Dẫn nhập
Đấng Bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em[1]. Và Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi, đó là Thần khí sự thật. Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói[2]. Thánh Thần sẽ dạy anh em biết tất cả sự thật[3]. Vậy, trong con đường hiệp hành hoàn vũ, chúng ta luôn biết lắng nghe, tiếp thu Người Thầy, dạy qua ân sủng và qua những thực tại của môi trường. Tất cả đi vào nhận thức, rồi vào cõi tiềm thức, vô thức và siêu thức. Ở đó, Chúa Thánh Thần sẽ nhắc lại cho chúng ta những gì Chúa Giêsu đã dạy. Sau đây, tôi xin chia sẻ về Hiệp hành hoàn vũ: Chúa Thánh Thần và ơn hiện sủng - truy xuất.
Nhận thức
Giáo hội có hai ơn: Thánh sủng và Hiện sủng. Ơn Thánh sủng, biến chúng ta trở thành con Chúa; ơn Hiện sủng giúp chúng ta ơn truy xuất đúng lúc. Khiến chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Như trường hợp ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần hiện xuống qua hai biểu tượng lửa và gió. Các tông đồ mở toang cửa, can đảm, tiến ra phía trước, rao giảng và trao ban niềm hy vọng Phục sinh và thúc đẩy những người mà các ngài gặp, khiến họ vui mừng tiến tới và chia sẻ niềm hy vọng.
Tôi xin nêu ví dụ về võ sĩ đạo. Khi đánh võ, võ sĩ thường có hai cách ứng xử: Thủ và công; vừa thế thủ vừa tấn công một cách phản xạ mau lẹ. Phản ứng rất nhanh nhẹn và đúng lúc. Để đạt được trình độ siêu đẳng và huyền thoại này, võ sĩ nhận thức các loại võ thuật của thế giới. Rồi rèn luyện với ý chí quyết tâm. Tất cả, với thời gian, đã trở thành tiềm thức, vô thức và siêu thức. Lúc đối diện với thực tế, những người đấu trên võ trường, tất cả đều truy xuất phản ứng đáp trả. Võ thuật Á đông thủ và tấn công trực diện vào những điểm trọng yếu nhất của con người, nhắm vào Tâm. Võ thuật Tây phương thường dùng sức mạnh tấn công, như dùng chân đá, tay đấm đối thủ. Tất cả đểu truy xuất từ cõi siêu thức. Dường như không suy nghĩ, chỉ phản xạ. Phản xạ những gì võ sinh đã thu thập kiến thức từ các môn phái khác, đã trải nghiệm một cách tổng hợp, dung hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo như trở thành môn võ của riêng mình. Như thế mới trở thành huyền thoại võ đạo.
Tóm tắt, kiến thức vào tâm, lên trí, và biến thành ý chí quyết tâm thực hiện. Từ đó, chuyển vào tiềm thức, vào vô thức và siêu thức.
Đào luyện
Theo thánh Tôma, giữa ân sủng và tự nhiên luôn có một mối tương hỗ mật thiết với nhau. Ân sủng tôn trọng tự nhiên. Ân sủng chữa lành tự nhiên. Ân sủng không phá đổ, nhưng hoàn thiện bản tính tự nhiên[4]. Ân sủng hoàn thiện con người và đồng thời giúp con người đạt được những khát vọng và nhu cầu thâm sâu nhất của mình. Không có ân sủng trợ giúp thì con người không thể nào đạt được cứu cánh đích thực của mình[5]. Quả thực, “Ân sủng không phá đổ bản tính tự nhiên”.
Thực tế, trước đây, chúng ta thường chú ý tới nhận thức bằng trí tuệ, nhưng thời nay, cần trở lại cân bằng hơn, chúng ta nhận thức trước hết bằng trái tim: “Nói và nghe bằng trái tim”. Tiếp đến, từ trái tim lên khối óc và trở thành ý chí quyết theo chân thiện mỹ. Chân lý đến từ lòng yêu mến, dẫn tới suy tư và khi con tim và lý trí quyện lại sẽ biến thành ý chí quyết tâm thực hiện. Như thế, nhận thức tiếp nhận tất cả từ môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và môi trường sáng tạo. Bằng những phương tiện nghe, nhìn, viết, vẽ, suy tư. Đi từ con tim lên trí tuệ và biến thành ý chí. Rồi, tất cả đi vào cõi tiềm thức, vô thức và siêu thức. Trước những biến cố hiện sinh, từ trong cõi siêu thức, Chúa Thánh Thần là Thần khí của Chúa Kitô, giúp nhắc lại, giúp truy xuất những gì Chúa Giêsu đã dạy và những gì chúng ta đã nhận thức. Đó gọi là ơn hiện sủng: Ơn truy xuất đúng lúc, đưa ra những giải pháp đúng thời điểm, đáp ứng nhu cầu, hầu đem lại sức sống mới cho con người và vạn vật.
Thần khí của Chúa Kitô hằng ở cùng chúng ta. Hãy bước đi theo Thần khí[6]. Người ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn, nhất là ơn Đúng Lúc cho các mục tử, các vị lãnh đạo, trong đạo ngoài đời. Đặc biệt, cho các tín hữu Kitô thời nay, được mời gọi trở thành những Người Giáo dân lãnh đạo. Khái quát, là cho tất cả những nhà mục vụ, khao khát chăm lo hạnh phúc cho con người và trân quý mọi tạo vật. Hầu dẫn tới một thế giới mới và con người với tinh thần huynh đệ mới.
Kết luận
Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần[7]. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta đón nhận ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn của Người. Hầu thoát ra khỏi cái Tôi kiêu căng, để bước vào cộng đoàn và từ cộng đoàn của tôi, bước tới hoàn vũ, cùng yêu thương con người, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tích cực biến năm châu trở nên một gia đình và trân quý mọi tạo vật.
Cảnh giác nỗi sợ. Chúa Thánh Thần: Ngườigiải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Các môn đệ đã đóng cửa, vì sợhãi. Khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các Tông đồ - chúng ta cử hành điều này hôm nay - ra khỏi phòng tiệc ly và đi vào thế giới để tha thứ tội lỗi và loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi vốn giam cầm chúng ta, và ban cho chúng ta sức mạnh đi ra loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta dành chỗ cho những nỗi sợ hãi sai lầm này, thì các cánh cửa sẽ đóng lại: cánh cửa của tâm hồn, cánh cửa của xã hội, và thậm chí cánh cửa của Giáo hội! Ở đâu có sự sợ hãi, ở đó có sự khép kín.Và điều này sẽ không tốt[8].
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
1 Ga 14: 25b-26.
2 Lc 12, 11-12.
3 Ga 16, 12-15.
4 Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP, Tương quan giữa tự nhiên và ân sủng trong tư tưởng tôn sư Tôma.
5 P. MAGNARD, Nature et histoire dans l’apologétique de Pascal, Paris, 1975, p. 271.
6 Ga 5, 16-18.
7 Ga 20,19-23.
8 Phanxicô, Kinh Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa nhật 28.5.2023.
Bình luận