Bằng sự nhiệt tâm khi cộng tác với giáo xứ, các tu sĩ đã góp phần làm sinh động và phát triển họ đạo nơi mình phục vụ. Tương tác với những đóng góp ấy, giáo xứ cũng đã có nhiều cách thức để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị.
Mối tương quan qua lại
Lm Đaminh Nguyễn Thế Trường (Chánh xứ Suối Dây, GP Phú Cường): Để chăm sóc mục vụ cho một xứ đạo thì người chủ chăn cần rất nhiều sự cộng tác từ các thành phần Dân Chúa, trong đó có tu sĩ. Họ dù hoạt động một cách âm thầm nhưng đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của giáo xứ. Theo chiều ngược lại thì chính linh mục cũng phải quan tâm để có thể trợ giúp tu sĩ. Vì nhiều lý do, các nữ tu khá dè dặt nên cũng ít bày tỏ thẳng thắn hay nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các chị luôn cố gắng tự mình xoay sở để hoàn thành công việc. Vì vậy, bản thân tôi luôn thoải mái mở lòng, sẵn sàng chia sẻ để giúp cho những người đồng hành phục vụ với mình dù việc lớn hay việc nhỏ trong khả năng có thể. Giáo dân trong xứ cũng sẵn sàng giúp cho các tu sĩ mỗi khi nhà dòng có việc cần. Tôi nghĩ rằng, xứ đạo cũng là gia đình, và trong gia đình ấy, các thành viên phải luôn giữ mối tương quan qua lại với nhau. Có như thế, sợi dây liên kết mới luôn bền chặt.
Ðiều giáo xứ cần quan tâm
Lm Gioan Đỗ Minh Chúc (Chánh xứ Phúc Lộc, GP Đà Lạt): Mỗi ngày ở giáo xứ đều có 3 nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum đến giúp trao mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, dạy giáo lý… Dù không ở tại giáo xứ, nhưng các chị đã nhiệt tình đến giúp nhà thờ những khi cần kíp. Để đáp lại sự cộng tác, giáo xứ có đóng góp gạo hay phụ chút tiền xăng xe đi lại… Đó là điều bình thường và tự nhiên được nhiều giáo xứ thể hiện.
Giữ liên lạc khi tu sĩ chuyển đi
Chị Bạch Thị Thúy Hằng (Gx Quảng Đà, GP Ban Mê Thuột): Thời gian các tu sĩ còn đang phục vụ, giáo xứ có sự hỗ trợ cũng như vun đắp là điều nên làm. Nhưng khi họ đã chuyển đi nơi khác, tôi nghĩ mọi người trong xứ cũng cần giữ mối dây liên lạc ấy để thăm hỏi, giúp đỡ hoặc mời tham dự các buổi lễ lớn. Tu sĩ gắn bó với xứ đạo nào khi chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới ít nhiều cũng sẽ có chút buồn nhớ. Lúc ấy, bà con giáo dân nên tới thăm và động viên, tiếp sức để họ có thêm nguồn động lực mà dấn bước theo Chúa và hăng hái trong việc phục vụ.
Nhiều cách bày tỏ tấm lòng
Chị Nguyễn Thị Phương Tâm (Gx Định Bình, GP Vĩnh Long): Nhờ có các nữ tu về giúp mà con em, giới trẻ trong họ đạo tôi được dẫn dắt về giáo lý, hát, múa..., khiến hoạt động của xứ đạo sống động hơn nhiều. Nhà thờ cũng luôn được chăm chút gọn gàng, sạch đẹp. Vì sự tận tâm của các dì nên ai nấy trong họ đạo đều yêu mến. Bên cạnh các giáo lý viên ra sức cộng tác giúp các dì đảm đương lớp giáo lý, bà con giáo dân cũng bày tỏ lòng biết ơn bằng những hành động chân tình, thiết thực. Lâu lâu, ai có món gì cây nhà lá vườn cũng hay đem đến tặng. Có nhiều người còn góp tiền xe khi các dì bệnh hay chuyển đổi đi nơi khác. Bà con ở đây vẫn thường đến thăm các dì dù không có công việc cần thiết mà chỉ để chia sẻ với nhau những câu chuyện đời thường.
Phụ huynh sát cánh
Chị Lê Thị Hường (Gx Bình Thuận, TGP. TPHCM): Tu sĩ cộng tác tại các lớp giáo lý cần có thêm sự chung tay của phụ huynh. Với riêng tôi, việc học biết giáo lý cũng quan trọng như học văn hóa, vậy tại sao mình quan tâm đến vấn đề học hành bên ngoài của con cái nhưng lại phó mặc chuyện bồi đắp đức tin cho giáo lý viên, các tu sĩ, chủng sinh? Thế nên, tôi vẫn thường nhắc nhở và khảo bài cho con sau các buổi học giáo lý của chúng ở nhà thờ. Mình sát cánh với các tu sĩ một chút thì cũng đã góp được công sức vào việc chung và chia sớt phần nào gánh nặng với các vị.
Cùng dâng lời cầu nguyện
Chị Trần Lệ Diễm (Gx Tân Hương, GP Kon Tum): Với giáo dân, các tu sĩ như những người thân trong gia đình. Thi thoảng, vào ngày Tết hay bổn mạng của các dì, thành viên trong xứ, các hội đoàn đều có những phần quà như cách tỏ bày lòng biết ơn. Ngoài vật chất, tôi thấy điều quan trọng khác là lời cầu nguyện. Các tu sĩ cầu nguyện cùng Chúa ban ơn lành cho giáo xứ thì giáo xứ cũng nguyện cầu Chúa đổ tràn hồng ân cho các vị. Với người Công giáo, lời cầu nguyện luôn là điều cao trọng.
Bình luận