Thứ Tư, 27 Tháng Ba, 2019 16:00

Thứ Hai, Ba, Tư Tuần Thánh

 

Tuần Thánh dẫn chúng ta tới đỉnh cao của toàn bộ năm phụng vụ: đó là Tam nhật Vượt qua, một cử hành trọng tâm của niềm tin Kitô giáo. Tính chất quan trọng của Tuần Thánh khiến cho tuần lễ này mang nhiều tên gọi khác nhau: Tuần vượt qua, Tuần thương khó của Chúa; Tuần sầu khổ… Tuần Thánh không phải là một thời kỳ tách biệt trong năm phụng vụ, nhưng được chia làm hai phần: 1] Phần đầu là thứ Hai, Ba, Tư, Năm Thánh thì thuộc về mùa Chay (kéo dài cho đến trước Thánh lễ Tiệc ly chiều thứ Năm);2] Phần thứ hai là những ngày đầu tiên của Tam nhật Vượt qua không thuộc về mùa phụng vụ nào cả.

 

 

1] Thứ Hai Tuần Thánh

Mặc dầu cho đến thế kỷ VI, Giáo hội không cử hành những ngày đầu của Tuần Thánh như ngày nay (thứ Hai + thứ Ba + thứ Tư). Tuy nhiên, những bài đọc sớm sủa nhất đã chỉ ra rằng khi những ngày này được ghi vào lịch phụng vụ thì bài Phúc Âm được công bố cũng chính là bài chúng ta được nghe ngày nay: xức dầu tại Betania. Maria, người chị em của Matta và Lazarô đã xức dầu chân Chúa, một dấu chỉ về cuộc khổ nạn, cái chết và căn tính của Chúa Giêsu là Ðấng Mêsia, Ðấng được Thiên Chúa tuyển chọn.

Bài đọc I (Is 42,1-7) nói về Người Tôi Tớ của Ðức Giavê (bài ca I) cùng sứ mệnh của người: 1] Người không phải là một nhân vật bình thường, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn: “Ðây là Người Tôi Trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”; 2] Sứ vụ của Người Tôi Trung là làm sáng tỏ công lý của Thiên Chúa trước mặt muôn dân: “Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”; 3] Cách thi hành sứ mệnh của Người Tôi Tớ khác biệt với cách của con người thường, được Isaia mô tả như sau: Người Tôi Tớ làm hài lòng Thiên Chúa, sống dịu dàng hiền lành, không la to lớn tiếng. Ðây chính là hình ảnh của Ðức Kitô, một người tôi tớ hoàn hảo của Thiên Chúa và của dân. Ngài là một con người hoàn toàn hiền lành và khiêm nhượng. Ngải đã đến để phục vụ người nghèo và những người đau khổ. Ngài đã chấp nhận tất cả. Ngài mở rộng lòng để đón nhận ân huệ của Chúa Cha. Người im lặng suy nghĩ về cuộc Thương khó Người sẽ phải chịu để cứu độ nhân loại.

Bài Tin Mừng (Ga 12,1-11) tường thuật bàn tiệc tại Betania trong đó chị Maria xức dầu thơm cho Chúa để tỏ lòng hiếu khách, cung kính đối với Chúa Giêsu cũng như tỏ lòng biết ơn vị ân nhân đã cứu sống em mình là Lagiarô. Tuy nhiên, người Do Thái không bao giờ xức dầu thơm lên chân một người còn sống mà chỉ có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy. Ở đây, thay vì đổ dầu thơm trên đầu, Maria đã xức chân Chúa Giêsu. Ðây là hành động tiên báo cái chết của Chúa Giêsu giống như vị thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11,51). Hành động xức dầu của Maria chỉ việc ướp xác Chúa Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19,39). Cái chết của Chúa Giêsu sẽ như hương thơm ngạt ngào dâng lên Chúa Cha để mang ơn cứu độ cho muôn người.

Khi Chúa Giêsu chuẩn bị làm lễ hy sinh cho nhân loại, chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị chính mình một cách sâu xa hơn.

 

2] Thứ Ba Tuần Thánh

Bải đọc I (Is 49, 1-6) là bài ca II về Người Tôi Tớ của Ðức Giavê. Sứ mệnh của Người Tôi Trung là tường thuật những gì Thiên Chúa đã làm cho mình: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người”. Sẽ có những lúc Người Tôi Trung cảm thấy mệt mỏi vì thấy những cố gắng của mình hoài công vô ích mà không mang lại kết quả như lòng mong ước: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì”. Hơn nữa, Người Tôi Trung còn phải lãnh nhận những hậu quả ngược lại: phản bội thay vì thương yêu, oán thù thay vì ân nghĩa. Tuy nhiên, Người Tôi Trung vẫn quyết định tiến tới vì biết rằng Thiên Chúa sẽ cho ông phần thưởng sau cùng. Ông đã biết đâu là nguồn sức mạnh đích thực của mình và đâu là sứ vụ đã được trao phó. Sứ vụ này không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do Thái, nhưng được mở rộng cho tòan thế giới, vì như Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi Trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”.

Bài Tin Mừng trích trong Ga 13,21-33.36-38 với nội dung Chúa Giêsu tuyên bố sự phản bội của hai nhân vật là Giuđa và Phêrô. Cả hai đều là bạn nghĩa thiết của Chúa Giêsu. Họ được Chúa chọn để thuộc về Nhóm Mười Hai và là những môn đệ thân tín của Ngài. Thế nhưng, họ đã chối bỏ Thầy mình trong những giờ phút gay go nhất của cuộc đời Ngài.

Tuy nhiên, giữa hai sự phản bội của Giuđa và Phêrô, khuôn mặt vinh quang của Ðức Giêsu nổi lên qua cái nhìn tích cực của Tin Mừng: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (câu 31). Vì lúc này, cái chết trên Thập giá chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng khi cái chết đến với Chúa thì cũng là lúc Ngài được tôn vinh: giờ thất bại là khởi điểm cho vinh quang, giờ bị nhục mạ là khởi đầu của chiến thắng, giờ một cá nhân là Chúa Giêsu bị chống đối lại là bắt đầu ơn cứu độ cho tất cả (Pl 2,10-11). Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người là vì Chúa Giêsu đã cho Thiên Chúa danh dự và vinh quang tối cao khi Ngài vâng lời Thiên Chúa đến nỗi bằng lòng chết trên Thập giá.

Vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, Bài Tin Mừng được công bố là tường thuật của thánh Gioan tông đồ về việc Chúa Giêsu loan báo tại Bữa tối sau cùng rằng một torng các môn đệ sẽ phản tội Ngài. Ðối diện trước tình cảnh này, tất cả đều hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có phải con không?” Ðó cũng chính là câu hỏi chúng ta cần đặt ra cho mình trong mùa Chay: Tôi đã phản bội Chúa thế nào? Theo lịch sử, mùa Chay luôn luôn là thời kỳ thống hối. Thuở ban đầu của Hội Thánh, tất cả những ai phạm tội nhiêm trọng đều phải thể hiện sự thống hối công khai và thậm chí ghi danh vào “hàng ngũ” các hối nhân. Cho tới thời Trung cổ, chính vào Tuần Thánh, đặc biệt là thứ Năm Thánh, những hối nhân này sẽ được hòa giải với Thiên Chúa qua Nhiệm thể Chúa Kitô.

 

3] Thứ Tư Tuần Thánh

Bài đọc I (Is 50,4-9a) là bài ca III về Người Tôi Tớ của Ðức Giavê. Người Tôi Trung cầu nguyện và lắng tai nghe như một người môn đệ để hiểu biết kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa, biết nguồn sức mạnh là ở nơi Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng, quan phòng, xét xử, và yêu thương con cái Ngài. Nhờ vậy, Người Tôi Trung sẽ không lùi bước trước những khó khăn trước mặt, sẵn sàng chịu mọi cực hình để làm chứng cho Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Ðức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Tất cả những điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương khó của Ngài.

Bài Phúc Âm hôm nay là câu chuyện về Giuđa Iscariot phản bội và bán Chúa (Mt 26, 14-25). Sở dĩ Giáo hội cho công bố bài Tin Mừng này trong ngày thứ Tư Tuần Thánh bởi vì thứ Tư được coi là ngày của phản bội và cùng với thứ Sáu, hai ngày này trở thành ngày ăn chay của người Kitô hữu trong những thế kỷ đầu tiên. Ăn chay vào hai ngày thứ Tư và thứ Sáu tạo ra một sự khác biệt với luật cũ của nhóm Pharisiêu vốn ăn chay vào thứ Hai và thứ Năm. Sách Didache viết rằng anh em đừng ăn chay theo kiểu giả hình; nhóm Pharisiêu ăn chay thứ Hai và thứ Năm, nhưng anh em ăn chay ngày thứ Tư và thứ Sáu.1 Thời Trung cổ, thứ Tư Tuần Thánh có một cái tên phổ biến là “thứ Tư do thám” vì Giuđa giống như một kẻ do thám. Ông ta biết rõ các thượng tế muốn giết Chúa Giêsu, và muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền nên đã âm thầm bí mật phản bội Chúa Giêsu với cái gía là 30 đồng bạc. Ông đã tìm dịp thuận tiện để nộp Ðức Giêsu. Xưa kia của Giáo Hội Giêrusalem cũng đọc bài Tin Mừng này. Bài Phúc Âm được công bố hôm nay (Mt 26, 14-25) có nội dung gần giống như thứ Ba Tuần Thánh, chỉ nhấn mạnh hơn về trường hợp Giuđa mà thôi.  Còn Ðức Giêsu, người tôi Trung của Chúa và của dân, đã đối diện với cái chết bằng một lòng tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Vào ngày thứ Tư Tuần Thánh, bài Tin Mừng cho biết những hướng dẫn của Chúa Giêsu liên quan đến việc chuẩn bị nơi chốn để thầy trò cử hành Bữa tối sau cùng. Chúng ta cũng vậy, tiếp tục việc chuẩn bị của mình, trông đợi những ngày tuyệt vời phía trước.

Trong cuộc sống hối hả bận bịu hiện nay, dường như có rất nhiều thứ rắc rối khiến chúng ta mất thời gian cho những cử hành Tam nhật Vượt qua. Những ngày này là một ngày tốt lành để gợi lên vừa cho bản thân vừa cho gia đình chúng ta về quyền lực của thời gian phía trước. Chúng ta có thể chuẩn bị một “căn phòng” trong cuộc sống của mình bằng việc xóa đi chương trình của chúng ta, xác định những gì là ưu tiên hơn, và tưởng nhớ rằng hy tế, không gì khác hơn, từ khởi đầu cho đến hoàn thành, hoàn tất lời hứa cứu độ và đem lại cho chúng ta niềm vui trọng đại.

Lm Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

__________________________________________________

1 Trích lại trong Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2 (Philippines: Logos Publications, Inc, 2008), 76.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm