Thứ Năm, 10 Tháng Mười Hai, 2020 16:31

Thầy Quyết Thắng đã chiến thắng số phận

 

Vượt qua bệnh tật, Nguyễn Quyết Thắng đã trải qua một hành trình dài để tìm đến với ánh sáng tri thức. Niềm say mê Toán học đã dẫn đường cho chàng thanh niên khiếm thị vào giảng đường đại học và trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp. Gần 10 năm qua, thầy Gioakim Nguyễn Quyết Thắng luôn nhiệt thành trên hành trình gieo chữ, gieo niềm tin và hy vọng cho học trò, cho những người xung quanh bằng cuộc sống lạc quan, yêu đời, yêu người.

 

Hành trình tri thức

Là con trai cả trong một gia đình có 3 người con ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Ðồng), khi lên 7, đôi mắt của cậu bé Nguyễn Quyết Thắng bỗng xuất hiện dấu hiệu bất thường. Bác sĩ chẩn đoán cậu bị thoái hóa võng mạc, thị lực sẽ giảm dần theo thời gian, không thể chữa trị nên học được đến đâu hay đến đó. Trong khi cha mẹ cố giấu nước mắt vì thương con, Thắng vẫn hồn nhiên tung tăng đến lớp. Năm 1998, khi 13 tuổi, Thắng vào lớp 7 nhưng lúc này mắt em đã mờ dần, chữ viết không thể ngay hàng thẳng lối như trước. Vì vậy đến lúc các bạn lên lớp 8, cậu bé đành nghỉ ở nhà vì không còn nhìn thấy mặt chữ. Một năm sau, cuộc đời Thắng như mở sang trang mới, khi Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người Tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Ðồng giới thiệu em đến mái ấm Huynh Ðệ Như Nghĩa ở TP.HCM, do các nữ tu Dòng Phan sinh Thừa sai Ðức Mẹ (Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam) coi sóc.

Thầy Gioakim Nguyễn Quyết Thắng đã có gần 10 năm nhiệt tâm gắn bó với nghề giáo - ảnh: Bích Vân

 

Trước khi trở thành học sinh của lớp học chữ nổi (chữ Braille), Thắng được các nữ tu phụ trách “kiểm tra trình độ” và quyết định cho em học lại lớp 6 để phù hợp với khả năng hiện có. Khi ấy, cậu bé vùng cao nguyên đã khiến cho sơ Ðào Hoa và sơ Cao Hoa ngạc nhiên vì chỉ trong khoảng thời gian từ sáng đến chiều, em đã học xong bảng ký hiệu chữ Braille Việt ngữ, và chỉ trong khoảng 2 tuần đã có thể đọc viết ngon lành. Trong khi để học được chữ nổi, có bạn phải học đến 6 tháng, hoặc thậm chí có trường hợp phải mất đến một năm. Trong năm học đầu tiên ở mái ấm, Thắng và bạn đồng cảnh được học các thầy ở trường cấp 2 do các nữ tu mời về, hoặc được một số thầy cô tình nguyện đến hỗ trợ. Từ năm lớp 7, cậu bé bắt đầu học ở trường Bình Hưng Hòa để hòa nhập. Cũng trong thời gian ở mái ấm, thấy các bạn đi nhà thờ, Thắng cũng xin đi cùng. Cảm nhận được những điều hay, ý nghĩa cho cuộc sống của mình trong những bài giảng lễ, cậu bé xin các sơ cho học giáo lý và được lãnh Bí tích Thánh tẩy một thời gian sau đó. Rời mái nhà Huynh Ðệ Như Nghĩa, cậu thiếu niên vào học cấp 3 ở trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Ðình Chiểu với hình thức nội trú. Suốt những năm học cấp THCS và THPT, Thắng luôn đạt học lực giỏi và là học sinh đứng đầu lớp.

Vì rất thích môn Toán, nhất là Toán hình học, cộng thêm được các giáo viên bộ môn “chăm chút” qua nhiều năm tháng, niềm đam mê của Thắng ngày càng lớn dần, đến nỗi trong giấc mơ cậu cũng thấy mình đang làm toán. Ðể tiếp tục được học hỏi về môn học mình yêu thích, Thắng tìm đến Trường Ðại học Sư Phạm TPHCM để thăm dò xem trường có tuyển sinh thí sinh khiếm thị hay không. Trong bối cảnh hầu như các trường đại học còn “khép cửa” với người khiếm thị, Trường Ðại học Sư Phạm cũng chưa từng tuyển sinh, nhưng tấm lòng của các nhà làm giáo dục đã chào đón “ứng viên” đặc biệt bằng cách riêng. Cứ vài ngày, Thắng lại được các thầy hẹn gặp để kiểm tra khả năng về Toán học. Sau ba lần “thử thách” đều cho kết quả tốt, đến lần thứ tư, tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn (trưởng khoa Toán - Tin lúc bấy giờ) tiếp tục cho Thắng một số bài toán làm thử. Kết quả là những đáp án nhanh và chính xác, nên “ứng viên” lại được khen. Sau khi các thầy đang bàn bạc và đồng ý thành lập hội đồng thi để chuẩn bị chào đón thí sinh đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh mới thì Bộ GD-ÐT có quyết định đặc cách tuyển thẳng thí sinh khiếm thị vào đại học nên Thắng không phải dự thi.

Chính thức trở thành sinh viên khoa Toán - Tin của trường Ðại học Sư phạm TPHCM vào năm 2006, hành trình của Thắng không phải không có khó khăn, nhưng nhờ thầy cô, bạn bè đồng hành, tân sinh viên ngày càng thêm vững bước: “Rất nhiều bạn học đã kết thành một nhóm để học cùng em. Nếu giờ học vào buổi chiều, thì buổi sáng các bạn đã đến để cùng học. Và nếu học buổi sáng, thì các bạn sẽ ở lại đến chiều tối, lúc gần hết xe buýt mới về. Các bạn thường đọc giáo trình cho em nghe rồi cùng nhau giải toán. Hoặc những gì trên lớp nghe không kịp, em cũng được các bạn nhắc lại giúp”. Những lúc thi toán, thầy dạy Thắng cũng là người coi thi, sẽ đọc đề cho em. Khi hoàn tất bài thi bằng chữ nổi, Thắng đọc nội dung để thầy ghi lại biên bản và chấm điểm trực tiếp trên bài thi. Cùng đề thi, cùng thời gian thi như các bạn trong lớp, chỉ có cái khác là Thắng được biết điểm thi trước. Riêng các môn học khác nhà trường cho phép em làm bài thi trên máy tính, chép vào usb rồi đưa vào văn phòng khoa để in và nộp bài. Trong suốt quá trình học tập, Thắng cũng học tất cả các môn như những sinh viên khác, ngoại trừ môn thể dục. Khi học, cậu chú tâm ghi lại những gì quan trọng bằng chữ nổi, còn những thông tin thông thường thì chọn cách ghi nhớ trong đầu.

Gia đình thầy Gioakim Nguyễn Quyết Thắng trong dịp con trai được rửa tội

 

Gieo mầm tin yêu

Tốt nghiệp đại học loại khá, chàng cử nhân điển trai, hay cười mong muốn tiếp tục học bộ môn mình yêu thích nên được các sơ phụ trách tìm người hỗ trợ để qua Mỹ học cao học. Cùng thời điểm này, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Ðình Chiểu bắt đầu mở các lớp học cấp 3. Biết trường cũ đang cần giáo viên, nên khi các thầy ở trường mở lời: “Em hãy tham gia giảng dạy, rồi bao giờ đi học thì đi”, thầy giáo trẻ Nguyễn Quyết Thắng đã nhận lời về công tác tại trường từ năm 2010.  Và cũng kể từ đó, Thắng “mê dạy” lúc nào không hay: “Khi tiếp xúc với học sinh, em thấy lại hình ảnh mình trong đó, và biết rằng mình cần làm gì để giúp đỡ và khuyến khích các em cố gắng hơn”.

Ðể thỏa niềm đam mê đọc sách văn chương và tiếp cận tài liệu bằng tiếng Anh, buổi tối Thắng tranh thủ học thêm tiếng Anh tại trường Ðại học Ngoại ngữ Tin học. Khoảng 2 năm trở lại đây, các em học sinh cấp 2 -3 ra ngoài học chung với “các bạn sáng”, nhưng thầy giáo Thắng vẫn tiếp tục dạy phụ đạo cho các em học sinh trường mình. Trong 5 năm qua, thầy còn là giáo viên tiếng Anh chính khóa dạy cấp tiểu học, phụ trách các lớp 2, lớp 3 và lớp 4 của trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Ðình Chiểu. Trong lúc trường đang xây lại cơ sở mới, thầy Thắng đã đến tận mái ấm Nhật Hồng (trên đường Nguyễn Tri Phương) để dạy học cho một số em học sinh là thành viên của mái ấm này, giúp các em đỡ phải qua cơ sở tạm của trường tận bên đường Cách mạng tháng Tám. Thắng cũng luôn tranh thủ thời gian rảnh, đi Grab đến dạy phụ đạo cho các em ở mái ấm Huynh Ðệ Như Nghĩa, nơi anh đã gắn bó tuổi thiếu niên một thời.

Lớp học tiếng Anh tại mái ấm Nhật Hồng do thầy Nguyễn Quyết Thắng phụ trách - ảnh: Bích Vân

 

Trong lúc chồng bận rộn đứng lớp vào mỗi buổi chiều, thì cô giáo Lâm Hải Minh Xuân, 34 tuổi (giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM) lại trở về căn hộ ấm cúng ở chung cư Tân Mai (quận Bình Tân) để lo cho con trai nhỏ 5 tuổi và chuẩn bị bữa tối tươm tất đợi chồng. Cô Xuân từng là sinh viên học cùng trường Ðại học Sư phạm, cùng khóa nhưng khác khoa với Thắng. Ngày ấy, khi cùng tham gia một nhóm công tác xã hội, Thắng cảm nhận Xuân là cô bạn dễ thương, hiền lành, hay giúp đỡ người khác. Có lúc, cô viết giùm Thắng cuốn sổ, khi đến nấu cơm giúp, lúc Thắng bệnh cô tận tâm chăm sóc. Sau khi ra trường, tình yêu ấy càng thêm triển nở và được ghi dấu bởi thánh lễ hôn phối vào ngày 15.7.2014, tại thánh đường giáo xứ Hòa Ninh (giáo hạt Di Linh, giáo phận Ðà Lạt). Hạnh phúc gia đình của thầy Quyết Thắng - cô Minh Xuân ngày càng đượm nồng từ khi thiên thần nhỏ chào đời. Cũng kể từ đó, những tiếng cười, những bữa cơm ấm cúng, từng lời kinh đêm mỗi tối như vun bồi thêm niềm hạnh phúc ngọt ngào trong gia đình nhỏ.

Theo cảm nhận của thầy Nguyễn Quyết Thắng, gia đình là hậu phương vững chắc, thôi thúc anh tiếp tục làm việc nhiệt thành, để cùng cộng tác với các đồng nghiệp trên hành trình dìu đưa các em cùng cảnh ngộ đến với bến bờ tri thức. Do đó, điều anh mong muốn không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn góp vào hành trang của học trò niềm tin yêu cuộc sống: “Em từng nói với học trò rằng, trước đây, không có sự hỗ trợ từ máy móc, công nghệ, thầy vẫn làm được. Thì bây giờ các em cũng có thể làm được và còn làm tốt hơn thầy. Khi theo đuổi ước mơ, các em cần có sự đam mê, kiên nhẫn, để biến ước mơ thành hiện thực bằng sự nỗ lực cố gắng từng ngày. Và trong cuộc sống, hãy chia sẻ với người khác những gì mình có bằng tình yêu thương”. Có thể nói, tâm huyết của thầy Nguyễn Quyết Thắng đã được hiện thực hóa bằng những hoa thơm trái ngọt. Trong đó, có nhiều học trò “nối gót” thầy làm giáo viên, hoặc có những em theo đuổi đam mê âm nhạc, đi du học hay gắn bó với những ngành nghề phù hợp, yêu thích… Trong thế hệ hiện tại, nữ sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung (mái ấm Huynh Ðệ Như Nghĩa) cũng đang trên hành trình chinh phục Toán học theo con đường thầy Thắng đã đi.

Là một trong số những học sinh lớp 4 do thầy Thắng phụ trách giảng dạy môn tiếng Anh, bé Nguyễn Phạm Quỳnh Anh (mái ấm Nhật Hồng) cho biết, em đến từ Tiền Giang, bị khiếm khuyết lúc mới lọt lòng. Rời xa cha mẹ và em trai đến mái ấm từ khi 6 tuổi, trong lòng cô bé 10 tuổi đã biết ước mơ: “Sau này lớn lên, con sẽ trở thành giáo viên như thầy, để giúp cho các bạn khiếm thị được học kiến thức và sống có ích. Con mà làm cô giáo được chắc cha mẹ con vui lắm”. Ước mơ làm được điều gì đó đem lại niềm vui cho mẹ cha của bé Quỳnh Anh, trước đây cũng từng là động lực thôi thúc quyết tâm học tập của thầy Nguyễn Quyết Thắng để không phụ lòng đấng sinh thành nơi vùng cao nguyên xa xôi. Nay đã tròn tuổi 35, nhưng cảm xúc mỗi khi được cha mẹ quan tâm, vỗ về lúc xa nhà trong thời niên thiếu vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người thầy ở chốn phồn hoa đô hội: “Nhà em ở trong rừng, xung quanh chẳng nhà ai có điện thoại, nên mỗi tháng cha mẹ lại chở nhau vượt quãng đường xa 10km đến bưu điện để gọi điện thoại khuyến khích em cố gắng học hành, chăm ngoan. Tình yêu thương vô bờ của cha mẹ, của các sơ, của thầy cô giáo và bạn bè, đã đỡ nâng em từng bước trong đời. Ước mong tình yêu thương, niềm tin yêu ấy sẽ tiếp tục được thắp lên và lan tỏa, giúp trẻ em kém may những cơ hội để đổi thay”.

 

Bích Vân

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm