Mới đây mà đã một năm, ngày cha Phêrô Nguyễn Công Danh trở về với Chúa (27.7.2016 -27.7.2017). Thời gian vẫn còn in dấu những hình ảnh thân thương về ngài.
Còn nhớ ở thánh lễ an táng cha Phêrô tại nhà thờ Thị Nghè, chia sẻ trong bài giảng, linh mục Tổng Đại diện TGP TPHCM Inhaxiô Hồ Văn Xuân nhận xét về cha : “Có người chết đi, nhiều người đều thở phào nhẹ nhõm bởi vì họ là tai họa cho con người; nhưng cũng có cái chết khiến người ta muôn đời nhớ mãi, như cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã cứu rỗi nhân loại. Sự ra đi của cha Phêrô Nguyễn Công Danh chắc chắn để lại sự tiếc thương cho Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Cha Phêrô đã sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em. Cha đã luôn cố gắng chu toàn trách nhiệm của một vị mục tử như lòng Chúa mong ước, để đoàn chiên mà cha chăm sóc được sống và sống dồi dào. Đặc biệt, khi được bề trên giao nhiệm vụ làm Tổng linh hướng Hội đoàn Legio Mariae, cha không ngừng xây dựng và làm cho hội đoàn này lớn mạnh gần 40 năm qua. Ước mong cuối đời của cha Phêrô là Hội Legio Mariae được tiếp tục phát triển trên toàn các giáo phận… Khi tham gia vào các hoạt động xã hội, cha Phêrô cũng chỉ muốn duy nhất một điều là làm sao cho mọi người biết đạo Công giáo là đạo yêu thương, người Công giáo biết yêu quê hương và đồng bào. Chính cách sống chan hòa của cha đã để lại những tình cảm thương mến cho nhiều người”. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc - Tổng Giám mục TGP. TPHCM - khi viếng và cầu nguyện cho cha cố cũng đã khẳng định: “Có thể nói, nếu không có cha Phêrô Nguyễn Công Danh thì cũng không có sự phát triển của Hội đoàn Legio Mariae như ngày hôm nay”.
Cha Phêrô đối với tôi như một người anh rất đáng kính. Ngài thụ phong linh mục ngày 23 tháng 4 năm 1963. Cha đã trải qua công tác mục vụ ở nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau :
8 năm đầu tiên của đời linh mục (1963 - 1971), cha là giáo sư Việt văn của Tiểu chủng viện Sài Gòn. 1971 - 1981, cha được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Mẫu Tâm, Nhà Bè, nay thuộc quận 7. Một kỷ niệm khó quên của cha trong giai đoạn này là dịp hành hương Năm Thánh qua 3 nước Do Thái, Pháp, Ý từ 12-3 đến 5-4-1975 - thời điểm lịch sử của miền Nam lúc bấy giờ. Trong đoàn đã có những người chọn ở lại Pháp, còn cha quyết định trở về vì trách nhiệm với giáo xứ Mẫu Tâm. Tại địa phương sau ngày hòa bình, cha tham gia UBMTTQ huyện từ năm 1977 và là đại biểu Hội đồng nhân dân trong hai khóa. Năm 1982, cha được cử về giáo xứ Xóm Chiếu. Một tuần sau đó, cha được bầu làm Hạt trưởng hạt Xóm Chiếu. Cũng trong thời gian này, cha được mời làm Tổ trưởng Tổ Đoàn kết Công giáo quận 4 và đắc cử đại biểu HĐND quận hai khóa liên tiếp. Cha xác tín : chức vị ở xã hội cũng là để phục vụ và làm theo đường hướng mới của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Năm 1991, cha được thuyên chuyển về giáo xứ Thị Nghè, một xứ đạo hơn 11.000 giáo dân và cha đã gầy dựng xứ đạo ngày một tốt đẹp, sống động cho đến khi nghỉ hưu năm 2013. Cha Phêrô từng tâm sự : “Đây là trạm dừng chân cuối đời trong công tác mục vụ. Do vậy mà tôi để tâm tối đa làm việc cho Giáo hội, cho giáo xứ. Chúa ban cho mình có bao nhiêu khả năng, tôi dồn hết cho giáo xứ Thị Nghè, như Thánh Gioan Vianney đã nói, món quà lớn nhất Chúa ban cho giáo xứ, giáo dân là một linh mục thánh đức, nhiệt tâm sống hết mình vì lợi ích cho họ”.
Tôi hân hạnh là người cùng hoạt động và làm việc với cha trên 30 năm, từ năm 1983, khi UBĐKCG ra đời. Tấm lòng gắn bó với vận mệnh quê hương của cha đã được hun đúc ngay từ thuở thiếu thời. Được thấm nhuần truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc, cha đã không hề lưỡng lự khi tham gia các công việc tốt đời đẹp đạo. Năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thụ phong linh mục, cha đã tâm tình với mọi người về lý do thúc đẩy cha thể hiện lòng yêu quê hương đất nước của mình : “Bản thân tôi sinh ra, lớn lên, học tập, được đào tạo trong môi trường khác hẳn với chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa. Đứng trước tình hình quá mới mẻ như thế, tâm lý bất an, chưa tìm ra giải pháp nào để ổn định tinh thần, thì may thay, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã gởi thư cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân đề ngày 5.6.1975. Thư viết : “Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Từ ngày 30-4 vừa qua, chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta. Từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân ly… Tất cả những tai họa đó thuộc về dĩ vãng. Đây là niềm vui chung của cả dân tộc và với cái nhìn theo đức tin của người Kitô hữu, đây cũng chính là hồng ân của Thiên Chúa… Hơn mọi lúc, giờ đây người Công giáo phải hòa mình vào cuộc sống của toàn dân đi sâu vào lòng dân tộc”. Như đất hạn gặp mưa rào, lòng tôi hết sức vui mừng qua lời trấn an của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô. Tôi truyền đạt lời chỉ đạo của ngài cho tất cả bà con giáo dân và mọi người an tâm đi vào cuộc sống mới đầy lạc quan và tin tưởng” (Trích bài nói nhân lễ Kim khánh linh mục tại nhà thờ Thị Nghè).
Không chỉ truyền đạt, cha còn luôn nêu gương mẫu mực cho mọi người theo đường hướng Thư chung HĐGMVN năm 1980 : “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm” (số 10). Trong giai đoạn lịch sử của những thập niên cuối thế kỷ 20, cha là một chứng nhân về sự dấn thân của người Công giáo trong các môi trường xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Tại lễ tiễn biệt cha Phêrô, ông Nguyễn Hoàng Năng, Phó Chủ tịch UBTW.MTTQVN - Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM đã nhắc lại những đóng góp cho Xã hội và Giáo hội của linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh : “Chúng tôi luôn nhớ về linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh - người luôn hết sức, hết lòng vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, đất nước. Làm sao có thể quên được hình ảnh linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh, người đại biểu HĐND các quận, huyện và HĐNDTP nhiều nhiệm kỳ, luôn gắn bó mật thiết với cử tri, luôn phản ảnh trung thực, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và đồng bào Công giáo tại các cơ quan dân cử, cũng như góp nhiều ý kiến xác đáng hữu ích vào chương trình hành động của HĐNDTP và các quận, huyện mà linh mục là đại biểu. Nhiều vị linh mục, tu sĩ, đồng bào giáo dân của ngài vẫn nhớ và truyền cho nhau nghe những câu chuyện cảm động về một vị linh mục chánh xứ hiền hòa, thương yêu, chia sẻ ngọt bùi với giáo dân những lúc khó khăn, cũng như thân tình thường xuyên trao đổi công việc với tín hữu và anh, chị, em trong Giáo hội…”
Vâng, mới đó mà đã một năm chia tay cha - một linh mục để lại rất nhiều sự thân thương nơi mọi người. Nhưng chắc chắn, nhiều người, nhiều giới vẫn luôn nhớ về cha, nhớ về con đường cha đã đi qua và những chọn lựa dấn thân của cha.
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ
Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh tham gia UBMTTQVN huyện Nhà Bè từ năm 1977 đến năm 1982. - Giai đoạn 1982-1991 : đại biểu HĐND quận 4 hai khóa liên tiếp và là thành viên MTTQVN quận 4, Tổ trưởng Tổ Đoàn kết Công giáo quận 4. - Năm 1991-2013 là thành viên MTTQVN Bình Thạnh; năm 1994 là thành viên MTTQ TPHCM và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; năm 1998 đến 2016 là Phó Chủ tịch MTTQVN TPHCM. - Năm 2003 - 2016 : Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBĐKCG TPHCM - Năm 2008 - 2016 : Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc những người Công giáo Việt Nam Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc tại Hà Nội khóa V, nhiệm kỳ 2008-2013, linh mục được bầu làm Chủ tịch UBĐKCGVN, sau đó tái đắc cử nhiệm kỳ 2013-2018. Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý : Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp Đoàn kết dân tộc..., và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND TPHCM. |
Bình luận