THÁNH LỄ: CẦN TRÁNH MỘT SỐ THÓI QUEN KHÔNG HAY (P3)

IV] ÐI CHUNG QUANH ÐỂ CHÚC BÌNH AN

Nghi thức chúc bình an diễn tiến như sau:

Lời nguyện xin ơn bình an sau kinh Lạy Cha và kinh khai triển1 phần cuối kinh Lạy Cha bằng những lời: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói...” (đây là lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Ðức Kitô trong phần nghi thức thánh lễ);

Tiếp đó, linh mục và các tín hữu chúc bình an cho nhau: chủ tế chúc bình an cho các tín hữu bằng công thức cổ điển “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” và dân chúng đáp lại “Và ở cùng cha”. Vì công thức này thực ra chưa phải là một lời mời trao đổi, nên liền sau đó, phó tế hay nếu phó tế không hiện diện thì một vị đồng tế hoặc chính chủ tế còn thêm “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Lúc này, các tín hữu trao dấu bình an của tình huynh đệ cho những người gần mình.

Cuối cùng là kinh Lạy Chiên Thiên Chúa trong đó kết thúc bằng lời cầu “Xin ban bình an cho chúng con”.

Hướng dẫn cụ thể của Giáo hội liên quan đến hành vi chúc bình an trong thánh lễ như sau:

Vị tư tế có thể chúc bình an cho các người giúp lễ, nhưng ngài phải luôn luôn ở trên cung thánh, để khỏi làm xáo trộn cuộc cử hành. Nếu có lý do chính đáng, ngài cũng có thể trao bình an cho vài giáo dân, nhưng vẫn ở trên cung thánh. Mọi người trao cho nhau bình an, sự hiệp thông và tình bác ái theo cách Hội đồng Giám mục quy định. Khi trao bình an, có thể nói:“Bình an của Chúa hằng ở cùng anh”, và được đáp lại là “Amen (QCSL 154).2

Mỗi người nên chúc bình an một cách giản dị và chỉ với những người ở chung quanh mình”. “Linh mục có thể chúc bình an cho các thừa tác viên, nhưng ở trong cung thánh, để khỏi làm xáo trộn việc cử hành. Nếu muốn và với lý do chính đáng, ngài sẽ chúc bình an như thế cho vài tín hữu”. “Về những gì liên quan đến dấu hiệu để chúc bình an, cách thức của nó được Hội đồng Giám mục ấn định, theo tâm tính, phong tục và tập quán của các dân tộc khác nhau”, và được Tông tòa xác nhận (BTCÐ 72).3

Từ những hướng dẫn trên, chúng ta rút ra hai kết luận thực hành sau:

Phần chủ tế: ngài không được đi xuống các hàng ghế để chúc bình an vì có thể làm “xáo trộn việc cử hành”, gây ồn áo náo động, làm cho mọi người sẽ khó tập trung vào việc hiệp lễ sắp diễn ra.4 Nghĩa là, thực hành này có nguy cơ lôi kéo người ta một cách bất thường chú ý đến cá nhân vị chủ tế như thể ngài chứ không phải Thiên Chúa là tác nhân, là nguồn mạch của bình an. Thực sự, chỉ Ðức Kitô mới là Ðấng trao ban bình an cho chúng ta. Thực hành này phản ánh các linh mục đôi khi quên rằng mình chỉ là một phương tiện, là một cây cầu, và một cây cầu phục vụ theo đúng mục đích của nó chỉ khi nào người ta đi trên nó chứ không phải thán phục nó từ đằng xa.5

Phần giáo dân: trong khi tuân theo những tập tục của địa phương, nên tránh một vài thái độ: i) Thứ nhất, chúc bình an cho chiếu lệ, như một nghi thức vô hồn không hơn không kém; ii) Thứ hai, đi chung quanh chỗ này chỗ kia để chúc bình an, hồ hởi, sôi nổi quá mức cần thiết và trò chuyện với nhau.

Ðức Bênêđictô XVI căn dặn rằng:

Thượng Hội đồng Giám mục cũng lưu ý cần điều tiết khi thực hành cử chỉ này, vì rất thường mang những hình thức thái quá và làm cho bầu khí cộng đoàn loãng đi trước lúc hiệp lễ. Nên nhớ rằng không có gì mất mát nếu bình an được trao ban bằng một cử chỉ thanh tao cần thiết để duy trì bầu khí thích hợp cho buổi cử hành, ví dụ, giới hạn việc trao ban bình an cho những người ở gần nhất.6

V] KHÔNG THƯA “AMEN” TRƯỚC KHI LÃNH NHẬN THÁNH THỂ

Ðây là hướng dẫn của Giáo hội về việc thưa Amen khi rước lễ:

Nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, thì linh mục cầm Bánh Thánh giơ cao lên một chút trước mặt từng người, và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, người rước lễ thưa: “Amen”, và lãnh nhận Mình Thánh bằng miệng hoặc nơi nào cho phép, thì bằng tay tuỳ ý (QCSL 161).

Nếu cho rước Máu Thánh bằng cách uống từ chén thánh, người rước lễ bước qua đứng trước mặt thừa tác viên cầm chén thánh. Thừa tác viên nói: “Máu Thánh Chúa Kitô”; người rước lễ thưa: “Amen”. Thừa tác viên trao chén thánh, người rước lễ tự tay cầm chén thánh đưa lên miệng, người rước lễ uống một chút từ chén thánh, rồi trao lại cho thừa tác viên và về chỗ; thừa tác viên lấy khăn lau chén mà lau miệng chén thánh (QCSL 286).

Nếu rước Máu Thánh bằng cách chấm, người rước lễ cầm đĩa hứng dưới miệng, tiến tới trước mặt linh mục đang cầm chén thánh và thừa tác viên cầm bình đựng Mình Thánh đứng bên cạnh. Linh mục lấy Bánh thánh, nhúng một phần vào chén thánh, giơ lên và nói: “Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”, người rước lễ đáp: “Amen”, rồi rước lễ bằng miệng từ tay linh mục, và về chỗ (QCSL 287).

Tiếng Amen của người lãnh nhận Mình Thánh Chúa không phải là một gợi ý để rồi nên hay không nên thưa do tùy thích, nhưng tiếng Amen này là yếu tố cần thiết để biểu lộ niềm vui khi rước Chúa cũng như sự sẵn sàng của tâm hồn để tiếp nhận tặng phẩm Chúa ban đúng như lời thánh Ambrôsiô đã nói trong cuốn De sacramentis (IV, 25) của ngài:

Không phải là không có lý do khi các bạn nói ‘Amen’ vì các bạn thừa nhận trong lòng mình rằng các bạn đang lãnh nhận Mình Chúa Kitô...Vậy hãy để lòng mình lưu giữ những gì mà miệng lưỡi tuyên xưng.7

Theo cha Jean Yves Garneau,SSS, tiếng Amen lúc này có nhiều ý nghĩa:8

Amen! Ðó là: “Vâng, lạy Chúa, con biết rằng Ngài đang đến với con và ban Mình Máu Ngài cho con dưới hình bánh và rượu.”

Amen!: “Vâng, lạy Chúa, con đón rước Ngài và con yêu Ngài hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn và con.”

Amen!: “Vâng, lạy Chúa, con muốn đi theo Ngài và xây dựng Vương quốc của Ngài.”

Amen!: “Vâng, con muốn là môn đệ Ngài, và trở lên giống như Ngài. Con muốn dâng hiến đời mình cho hòa bình, cho công lý và cho sự cứu rỗi trần gian.”

Tiếng Amen của người lãnh nhận Mình Thánh Chúa cũng vừa là một lời tuyên xưng đức tin vừa là một dấn thân trong đức ái vì Mình Thánh Chúa Kitô không chỉ nguyên sự hiện diện vật lý của thân xác phục sinh của Chúa, mà còn chỉ thân thể Người là Giáo hội (Cl 1,24), thân thể mà Người đã thiết lập và đang tiếp tục sống trong lịch sử, thân thể mà mỗi chúng ta là chi thể, và chúng ta đang xây dựng bằng đức ái. Nếu câu “Mình Thánh Chúa Kitô” hiểu theo nghĩa này, tiếng Amen có một ý nghĩa tương ứng là: “Vâng, khi thông hiệp với Mình Thánh Chúa, tôi muốn góp phần xây dựng và củng cố sự hiệp nhất của thân thể Người là Giáo hội.”.

Vì thế, mọi tín hữu lên rước lễ phải ý thức được điều này và thưa Amen thành tiếng cách rõ ràng sau khi thừa tác viên Thánh Thể giơ Mình Thánh Chúa trước mặt mình mà nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”.

(tiếp theo và hết)

Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

_____________________________________________

1 Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…

2 Tại Việt Nam, để chúc bình an cho cộng đoàn, chủ tế dang hai tay, quay về phía cộng đoàn và nói: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Cộng đoàn đáp lại “Và ở cùng cha”, và không làm cử chỉ gì khác nữa. Sau câu kêu mời của chủ tế hoặc Phó Tế: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, thì chủ tế quay sang vị đồng tế hoặc Phó Tế, hoặc thừa tác viên đứng bên, cúi mình và nói: “Bình an của Chúa ở cùng cha (hoặc thầy)”. Vị đồng tế hoặc thừa tác viên đứng kế bên cũng cúi mình và nói: “Bình an của Chúa ở cùng cha (thầy)”. Các vị đồng tế hoặc thừa tác viên khác đứng bên nhau cũng làm như vậy. Giáo dân hai bên lòng nhà thờ cũng quay vào nhau cúi mình để chúc bình an cho nhau mà không cần nói gì (QCSL 82).

3 Ibid.

4 ÐGH Biển Ðức XVI, Sacramentum Caritatis, 49.

5 Xc. Edward McNamara, “Can priest do down aisle at the kiss of peace?” trong The ZENIT Daily Dispatch© Innovative Media, Inc. (ROME, 28 OCT. 2003).

6 ÐGH Biển Ðức XVI, Sacramentum Caritatis, 49.

7 Trích lại trong Robert Cabié, “The Eucharist” trong The Church at Prayer, ed. A. G. Martimort (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 2: 118.

8 Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 155-156.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Tại kỳ họp lần 1/2024, HĐGMVN đã thảo luận và thống nhất quy định về thủ tục hôn phối dành cho các cặp đôi tại các giáo phận trên toàn quốc.
Những món quà dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan
Những món quà dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan
Các tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Quiapo (Philippines) đã gặp gỡ và tặng quà các tín hữu Hồi giáo tại Đền thờ Hồi giáo Vàng Manila vào dịp lễ Eid’l Fitr, ngày kết thúc tháng Ramadan.
Kinh Phục vụ
Kinh Phục vụ
Vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hành hương ở Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu.
Giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định tổ chức hiến máu nhân đạo
Giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định tổ chức hiến máu nhân đạo
Ngày 14.4.2024, tại giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định, Hội Chữ Thập Đỏ và Ban chỉ đạo Hiến máu Nhân đạo phường 12, quận 3 đã tổ chức ngày hiến máu nhân đạo.
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Trong các ngày 14-18.4.2024, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long đã diễn ra kỳ họp thường niên HÐGMVN lần 1/2024.
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Những xe bồn chở nước ngọt, dù về đến sân nhà thờ khi trời đã tối sầm hay giữa trưa nắng oi ả, vẫn luôn có bóng dáng cha chánh xứ Giacôbê Nguyễn Minh Phụng tất bật “nhận hàng”.