Thứ Năm, 24 Tháng Chín, 2020 10:59

TGP Huế: Các giáo xứ nỗ lực khắc phục sau bão số 5

 

Là nơi tâm bão số 5 (Noul) đi qua, các giáo xứ trong Tổng Giáo phận Huế ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong đó, có nơi bị thiệt hại nặng nề; cây cối, trụ điện bị gãy đổ; nhà thờ, nhà dân bị tốc mái… Sau khi bão tan, các linh mục coi sóc nhiệm sở cùng giáo dân đã nỗ lực khắc phục hậu quả bão, để sớm ổn định đời sống đức tin cũng như các hoạt động thường nhật.

 

Cây cối ngã đổ trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Đốc Sơ được giáo dân khắc phục kịp thời

 

Khi cơn bão đi qua

Linh mục Giorgio Nguyễn Thành Phương (Thư ký Tòa Tổng Giám mục Huế) cho biết, cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên Huế sáng 18.9 đã khiến nhiều cây xanh bị ngã đổ, hệ thống lưới điện bị ảnh hưởng gây mất điện trên diện rộng. Ðối với các giáo xứ trong Tổng Giáo phận, cây cối trong khuôn viên hư hại nhiều, tuy nhiên, các nhà thờ không bị thiệt hại nặng nề, ngoại trừ nhà thờ giáo họ Hương Cần, thuộc giáo xứ Dương Sơn (xã Hương Toàn, huyện Hương Trà). Riêng giáo xứ Thanh Tân (gần suối nước khoáng Thanh Tân, huyện Phong Ðiền), nhà thờ không bị ảnh hưởng, nhưng nhà dân có đến 80 - 90% bị “bay mái nhà”. Còn ở Tòa Tổng Giám mục, trước bão đã có những biện pháp phòng tránh cần thiết, cửa sổ và cửa ra vào đều được đóng cẩn thận nên tương đối an toàn. Ðây cũng là nơi có điện sớm vào buổi chiều sau bão.

Qua lời kể của giáo dân giáo xứ Dương Sơn, nhà thờ giáo họ Hương Cần với diện tích khoảng 100m2 quả thật đã hứng chịu tổn thất nặng nề. Toàn bộ tôn lợp mái nhà thờ đều bị gió cuốn đi, nhiều cây xà ngang bị gãy, hệ thống đèn điện và nội thất bên trong nhà thờ bị hư hại nghiêm trọng, các bức tường bị nứt nhiều mảng, cây cối trong khuôn viên đều bị gãy đổ, bứt gốc. Không tổn thất nhiều như nhà thờ giáo họ, nhưng một số lá ngói của ngôi thánh đường giáo xứ Dương Sơn cũng bị gió thốc lên, rơi vỡ tan tành, cây cối ngổn ngang, bảng tên giáo xứ ở cổng nhà thờ bị gió giật xuống, biểu tượng Năm Thánh rơi xuống vỡ nát. Mái tôn của nhà xứ cũng bị gió cuốn đi, có chỗ bị tốc mái làm ướt hết sách vở, đồ dùng của cha sở và thầy giúp xứ. Giáo xứ Dương Sơn có khoảng 1.300 giáo dân, bão số 5 đã khiến cho 140 căn nhà bị tốc mái. Cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do bão, mái nhà thờ các giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp (TP Huế), Kim Ðôi (huyện Quảng Ðiền), Hà Thanh (huyện Phú Vang) cũng bị nứt, vỡ nhiều lá ngói khi bão đi qua.

Nhà thờ giáo họ Hương Cần bị hư hại nặng nề do bão số 5

 

Niềm tin vượt qua giông bão

Cũng như giáo xứ Tây Lộc, Phủ Cam, trong khuôn viên giáo xứ Ðốc Sơ có nhiều cây cổ thụ lâu năm bị bật gốc, đổ gãy, rất may tượng Ðức Mẹ vẫn đứng vững, an toàn. Khi bão qua, mặc dù trong xứ có khá nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nhưng các gia trưởng và giới trẻ vẫn ưu tiên dọn dẹp Nhà Chúa tươm tất. Trước và sau khi bão đến, toàn giáo xứ đã dành những giờ phút thành tâm cầu nguyện cho miền Trung vượt qua bão số 5 được an bình. Với sự hướng dẫn của linh mục quản xứ, các hội đoàn giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong mấy ngày qua cũng mau mắn lợp lại mái ngói nhà thờ, chặt bỏ cây cối ngổn ngang trong khuôn viên.

Trở về nhà sau khi sơ tán tránh bão, không nản lòng trước cảnh nhà cửa bị tốc mái, cây cối hoang tàn, giáo dân giáo xứ Kim Ðôi đã cùng cha xứ làm lại mái nhà thờ, hiệp ý dâng thánh lễ xin ơn bình an cho giáo xứ, và chung tay lợp tạm mái nhà cho các hộ dân để cùng nhau vượt qua khó khăn mùa mưa bão.

Vui mừng vì không bị thiệt hại về người, cho dù là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão, linh mục Phaolô Trần Văn Quang, chánh xứ Dương Sơn, đã cùng với giáo dân dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn trong thánh lễ thứ Bảy và Chúa nhật vừa qua. Trong thánh lễ, ngài mời gọi giáo dân tiếp tục cầu nguyện để giáo xứ và các gia đình sớm ổn định cuộc sống đức tin cũng như đời sống thường nhật. Xúc động trước tấm chân tình của vị mục tử, anh Giuse Phan Hưởng (giáo dân Dương Sơn) cho biết, trước khi “đón bão”, cha sở Phaolô đã nhắc nhở các biện pháp phòng tránh cần thiết, neo chằng mái nhà, tổ chức giờ cầu nguyện chung trong các gia đình khi bão hoành hành. Khi bão đi qua, ngài đã cùng bà con làm lại mái nhà thờ vào chiều thứ Bảy, để kịp dâng thánh lễ vào buổi tối cùng ngày. Sau thánh lễ sáng Chúa nhật, cũng là lễ khai mạc năm học mới của các lớp giáo lý, vị linh mục chánh xứ lại chung tay với hơn 100 giáo dân dọn dẹp những mớ ngổn ngang do bão để lại tại nhà thờ giáo họ Hương Cần.

Theo anh Hưởng, thánh đường giáo họ Hương Cần bị hư hại nhiều, nên việc tôn tạo chưa thể làm ngay, vì nhiều nguyên do, trong đó có kinh phí. Vì vậy, cha Phaolô Trần Văn Quang dự định viết thư kêu gọi những lòng hảo tâm hỗ trợ, để giáo xứ có điều kiện khôi phục nhà thờ giáo họ, giúp giáo dân có nơi thờ phượng xứng hợp. Không chỉ lo việc Nhà Chúa, ngài còn đến thăm từng gia đình, khu xóm để động viên tinh thần bà con giáo dân. Những ngày qua, trong số 140 căn nhà trên địa bàn giáo xứ bị tốc mái trên 50%, có gia đình đã mua được vật liệu để lợp lại mái nhà, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân phải dùng tạm bạt nilông để tránh mưa gió, do tôn lợp nhà đang lâm vào cảnh “cháy hàng”. Không chỉ khó khăn về chỗ ở, các gia đình còn gặp nhiều bất tiện khi phải sử dụng nến hoặc đèn dầu để thắp sáng, vì hệ thống lưới điện chưa kịp khắc phục để tái vận hành một cách đồng bộ. Vì vậy, lời động viên, sự đồng hành của vị mục tử nhân lành trong cơn gian nan, chính là niềm an ủi và hạnh phúc cho đàn chiên ngài đang dắt dìu, coi sóc. 

 

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ước tính cơn bão số 5 đã gây thiệt hại khoảng 505 tỷ đồng trong toàn tỉnh. Trong đó, có khoảng 15.000 cây xanh bị gãy đổ; gây hư hỏng 439ha hoa màu, 300 ha cây ăn quả, 1.130ha rừng và hơn 863ha cao su. Về cáp quang và hệ thống lưới điện, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 43 tuyến cáp quang và 721 trạm thu phát sóng bị ảnh hưởng,150 cột điện bị gãy, 48 cột điện bị nghiêng, 3 máy biến áp bị hỏng gây mất điện trên diện rộng. Bên cạnh đó, cơn bão cũng làm sập 10 ngôi nhà, 21.283 nhà dân và 20 trường học bị tốc mái. Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế còn chịu tổn hại về người với 2 trường hợp tử vong do cây ngã đổ, 2 người chết do tai nạn khi lợp lại nhà và 92 người bị thương. Ðể khắc phục hậu quả cơn bão số 5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương nỗ lực vào cuộc để sớm ổn định đời sống người dân, phục hồi mạng lưới điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, trường học, sản xuất kinh doanh; sử dụng nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ khôi phục nhà dân và hạ tầng dân sinh; lên phương án sửa chữa, xây mới các công trình xây dựng cơ bản bị hư hại.

 

THIỆN ĐÀM

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm