Ðó là điều mà các anh em của tu hội Truyền giáo Vinhsơn (CM) hướng tới trong suốt hành trình hơn 60 năm hiện diện tại Việt Nam.
Chúng tôi đến cộng đoàn Tu viện Vinhsơn ở Bình Chánh (TPHCM) trong cơn mưa chiều tầm tã, đường sá khó đi vì ngập nước. Nhưng lúc bước chân vào khuôn viên tu viện, thời tiết “ẩm ương” hoàn toàn bị phai mờ bởi hình ảnh các cha, các thầy vui vẻ cùng nhau lau dọn. Các vị xem nhau như anh em ruột thịt, không có bất kỳ sự phân biệt nào, chia sẻ với nhau mọi sự trong tinh thần của Tin Mừng và sự lạc quan. Cảm giác thật bình yên! Đây không phải cảm nhận của riêng phóng viên CGvDT. Ai có dịp viếng thăm tu hội Truyền giáo Vinhsơn đều được “vui lây” như thế. Trước khi đến, trong lúc hỏi đường, chúng tôi được gặp một người dân ngoài Công giáo sống gần tu viện và nghe kể: “Bà con không có đạo vùng này không biết đây là nhà dòng, mà quen gọi là ‘nhà thờ’. Người nào khó khăn có thể đến ‘nhà thờ’ xin rau, gạo, dầu, mắm… Mấy ngày lễ Trung Thu, Noel hoặc chương trình bữa cơm người nghèo thì đến đây xem văn nghệ. Vui lắm!”.
![]() |
Giờ kinh chiều của các tu sĩ - ảnh: Thục Hân |
Tu hội Truyền giáo Vinhsơn do thánh Vinhsơn Phaolô - Vincent de Paul (1581 - 1660) thành lập vào năm 1625 tại Pháp với mục đích : “Tận lực mặc lấy tinh thần Đức Kitô nhằm đạt đến sự trọn lành xứng hợp với ơn gọi của mình; chuyên cần rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đặc biệt là những người bị bỏ rơi nhất; trợ giúp hàng giáo sĩ và giáo dân, dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Hiến pháp số 1 của tu hội). Năm 1955, Thánh Tâm biệt thự - ngày nay là giáo xứ Thánh Tâm (GP Đà Lạt) - chính là nhà đầu tiên của tu hội Truyền giáo Vinhsơn tại Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, tu hội đã mở được nhiều cơ sở tại Đồng Nai, Đà Lạt, TPHCM…; thiết lập các điểm truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số vùng thuộc Lâm Đồng. Ngày 28.2.2012, miền Việt Nam trở thành phụ tỉnh của tỉnh dòng Paris, đánh dấu sự trưởng thành của cộng đoàn. Sau 6 năm, phụ tỉnh chính thức được nâng cấp thành tỉnh dòng Việt Nam vào ngày 8.2.2018. Giám tỉnh tiên khởi là cha Phêrô Nguyễn Công Tuấn.
![]() |
Các anh em Vinhsơn quan tâm đặc biệt đến việc truyền giáo cho người nghèo vùng ngoại biên, nơi những miền quê xa xôi, cho bà con dân tộc thiểu số, cho những người chưa biết về Thiên Chúa. Sống giữa muôn dân, họ cố gắng tìm hiểu đời sống của mọi người để kịp thời giúp đỡ. Ban đầu bà con có phần dè dặt nhưng sau một thời gian, thấy được sự chân thành nên đã mở lòng hơn. Từ đó, mỗi khi có hoạt động gì, họ đều tham gia tích cực. Cha Giuse Trần Văn Trung, Bề trên kiêm Giám đốc nhà tại Sài Gòn nói về công việc của tu hội : “Làm bác ái không có nghĩa gặp ai nghèo khó là giúp đỡ ngay, cần tìm hiểu và xác thực hoàn cảnh mỗi trường hợp cụ thể để có sự hỗ trợ phù hợp và ý nghĩa nhất. Vì vậy, trước khi thực hiện một chương trình nào đó, chúng tôi luôn dành nhiều thời gian để chuẩn bị cách kỹ lưỡng. Chúng tôi cũng luôn nhắc nhau phải hoàn thiện bản thân để làm chứng cho việc mình làm”. Thầy Giuse Phạm Thế Hoàn cảm nghiệm: “Mỗi khi giúp đỡ được người nào, chỉ cần nhìn nụ cười hạnh phúc của họ là tôi và mọi người cảm thấy rất vui, tự nhiên mọi mệt nhọc đều tan biến!”.
![]() |
Chung sức cùng bà con dân tộc Darahoa thi công con đường xuyên rừng, đồi, thung lũng |
Khoảng đầu năm nay, trên miền đất cao nguyên Đà Lạt, anh em Vinhsơn cùng với bà con trong làng dân tộc Darahoa - Núi Voi (cách Đà Lạt khoảng 16 cây số) thi công làm một con đường xuyên rừng, đồi, thung lũng với chiều dài ước chừng là 3km và rộng 1,5m. Con đường này nối giữa lớp học tình thương với khu vực canh tác nông lâm nghiệp của làng. Công trình hoàn thành giúp cho đường đi học của các em nhỏ không còn quá khó khăn như trước, việc chở cà phê của đồng bào được suôn sẻ hơn, không còn lo đường trơn hoặc những con dốc cao khi mùa mưa đến.
Những năm gần đây, gói bánh tét dịp Tết không còn xa lạ đối với tu sĩ và người dân sống gần các cộng đoàn của tu hội. Hoạt động tuy nhỏ nhưng mang không khí tết quê nhà đến với những người xa xứ. Bên cạnh đó, còn giúp cho những người nghèo đón Xuân ấm lòng với món quà do chính tay các thầy tự làm, và hơn hết là để thắt chặt tình thân ái với cộng đồng dân cư xung quanh. Bà Năm (Bình Chánh) hào hứng nói: “Thấy nhà dòng gói vui quá, chẳng biết gói nhưng tui vẫn vô phụ một tay rửa lá, con nít thì chạy nhặng xị xung quanh náo nhiệt lắm! Thấy đỡ nhớ quê”.
![]() |
Hoạt động gói bánh tét hằng năm tại tu viện - ảnh dòng cung cấp |
16 giờ là giờ kinh chiều, chúng tôi xin phép được cùng tham dự. Ngoài trời vẫn mưa nhưng trong nhà nguyện là một bầu khí trang nghiêm, tiếng kinh nguyện râm ran hòa cùng tiếng mưa làm cho không khí sâu lắng và bình yên đến lạ thường. Đây là thời điểm để các tu sĩ suy ngẫm lời Chúa dạy, bình tâm sau một ngày học tập và lao động, đồng thời xét lại bản thân. Theo chân thánh Vinhsơn, ngày ngày họ dấn thân trên con đường đến với người khó khăn để sống đời sống của tha nhân và gieo hạt giống đức tin khắp muôn nơi.
![]() |
THỤC HÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.