Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, 2020 15:07

“Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong !”

 

Khoảng thời gian của thanh xuân

Tháng 8 năm 1970, khi 19 tuổi, tôi được giáo phận Qui Nhơn gởi lên Giáo Hoàng Học Viện Piô X Ðà Lạt để theo học chương trình Ðại Chủng viện do các cha Dòng Tên điều hành và giảng dạy. Ðến tháng 8 năm 1977, Giáo Hoàng Học Viện bị giải thể và tôi được thông báo “về gia đình làm ăn sinh sống chờ ngày chiêu sinh”. Lúc ấy tôi 26 tuổi. Như vậy độ tuổi 20-25 của tôi nằm gọn trong khoảng thời gian đó.

 

 

Chương trình tu học tại Giáo Hoàng Học Viện đòi hỏi khá nhiều nỗ lực, cả về tu đức lẫn học thức. Hơn nữa, bắt đầu từ lớp tôi, các chủng sinh được tham dự trực tiếp và toàn phần chương trình đại học với các sinh viên khác tại Ðại học Ðà Lạt. Hằng ngày chúng tôi vừa học các môn học trong Học viện, vừa theo các lớp tại Ðại học, nên rất vất vả. Tuy nhiên, tôi vốn là người ham học, nên cố gắng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm tận dụng cơ hội này nhằm trang bị cho mình một vốn liếng kiến thức hữu dụng cả phần đạo lẫn phần đời, để sau này phục vụ hiệu quả hơn. Hơn nữa, trong khi tham dự chương trình học tại đại học, tôi được dịp tiếp xúc và làm quen với các bạn sinh viên nam nữ từ khắp nơi, những người trong tương lai sẽ đảm nhận những trách nhiệm lớn trong xã hội. Có nhiều bạn trẻ từ các tỉnh trong giáo phận Qui Nhơn theo học tại đại học này ở những phân khoa khác nhau. Tôi có nhiều dịp gặp gỡ và tham gia sinh hoạt với họ, giúp họ trong một số công việc, như trang trí tờ nội san Ðồ Bàn của các bạn sinh viên Bình Ðịnh. Là một chủng sinh, tôi không có một định hướng nào khác cho cuộc đời của mình ngoài việc hướng cuộc sống theo tiếng gọi của Chúa qua việc cố gắng thực hiện những gì mà Chúa đang sắp xếp cho tôi mỗi ngày. Dĩ nhiên, tôi hướng về chức linh mục, dù vẫn nghĩ rằng chức linh mục không phải là một điểm đến, nhưng là một sứ vụ cần phải được chuẩn bị và đầu tư hết mình. Thi hành bổn phận hằng ngày trong đời sống chủng viện cũng là thói quen và việc thường làm của tôi trong độ tuổi này.

Hình thẻ sinh viên của Đức cha Khôi khi học tại Viện Đại học Đà Lạt

 

Hình dung về hành trình dấn thân ở phía trước

Trong thời gian ấy, chiến tranh đang ngày càng trở nên ác liệt trên khắp quê hương, khiến tôi nhiều lần suy nghĩ không biết rồi đây cuộc đời tu trì của mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, và tôi phải chuẩn bị những gì để có thể đáp ứng với những thay đổi của thời cuộc. Niên khóa 1974-1975, sau khi mãn năm thần học I, tôi được đưa về phục vụ tại chủng viện Qui Nhơn. Ðó cũng là thời gian các vùng đất trong giáo phận đang trải qua những trận chiến nặng nề nhất. Dân chúng tập trung về thành phố, các giáo xứ miền quê trở thành hoang phế. Lúc ấy, tôi ước mơ một ngày nào đó chiến tranh kết thúc để mọi người trở về quê hương, sum vầy dưới bóng giáo đường, như vào những năm trước đó, khi giáo phận Qui Nhơn là một giáo phận cổ kính với nhiều giáo xứ đông đúc ở khắp các miền quê.

Thế rồi chiến tranh đã kết thúc, tôi trở lại Giáo Hoàng Học Viện để tiếp tục tu học, nhưng đất nước bước vào một giai đoạn khó khăn. Một số anh em cùng lớp bắt đầu đặt lại vấn đề ơn gọi của mình. Không ai thấy trước được tương lai, nhưng đề tài được bàn tán nhiều nhất giữa anh em chúng tôi là có nên tiếp tục dấn thân trên con đường theo đuổi ơn gọi hay không ? Ðã bắt đầu có một số anh em trong lớp xin về gia đình để tìm một hướng đi khác. Cứ mỗi lần có một anh em từ giã ra đi, anh em chúng tôi lại thêm chao đảo.

Chuẩn bị xe đạp để đi thăm mục vụ các gia đình Đà Lạt

 

Phần tôi, tôi vẫn nghĩ rằng mình cứ tiếp tục hành trình ơn gọi bất chấp mọi hoàn cảnh. Tôi tâm niệm rằng Chúa vẫn muốn tôi tiếp tục bước đi trên đường ơn gọi trong giai đoạn mới. Có thể tôi sẽ không được làm linh mục, nhưng tôi vẫn có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa để làm tông đồ theo cách Chúa muốn. Và từ đó tôi không đặt lại vấn đề ơn gọi nữa. Giờ đây, khi nhìn lại hành trình ngày ấy của mình, tôi thấy mình đã quyết định đúng. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong !

Tuổi trẻ là thời gian chuẩn bị cho tương lai, là độ tuổi thích ôm ấp những lý tưởng. Nhưng đây cũng là độ tuổi dễ bị dao động nhất bởi những tác động xã hội, và do đó cũng dễ đánh mất lý tưởng ban đầu. Vì thế, bài học cần thiết cho giới trẻ là phải cố gắng kiên trì theo đuổi lý tưởng, bất chấp mọi thử thách. Nếu có người hướng dẫn hoặc có bạn bè cùng chí hướng thì điều ấy có thể thực hiện dễ dàng. Tôi còn nhớ câu nói nổi tiếng của Belinsky, văn hào người Nga : “Tuổi trẻ không có lý tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời”.

Cùng hai thầy bạn đứng trước cổng Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt

 

Ðiểm tựa gia đình

Gia đình tôi rất ít ỏi : chỉ có cha mẹ và một đứa em trai nhỏ đang sống ở miền quê tại một giáo xứ cổ kính có tên là Gò Thị. Ơn gọi của tôi bắt nguồn từ bầu khí đạo đức truyền thống của giáo xứ này, nơi có các vị tử đạo nổi tiếng, như thánh giám mục Stêphanô Cuenot Thể, thánh trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông, và một số Tôi tớ Chúa tử đạo khác. Chính gia đình đã góp phần quyết định và quan trọng nhất cho bước đường theo đuổi ơn gọi của tôi.

Ở độ tuổi 20-25, tôi đang là một thầy Ðại Chủng viện và gia đình đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào tôi. Dầu vậy, khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn mà tôi đã nói đến trên đây, gia đình đã tỏ ra rất lo lắng về tương lai của tôi. Phần tôi cũng rất lo lắng về cuộc sống của gia đình trong thời kỳ nghèo khổ đó. Nhiều lúc tôi bị cám dỗ trở về với gia đình như các bạn cùng lớp khác để giúp đỡ cha mẹ. Nhưng chính cha mẹ lại động viên tôi tiếp tục theo đuổi ơn gọi, đừng nghĩ ngợi gì cho gia đình. Tôi được biết hằng ngày cha mẹ tôi cầu nguyện rất nhiều cho tôi và chính điều đó khiến tôi cảm thấy an lòng và vững bước cho đến ngày hôm nay. Có thể nói, chính cha mẹ là những người đồng hành tuyệt vời của tôi, không những trên đường hướng tới sự trưởng thành, mà còn trên bước đường thực hiện ơn gọi tu trì nữa.

 

Giám mục Matthêô NGUYỄN VĂN KHÔI - GP Qui Nhơn

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm