Sau một đời phục vụ, người linh mục được Chúa gọi về đã gởi lại trần thế xác thân hoặc “tàn tro” của mình. Chốn an nghỉ có lẽ chỉ khác ở chỗ người đến thăm viếng, kinh nguyện không chỉ là người thân, bạn bè, mà còn rất nhiều tín hữu…
![]() |
Nghĩa trang các linh mục ở Trung Chánh |
Dường như ở các nhà thờ có lịch sử lâu năm ở Sài Gòn đều có mộ của các linh mục từng gắn bó, phục vụ cho họ đạo trong nhiều năm. Đặc biệt, nơi những họ đạo cổ, công trình nhà thờ cổ xưa như nhà thờ Cha Tam, nhà thờ Đức Bà hay Đại Chủng viện Thánh Giuse… còn có mộ của các “cố Tây”. Những ngôi mộ của các ngài hiện đều đã là công trình cổ, lưu dấu thời gian. Phương cách an táng để tưởng nhớ công đức cũng như tri ân ghi dấu tiền nhân có thể đã bắt đầu từ thời các linh mục thừa sai đến và xây dựng giáo xứ, nhà thờ. Không chỉ ở trong TGP TPHCM mà hầu như các giáo phận khác cũng như thế. Trải bao thời gian, những nấm mồ của các ngài vẫn được giáo dân qua nhiều thế hệ ghi nhớ, thăm viếng và chăm sóc. Như một sự tiếp nối rồi dần thành nếp quen, sau thời các cố Tây, nhiều giáo xứ vẫn dành phần đất trang trọng ở nhà thờ làm nơi yên nghỉ cho các cha tiên khởi và các cha phục vụ xứ đạo lâu năm…
![]() |
Ngoài ra, có một cách thức khác là sau khi qua đời, các cha được an táng tại nghĩa trang của giáo xứ hoặc nghĩa trang dành riêng cho các ngài. Về nghĩa trang linh mục, tùy theo từng giáo phận sẽ có Đất Thánh thuộc dòng tu hoặc thuộc riêng giáo phận. Chắc hẳn nhiều người biết đến Đất Thánh Chí Hòa (đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình) dành cho linh mục bởi thời gian hiện hữu đã lâu năm. Nơi đây có tất cả trên 200 ngôi mộ, trong đó gồm cả mộ của giám mục, linh mục và của các thầy Lasan. Căn cứ theo phần bia thì mộ lâu nhất đã được chôn cất từ năm 1901, tức cách đây 121 năm. Vì được xây từ lâu và đồng bộ nên các ngôi mộ có kiểu dáng khá đặc biệt, đồng thời tạo cảm giác trang trọng, cổ xưa… Nhưng từ sau 1985, nơi đây không có thêm phần mộ mới hơn vì quỹ đất hầu như không còn. Tưởng nhớ các cố linh mục, hằng năm vào tháng 11 tại Đất Thánh Chí Hòa, các vị chủ chăn đương nhiệm của Tổng Giáo phận đều dành một lễ tưởng nhớ đặc biệt.
Được chọn làm Đất Thánh mới cho các cha trong giáo phận, nghĩa trang linh mục Trung Chánh (đường Đồng Tâm, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) khiêm tốn về quy mô, diện tích. Hiện nay, nghĩa trang có 13 ngôi mộ của các cha. Vị an nghỉ lâu nhất ở đây là từ năm 2003 và mới nhất vào năm 2017. Ông Hoàng Văn Bảy, người coi sóc Đất Thánh mười mấy năm qua, cho biết: “Nghĩa trang này có từ năm 1954, ban đầu là nghĩa trang chung của cả người Công giáo và Phật giáo. Sau này, nghĩa trang được tu sửa và có một đợt cải mộ lớn, nên hầu hết di cốt đã được đưa vào nhà hài cốt ngay tại nghĩa trang. Và về sau, nơi này trở thành nghĩa trang linh mục. Nghĩa trang dành cho giáo dân thuộc giáo xứ thì rộng lớn hơn và nằm cách đây không xa”. Theo ông Bảy, mỗi khi đến thăm viếng người thân trong nhà hài cốt, hầu như ai cũng nán lại ít phút cầu nguyện ở khu vực các cha an nghỉ. Bình thường thì khá vắng vẻ nhưng vẫn có người ra vô thắp cho các ngài nén hương, và giáo xứ Trung Chánh cũng chú ý chăm sóc các mộ phần của các vị mục tử. Vào những ngày trong tháng 11, trên những ngôi mộ phẳng, sát mặt đất, vẫn thấy những bông hoa còn tươi mới được đặt ở mộ phần các cha.
![]() |
Tháng 11, tín hữu đó đây thường đến thăm viếng Đất Thánh dành cho các linh mục. Trong ảnh: tại nghĩa trang linh mục Chí Hòa |
Nằm ở vùng ven, dòng Mẹ Cứu Chuộc cũng có Đất Thánh dành cho các linh mục, tu sĩ của dòng. Nhà an dưỡng giáo phận Phát Diệm trong thành phố cũng có nghĩa trang riêng cho các cha. Và còn nhiều Đất Thánh cho các cha thuộc nhiều dòng tu…
Có thể thấy, tất cả những nơi các cha an nghỉ có một sự thay đổi lớn theo thời gian. Hiện nay, quỹ đất ở các thành phố lớn dành cho nghĩa trang các xứ đạo không còn nhiều và việc an táng các mục tử sau khi qua đời ngay tại khuôn viên nhà thờ cũng không dễ thực hiện như xưa, nên ngoài việc an táng, cũng có nhiều vị mục tử được hỏa táng và tro cốt các ngài đặt ở nhà chờ Phục Sinh của giáo xứ. Nơi nhà chờ Phục Sinh, các vị mục tử vẫn ấm áp lời kinh sớm chiều của bao giáo dân.
Tháng Các Đẳng, nhiều người vẫn tìm đến nơi các mục tử an nghỉ để thắp nén hương, dâng lời kinh…
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.