Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Kontum và Lâm Ðồng, với diện tích tự nhiên khoảng 56.000 km2, chiếm 16,9% diện tích tự nhiên của cả nước. Việc truyền giáo ở vùng này diễn ra rất sớm, khởi đầu từ Kontum, đến Ðà Lạt, Ðắk Lắk... Với địa hình hiểm trở đồi núi, đi lại khó khăn, thành phần dân cư đa dạng về sắc tộc, nhưng với sự bền bỉ, kiên trì của các thừa sai, Giáo hội đã gặt hái được kết quả tốt đẹp, đó là đưa đức tin Công giáo đến với một vùng đất mới. Từ những nền tảng đó đã hình thành nên 3 giáo phận truyền giáo sôi nổi ngày nay là Kontum, Ban Mê Thuột và Ðà Lạt.
![]() |
Bản đồ con đường truyền giáo Tây nguyên tại phòng truyền thống giáo phận Kontum |
NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ
Từ năm 1765, Ðức cha Guillaume Piguel (1704-1771) đã gởi các thừa sai lên truyền giáo miền Kontum, nhưng công việc truyền giáo đành phải bỏ ngang vào mùa xuân năm 1776.
Công cuộc loan báo Tin Mừng ở Tây Nguyên đạt thành quả khả quan vào thời kỳ Ðức cha Etienne Théodore Cuénot Thể, Giám mục Ðại diện Tông tòa Ðông Ðàng Trong. Chính ngài đã mở đường truyền giáo vùng phía Tây, tức vùng Tây Nguyên ngày nay. Sứ mệnh truyền giáo cho đồng bào Tây Nguyên được đánh dấu rõ nét từ năm 1850. Lịch sử truyền giáo vùng này có thể chia thành 3 giai đoạn: Khai sáng (1848-1932); Phát triển (1932-1960); Trưởng thành (từ sau 1960), theo Niên giám 2005 của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Việc truyền giáo lên cao nguyên Lâm Ðồng muộn hơn. Cho đến cuối thế kỷ 19, dân cư trong vùng chỉ là những người bản địa, gồm 2 sắc tộc chính là K’Ho và Churu, và một vài bộ tộc nhỏ khác. Năm 1918, Ðức cha Lucien Mossard Mão, Giám quản Tông tòa tại Sài Gòn (1898-1920) đã đặt chân lên Ðà Lạt, và ngày 25.1.1919, ngài đã ban Bí tích Rửa tội cho một em bé Việt Nam (Sổ Rửa tội quyển 1 số 1). Có thể nói chính ngài là người đã khai sáng con đường truyền giáo ở phần đất này. Ðến năm 1920, Ðức cha thiết lập giáo xứ Ðà Lạt, giao cho linh mục Frédéric Sidot coi sóc. Nhưng lịch sử truyền giáo cho người dân tộc thiểu số phải đến năm 1927 mới thật sự được bắt đầu với việc linh mục Jean Cassaigne đảm nhận giáo xứ Di Linh vào ngày 24.1.1927. Việc truyền giáo lên vùng Ban Mê Thuột được thực hiện bằng hai con đường, năm 1847, linh mục Fontaine Khâm thuộc Hội Thừa sai Paris lên rao giảng Lời Chúa cho đồng bào M’nông. Ðây có lẽ là vị thừa sai đầu tiên đến truyền giáo trên Ðắk Lắk. Năm 1850 còn có linh mục Hòa khởi điểm từ xứ truyền giáo Kontum lên Ðắk Lắk.
HÌNH THÀNH GIÁO PHẬN
![]() |
Những bước chân gieo hạt giống Tin Mừng nơi vùng cao nguyên của các bậc tiền nhân đã làm nảy sinh những hoa trái, làm cơ sở cho việc thành lập những giáo phận ở vùng cao nguyên, mà ở đó đồng bào bản địa vẫn luôn là tâm điểm phục vụ của các giáo phận này.
Giáo phận Kontum
Ngày 18.1.1932, Tòa Thánh thiết lập GP Kontum, tách ra từ GP Qui Nhơn. Lúc đó, Kontum có 23.000 tín hữu, 21 địa sở, 167 cộng đoàn tín hữu, 14 thừa sai ngoại quốc, 24 linh mục người Kinh, 3 linh mục Ba Na, 10 thầy giảng người Kinh và 150 Yao Phu (các thầy giảng thừa sai người bản xứ).
Năm 1960, Tòa Thánh thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam, giáo phận Kontum lúc bấy giờ có 73.966 giáo dân; 105 linh mục (trong đó có 66 linh mục người Ba Na, còn lại là các linh mục người Kinh và các thừa sai của MEP); 18.802 dự tòng; 271 xứ họ. Năm 1967, Ðắk Lắk được tách khỏi Kontum để nhập vào GP Ban Mê Thuột vừa được thành lập.
Giáo phận Kontum năm 2017 gồm 2 tỉnh Kontum và Gia Lai, thống kê theo Văn phòng Tòa Giám mục Kontum cập nhật vào 12.2017: có 330.394 giáo dân; 10 giáo hạt (miền Kontum 3 giáo hạt, miền Pleiku 7 giáo hạt); 33 dòng (22 dòng Nữ, 11 dòng Nam); 7 nhà mồ côi, nuôi dạy 757 em (Kontum 6 nhà, 718 em; Gia Lai 1 nhà, 39 em); 20 trường mẫu giáo, 3.016 em (Kontum 7 nhà, 563 em; Gia Lai 13 nhà, 2.453 em); 20 nhà trẻ làng, 1.038 em (Kontum 4 nhà, 290 em; Gia Lai 16 nhà, 748 em); 68 nhà nội trú, 3.147 em (Kontum 30 nhà, 1.287 em; Gia Lai 38 nhà, 1.860 em). Giáo phận có 2 tổ chức đào tạo tông đồ giáo dân: hội Yao Phu và hội dòng Ảnh Phép Lạ. Nhiều nơi trong giáo phận hiện không linh mục, không nhà thờ, không phụng vụ thánh lễ nhưng luôn có những tông đồ giáo dân hiện diện.
Giáo phận Ðà Lạt
Giáo phận Ðà Lạt được thiết lập vào ngày 27.11 1960, có 81 linh mục triều và dòng, 77.324 giáo dân, Năm 1967, khi hai tỉnh Phước Long và Quảng Ðức được tách khỏi giáo phận Ðà Lạt để sáp nhập vào giáo phận Ban Mê Thuột, thì giáo phận Ðà Lạt chỉ còn 59.710 giáo dân và 55 linh mục trong 33 giáo xứ. Năm 1991, số linh mục triều và dòng là 104, số tu sĩ nam nữ trên 700, số giáo dân khoảng 150.000, với 64 giáo xứ giáo sở.
Theo thống kê năm 2017, giáo phận Ðà Lạt có 378.269 giáo dân (241.629 Kinh - 137.493 Thượng). Hiện giáo phận này được chia thành 6 giáo hạt với 105 giáo xứ, 22 giáo sở (có linh mục thường trực) và 35 giáo họ, giáo điểm. Số nam nữ tu sĩ là 1.281 người (nam: 187; nữ: 1.094). Hiện trong giáo phận có 65 dòng tu, tu hội, hiệp hội với 166 cộng đoàn trong đó có 3 dòng tu, tu hội.
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Ban Mê Thuột nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Ðắk Lắk, tỉnh Ðắk Nông và một phần của tỉnh Bình Phước, được thành lập vào ngày 22.6.1967. Ðây là nơi định cư của ba sắc tộc chính: Êđê ở vùng Ðắk Lắk, M’Nông ở Quảng Ðức (Ðắk Nông) và vùng Phước Long có S’Tiêng. Cả ba sắc tộc đều có ngôn ngữ riêng. Vào năm thành lập, giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân, trải rộng trên diện tích 21.723 km2 với dân số 290.800 người, gồm người Kinh, Mường, Nùng, Thái.
Tính đến năm 2016, trên tổng dân số 2.954.111 người, giáo phận có 434.722 tín hữu; 169 linh mục (triều: 140; dòng :29); 84 nam tu sĩ thuộc 11 dòng; 565 nữ tu thuộc 24 dòng; 8 giáo hạt với 106 giáo xứ và 73 giáo họ biệt lập.
![]() |
Đức cha Etienne Théodore Cuénot Thể, người khai phá miền truyền giáo Kontum |
THĂNG TIẾN ÐỜI SỐNG ÐỨC TIN
Ngoài những hoạt động bác ái xã hội giúp thăng tiến người dân, đặc biệt là nâng đỡ anh em dân tộc bản địa về những phương diện như giáo dục, kinh tế, thay đổi tập quán sinh sống, định canh định cư, cả ba giáo phận Tây Nguyên chú trọng nhiều đến việc phát triển niềm tin cho những anh em tín hữu người dân tộc. Ngoài việc hội nhập phụng vụ với văn hóa của người bản địa, các giáo phận đã dày công chuyển tải những nội dung đức tin bằng ngôn ngữ của chính họ. Xác định muốn đức tin bén rễ tại một sắc tộc, cần phải dùng chính những nét văn hóa của họ để diễn tả và chuyển tải đức tin, nên các thừa sai, linh mục qua nhiều thời kỳ nỗ lực học hỏi và tìm cách dịch các bản kinh sách cho đồng bào dân tộc thiểu số trên đại ngàn.
![]() |
Bộ sách lễ Rôma và các sách bài đọc bằng tiếng Ba Na |
Latinh hóa chữ viết
Các bộ tộc bản địa Tây Nguyên chủ yếu là Ba Na, Xơ Ðăng, Gia Rai, Ê Ðê, Gié Triêng, M’nông, K’Ho, Brâu, Rơ Măm... Ngay từ khi bước chân lên tiếp xúc với dân tộc miền núi, các linh mục thừa sai đã bắt tay vào việc học, nghiên cứu, Latinh hóa chữ viết. Song công việc này chỉ giới hạn trong tiếng Ba Na và một phần tiếng Xơ Ðăng, trong đó tiếng Ba Na được chú ý hơn. Nhiều công trình dịch thuật nối tiếp nhau ra đời và được công nhận.
Gần nhất, trong tập kỷ yếu về Hội Yao Phu (một tổ chức các thầy giảng thừa sai người bản xứ, những cánh tay nối dài của vị chủ chăn góp phần mở rộng và phát triển Giáo hội địa phương) mừng 100 năm thành lập trường Yao Phu Cuénot (1908-2008) của GP Kontum có ghi nhận việc nỗ lực cho ra đời một bộ sách gồm sách Lễ Rôma và các sách Bài Ðọc bằng tiếng Ba Na, nhờ hồng ân Năm Thánh Yao Phu. Bộ sách này là thành quả của việc thu thập tất cả các bản dịch riêng rẽ tiếng Ba Na của sách Lễ Rôma và các sách Bài Ðọc do các đấng tiền nhân soạn dịch, đồng thời chỉnh sửa cho thống nhất về nội dung và văn phong thời đại của ngôn ngữ địa phương. Về hình thức, bộ sách Lễ Rôma và các sách Bài Ðọc bằng tiếng Ba Na này được trình bày theo đúng quy cách của bộ sách Giáo hội hiện dùng trong phụng vụ.
Tập Sách Lễ Rôma bằng tiếng K’Ho
Với hai dân tộc chính là K’Ho và Churu, những nhà truyền giáo đã ý thức soạn thảo nhiều bản dịch của hai ngôn ngữ này. Nhiều bản dịch tiếng K’Ho đã được Tòa Thánh phê chuẩn và dùng tại giáo phận Ðà Lạt từ lâu. Nằm trong chiều hướng truyền giáo và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, việc dịch thuật luôn được giáo phận Ðà Lạt chú trọng. Công trình dịch thuật do một số cha phụ trách đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện: dịch kinh lễ và nghi thức bí tích sang tiếng K’Ho, biên soạn tự điển. Sau rất nhiều năm dịch, điều chỉnh, tập sách Lễ Rôma bằng tiếng K’Ho mới được Ban Dịch thuật của giáo phận dịch trọn vẹn và được gởi qua Tòa Thánh phê chuẩn vào năm 2014, theo Niên giám giáo phận Ðà Lạt 2015.
Tự điển Rhade-Pháp; Từ vựng Pháp-Rhade
Tại tỉnh Ðắk Lắk, phía Tây Nam giáo phận Kontum, người dân tộc bản địa đa phần nói tiếng Ra Ðê. Các vị thừa sai quan tâm vào việc nghiên cứu cách phiên âm tiếng nói bản địa ra chữ viết. Các cha dùng mẫu tự Latinh trong công cuộc phiên âm tiếng địa phương. Hai tác giả thừa sai là cha Jean Davis-Baudrit (1899-1976) và cha Benjamin Louis (1902-1964) đã cho ra đời các sách: Tự điển Rhade-Pháp, Từ vựng Pháp-Rhade...
Theo Niên giám Giáo hội Công Giáo Việt Nam 2016, giáo phận Ban Mê Thuột cũng đã tiếp nối công trình truyền giáo cho người dân tộc bằng ngôn ngữ, chữ viết. Như Trung tâm Tân Dự tòng tại TP Buôn Ma Thuột nghiên cứu chữ viết để ứng dụng vào việc dạy giáo lý, soạn thảo nghi thức thánh lễ và đào tạo nhân sự người dân tộc thiểu số phục vụ việc loan báo Tin Mừng... Nhiều bản dịch hiện vẫn đang tiếp tục được hoàn chỉnh.
***
Như vậy, có thể thấy rằng, trong gần 200 năm bắt tay vào việc gieo vãi, ươm mầm đức tin, loan truyền Lời Chúa trên miền Cao nguyên Trung phần, các nhà truyền giáo xưa và những thành phần Dân Chúa nay luôn tìm mọi phương tiện có thể, nỗ lực trong khả năng có được, để vun đắp cho người dân vùng cao, đặc biệt là những anh em sắc tộc, đặt nền tảng để Giáo hội ngày nay có những giáo đoàn sinh động, bền vững, trong ba giáo phận rộng lớn là Kontum, Ban Mê Thuột, Ðà Lạt.
Nguyễn Hà
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.