Thứ Năm, 26 Tháng Mười Một, 2020 15:41

Tân Qui giáo xứ cổ rặt ròng Nam bộ ở Sài Gòn

Trải qua 140 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Tân Qui (hạt Hóc Môn, TGP TPHCM) luôn giữ nét sinh hoạt của một xứ đạo Nam bộ.

 

LỊCH SỬ GIÁO XỨ QUA DÒNG HỒI ỨC

Ðầu tháng 8.2018, cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh nhận bài sai về giáo xứ Tân Qui, tiếp nối sứ vụ của các bậc tiền nhân chăm sóc đời sống đức tin cho bà con làng Nhị Bình. Khi được hỏi về lịch sử hình thành họ đạo, cha hồi tưởng lại lời kể của các vị cao niên trong xứ: “Tân Qui là một xứ đạo kỳ cựu, bắt đầu đón nhận Tin Mừng vào năm 1800, do các cha Hội Thừa Sai Paris (MEP) từ Lái Thiêu - Bình Dương men theo sông Sài Gòn tới làng Nhị Bình giảng đạo”.

Gx Tân Qui ngày nay

Làng Nhị Bình lúc bấy giờ còn nghèo khó, dân cư thưa thớt, quanh năm sống bằng nghề làm nông, chăn nuôi, đánh bắt cá, trồng cây ăn trái như măng cụt, dừa, mía. Những ngày đầu, khi các cha MEP loan báo Lời Chúa ở làng Nhị Bình gặp rất nhiều khó khăn do trong thời kỳ cấm cách đạo, người dân địa phương lại sợ tiếp xúc với người Tây và sự bất đồng ngôn ngữ nên các ngài khó lòng giảng đạo vì bà con không hiểu các cha nói gì, chỉ một số ít người nhà giàu được đi học ở vùng Lái Thiêu và thành Gia Ðịnh xưa mới hiểu đôi chút mà thôi. Bên cạnh đó, người làng Nhị Bình chỉ quen với việc thờ cúng ông bà tổ tiên, nên Tin Mừng đạo Chúa là một điều vô cùng lạ lẫm trong tâm thức, vì vậy bà con khó lòng đón nhận.

Không nản lòng, các vị thừa sai vẫn âm thầm gieo hạt giống đức tin. Nhờ sự nỗ lực đó, hạt giống đã nảy mầm trong lòng một số ít người dân địa phương, trở thành tín hữu Công giáo. Trong đó, có gia đình của ông Cả Làng. Sau khi trở thành công dân Nước Trời, họ được hướng dẫn đọc kinh cầu nguyện, phần lớn các kinh thời bấy giờ được đọc bằng tiếng Latinh.

Gx Tân Qui ngày xưa 

 

Ông G.B Lê Văn Don - Chủ tịch HÐMVGX bồi hồi kể: “Những gia đình được Rửa tội có ý định dựng một căn nhà để thờ Chúa và tiện cho việc đọc kinh cầu nguyện cùng nhau, đồng thời cần có nơi để các cha đến giảng dạy, dâng thánh lễ. Ông Cả Làng đã hiến đất để cất nhà nguyện. Ban đầu, nhà nguyện lợp bằng mái tranh, bốn phía để trống, không có bàn thờ, mọi người nhìn vào cứ tưởng đó là nhà làng để hội họp. Do đang trong thời kỳ cấm đạo nên lâu lắm mới được một thánh lễ, có khi 1 - 2 tháng, cũng có khi cả năm mới được dự lễ, rước Mình Thánh Chúa một lần. Thánh lễ thường diễn ra vào buổi tối trong màn đêm, sau khi lễ xong thì chầu phép lành”.

Khi số tín hữu tăng lên ở làng Nhị Bình, những người cao niên trong xứ quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ lợp ngói kiên cố hơn ở vị trí mới rộng rãi, có mặt tiền hướng ra sông, thuận tiện cho mọi người đi lễ, đọc kinh và coi sóc, quét dọn. Mặc dù được đón nhận Tin Mừng từ đầu thế kỷ 19 nhưng do chiến tranh nổ ra, mọi người ly tán khắp nơi, nhà thờ sau dù được xây dựng to lớn, kiên cố hơn nhưng cũng bị hoang phế, hư hại nhiều. Năm 1880, giáo quyền gầy dựng lại họ đạo Tân Qui, làng Nhị Bình, Hóc Môn. Ðây cũng là thời điểm giáo xứ chọn làm mốc chính thức được thành lập.

Trải qua những năm tháng dài với biết bao thăng trầm lịch sử, khi thời cuộc dần ổn định, năm 1922, ngôi thánh đường Tân Qui chính thức xây dựng lại và tọa lạc ở vị trí như hiện nay. Trong ký ức của những người xưa, nhà thờ ngày ấy chỉ là đôi cột được làm bằng gỗ mun, mái lợp ngói, phía trên có xây tháp để ba chiếc chuông, hai chiếc nhỏ do hãng Paccard cung cấp, chuông lớn có từ năm 1896, đường kính 90cm. Ba chiếc chuông cổ này được mang từ Pháp qua vẫn còn cho đến ngày nay, như một chứng tích lịch sử, chứng kiến biết bao lần “thay da đổi thịt” của làng Nhị Bình.

Bắt đầu từ giai đoạn đó cho đến hiện nay, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã đến giúp xứ, chăm lo việc dạy học và giáo lý cho giáo dân. Sơ Maria Nguyễn Thới Kim Chi, một trong bốn nữ tu ở cộng đoàn Tân Qui cho biết: “Nhà dòng luôn sát cánh cùng với các cha sở bồi đắp đức tin cho bà con giáo hữu xứ này. Nhị Bình là vùng đất nông thôn, cách xa thành thị nên vẫn còn nhiều khó khăn, trẻ em con nhà kém may không có cơ hội đến trường vì vậy, bên cạnh việc dạy giáo lý, chúng tôi còn giúp tụi nhỏ học chữ”.

 

CHẤT NAM BỘ

Làng Nhị Bình được bao quanh bởi dòng sông Sài Gòn tạo thành một cù lao thanh bình. Người dân ở đây chủ yếu là người Nam bộ gốc nên trong sinh hoạt vẫn có những nét đặc trưng riêng. Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Lãnh nói: “Ở xứ Nam có một vài sinh hoạt theo cung cách riêng, tôi vẫn để bà con sinh hoạt theo cung cách ấy. Ðiều gì chưa được thì tôi củng cố. Tôi cố uốn mình theo tục lệ của giáo xứ, tránh những thay đổi không cần thiết làm đảo lộn nếp sống của cộng đoàn”.

Một trong những nét đặc trưng của xứ Tân Qui là ngắm đèn. Khác với các xứ Bắc ngắm dấu đinh, ngắm 15 sự thương khó. Trong các giờ kinh, giờ nguyện ngẫm, ngôn từ vẫn mang phương ngữ Nam bộ. Bà con hát thánh ca theo nhịp điệu dân ca nhiều hơn.

Họ đạo Tân Qui có ba giáo khu nhưng điểm đặc biệt là ở khu nào cũng có đền Ðức Mẹ và đền Thánh Giuse, mặc dù nhận bổn mạng khác. Mỗi tối, các gia đình gần đền lại quy tụ con cháu quây quần đọc kinh, nguyện ngẫm, lâu dần trở thành một nếp sinh hoạt đạo đức bình dân ăn sâu vào tâm thức của bổn đạo xứ này. Ông P.X Lê Văn Trưởng - Thủ quỹ HÐMVGX cho biết: “Trong sinh hoạt gia đình, thế hệ con cháu chúng tôi noi gương ông bà giữ thói quen đọc kinh tối, kinh sáng”.

Tháp chuông cổ - chứng tích lịch sử - từ thời lập xứ

Về Nhị Bình, ta vẫn có cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm chứ không xô bồ như ở trung tâm thành phố. Ở đây khí hậu mát mẻ. Nếp sinh hoạt của người dân theo kiểu làng xã thôn quê nên khá đôn hậu, chất phác. Bà con sống thân thiết, ở đầu làng cuối xóm hỏi nhà ai cũng biết. Mỗi dịp giỗ chạp hoặc cưới xin, cả làng cùng đến giúp gia chủ chuẩn bị. Vậy mới thấy cái tình làng nghĩa xóm của người dân làng Nhị Bình.

Tân Qui là một trong số ít xứ đạo được thành lập từ thời các cha Thừa Sai Paris ở Sài Gòn tồn tại cho đến ngày nay, như chiếc nôi gìn giữ đức tin và chứng tích lịch sử chứng kiến biết bao đổi thay của một họ đạo, một vùng đất. Thế hệ trước qua đi, thế hệ con cháu đời sau lại tiếp nối, có những thứ mất đi nhưng lòng đạo đức bình dân của con chiên xứ này thì vẫn cứ mãi được lưu truyền qua bao thế hệ. 

 

Họ đạo Tân Qui hiện có hơn 4.000 bổn đạo, thuộc xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM. Tân Qui vừa kỷ niệm 140 năm thành lập dịp lễ Chúa Kitô Vua năm 2020i.

 

NHÃ VĂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm