Thứ Năm, 22 Tháng Mười, 2020 15:05

Thương về miền Trung

 

Những ngày qua, bão lũ ở Tổng Giáo phận Huế chưa dứt, lại tiếp tục hoành hành nặng nề ở Quảng Bình (giáo phận Hà Tĩnh), khiến nhiều ngôi thánh đường cùng nhà dân ngập sâu trong nước lũ. Hiện diện với đoàn chiên, các chủ chăn cùng nhiều đoàn cứu hộ giáo xứ đã trực tiếp ứng cứu đưa người dân đến nơi an toàn. Cũng trong lúc này, cầu nối yêu thương giữa các giáo phận với dải đất miền Trung thêm khắng khít hơn, dù có cách xa về mặt địa lý.

Cha Bonaventura Trương Văn Vút (chánh xứ Cồn Sẻ) rước Mình Thánh Chúa vào nhà xứ để tránh lũ 

Mục tử nhân lành trong cơn lũ dữ

Tại tỉnh Quảng Bình, những trận mưa như trút nước với lưu lượng hàng trăm milimét trút xuống từ chiều 16 đến 18.10.2020 khiến toàn tỉnh hầu như chìm trong biển nước. Từng con đường làng, những mái nhà, khuôn viên thánh đường trở nên ảm đạm hơn trong dòng nước lũ. Cùng với đó, tiếng mưa rơi nặng hạt, tiếng người í ới gọi nhau lên thuyền tránh lũ là khung cảnh chúng tôi ghi nhận được tại một số xứ đạo nằm trong vùng rốn lũ ven sông Gianh của tỉnh Quảng Bình. Ở giáo xứ Cồn Sẻ, giáo hạt Hòa Ninh, giáo phận Hà Tĩnh (xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nước lũ bắt đầu dâng cao tràn vào nhà thờ từ sáng ngày 19.10. Lúc cánh cửa nhà thờ cao 3,4 mét bị nước ngập hơn 2/3 chiều cao, cha chánh xứ Bonaventura Trương Văn Vút đã nhanh chóng rước Mình Thánh Chúa vượt lũ. Trong tư thế quỳ gối trên một chiếc bè được làm bằng thùng xốp, ngài cung kính nâng Mình Thánh Chúa trong lòng bàn tay, trong khi hai giáo dân đẩy bè di chuyển một cách cẩn trọng đến nhà xứ. Khi đến nơi, linh mục chánh xứ cung kính rước Mình Thánh lên tầng gác để được an toàn khi lũ dâng. Là một trong 5 cồn đảo trên vùng hạ lưu sông Gianh, nhà thờ Cồn Sẻ được thiết kế nền cao hơn nhà dân 1,5 mét, bao lâu nay là nơi thờ phượng, cũng là nhà vượt lũ, chỗ để xe cho bà con mỗi khi lũ về. Vậy mà lần này đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn, nhấn chìm tài sản của nơi thờ phượng, nhà xứ cũng như toàn bộ xe máy của giáo dân gởi tránh lũ trước đó. Khi nhà thờ ngập, cũng là lúc nhiều căn nhà cấp 4 của các hộ dân bị nước dâng cao đến mái nhà. Với địa hình nước sông chảy xiết, thuyền bè trôi tản mát, nhiều lồng cá của các gia đình cũng bị lũ cuốn về cửa sông Gianh. Rất may một vài người bị kẹt trên lồng cá đã được bộ đội biên phòng cứu kịp.

Là chủ chăn của giáo xứ 3.000 giáo dân, khi lũ dâng, ban ngày cha Bonaventura Trương Văn Vút tất bật chăm lo nhà Chúa, rồi cùng với giáo dân sử dụng thuyền nhỏ để giải cứu những hộ dân bị kẹt trong những ngôi nhà ngập nước sâu. Ðêm đến, ngài thức trắng để canh nước, canh điện thoại, phòng khi người dân cần liên hệ có việc khẩn cấp. Trên trang facebook cá nhân, cha Vút nhắn nhủ đoàn chiên: “Thức trắng đêm nay, có chuyện gì xin bà con gọi điện thoại cho cha nhé. Chúc bà con bình an”. Theo cha Vút, bên cạnh những người chạy lũ sớm, vẫn còn nhiều hộ bị kẹt lại vì không di chuyển kịp, nên sáng ngày 19.10, cha cùng đội cứu hộ giáo xứ đã kịp thời dỡ mái nhà dân giúp 4 người ra ngoài an toàn. Ðể không xảy ra sự cố đáng tiếc, cha xứ mời gọi các gia đình lân cận cùng giúp nhau “thoát nước” và di chuyển đến nơi an toàn. “Trong giáo xứ, những nhà có nền cao đều trở thành nơi tạm trú của các gia đình đang bị lũ uy hiếp. Bây giờ mọi người đều an toàn, các gia đình đang hỗ trợ nhau”, cha Vút thở phào nhẹ nhõm khi nói về tình hình hiện tại của đoàn chiên mà ngài coi sóc. Lúc này, ngài cũng tiếp tục kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, giúp bà con bất kể lương giáo trên địa bàn giáo xứ sớm vượt qua khó khăn. 

Đội cứu trợ của giáo xứ Vĩnh Phước giúp bà con di chuyển đến nơi an toàn

Tại giáo xứ Vĩnh Phước, giáo hạt Hòa Ninh, giáo dân Nguyễn Thị Liên cũng thừa nhận đợt lũ lần này là trận lũ lớn nhất bà từng chứng kiến ở nơi mình sinh sống từ trước cho đến nay: “Nước vào nhà tôi đến mấp mé mái nhà, cao trên 2 mét. Có thời điểm chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ, nước đã dâng cao thêm một gang tay”. Bà Liên và nhiều người khác trong khu xóm không ngờ trận lụt lại lớn như vậy, có phần chần chừ trong việc sơ tán nên khi nước lên quá cao, nhiều người đã phải dỡ mái ngói trèo lên nóc nhà kêu cứu.“Ðây cũng là trận lụt đầu tiên mà người dân Vĩnh Phước cũng như nhiều giáo xứ lân cận như Hòa Ninh, Cồn Sẻ… phải kêu thuyền cứu hộ đến để di chuyển qua những nơi cao hơn”, giáo dân Nguyễn Văn Hà thuật lại trong cảnh các gia đình đều không có điện thắp sáng, thiếu nước sạch, nhà cửa tan hoang, vật nuôi bị cuốn trôi, hoa màu bị hư hại hoàn toàn.

Ðể hỗ trợ những người bị kẹt trên mái nhà hoặc trong gác tránh lũ, cha Giuse Trần Văn Ðiển (chánh xứ Vĩnh Phước) cùng với giáo dân đi thuyền đến từng nhà dân để cứu người kịp thời. Ðồng thời, ngài cũng tiếp nhận thông tin do bà con gởi đến cầu cứu hỗ trợ người thân, trả lời từng người về những trường hợp đã được hỗ trợ đến nơi an toàn và lên danh sách những người cần được giải cứu khẩn cấp, để các đội cứu hộ của giáo xứ tiếp cận nhanh chóng. Sau đêm lo lắng vì lũ hoành hành, cha chánh xứ nhanh chóng cập nhật tình hình vào lúc 10 giờ sáng ngày 20.10 với tin vui nước đã rút được 1 mét, ngài khuyến cáo: “Ðề phòng xả đập và nước lên trở lại, tranh thủ khi nước hạ xuống bà con nhanh chóng di chuyển đến chỗ cao hơn”. Vất vả trong những ngày lũ tràn về, cha Ðiển nói rằng: “Bà con nơi đây đang rất cần sự trợ giúp của tất cả mọi người về lương thực, nước uống, mì tôm, sữa cho trẻ em...”.

Sát cánh cùng đoàn chiên khi lũ lụt hoành hành, linh mục Phaolô Nguyễn Minh Sáng (chánh xứ Phù Kinh, giáo hạt Minh Cầm, giáo phận Hà Tĩnh) đã không quản hiểm nguy leo lên mái nhà để trợ cấp lương thực cho các hộ dân. Vượt trên mực nước dâng cao trên 4 mét, cô lập hoàn toàn các hộ dân tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cha xứ Bàu Sen Tôma Võ Minh Danh và Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã trực tiếp giúp sơ tán những hộ neo đơn đến nơi an toàn và hỗ trợ lương thực cho những ai cần đến. Theo cha Danh: “Hiện tại rất nhiều nơi thuộc giáo xứ Bàu Sen có nguy cơ sạt lở cao, các hộ dân nơi đây bị cô lập nhiều ngày, thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống. Rất mong mọi người cùng chung tay chia sẻ khó khăn với bà con giáo xứ nói riêng và Quảng Bình nói chung”. Theo cha Phêrô Trần Văn Thành (chánh xứ Tam Tòa), vào lúc 9 giờ sáng ngày 20.10, thông tin ngài nhận được từ các linh mục ở các vùng bị lũ lớn như Phù Hóa, Cảnh Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Mai Hóa, Ðức Hóa, nước lũ đã rút gần 1 mét, có nơi gần 2 mét. Riêng vùng Cồn Bãi, gồm các giáo xứ Cồn Sẻ, Vĩnh Phước, Cồn Nâm, Giáp Tam, Văn Phúc, Hòa Ninh, Liên Hòa vẫn còn ngập nặng, giao thông chưa thể hoạt động trở lại.

Linh mục J.B Nguyễn Sang trao quà hỗ trợ cho bà con vùng lũ tại miền Trung

Yêu thương kết nối muôn người

Nhằm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, Tòa Giám mục giáo phận Hà Tĩnh mới đây phổ biến Thư kêu gọi cứu trợ để mời gọi sự chung tay góp sức: “Những người dân nghèo của miền Trung giờ này đang chờ đợi những tấm lòng hướng về họ, những bàn tay nhân ái giúp họ trong lúc khó khăn này. Chúng tôi xin được làm cánh tay nối dài của quý vị để chuyển sự trợ giúp đến những người dân nghèo khổ miền Trung, không phân biệt địa giới hay tôn giáo”. Cùng hướng về đồng bào miền Trung theo Thư kêu gọi Cầu nguyện và cộng tác cứu trợ nạn nhân lũ lụt của Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam ngày 12.10.2020, nhiều giáo xứ, hội đoàn tại các giáo phận trong cả nước cũng như nước ngoài đã nhanh chóng hiệp lực bằng nhiều cách, đóng góp hiện kim, thực phẩm, đồ dùng… nhằm góp phần giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn trong bối cảnh lũ chồng lũ.

Cấp bách lên đường với 30 kiện hành lý theo đường hàng không vào đêm 13.10, linh mục J.B Nguyễn Sang cùng các thành viên Chương trình Tiếng hát vì người nghèo đã đến thăm và trao quà cho 200 hộ dân tại giáo xứ Trí Bưu, Tổng giáo phận Huế (tỉnh Quảng Trị). Dịp này, cha Sang ân cần hỏi thăm, động viên họ vượt qua khó khăn và trao tặng mỗi gia đình 1 triệu đồng, 10 kg gạo, bánh mì thịt, 1 thùng mì gói, chả lụa, chà bông, thuốc cảm và dầu gió xanh. Ngay sau đó, ngày 17.10, ngài lại trở ra trong chuyến thứ 2. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 10.2020, cha Sang và đoàn thiện nguyện sẽ trở lại thăm bà con miền Trung vài lần nữa. Cảm động trước tấm lòng của vị linh mục đến từ giáo phận Mỹ Tho cùng đoàn thiện nguyện, cha sở giáo xứ Trí Bưu Giuse Lê Văn Hồng bày tỏ: “Sự hỗ trợ kịp thời của linh mục J.B Nguyễn Sang cùng mọi người cùng với những phần quà thiết thực không chỉ giúp bà con bổ sung chất đạm trong bữa ăn, sự chu đáo lo từng viên thuốc đến chai dầu cũng giúp bà con cảm thấy ấm lòng”.

Hưởng thư kêu gọi cứu trợ miền Trung của Caritas Việt Nam, sáng ngày 13.10, linh mục chánh xứ và phó xứ Tân Sa Châu (TGP TPHCM) đã mời gọi cộng đoàn chung tay cứu trợ bà con vùng lũ và ngay trong đêm hôm đó, chuyến xe 20 tấn đầu tiên đầy ắp các vật phẩm đã lăn bánh đến Huế. Vào ngày 16 và 18.10, giáo xứ có thêm hai chuyến xe đến TGP Huế và Quảng Bình (giáo phận Hà Tĩnh) với các nhu yếu phẩm như mì tôm, cá khô, quần áo cũ, giày dép, sữa, dầu ăn, gạo, áo phao, nước suối, bánh ngọt... Ðêm 20.10, chuyến xe yêu thương thứ tư tiếp tục xuất phát đến Quảng Bình, trao tặng bà con các nhu yếu phẩm ăn liền như mì gói, cá khô chế biến sẵn, bánh mì, thuốc men, sữa, áo phao… Ðiểm đến của các chuyến xe thiện nguyện từ giáo xứ Tân Sa Châu là Caritas hai giáo phận. Sau đó Caritas sẽ chủ động phân phối đến các giáo xứ để hỗ trợ bà con vùng lũ. Trong ngày Chúa Nhật vừa qua, các giáo xứ trong TGP TPHCM đã quyên góp tiền thau, hoặc bằng cách này cách khác hỗ trợ đồng bào miền Trung trong những ngày sắp tới.

Chuyến xe cứu trợ của giáo xứ Tân Sa Châu (TGP TPHCM) luôn đầy ắp những vật phẩm cần thiết cho bà con vùng lũ

Chung tay hỗ trợ vùng lũ xa xôi, cha Phêrô Nguyễn Phước Hưng (chánh xứ Xuân Trường, giáo phận Xuân Lộc) nhanh chóng quyên góp 300 phần quà (mỗi phần 200.000 đồng) chỉ trong một ngày. Số hiện kim này, ngài sẽ sớm chuyển khoản đến một linh mục quen để hỗ trợ phần nào cho những người cần đến. Cuối tuần vừa qua, Văn phòng Bác ái Xã hội Dòng Tên cùng với nhóm bạn trẻ đã lên đường đến với vùng ngập lụt Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Chương trình cứu trợ dự kiến sẽ kéo dài trong giai đoạn giúp phục hồi sau lũ, như sửa lại nhà cửa bị hư hại, cung cấp con giống vật nuôi, trồng lại vườn tược cho các hộ dân. Với tâm tình của những người con xa quê, các thành viên trong Hội đồng hương Lệ Thủy tại TPHCM đã trở về quê hương Quảng Bình với số hiện kim góp vội hơn 300 triệu đồng. Ngoài những nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân, hội dự kiến trao tặng 535 thẻ bảo hiểm y tế cho các gia đình cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Khi bão lũ, cứu đói cần kíp hơn khám chữa bệnh, nhưng với nguy cơ dịch bệnh sau lũ thì thẻ bảo hiểm y tế cũng cần thiết không kém.

BÍCH VÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm