Thứ Tư, 11 Tháng Năm, 2022 17:55

Tháng 5 vào cuộc dâng hoa

 

Bức tranh những buổi dâng hoa sinh động nơi các xứ đạo vào mỗi tháng 5 biểu hiện vẻ đẹp của lòng đạo đức bình dân từ lâu đã trở thành dấu ấn trong tháng Hoa kính Ðức Mẹ.

 

Nói dâng hoa tập hợp muôn hình muôn vẻ của nhiều truyền thống văn hóa tâm linh, của một rừng sắc hương nguyện cầu đến Mẹ cũng không ngoa. Từ việc mời gọi, tuyển lựa các “con hoa”, đến tập luyện và tiến hoa đã tạo nên bầu khí rộn ràng nơi xứ đạo. Bất kỳ ai khi đã hơn một lần tham dự một buổi lễ có phần dâng hoa đều có thể thấy được cách tổ chức và sự tham gia có bài có bản.

Một buổi dâng hoa thường thể hiện được nhiều nét nghệ thuật từ âm nhạc đến biểu diễn dân gian thông qua cử điệu, múa và phục trang nhiều màu sắc… Có lẽ vì thế hoạt động này đem lại sự cuốn hút đặc biệt vào những thời kỳ mà lễ hội dân gian giàu sức hút hơn hiện nay. Có thể khái quát cấu trúc một buổi dâng hoa thường gồm 3 phần. Mở đầu là phần cộng đoàn rước tượng Ðức Mẹ vào nhà thờ hoặc lễ đài và hát. Phần tiếp là tiến dâng hoa. Ở phần này các con hoa sẽ dâng nhiều loài hoa, nhiều màu sắc khác nhau trong lời hát ca tụng của cộng đoàn tham dự. Cuối cùng là phần cảm tạ và cầu khẩn với Ðức Mẹ. Và như thế, vai trò của người được chọn dâng hoa trở thành tâm điểm khi thay mặt cộng đoàn thực hiện việc dâng hoa qua các bài tập múa, cử điệu… Có thể thấy được sự đa dạng ở độ tuổi khi giới nào cũng có thể tham gia dâng hoa. Tuy vậy, thiếu nhi vẫn là thành phần chính được trao phó. Sự hồn nhiên, đơn sơ của các em nhỏ qua các cử động múa, dù đơn giản, giúp buổi dâng hoa trở nên nhẹ nhàng, thánh thiện.

Giáo xứ Sapa dâng hoa cộng đồng

Là một người từng tham gia hướng dẫn cho thiếu nhi tập dâng hoa, chị Bùi Tuyền Tố Quyên (Gx Thanh Hóa, GP Xuân Lộc) cho rằng tập cho các em có phần dễ hơn người lớn do các em mềm dẻo hơn: “Ðiệu bộ thiếu nhi dễ thương, rất dễ gây cảm tình với người xem. Tôi thấy dù các em có không đều một chút, chưa nhuyễn một chút nhưng lại ít để lại sự phân tâm khi người lớn dâng hoa. Có nhiều người nhận xét rằng họ bị phân tâm, không tập trung khi xem người lớn thực hiện. Có người còn phì cười khi thấy các động tác không phù hợp với tuổi tác…”. Theo chị, khi còn nhỏ chị đã được dâng hoa, cách luyện tập có khác với hiện nay khi có nhiều yếu tố cách tân: “Ngoài ca đoàn, cộng đoàn hát trực tiếp, nhiều nơi có thêm phần nhạc đĩa thâu sẵn. Có khi tôi thấy phần dâng hoa thiên về múa hơi nhiều, đây là điểm dường như không giống ngày xưa”.        

Thiếu nhi giáo họ Chiềng Ân, xứ Mường La ,GP Hưng Hóa, dâng hoa

 

Ở tuổi lục tuần, ông Phạm Xuân Trường (trùm họ Thánh Gia, xứ Hóc Môn) đã đi qua bao mùa hoa chia sẻ rằng xứ của ông chia việc đảm nhiệm dâng hoa theo các giáo họ. Mỗi năm lại có các giáo họ khác nhau phụ trách và xoay theo vòng. Có năm giáo xứ lập một đội hoa hơn 100 thanh niên nam nữ dâng hoa. Vì đội con hoa đông, lại là người trẻ lần đầu tập nên mùa hoa năm đó khá vất vả cho người hướng dẫn. Ðáp lại kết quả là sự mới lạ và độ hoành tráng, nhưng cả sân nhà thờ hôm ấy lại có phần “náo nhiệt, ồn ào hơn”. Bàn đến yếu tố cách tân và truyền thống trong dâng hoa, ông Trường nhận xét: “Cá nhân tôi thích dâng hoa kiểu nhẹ nhàng truyền thống vì nhiều khi sự cải tiến làm mất đi sự mộc mạc, hồn nhiên. Khắp các xứ đạo đều giữ được hoạt động dâng hoa, tuy nhiên nếu chú trọng đến yếu tố tâm linh giúp nâng tâm hồn thì vẫn hơn”.

Vốn là người từ miền cao di cư về Sài Gòn, bà Lương Thị Soan (Gx Thanh Ða) khi nghĩ đến dâng hoa, đã trải nghiệm: “Tâm tình cầu nguyện bên trong chính là điểm đặc biệt vào những buổi dâng hoa. Theo thời gian và cũng theo vùng miền mà đã có sự khác biệt đôi chút. Ở miền cao, điều kiện thiếu thốn hơn nhưng cũng có vẻ đẹp riêng. Tôi thực sự thích tính cộng đoàn khi dâng hoa, tức là ai cũng tham gia chứ không chỉ ngồi xem. Có những buổi dâng hoa, cộng đồng ở miền cao ai nấy tự hái hoa mang đến dâng Mẹ. Nay, hoa được xứ chuẩn bị sẵn, mọi người tham dự lễ nhận từ cổng và theo đoàn vào dâng cho Mẹ. Mọi người đều được mời gọi tiến hoa, và dâng cả tâm tình của mỗi người”.

 

Với ông Nguyễn Duy Thiên (GP Bùi Chu) thì lại rất tự hào khi nhắc đến những buổi dâng hoa ở quê mình. Người dân ở đây luôn có những buổi dâng hoa quy tụ đông đảo con hoa là thiếu nhi, thanh thiếu niên trong những sắc màu áo dài truyền thống. Theo ông, việc chọn người để dâng hoa sẽ có những ý kiến khác nhau, có người thích phái nữ dịu dàng, mềm mại, có người khác lại thích phái nam độc đáo hơn và người này thích người lớn thì cũng không ít người thích thiếu nhi.

Dâng hoa là dâng cả tấm lòng, dù là con hoa hoặc là cộng đoàn tham dự. Nếu nặng phần trình diễn, một buổi tiến hoa sẽ chẳng còn “hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém tươi Mẹ Chúa Thiên đình”. Tinh thần phục vụ và luôn có tâm tình mến yêu để thay mặt xứ đạo dâng đóa hoa, dâng tấm lòng là điều cốt yếu.  

 Một buổi dâng hoa nhiều màu sắc tại giáo xứ Quất Lâm - GP Bùi Chu

 

Minh Hải

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm