Tiểu Chủng viện và cơ sở nhà chung tại Làng Sông

Khu đất Tiểu Chủng viện và Nhà Chung Qui Nhơn tọa lạc tại Làng Sông, thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh có diện tích 32.903 m2. Các cơ sở của Nhà Chung tại khu đất này đã có một bề dày lịch sử, lâu đời nhất là Chủng viện Làng Sông.

1. Chủng viện Làng Sông

Ngày 14.1.1964, Chủng viện Làng Sông hiệp với Giáo hội hoàn vũ mừng kỷ niệm 400 năm ngày công đồng Triđentinô quyết định thành lập các chủng viện để đào tạo linh mục 1, và đặc biệt mừng 100 năm thành lập Chủng viện Làng Sông. Đại lễ kỷ niệm được kể lại: “...Ngày 14, từ 7 giờ sáng, khách đã bắt đầu tới. 8 giờ 40, hai Đức cha Qui Nhơn và Đà Nẵng đến cùng với các cha chính Qui Nhơn, Kontum và nhiều cha khác... 9 giờ 10, chủng sinh rước hai Đức cha vào nhà thờ. Bài giảng thánh lễ của Đức cha Qui Nhơn đã làm cho cử tọa chú ý. Đức cha đã trình bày hai điểm chính: Sắc lệnh công đồng Triđentinô thiết lập các chủng viện và lịch trình tiến triển của Chủng viện Làng Sông.... ”2.

Nhà nguyện Chủng viện Làng Sông xưa

Sự kiện lịch sử mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Chủng viện Làng Sông đã được ghi lại trong ký ức của những “người đương thời” mừng lễ, nay vẫn còn sống, và trên giấy trắng mực đen cho hậu thế được tường. Ngoài tài liệu kể trên, khi được tiếp cận với những tài liệu khác có liên quan đến Chủng viện Làng Sông, chẳng hạn trong tiểu sử cha Phaolô Châu, nguyên Giám đốc Chủng viện Làng Sông, ghi rằng:

“Cha Châu sinh tại Bình Định, làng Xuân Hương, Gò Thị. Cha là Hòa, mẹ là Nguyện; cả hai đạo dòng, sanh lý thương mãi, đủ ăn đủ mặc, không tham ô, không ngược xuôi với ai. (Có bà con với chơn phước Năm Thuông). Khi chín mười tuổi, cha mẹ cho đi học văn. Học mau, hiểu lẹ, sáng dạ hơn hết cả lớp tuổi với người. Vừa mười ba tuổi, cha mẹ dưng hầu Đức cha. Người thấy trẻ sáng trí, tính hiền nết tốt, tử tế thì sai qua Pinang. Học bảy năm, đặng tiếng các cha giáo trường khen rằng: ‘Học giỏi sảo thông, luật mẹo chín chắn, đạo đức đủ bề, đã nên trò tốt’. Mãn học, Đức cha đòi về, sai đi giúp giảng đạo ba năm. Đến đâu siêng năng giúp dạy người ta, ân cần lo việc bổn phận, ăn nói hiền lành, dịu dàng khiêm nhượng; ai ai cũng đều yêu vì tôn phục.

Sau Đức cha phong chức cho người tại Gia Hựu, và sai vô cai trường Mương Lở, chừng ba năm. Mà khi nhà trường này nhập vào trường Làng Sông, thì người coi bổn đạo ngoài ấy, đâu hai tháng. Lại khi cha Tư bị bắt, thì Đức cha sai người vô trường Làng Sông, cai thế đó gần hai năm.

Đến khi có chỉ ra bắt bổn đạo đi phân sáp, cùng truyền phá nhà bổn đạo hết, cho nên các chú ở nhà trường không được nữa, thì Đức cha dạy người lo chở các chú vô Gia Định; nên người dọn đem đồ cần dùng, và mướn đặng một chiếc ghe kẻ ngoại, lại dặn các chú phải chia nhau ở xung quanh gần chỗ ghe đậu mà đợi người. Mà có bữa kia người xuống một mình dưới ghe ấy, có ý gặp lái ghe, mà hỏi thăm cho biết ngày nào chạy, thì có một tên thơ lại, và chức việc làng tới bắt người trong ghe tại sông Dinh gần nhà trường, liền gia giang giáo mác dùi gậy, giải về huyện, tra hỏi căn do, tên tuổi chức phận. Người xưng ngay mình là đạo trưởng, tức thì quan huyện giải người nạp tỉnh.

… Bấy giờ nghe tiếng truyền rằng: hễ nghe ba hồi chiêng rồi, thì cứ y như lịnh dạy; mà khi mới nghe một hai tiếng chiêng, tức thì nó đã chém rồi.... Khi ấy bổn đạo ở xung quanh khóc om sòm, cùng chạy lại lấy vải thấm máu; đoạn thầy Khoa lo chôn cất. Đến khi cha Triết lấy cốt đem về Gò Thị, rồi chở vô nhà trường Làng Sông, táng trong nhà thờ. Trước năm Ất Dậu dỡ nhà thờ ấy, thì lấy cốt vào quách, để trong phòng nhà thờ mới; đến năm giặc, phải thân hào phá mất hết, chỉ còn một mình xác cha Châu mà thôi, vì các cha nhà trường Pinang đã xin cùng chôn tại nhà thờ”3. Cha Châu bị sát hại tại Gò Chàm, Bình Định vào năm thứ 15 triều đại Tự Đức, tức năm 1862 (dương lịch) 4. Căn cứ vào các tài liệu này, chúng ta có thể xác định cha Phaolô Châu thụ phong linh mục khoảng năm 1856; “cai trường” Mương Lở từ năm 1856-1859; “cai trường” Làng Sông từ năm 1859 đến khi bị bắt (1861)5.

Như vậy “trường Làng Sông” và “trường Mương Lở” được thành lập khi nào?

Từ khi giáo phận Đàng Trong được thành lập (1659) cho đến thời Đức cha Cuénot Thể về ở tại Gò Thị (1839), chưa có chủng viện nào được lập tại phần đất thuộc giáo phận Qui Nhơn ngày nay.6 Trong hoàn cảnh bị cấm đạo, việc huấn luyện chủng sinh trong một chủng viện có quy củ là việc không dễ dàng. Tùy hoàn cảnh, các thừa sai có thể nhận nuôi dạy vài ba học trò tiếng Latinh, sau đó tìm cách gởi qua Chủng viện Pinang để được đào tạo. Sau thời điểm Công nghị giáo phận Đàng Trong được Đức cha Cuénot Thể tổ chức tại Gò Thị 7, Chủng viện mới được thành lập: “Đức cha lại lập nhà trường qui học trò tập học tiếng Latinh, để nữa lựa gởi qua học Pinăng, hầu sau về làm thầy cả, giúp việc linh hồn người ta, cùng mở rộng Hội Thánh Nam kỳ cho càng ngày càng thạnh. Vậy đã lập một trường tại tỉnh Quảng Nam, chính họ Tùng Sơn; còn tỉnh Bình Định, một trường tại họ Mương Lở, và một trường tại họ Làng Sông”8.

Thời điểm năm 1850, sau khi Tòa Thánh lấy hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và nửa tỉnh Quảng Bình lập thành giáo phận Bắc Đàng Trong, phần còn lại vẫn giữ tên giáo phận Đông Đàng Trong, gồm các tỉnh từ Quảng Nam tới Bình Thuận, lúc bấy giờ tại Chủng viện Làng Sông và Mương Lở đã có 60 chủng sinh 9.

Tóm lại, Chủng viện Làng Sông được thành lập chính xác vào ngày tháng năm nào, hiện nay chúng tôi chưa có được tài liệu căn cứ. Tuy nhiên căn cứ vào những tài liệu nêu trên, chúng tôi biết được Chủng viện Làng Sông được thành lập trong khoảng thời gian trước năm 1850 và sau Công nghị Gò Thị, tức sau ngày 10.8.1841.

Các Chủng viện Tùng Sơn, Mương Lở và Làng Sông sinh hoạt tương đối ổn định cho đến năm 1859, thời điểm vua Tự Đức ra sắc dụ cấm đạo. Sau khi sắc dụ cấm đạo được ban hành, Đức cha Cuénot cho giải thể Chủng viện Tùng Sơn và Mương Lở, chỉ mình Chủng viện Làng Sông còn sinh hoạt, lúc bấy giờ cha Tư đang làm giám đốc. Đang lúc cấm đạo gắt gao, “Tự Đức thập nhị niên, thập ngoạt, cha Tư cai trường Làng Sông cỡi ngựa ra Gò Thị, hầu Đức cha mà bàn tính việc. Đến nửa đàng, cha phải bắt tại Kỳ Sơn, cùng giải lên tỉnh, nạp cho quan Tổng đốc”10. Sau khi cha Tư bị bắt, cha Phaolô Châu từ Mương Lở về thay thế. Hai năm sau, năm 1861, chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức được các quan thi hành triệt để. Đức cha Cuénot Thể bị bắt ngày 24.10.1861 và trút hơi thở cuối cùng tại nhà giam Bình Định vào đêm 14.11.1861. Cha Phaolô Châu cũng bị bắt và chịu xử trảm tại Gò Chàm, Bình Định vào tháng 5.1862. Do tình hình cấm đạo gắt gao như thế, Chủng viện Làng Sông không còn sinh hoạt được nữa.

Ngày 25.8.1862, vua Tự Đức hạ chỉ ân xá cho các tù nhân, trong đó lệnh phân sáp người Công giáo cũng được bãi bỏ. Lúc bấy giờ, đoàn tín hữu đã tan nát, phân tán khắp nơi. Cha Charles Herrengt, cha Jean Claude Roy cùng hai cha già người Việt và 12 chủng sinh đã vâng lệnh Đức cha Cuénot di cư vào Gia Định từ ngày 21.8.1861. Cha Charles Herrengt, cha chính của giáo phận đã ở Gia Định, trong khi chờ được trở về, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Xóm Chiếu. Ngài qua đời ngày 20.6.1863 tại Sài Gòn. Trong khi đó, “Các cha phần nhiều bị bắt: cha Châu cai trường Làng Sông...; cha Luận và cha Hân đã trốn lên núi phía trên cửa Giã cũng bị làng đuổi theo bắt mà nộp quan; cha Huệ, cha Sự, cha Bửu đã xuống ghe ông Qui và ông Me mà trốn dưới sông dưới sát, rủi phải kẻ ngoại tìm đặng mà giải lên thành; sau hết cha Thủ cũng bị bắt ngoài Bồng Sơn, mà điệu vào tỉnh. Có cha sống sót, giả đạo chúng mà phân sáp, như cha Vịnh, cha Khương, cũng khổ cực chua xót. Lại cũng có cha như cha Triết, tính bạo dạn, chuyên lo ẩn mình, giả dạng đi làm phước cho bổn đạo khắp nơi cấm cố, hay là lén vào tù thăm viếng phô kẻ bị giam cầm vì Chúa..”11.

Trong tình trạng thiếu mục tử trầm trọng như thế, việc đào tạo linh mục phải là một ưu tiên hàng đầu và khẩn cấp hơn lúc nào hết. Do đó, có thể các chủng sinh được tái quy tụ về Làng Sông trong thời điểm sớm nhất sau ngày 25.8.1862, ngày vua Tự Đức hạ chỉ bãi bỏ lệnh phân sáp.

Từ ngày Đức cha Cuénot Thể qua đời cho đến năm 1865, giáo phận mới có chủ chăn. Đức cha Eugène Charbonnier Trí, một thừa sai làm việc ở Đàng Ngoài, đã bị bắt năm 1861, đã nếm cảnh lao tù, đòn vọt, đã bị kết án tử, nhưng rồi được tha và bị trục xuất về châu Âu. Ngày 27.12.1864, ngài được tấn phong giám mục tại nhà nguyện Chủng viện Hội Thừa sai Paris (Pháp). Ngày 13.4.1865, sau khi nhận phép lành của Đức Thánh Cha Piô IX, ngài lên đường đến giáo phận Đông Đàng Trong. Ngày 14.7.1865, đoàn tín hữu còn rõ ràng hai chữ “tả đạo” trên má, vui mừng đón nhận vị chủ chăn của mình tại cửa biển Kim Bồng.

Vừa nhậm chức xong, Đức cha ổn định chỗ ở tại Gia Hựu, đặt cha François Xavier Van Camelbeke Hân ở bên cạnh ngài và làm cha sở Gia Hựu, rồi lập tức bắt tay vào việc xây dựng lại giáo phận bị hoang tàn vì cuộc bách hại: chuộc lại các con trẻ, xây dựng thánh đường, nhà chung, chủng viện, cô nhi viện, giúp đỡ những người nghèo khổ. Toàn thể giáo phận được hưởng một thời tương đối bình an, nhờ đó các linh mục nếu không nới rộng phạm vi hoạt động được nhiều thì ít ra cũng có thể thăm viếng các họ đạo và đón nhận đây đó những người tòng giáo mới. Số chủng sinh gia nhập Chủng viện ngày càng thêm đông. Sau vài năm ở tại Gia Hựu, Đức cha Charbonier Trí đã về ở hẳn tại Làng Sông và các đấng kế vị ngài cũng sẽ tiếp tục ở đó cho đến năm 1931.12

Năm 1865, có 21 chủng sinh đang theo học tại Chủng viện Pinang và 20 chủng sinh được Đức cha Charbonnier Trí đón nhận tại Gia Hựu13. Sau 13 năm chăm sóc giáo phận, ngày 7.8.1878, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong 13 năm ấy, Đức cha Charbonnier đã tổ chức việc đào tạo linh mục bản xứ: lập Đại Chủng viện Nước Nhỉ và tái lập Tiểu Chủng viện Làng Sông; lập nhà in Làng Sông. Ngày ngài qua đời, đã có 30 đại Chủng sinh tại Đại Chủng viện Nước Nhỉ và 50 chủng sinh tại Tiểu Chủng viện Làng Sông14.

2. Tòa Giám mục và nhà in

Tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu Chủng viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của giáo phận Đông Đàng Trong, ngày nay là dãy nhà phía tây Chủng viện bị sụp đổ, đã được tái thiết. Đặc biệt có một nhà in do Đức cha Eugène Charbonnier Trí (1864-1878) thành lập15. Nhà in này đã bị Văn Thân đốt phá năm 1885 cùng với Tiểu Chủng viện và Tòa Giám mục.

Năm 1887, Sở Quản lý Nhà Chung là cơ sở được tái thiết trước tiên tại Làng Sông, tiếp theo đó là Tòa Giám mục16, Chủng viện và các cơ sở phụ thuộc. Về Chủng viện Làng Sông, Đức cha P.X. Van Camelbecke Hân viết trong báo cáo năm 1891: “...Trong những thời gian đầu, chúng tôi thật hài lòng về nhà cửa được tái thiết vội vàng và đơn giản nhất, nhằm đủ che nắng mưa. Ngày hôm nay, bốn ngôi nhà lớn, gồm những nhà cho các cha và những công trình phụ đã được hoàn thành. Ngôi nhà nguyện sẽ được hoàn thành và khánh thành cùng với công trình xây dựng tốt đẹp của chúng tôi trong nay mai”.

Năm 1892, sau khi nhà nguyện được xây dựng xong, 14 cây sao hai bên đường từ sân nhà nguyện dẫn ra đến cổng cũng được trồng, cộng thêm 2 cây trước mặt ngôi nhà phía tây và 2 cây trước mặt ngôi nhà phía đông. Tất cả những cây sao này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết. Cha Paul Maheu làm giám đốc nhà in. Cha Maheu học nghề in tại Hồng Kông, cha rất thông thạo về kỹ thuật in ấn. Riêng trong năm 1922, dưới sự điều hành của ngài, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in17. Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến năm 1936 thì được dời về Qui Nhơn. Quả vậy, Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, còn nhà in Làng Sông là nơi làm cho chữ Quốc ngữ được lớn lên.

Năm 1925, Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho xây lại Chủng viện Làng Sông theo thiết kế của cha Dorgeville, thầy Hòa (thầy giảng) giám sát thi công; ông Đoàn Văn Thi thực hiện thi công18. Công trình được khánh thành vào ngày 21.9.1927 và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Kết luận

Qua những sử liệu trên, việc ngày 14.1.1964 Chủng viện Làng Sông mừng 100 năm thành lập như trong Bản Thông tin của giáo phận Qui Nhơn đưa tin19, nhằm mục đích cổ võ ơn thiên triệu và đề cao đây là một tổ chức nòng cốt của giáo phận và đã có lịch sử lâu dài. Lễ mừng này không có tính xác định thời gian chính xác.

Trong thư luân lưu của Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn ngày 22.8.1963 có chỉ thị: “Thể theo ý nguyện của Thánh Bộ20, sau khi đã bàn với Ban tư vấn, và được sự đồng ý của Đức Giám mục Đà Nẵng, tôi định ngày 14.1.1964 tại Chủng viện Làng Sông sẽ khai mạc tuần tam nhật để kỷ niệm đệ tứ bách chu niên ngày công đồng Triđentinô quyết định thành lập các chủng viện. Cha Giám đốc, các cha giáo sư Làng Sông vui lòng phụ trách tổ chức cuộc lễ. Chương trình sẽ gởi sau”21.

Thư luân lưu này không đề cập gì đến việc mừng kỷ niệm 100 năm Chủng viện Làng Sông. Ngày Chủng viện Làng Sông mừng 1 thế kỷ thành lập, theo như cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng22, “người đương thời” cùng với cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình23, đứng ra tổ chức đại lễ kỷ niệm ấy, đã cho biết: “Việc mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Chủng viện Làng Sông nhân dịp kỷ niệm 400 năm công đồng Triđentinô ra quyết định thành lập các chủng viện, nhằm mục đích cổ võ ơn thiên triệu và đề cao chủng viện là một tổ chức nòng cốt của địa phận đã có một lịch sử lâu dài ”24.

Sau đại lễ kỷ niệm này, do chiến tranh, ngày 2.10.1964, Hội đồng Chủng viện đã quyết định với sự đồng ý của bề trên địa phận, cho hai lớp đệ nhị và đệ tam xuống Qui Nhơn lưu học tại trường La San. Tháng 3.1965, bề trên địa phận cho phép bãi trường sớm và quyết định niên khóa 1965-1966, tất cả các lớp tựu về học tại cơ sở Bình Lợi cũ ở Qui Nhơn, cạnh nhà thờ Chánh tòa. Vì nhu cầu cho 197 chủng sinh trong niên khóa này, Ban Giám đốc cho dựng thêm một nhà cơm, một nhà sinh hoạt và một nhà ngủ. Ngày 2.2.1968, Tiểu Chủng viện Qui Nhơn được khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 20.5.197225.

Cho đến hôm nay, các cơ sở của Nhà Chung tại Làng Sông đã trải qua chặng đường lịch sử khá lâu dài với những thăng trầm, hưng thịnh, có lúc ngừng nghỉ, có lúc hoạt động...

______________________________________________________

1 Thông tin Ðịa phận Qui Nhơn số 38, tháng 9 năm 1963, trang 5.

2 Thông tin Ðịa phận Qui Nhơn số 42, tháng 4 năm 1964, trang 16.

3 Mémorial Mission de Qui Nhơn, 29 Fevrier 1909, trang 76-80.

4 Mémorial Mission de Qui Nhơn, 29 Fevrier 1909, trang 86-87.

5 Mương Lở, ngày nay là giáo họ Hòa Mục thuộc thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh.

6 Giáo phận Qui Nhơn ngày nay gồm ba tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên.

7 Công nghị được nhóm họp vào ngày mồng 5, mồng 6 và mồng 10 tháng 8 năm 1841

8 R.P. Tardieu, Hạnh Ðức Cha Thể, Lang-Song imp. de la mission 1907, trang 43.

9 P. Durand, Les Missions Catholiques No. 3123, 1er, Dec. 1930, p. 539.

10 R.P. Tardieu, Sđd, trang 70.

11 R.P. Tardieu, Sđd, trang 76-77.

12 Xem Mission De Quinhon, Compte-rendu et état de la Mission, de Septembre 1940 à Septembre 1941, Imprimerie de Quinhon, Quinhon - (Annam) 1941, tr. 9; Compte-rendu et état de la Mission, de Septembre 1941 à Septembre 1942, Imprimerie de Quinhon, Quinhon - (Annam) 1942, tr. 24.

13 P. Durand, Les Missions Catholiques, No. 3123, 1er Dec. 1930, p. 539.

14 P. Durand, sđd, p. 543.

15Archives des Missions Étrangères de Paris, Mgr. Eugène Charbonnier, Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Cochinchine Orientale, 1873.

16 Từ thời Ðức cha Cuénot, Tòa Giám mục đặt tại Gò Thị. Ðức cha Charbonnier Trí (1864-1878) đặt Tòa Giám mục và Sở Quản lý tại Gia Hựu. Sau một vài năm, ngài đặt Tòa Giám mục tại Làng Sông. Các vị kế nhiệm vẫn đặt Tòa Giám mục tại Làng Sông cho đến thời Ðức cha Augustinô Tardieu Phú (1930-1942) dời Tòa Giám mục từ Làng Sông về Qui Nhơn. Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày nay được Ðức cha Tadieu Phú xây dựng và khánh thành năm 1936.

17 Archives des Missions Étrangères de Paris, Mgr. Gallioz, Rapport des Évêques, Rapport n0 553, Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge .

18 Ông Ðoàn Văn Thi, tục gọi là “Cai Thi”, sinh năm 1892 tại Huế, trong một gia đình thuần Phật giáo. Ông lãnh nhận bí tích Rửa tội năm 1933 tại Hộ Diêm. Ông qua đời năm 1941 tại Hộ Diêm. Ông thi công rất nhiều công trình: Nhà thờ Gia Hựu, Chủng viện Làng Sông, Ðại Chủng viện Qui Nhơn, nhà thờ Hộ Diêm, Tu viện Mỹ Ca (Bình Ba, Cam Ranh), nhà thờ Gò Ðền, nhà thờ Cà Ðú, nhà thờ Cầu Bảo. Ông có người con rể là Phêrô Nguyễn Văn Diêu, cựu chủng sinh Làng Sông lớp 1936.

19 Thông tin Ðịa phận số 38, tháng 9 năm 1963, trang 05.

20 Ngày 22.02.1963 Thánh Bộ Chủng viện và Ðại Học ra Văn thư số 348/63 gởi đến các Ðấng Bản Quyền, ước mong các Ðấng Bản Quyền sẽ tùy theo hoàn cảnh và phương tiện mà tổ chức mừng kỷ niệm. Trong Ðịa phận Qui Nhơn, Ðấng Bản Quyền đã ấn định ngày 14.1.1964 tổ chức mừng lễ kỷ niệm tại Làng Sông.

21 Thông tin Ðịa phận số 38, tháng 9-1963, trang 5.

22 Lúc bấy giờ làm Hiệu trưởng Chủng viện Làng Sông.

23 Lúc bấy giờ làm Giám đốc Chủng viện Làng Sông.

24 Cha Phaolô Bình qua đời ngày 7.3.2007. Thông tin này được viết khi cha Phaolô còn sống.

25 Thông tin Ðịa phận số 72, tháng 06 năm 1972, trang 1.

Làng Sông ngày nay

Ngày 25.12.2015, Sở Xây dựng tỉnh Bình Ðịnh cấp phép tái thiết các cơ sở tại Làng Sông. Công trình đại trùng tu cơ sở Làng Sông được Công ty Xây dựng Ngân Phúc thi công, linh mục Quản lý Tòa Giám mục giám sát thi công. Công trình được thi công kịp thời cho việc tổ chức đại lễ khai mạc Năm Thánh vào ngày 26.7.2017, kỷ niệm 400 năm loan báo TinMừng (1618-2018) tạigiáo phận Qui Nhơn. Ðây là một quần thể kiến trúc cổ gồm hai khu vực. Khu vực phía đông là chủng viện ngày trước, gồm một nhà nguyện ở chính giữa, hai tòa nhà hai tầng ở hai bên cùng với một số ngôi nhà phụ, nay được sử dụng một nửa để làm nơi ở và đào tạo của dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, một hội dòng giáo phận đang trong tiến trình thành lập. Khu vực phía tây là Nhà Chung cũ, gồm Tòa Giám mục, sở quản lý, nhà in, nhà hưu dưỡng linh mục, phần lớn đã bị phá hủy, nay được khôi phục lại với dáng dấp như xưa; đặc biệt là nhà in được khôi phục để trưng bày các ấn phẩm xưa của nhà in Làng Sông - Qui Nhơn, hay hình ảnh của những ấn phẩm hiện đang được bảo tồn cách trân trọng tại các thư viện quốc gia và hải ngoại. Ðây là những ấn phẩm đã một thời góp phần rất lớn không những cho việc loan báo Tin Mừng, mà còn cho việc phát triển chữ Quốc ngữ, phổ biến văn hóa và nâng cao dân trí.

Lm Gioan Võ Đình Đệ

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Tại kỳ họp lần 1/2024, HĐGMVN đã thảo luận và thống nhất quy định về thủ tục hôn phối dành cho các cặp đôi tại các giáo phận trên toàn quốc.
Kinh Phục vụ
Kinh Phục vụ
Vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hành hương ở Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Tại kỳ họp lần 1/2024, HĐGMVN đã thảo luận và thống nhất quy định về thủ tục hôn phối dành cho các cặp đôi tại các giáo phận trên toàn quốc.
Kinh Phục vụ
Kinh Phục vụ
Vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hành hương ở Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu.
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Trong các ngày 14-18.4.2024, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long đã diễn ra kỳ họp thường niên HÐGMVN lần 1/2024.
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Những xe bồn chở nước ngọt, dù về đến sân nhà thờ khi trời đã tối sầm hay giữa trưa nắng oi ả, vẫn luôn có bóng dáng cha chánh xứ Giacôbê Nguyễn Minh Phụng tất bật “nhận hàng”.
Góp phần xây Nhà Tĩnh Dưỡng Chí Hòa
Góp phần xây Nhà Tĩnh Dưỡng Chí Hòa
Ngày thứ Bảy 20.4.2024 này, theo chương trình của Tổng Giáo phận, vào lúc 8 giờ 30 tại nhà thờ Chí Hòa, phường 7, quận Tân Bình sẽ có thánh lễ tạ ơn cầu bình an cho việc xây dựng Nhà Tĩnh Dưỡng các linh mục, cùng với nghi thức...
Cùng đi với Chúa và với nhau
Cùng đi với Chúa và với nhau
(Bài giảng trong thánh lễ ngày 13.4.2024 tại nhà thờ Chánh tòa TGP TPHCM, do Ðức Tổng Giám mục Richard Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh Vatican chủ sự)
127 giờ  của Ðức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher tại Việt Nam
127 giờ của Ðức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher tại Việt Nam
Sự kiện Ðức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 4.2024 thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần xã hội và giáo hội.
Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc kỳ họp thường niên lần 1/2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc kỳ họp thường niên lần 1/2024
Sau khi gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh tại văn phòng HĐGMVN, chiều ngày 14.4.2024, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 29 Đức cha của 27 giáo phận đã quy tụ về Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long...