấn mạnh nét mỹ thuật rất riêng của kính màu. Một số họa sĩ đã sử dụng đường viền rất tài hoa gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nơi người xem, như tranh của G. Rouaul (Pháp), Bùi Xuân Phái (Việt Nam).

Cửa sổ kính màu không phải để lấy ánh sáng hoặc nhìn ra bên ngoài mà là bức tranh tường được chiếu sáng. Ðề tài tranh lấy từ Kinh Thánh, Giáo hội, các Thánh, các Bí tích, hầu hết được thể hiện theo phong cách cổ điển, hàn lâm. Ðến thế kỷ XIX, các trường phái hội họa cách tân ra đời với các tên tuổi lừng danh: Picasso, Chagall, Braque..., bút pháp hiện đại, mới mẻ của họ nhanh chóng được thể hiện trên kính màu và công chúng nồng nhiệt đón nhận. Nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất là những “Cửa sổ hoa hồng”, kính màu ở nhà thờ Ðức Bà Paris, Chartres (Pháp). Các nghệ nhân tài ba đã chế tạo ra loại kính màu có thể thẩm thấu toàn bộ ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài, và nhờ sự khúc xạ đặc biệt, chúng đem lại một hiệu ứng quang học khác thường, một vùng ánh sáng chan hòa đủ màu sắc, vừa lung linh, lộng lẫy…, lại vừa linh thiêng, huyền ảo…, cho người xem cảm giác như đang ở trong thế giới của thiên đàng, thần tiên.

Ở Việt Nam, nhiều nhà thờ cổ vẫn còn lưu giữ các cửa sổ kính màu tuyệt đẹp chính gốc châu Âu, nhưng xem ra, giáo dân mình không mặn mà lắm với loại hình nghệ thuật này. Thỉnh thoảng bìa báo Công giáo và Dân tộc đăng hình kính màu và đa số bạn đọc cũng không hưởng ứng lắm. Có nhiều lý do, nhưng tựu trung họ thật khó suy niệm, cầu nguyện trước những hình ảnh bị chia cắt ra nhiều mảnh nhỏ bởi các đường viền thô cứng. Tranh kính màu thiếu nét dịu dàng bóng bẩy và một chút thần bí trong tình cảm tôn giáo Á đông.

Cuộc chiến đấu giữa thiên thần và Giacop- E. Delacroix

 

Tranh sơn dầu

Bức tranh tường vẽ đề tài Kinh Thánh cổ xưa nhất (có từ năm 250 sau Công nguyên) có tên “Chuyện ông Moisê lấy nước từ tảng đá” với bút pháp còn rất thô sơ. Mãi đến đầu thế kỷ XIII, tư tưởng mới mẻ của hai thánh Phanxicô Assisi và Tôma Aquinô về sự thánh thiêng, môi trường, thế giới hữu hình đã mở ra con đường hiện thực cho mỹ thuật Công giáo. Tranh ảnh đạo thời kỳ này (1270) vẫn đang tìm kiếm, định hình cho đến thời Phục Hưng của hội họa Ý với sự xuất hiện của ba ông lớn Leonard De Vinci, Michel-Ange, Raphael. Những kiệt tác hội họa, điêu khắc của họ đã ảnh hưởng trên toàn bộ nền mỹ thuật châu Âu thời ấy. Tranh thờ theo chân các vị Thừa sai đến các xứ truyền giáo được sao chép, mô phỏng hầu hết là tranh của Raphael với vẻ đẹp tròn trịa, lãng mạn, thánh thiện từ hình ảnh Ðức Giêsu, Ðức Maria đến các nhân vật Cựu Ước. “Thánh Giuse bồng Chúa Con” của Guino Reni có lẽ là bức ảnh thờ quen thuộc nhất với giáo dân Việt Nam hàng trăm năm nay.

Năm 1862, trường phái Ấn tượng nở rộ tại Pháp, quy tụ nhiều họa sĩ trẻ không còn hứng thú với các quy tắc cứng nhắc của nền nghệ thuật cũ đã xơ cứng. Họ đề cao cảm xúc thị giác từ phong cảnh, những tác động của ánh sáng tự nhiên..., và cho ra đời rất nhiều tuyệt phẩm hội họa của các bậc thầy: E. Delacroix với “Cuộc chiến đấu giữa thiên thần và Giacop”; G. de La Tour với “Thánh Giuse thợ”, “Giáng Sinh”; Rembrandt với “Người con hoang đàng trở về”, 5 bức “Bữa ăn tối ở Emmau”... Các họa sĩ thuộc trào lưu này sử dụng quy luật của ánh sáng, cảm xúc của đời thường để mô tả các mầu nhiệm, chuyện kể Thánh Kinh. Mỗi người một bút pháp, một cách “diễn giải” Kinh Thánh riêng, nhưng tất cả đều khắc họa rõ nét một thế giới thần thánh đã hóa thân vào tranh tượng, con người hơn, nhập thể hơn.

Đức Mẹ Maria - Tranh ghép đá mosaic

 

Tranh ghép đá (Mosaic)

Với lịch sử trên 4000 năm (từ  thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên), mosaic đã xuất hiện ở Trung đông (Iraq, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ...) là thể loại tranh ghép bằng các mảnh đá màu và ngà voi, sau này có mosaic gốm dùng trong trang trí tại các cung điện, đền thờ. Tranh mosaic “Phép lạ bánh hóa nhiều” xuất hiện khá sớm, năm 520 sau Công nguyên. Mosaic trang trí trần, tường nhà hoặc lối đi rất mỹ thuật, tinh xảo, hoành tráng, nhưng để thực hiện lại rất phức tạp, tỉ mỉ, công phu cho nhiều công đoạn. Ngoài ra, các mảnh đá ghép thường cho cảm giác cứng cỏi, khô khan, và nhất là trạng thái bất động, rất khó diễn đạt ý tưởng của người thực hiện. Do vậy, tranh tôn giáo ghép đá ít được chọn lựa trong sáng tác nghệ thuật.

*

Ðạo Công giáo vô Việt Nam gần 400 năm nay, nhưng cụm từ “mỹ thuật tôn giáo, nghệ thuật thánh” chỉ mới xuất hiện vài chục năm trở lại đây, với khái niệm chung chung từ các bài dịch sách báo nước ngoài, những cuộc triển lãm tranh đạo cũng chưa gây được tiếng vang. Từ buổi đầu, cùng với nền đạo đức cổ truyền, các tín hữu tiên khởi thờ phượng loại ảnh tượng đang thịnh hành bên quê nhà các vị thừa sai lúc bấy giờ - hầu hết là tranh của các họa sĩ Ý thời kỳ thứ tư của hội họa Phục Hưng (1525-1600). Ðó là những bức họa đẹp “dễ gây xúc động”, vẽ các nhân vật, sự kiện Kinh Thánh vừa thánh thiêng xa vời vừa gần gũi với tình cảm người mình. Những hình ảnh ban đầu ấy đã in sâu vào tâm trí người Công giáo Việt Nam cho đến tận bây giờ như một tố chất gắn kết với lòng đạo đức bình dân, đến độ họ khó có thể chấp nhận hoặc thưởng lãm các tranh ảnh thờ cùng đề tài nhưng được diễn tả theo những phong cách, ý tưởng mới từ đường nét, hình họa, bố cục.

Họ không có dịp tiếp xúc, làm quen những dòng ảnh đạo khác với những gì đã thấy từ thời thơ ấu trong nhà thờ, trên bàn thờ gia đình. Cùng nhịp tiến triển mạnh mẽ của hội họa đương đại, mỹ thuật tôn giáo nơi các giáo hội Âu, Mỹ nhanh chóng cập nhật, giới thiệu Tin Mừng bằng ngôn ngữ của màu sắc, đường nét, dưới cái nhìn hoàn toàn mới, hiện đại, táo bạo. Tiếp nhận cái mới có thể không cần cho tất cả, không nhất thiết để khép lại cái cũ, dù đó chỉ là những ước lệ xa xưa. Một cửa sổ mới mở ra, chiêm niệm mới, cung bậc cảm xúc thiêng liêng mới… tựa như làn hương khói mới “bay lên tới thiên đường, cho lung linh ánh nhiệm mầu”...

Chúa không ở trong kinh, trong ảnh tượng. Một bức tranh thờ dù nghệ thuật, sống động đến đâu vẫn không thể thay thế lời kinh nguyện, vẫn chỉ là phương tiện trần gian. Icôn, Kính màu, Sơn dầu, Ghép đá - cổ điển hoặc đương đại - đều có ngôn ngữ, cách chuyển tải riêng. Không thể so sánh đẳng cấp, giá trị nghệ thuật khi nhiệm vụ cuối cùng và chính yếu của chúng là chiếc cầu nối đưa dẫn người tín hữu tiếp cận một thế giới khác: thế giới huyền nhiệm nơi con người có thể gặp gỡ Lời Chúa qua đường nét, sắc màu.

 

NGUYỄN MẠNH HÀ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm