Thứ Tư, 15 Tháng Ba, 2023 15:04

Tín hữu giáo dân thời hoàn vũ: mô hình - cơ chế - tâm linh

 

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đề cập đến việc thúc đẩy, đào tạo giáo dân bằng những  thực hành và những sáng kiến tốt nhất. Thánh bộ giúp người tín hữu giáo dân nhận thức rõ hơn tinh thần đồng trách nhiệm của mình, do Bí tích Rửa tội, đối với đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh, theo những đặc sủng khác nhau được nhận lãnh để xây dựng Hội Thánh, đặc biệt chú ý đến sứ mệnh riêng của người giáo dân bằng cách làm sáng tỏ và hoàn thiện việc xếp đặt đúng trật tự những công việc trần thế .

Căn cứ vào yêu cầu của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, việc đào luyện giáo dân cần như thế nào?

Nói đến việc đào luyện thì cần phải có mô hình, tức là hình mẫu. Sau khi đã đào luyện, người giáo dân phải được gắn vào một cơ chế, tức là bộ máy. Ví dụ, trong bộ máy đồng hồ, răng cưa của những bánh xe quyện vào nhau, tác động thành một bộ máy, thành một sức sống đi tới. Cũng vậy, người giáo dân cần được biết họ ở đâu và hoạt động thế nào trong Giáo hội. Trong đào luyện, giáo dân được đặc biệt đào luyện đời sống tâm linh. Nếu không có đời sống tâm linh thì không thể nào thể hiện vai trò qua cơ chế và mô hình được.

Mô hình đào luyện

Mô hình này bắt nguồn từ Công đồng Vatican II. Công đồng tập trung vào những khía cạnh: Chúa Kitô và Lời của Ngài;  thứ hai là con ngưởi và môi trường; và đặc biệt tập trung vào bản chất của Giáo hội là loan báo Tin Mừng qua con đường đối thoại và hòa giải bằng các chứng tá. Khi nghiên cứu về 3 tập trung đó, các nhà chuyên môn đã định ra một mô hình gọi là Linh đạo - Mục vụ - Truyền giáo. Linh đạo là đời sống mến Chúa; Mục vụ là đời sống yêu người. Khi mến Chúa và yêu người ở mức độ gặp nhau thì trở thành một nhà loan báo Tin Mừng, bởi vì con người loan báo tình yêu của Thiên Chúa, nói cho mọi người biết Thiên Chúa yêu thương con người  và môi trường.

Hệ quả của việc đào luyện này sẽ dẫn tới một con người Kitô hữu thời đại: hiền lành, khiêm nhường như Chúa muốn và biết sống liên đới trách nhiệm, yêu thương phục vụ như Chúa đã ra lệnh: hãy cứ đi và làm theo mẫu gương người Samaritanô nhân hậu. Loan báo Tin Mừng hôm nay bằng đời sống hiền lành, khiêm nhường, bằng lối sống liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ, và hơn hết bằng đời sống đức tin, tức là có Chúa, bao giờ cũng phải mang Chúa Giêsu ở trong tâm hồn và trong Giáo hội để loan báo Tin Mừng theo gương của Mẹ Maria. Tấm gương của Đức Mẹ đã cho thấy rằng khi Mẹ rước Chúa vào lòng, thì cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã lên đường truyền giáo cho những người thân nhất trong gia đình. Và chính Chúa Giêsu biến đổi những người mà Đức Mẹ đã gặp. Hệ quả của vấn đề truyền giáo là đem lại hạnh phúc.

Cơ chế

Khi được đào tạo xong thì giáo dân cần được đưa vào trong cơ chế để họ làm việc. Công đồng Vatican II  đã đưa ra nguyên tắc mục vụ là “Cả… cả…” (cả hồn cả xác; cả đời này cả đời sau; cả đời sống nội tâm cả đời sống hoạt động) đồng thời theo nguyên tắc “ân sủng và thực tại”. Ân sủng là cái bên trong, thực tại là cái bên ngoài. Ân sủng là đức tin, thực tại là những giá trị của đời sống con người như văn hóa, khoa học. Thông thường, chúng ta chú ý đến đời sống đức tin, đời sống nội bộ mà quên đi đời sống hiện nay còn có những giá trị khác.

Ở đây, cơ chế mục vụ giáo xứ được xem như một guồng máy mà mỗi giáo dân đều được mời gọi dấn thân, tham gia theo từng khả năng. Theo hướng đi hôm nay, cơ chế này thực hiện đường lối hiệp hành, tham gia và sứ vụ. Công đồng đã định nghĩa Giáo hội là gia đình, là dân Thiên Chúa, tóm lại Giáo hội là Gia đình Dân Chúa. Trong Gia đình Dân Chúa, mỗi người phải đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần và thánh bổn mạng là những người hướng dẫn và thúc đẩy các tín hữu.

Theo mô hình này, Gia đình Dân Chúa gồm cha xứ, tu sĩ và toàn thể thành phần trong gia đình, gồm những bậc lão thành, gia trưởng, hiền mẫu, chư thánh, thanh niên, thiếu nhi, trẻ thơ, các đẳng linh hồn. Tất cả các thành phần này diễn tả mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông, và cũng cho thấy hình ảnh Giáo hội khải hoàn (Chư Thánh) Giáo hội thanh luyện (các đẳng linh hồn) và Giáo hội chiến đấu (gồm các thành phần trong giáo xứ).

 

Theo sơ đồ (xem hình trên), giáo xứ có Hội đồng mục vụ giáo xứ gồm những người đại diên giáo xứ. Do đó Hội đồng Giáo xứ như một cộng đồng giáo xứ thu nhỏ. Dưới văn phòng có ban chuyên môn, đây là những ban phát xuất từ Công đồng Vatican II để góp phần phục vụ tinh thần và thể xác Gia đình Dân Chúa.

Sơ đồ này thể hiện: Hiệp thông để loan báo Tin Mừng, loan báo Tin Mừng dẫn tới sự hiệp thông. Sơ đồ thể hiện nguyên tắc mục vụ của  Công đồng Vatican II: “Ân sủng và thực tại”; và Tích hợp văn hóa - văn minh toàn cầu Đông-Tây; đặc biệt áp dụng triết lý giáo dục toàn cầu: “Tâm linh - khoa học”.

Đào luyện tâm linh

Phương thức đào luyện tâm linh ở đây là sự tích hợp, nhưng vẫn giữ gốc của mỗi bên, bao gồm những phương thức tích hợp: Ân sủng và thực tại; Tâm linh và khoa học; Văn hóa Đông phương : Tĩnh, tình với văn minh Tây phương: Động và lý.

Nội dung của đào luyện tâm linh là cầu nguyện - cảm nghiệm, đó là phương pháp cầu nguyện tập trung toàn diện con người cả tâm, trí, ý chí thuận theo, khao khát gặp sống với Chúa đang sống, được ân sủng biến đổi nên giống Chúa. Mục đích là để biến đổi đức tin truyền thống thành đức tin sống động.

Mục tiêu của đào luyện tâm linh là để mỗi tín hữu được tình yêu, ân sủng và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa biến đổi nên thánh, trở nên “Đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” - con người hiền lành và khiêm nhường; biết sống liên đới trách nhiệm - yêu thương phục vụ bằng chứng tá qua con đường đối thoại và hòa giải.

Kết luận

Một là đổi mới hay là chết. Một là được đào tạo hai là bị đào thải! Hoạt động của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đặc biệt chú ý đến việc đào tạo giáo dân ở mọi cấp độ, cho mọi thành phần, bao gồm những khía cạnh: đức tin, hoạt động tông đồ, chứng tá Kitô giáo trong xã hội, văn hóa và chính trị, trong đó các sáng kiến và “những thực hành tốt nhất” về truyền giáo, đào tạo và thăng tiến tín hữu được trình bày cho giáo dân đang hoạt động ở nhiều nơi khác trên thế giới, đã chứng tỏ hiệu quả ở một số quốc gia cụ thể và có thể được đề xuất ở nhiều nơi khác.

Chương trình đào luyện tín hữu giáo dân đã được triển khai áp dụng từ năm 2008 tới 2018 trong giáo xứ Mong Thọ và trong toàn thể giáo phận Long Xuyên tại Việt Nam. Hy vọng đã có những nhận thức và chuyển biến nhất định. Hiện nay, chương trình này đang dần dần triển khai từ năm 2020 ở Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, qua chuyên mục: “Người Giáo dân thiên niên kỷ mới”.

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm