Nằm trong vùng có khá đông bà con lương dân, giáo xứ Tân Thành (hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM) hơn 40 năm hiện diện luôn là một nhịp cầu nối kết không chỉ các giáo dân với nhau, mà còn của giáo dân với những người anh em thuộc tôn giáo bạn.
Bỏ ống heo xây nhà thờ
Tiền thân của nhà thờ Tân Thành là một ngôi nhà nguyện nhỏ được xây vào năm 1965. Theo lời kể của các cụ sống lâu năm trong giáo xứ, thời điểm đó, có nhóm giáo dân khoảng 600 người đã từ xóm Mắm (nay là phường 4, quận Tân Bình) di chuyển đến đây và dựng nên nơi thờ phượng, lấy thánh Vinhsơn làm bổn mạng. Cộng đoàn đền thánh Vinhsơn lúc bấy giờ còn là một giáo họ của xứ Tân Việt, với tên gọi Tân Lập. Đến năm 1972, Tân Lập được tách ra thành giáo xứ biệt lập và đổi tên là Tân Thành.
|
Trong những năm đầu khi mới thành lập, giáo xứ gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực. Thế nhưng ở từng vấn đề khó, bà con Tân Thành luôn chọn cách đoàn kết, siết tay nhau để bước qua khó khăn, cùng với sự chăm lo tận tụy của linh mục chủ chăn tiên khởi Giuse Nguyễn Thanh Khiết, xứ đạo ngày càng khởi sắc. Năm 1998, linh mục Đaminh Phạm Minh Thủy được bài sai về làm cha sở Tân Thành. Trên nền móng của vị chánh xứ trước để lại, ngài tiếp tục công việc vun đắp cơ sở cũng như đồng hành đức tin với bà con giáo dân.
Từ một xứ đạo chỉ có mấy trăm nhân danh, số giáo dân ở Tân Thành ngày một tăng lên bởi có thêm nhiều người đến nhập cư. Ngôi nhà nguyện cũ lợp bằng tôn nóng bức lúc này đã trở nên hết sức chật chội, không đủ để bà con đến tham dự thánh lễ. Vì không có không gian nên các lớp giáo lý phải học ở gian nhà nhỏ cuối nhà thờ và còn phải tận dụng cả bên trong thánh đường để sinh hoạt. Trước tình hình đó và theo sự kêu gọi của cha sở, giáo xứ đã cùng nhau gầy dựng một chương trình chung tay tiết kiệm. Từng gia đình trong xứ đóng góp bằng cách bỏ ống heo mỗi ngày. Đến cuối tháng, những người điều hành giáo khu lại đến các nhà “đổ ống” một lần. Cứ như vậy, miệt mài suốt 10 năm, xứ đạo bắt đầu mua thêm đất, cơi nới khuôn viên và xây dựng thánh đường mới (khánh thành vào năm 2010), sau đó là nhà sinh hoạt giáo lý, văn phòng giáo xứ…
|
Giờ đây giáo xứ đã có khuôn viên tương đối rộng để trẻ con, thiếu nhi đến vui chơi |
Nhà thờ Tân Thành nằm trong khu dân cư đông đúc, bao bọc xung quanh toàn là nhà dân, bởi thế tuy không gian rộng hơn trước nhưng vẫn còn thiếu chỗ để xe. Khi có thánh lễ, đặc biệt là ngày Chúa nhật, giáo dân thường phải để xe ở con hẻm bên ngoài nhà thờ. Giờ đây, sự bất tiện này đã không còn bởi hai năm trước, giáo xứ mua thêm một khu đất bên cạnh, sửa sang lại làm nơi giữ xe để bà con yên tâm và không còn bị chia trí khi đến tham dự thánh lễ.
Cổng nhà thờ rộng mở
Hiện tại, tuy thánh đường đã khang trang hơn, khuôn viên giáo xứ cũng tương đối rộng rãi, cho phép mở ra các sinh hoạt đa dạng, thế nhưng so với lượng giáo dân cứ tăng dần lên, giáo xứ cũng phải tính toán, gói ghém tổ chức sao để bà con được tham dự một cách thoải mái. Chúa nhật hằng tuần, giáo xứ có bốn thánh lễ vào các giờ thuận lợi trong ngày. Cha Thủy còn mời thêm một số linh mục khác về dâng lễ cho bà con. Ngài giải thích: “Xứ tôi không có cha phó, tôi gọi vui các cha về dâng lễ hằng tuần là ‘phó không thường trú’. Mỗi cha khách sẽ có dấu ấn riêng giúp giáo dân dự lễ sốt sắng”. Để đào tạo nguồn nhân lực, giáo xứ cũng tìm cách bồi dưỡng thêm cho giáo dân. Bên cạnh đó, trong các đoàn thể thì thế hệ đi trước luôn đóng vai trò là đầu tàu, hướng dẫn nhiệt tình cho lớp trẻ, cụ thể như lớp dạy đàn piano đã hoạt động từ mấy năm nay ở Tân Thành. Ban đầu, vì ca đoàn thiếu người đệm đàn nên một thành viên trong xứ đứng ra lập lớp và dạy. Giờ đây nhân lực ở các ca đoàn tương đối đủ đầy, nhưng lớp piano vẫn cứ thế duy trì, trở thành nơi rèn giũa kỹ năng cho các bạn trẻ giáo xứ.
|
Với lượng giáo dân tăng dần, Tân Thành đã tổ chức nhiều thánh lễ trong ngày Chúa nhật để bà con tham dự |
Mỗi dịp đặc biệt trong năm, xứ Tân Thành thường có các chương trình sinh hoạt vui chơi rất sinh động. Chẳng hạn như dịp Trung Thu, giáo xứ tổ chức đêm hội trăng rằm dành cho các em thiếu nhi trong, ngoài Công giáo. Lúc này, mỗi thành viên của xứ đạo đều góp một bàn tay vào để chuẩn bị. Người thì tất bật lo phát phiếu tham dự cho các em nhỏ, nhóm thì phụ trách trật tự, nhóm khác lại hỗ trợ các gian hàng ăn uống…, làm sao để các em đón trăng được đầy đủ và vui vẻ nhất có thể. Cuối năm, các giáo khu sẽ thống kê xem trong khu vực có bao nhiêu gia đình khó khăn, không phân biệt lương giáo, để mời quy tụ về nhà thờ, cùng nhau chia sẻ những phần quà nghĩa tình. “Tết đến, nhà nào cũng đầy thịt thà, bánh trái thịnh soạn nên giáo xứ càng phải để ý quan tâm đến những người khó khăn, giúp họ cũng có cái Tết no ấm như mọi người. Những người đau ốm không đến được thì các thành viên xứ đạo sang tận nơi thăm hỏi, tặng quà để họ cảm thấy mình không bơ vơ trong niềm vui chung. Cốt làm sao cho ai cũng được hưởng niềm vui đón năm mới”, ông Vũ Văn Hiệu, Chủ tịch HĐMVGX chia sẻ. Hòa mình với bà con lương dân trong vùng, những người giáo dân xứ đạo Tân Thành cũng cố gắng loan báo Tin Mừng qua cách sống tốt lành hằng ngày. Đặc biệt nhiều năm qua, giáo xứ đã thực hiện rất tốt nếp văn minh trong lễ tang, lễ cưới. Các gia đình khi có việc hiếu không còn xảy ra tình trạng kèn trống thâu đêm gây phiền hà khu xóm …
![]() |
Cổng nhà thờ luôn mở ra, thu hút nhiều người đến tham quan sinh hoạt vui chơi chung, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết |
Cánh cổng giáo xứ luôn rộng mở, như tấm lòng của vị chủ chăn và các thành viên đang phục vụ nơi xứ đạo. Tiếp xúc với một số vị, chúng tôi càng ấn tượng bởi sự hòa đồng, thân thiện và cách giao tiếp thân tình, không khoảng cách giữa các chức việc với nhau. Ông Hiệu chia sẻ: “Để giữ được bầu khí này, anh em chúng tôi phải học cách lắng nghe và trao đổi với nhau nhiều lắm. Trong việc chung ai cũng cần phải gọt bớt cái tôi đi vì cuối cùng mục đích cũng chỉ là để phục vụ mà thôi!”.
Từ những gì đã gầy dựng được, Tân Thành vẫn đang nỗ lực bước tiếp trên chặng đường tương lai để trở thành điểm tựa đức tin vững chắc cho đàn chiên.
TRẦN CHÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.