Dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện đời mình, đời người bằng những bức ảnh đã ngả vàng treo trên tường, bà Maria Đặng Thị Nụ ngậm ngùi: “Có lẽ con người hạnh phúc thì thường giống nhau, nhưng từng nỗi đời bất hạnh lại khổ đau theo một cách riêng rất khác”.
ƠN GỌI ÐẶC BIỆT
Thôn Kênh Thôn, xã Tây Ðô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày ấy chỉ có một mình nhà ông ngoại của bà Nụ là người Công giáo. Khi ông bà ngoại qua đời, mẹ của bà vẫn trụ lại nơi quê cha đất tổ, sau đó lập gia đình với người ngoại đạo. Dầu vậy, đức tin nơi người phụ nữ này vẫn vô cùng vững vàng, mỗi lần đi lễ là tranh thủ thu xếp công việc từ hai hôm trước, rồi lội bộ 6 cây số tới nhà thờ. Lúc này tuy chưa được rửa tội, nhưng sự sốt sắng nơi mẹ đã khiến cô gái trẻ cảm mến đạo.
Bà Nụ bên các phận đời kém may mắn trong mái ấm |
Chỉ một câu nói của cha chánh xứ Cẩm: “Cả họ thế này mà không có ai đi tu” đã khiến vùng đất khô cháy đó mọc lên một bông hoa. Một lần, bà có dịp gặp gỡ Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám mục giáo phận khi đó, ngài bảo: “Cái Nụ bên lương làm sao đi tu được”. Bà Nụ nghe thế tủi thân rớm nước mắt nhưng vẫn không ngăn được niềm khát khao được tận hiến cho Chúa. Ðức cha mềm lòng: “Cha cho con một tuần về suy nghĩ cho kỹ, nếu con vẫn quyết định đi tu thì tuần sau xuống cha sẽ nhận con”.
Không chần chừ, cha Cẩm cho bà về bên nhà thờ Cát Ðàm lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Một tuần sau, được Ðức cha Sang nhận vào Nhà Chung TGM Thái Bình, bà chính thức bước vào đời sống dâng hiến năm 1992. Thời điểm này còn nhiều khó khăn, Thái Bình chưa có dòng tu. Chị em thường tụ lại một nhóm rồi sinh hoạt chung, học hỏi Lời Chúa, chưa có lời khấn cũng như kế hoạch cụ thể. Một năm sau, Ðức cha cho bà vào Nam nhập dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, vừa tu vừa học thêm ngành xã hội học. Chính ngành học này đã khiến cô suy tư nhiều về cuộc sống, về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bà Nụ nhớ lại: “Càng dấn thân vào đời tu, tôi càng nghiệm ra rằng đời mình đi tu là đúng, hơn nữa mình muốn dâng hiến đời mình cho Chúa qua những người khó khăn nhất trong xã hội này, bởi đó là hiện thân của Chúa”.
Gương mẹ Têrêsa Calcutta luôn vang vọng nơi tâm trí bà. Ấp ủ mong ước ấy mãi trong lòng từ khi khấn lần đầu đến lúc khấn trọn, mỗi năm trôi qua lại cảm thấy Chúa thúc bách mạnh hơn. Ðầu năm 2009, bà trình bày với Ðức cha Phanxicô Xaviê:“Con xin Ðức cha cho phép con được chuyển ơn gọi, về quê hương Thái Bình phục vụ những người cùng khổ, mở mái ấm đón những người bị loại trừ về nuôi. Kêu gọi các chị em có tâm huyết về cùng làm việc bác ái, nâng đỡ nhau cho đến chết”. Sau khi trình bày với Ðức Giám mục giáo phận, bà xin bề trên dòng cho đi tĩnh tâm để xác tín lại ơn Chúa:“Tôi cầu nguyện liên lỷ tìm ý Chúa, để không bị nhầm lẫn giữa ý Chúa và ý riêng”.
QUĂNG MÌNH VÀO GIỮA THẾ GIAN
Rời dòng, bà về lại quê hương Thái Bình, bắt đầu hoạt động đúng với ngả rẽ mà mình đã chọn. Tối đi giúp xứ, ban ngày bà “quăng mình vào giữa thế gian”, len lỏi vào từng ngóc ngách, tìm đến những tấm thân bị dày vò, người già cả, cô đơn bị chối bỏ, đói khát yêu thương để sẻ chia. Bà tình nguyện đến nâng đỡ họ, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thu dọn nhà cửa, mang cháo đút cho họ ăn... Thấu cảm được nỗi xót xa, cùng cực mà những người phụ nữ bất hạnh phải chịu đựng, bà quyết tâm thành lập một cơ sở để đón họ về chăm sóc, cưu mang với tất cả tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Cuối năm 2010, khi về giúp nhà thờ giáo họ Thụ Ðiền (thuộc giáo xứ Tràng Quan, xã Ðông Ðộng, huyện Ðông Hưng), bà lập mái ấm và hoạt động theo tinh thần Mẹ Têrêsa Calcutta; đồng thời mời thêm những phụ nữ độc thân cùng chí hướng cộng tác. Nơi đó, chị em nương tựa nhau, giúp nhau thăng tiến đời sống đức tin và phục vụ tha nhân.
Mái ấm đơn sơ nhỏ bé nằm nép mình bên nhà thờ Thụ Ðiền, tuy còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng khi đến thăm, chúng tôi cảm thấy vô cùng đầm ấm bởi tình thương được sẻ chia. Các chị hy sinh nhường chỗ cho 8 cụ già, 4 em khuyết tật, 1 trẻ mồ côi, 3 cháu dân tộc thiểu số có nơi nghỉ ngơi thoải mái. Các chị lao động qua việc nuôi heo gà, nấu rượu, làm may để có thêm thu nhập duy trì mái ấm. Dù cực, nhưng chúng tôi cảm thấy nơi họ toát lên niềm vui sâu kín và sự bình an. Ðôi mắt các chị vẫn ngời lên sự mãn nguyện khi được những mảnh đời kém may mắn gọi với cái tên thân thương là “mẹ”, như bà Ngà lớn tuổi rồi mà vẫn còn làm nũng “Mẹ Nụ mua quạt cây cho con nhá…, Mẹ Nụ sớm cho con về quê Ðông Ðô nhá…”. Có thể bà Ngà tâm trí không còn minh mẫn, nhưng có một điều rất thật chúng tôi cảm nhận nơi bà và những người ở đây là họ luôn mong muốn được yêu thương.
Trời xế chiều, bà Nụ và các chị em lại tất bật bên bếp củi chuẩn bị bữa tối cho những phận đời kém may mắn. Trời nhẹ trên cao và đất mềm. Vui !
NHƯỢC NAM
Bình luận