Thứ Ba, 21 Tháng Mười Một, 2017 10:58

THÁNH LỄ: CẦN TRÁNH MỘT SỐ THÓI QUEN KHÔNG HAY (P2)

 

III] LẪN LỘN GIỮA CÚI ÐẦU VÀ CÚI SÂU / CÚI MÌNH

Muốn khỏi lầm lẫn, chúng ta cần phân biệt cụ thể khi nào cúi đầu và khi nào cúi mình như sau:

A] Những lúc cúi đầu

Người giúp lễ cúi đầu chào nhau và chào các thừa tác viên khác gồm cả vị chủ tế.

Những người giúp lễ mang thánh giá, mang nến (đèn hầu) và bình hương hoặc phó tế mang Sách Tin Mừng chỉ cúi đầu những lúc phải cúi sâu khi đến và rời cung thánh (QCSL 274). Hơn nữa, những ai tham dự vào cuộc rước sẽ không cúi sâu / cúi mình khi đi ngang qua trước cung thánh, nhà nguyện hay bàn thờ phụ - nơi Thánh Thể được lưu giữ (QCSL 274; Lễ nghi Giám mục (LNGM), số 71).1

Cúi đầu bất cứ khi nào người giúp lễ đến gần hay rời xa vị chủ tế. Ví dụ như, khi mang rượu và nước lên cho chủ tế, họ dừng khi tới gần ngài, cúi đầu chào, trước khi rời thì cúi đầu chào một lần nữa.2 Tuy nhiên để khỏi phức tạp, nên chỉ cúi đầu chào khi rời khỏi chủ tế mà thôi. Một cái cúi đầu nhẹ nhàng cũng diễn tả sự kính trọng và cảm ơn lẫn nhau trước hay sau khi nhận vật gì hoặc khi được hỗ trợ cách nào đó trong một nghi lễ.3

Vị chưởng nghi cũng cúi đầu để ra hiệu cho hành động được bắt đầu.4

Những lúc cúi đầu trong thánh lễ: mỗi khi đọc tên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng nhau (đọc Danh Ba Ngôi) hoặc là tên Giêsu, tên Ðức Maria và tên vị thánh trong ngày mừng kính ngài (QCSL 275). Trong thánh lễ đồng tế, chỉ vị linh mục đang đọc lời nguyện mới cúi đầu khi đọc tới các danh thánh kể trên, các vị khác và cả giáo dân tham dự không cúi đầu theo. Khi các vị đồng tế đọc chung với nhau thì mới cúi đầu cùng nhau khi đọc tới các danh thánh kể trên và cũng áp dụng tương tự cho cả cộng đoàn hiện diện. Cúi đầu khi nghe danh Chúa Giêsu là một thực hành theo chỉ dẫn từ Kinh Thánh (x. Pl 2,10) và cũng là quy định của Công đồng đại kết lần II diễn ra tại Lyon do Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô triệu tập (năm 1274). Nếu danh Chúa, danh Mẹ Maria hay danh của vị thánh trong ngày mừng kính được đọc lên trong cùng bản văn như trong Kinh Tạ Ơn I thì việc cúi đầu đối với danh Ðức Mẹ và các thánh sẽ chừng mực hơn là đối với danh Chúa.5

Việc cúi đầu thường đi trước công thức ban phép lành trọng thể, thường thầy phó tế mời gọi “Hãy cúi đầu và cầu xin phép lành của Chúa” như trong các thánh lễ cổ xưa vào các ngày trong tuần thuộc mùa Chay.6

Khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta cũng phải cúi đầu vì đó là hành vi truyền thống gắn kết với việc nhận phép lành.7

B] Những lúc cúi sâu (QCSL 274)8

1] Ý nghĩa

Cúi sâu/ cúi mình là cách diễn tả thân xác mà Kinh Thánh gọi là khiêm hạ (x. Pl 2, 8) như được thể hiện nơi người thu thuế khi ông cúi mình thấp xuống như thể hạ mình xuống cái nhìn của Thiên Chúa. Cúi sâu khi cầu nguyện, chúng ta ý thức về sự thẳm sâu thiếu thốn của mình để Thiên Chúa vực chúng ta dậy, giúp chúng ta nhìn lên Người và Người có thể nhìn xuống chúng ta. Theo lời của Ðức Bênêđictô XVI: “Những ai muốn đến gần Thiên Chúa thì phải nhìn lên Người, đó là điều chính yếu. Nhưng họ phải học biết để cúi xuống, vì Thiên Chúa đã cúi mình xuống thấp”.9

2] Thực hành

Cúi sâu được thực hiện trong các trường hợp sau:

Khi qua trước bàn thờ (QCSL 132); .

Nếu Nhà tạm có Thánh Thể được đặt trong cung thánh, thì vị tư tế, phó tế và các người giúp khác phải cúi mình, khi đi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không cúi mình trước Nhà Tạm trong lúc cử hành thánh lễ (x. QCSL 274; LNGM 69) trừ ra lúc cất Mình Thánh vào Nhà Tạm sau Hiệp lễ, tức là vào lúc trước khi đóng cửa Nhà Tạm. Không bái gối hay cúi mình khi mở cửa Nhà Tạm trước Hiệp lễ vì lúc này đang có sự hiện diện của Thánh Thể Chúa trên bàn thờ và mọi người phải tập trung vào bàn của Chúa.10

Khi thầy phó tế xin phép lành của chủ tế trước khi đọc Tin Mừng (x. QCSL 175; 275) nhằm diễn tả sự cho phép thầy đảm nhận vai trò này.

Trước khi qua giảng đài công bố Tin Mừng, thừa tác viên cúi mình / cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy” (QCSL 275).

Trong kinh Tin Kính khi tới câu “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần…” (QCSL 137)

Trong phần Chuẩn bị Lễ vật, sau khi đặt chén trên bàn thờ, vị tư tế cúi mình đọc thầm kinh: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con...” (QCSL 143).

Linh mục hơi cúi mình khi đọc lời truyền phép (QCSL 275).

Sau khi vị chủ tế giơ cao Mình và Máu Thánh lúc truyền phép, trước khi rước lễ (x. QCSL 222; 227; 230; 233). Ở đây, lại phải lưu ý đến cử chỉ của giáo dân như sau: Thực hành việc cúi trong khi quỳ không phải là một tập quán mới lạ. Trong hình thức ngoại thường, luật chung là quỳ không thay thế cho cúi chào. Tuy nhiên, đa số các cử điệu theo nghi thức thường quy chiếu cho thừa tác viên hơn là cho dân chúng. Sau mỗi lần truyền phép, theo nghi thức, thường vị tư tế cúi mình (bái gối) trước Mình Thánh và rồi trước Máu Thánh, còn giáo hữu lúc này đang quỳ. Việc họ cúi đầu cùng với chủ tế lúc này là không cần thiết. Tất nhiên cúi đầu chẳng có bất cứ thiệt hại gì và chúng ta cũng rất khó để loại bỏ nó một khi người ta đã có thói quen như thế.

Chủ tế và các thừa tác viên khác sẽ cúi mình chào bàn thờ khi đến gần bàn thờ lúc đầu lễ và lúc kết lễ (QCSL 49; 90; 122; 169; 173; 186; 195; 211; 251; 256; 272).

Nếu có công thức ban phép lành trọng thể hay có lời nguyện trên dân chúng, thầy phó tế mời gọi các tín hữu tham dự cúi mình nhận lãnh phép lành (x. QCSL 185).

Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế thánh lễ (x. QCSL 277).

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

_____________________________________________________

1 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, số 200.

2 Xc. Albert J. Nevins, Called to Serve (Indiana: Our Sunday Visitors, 1993), 27.

3 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius, 2004), số 203.

4 Xc. Albert J. Nevins, Called to Serve, 27.

5 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, số 203.

6 Xc. A.G. Martimort (ed.), The Church at Prayer, vol. 1 (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1987), 183.

7 Xc. Pius XII, Mediator Dei (20-11-1947), số 135; Robert Vereecke, S.J, “Gestures, Liturgical” trong The New Dictionary of Sacramental Worship, ed. Peter E. Fink, S.J (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1990), 508.

8 Xc. Albert J. Nevins, Called to Serve, 27.

9 Joseph Ratzinger, Tinh thần Phụng vụ, 221-222.

10 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, số 199.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm