Thứ Sáu, 01 Tháng Mười Hai, 2017 11:14

Nét thăng trầm nơi xứ đạo Russeykeo

Thoạt nghe, cái tên Russeykeo thật lạ, khiến nhiều người tự hỏi đây có phải là một giáo xứ của anh em dân tộc thiểu số ở vùng đất xa xôi miền núi? Nhưng không, nhà thờ Russeykeo tọa lạc tại giáo phận Xuân Lộc, cách Sài Gòn gần 100 cây số. Họ đạo được lập nên bởi những Việt kiều Campuchia hồi hương.

Xứ mới, người cũ

Russeykeo có bề dày lịch sử khá dài, hình thành năm 1863. Trong ngôn ngữ Campuchia, Russeykeo mang ý nghĩa “con đường tre màu mỡ”, cũng là tên một quận của Phnom Penh - thủ đô Campuchia. Thời đó, nhiều tín hữu Việt Nam định cư tại đây và trong tâm trí vẫn luôn lưu giữ hình ảnh hai bên đường dẫn vào nhà thờ cũng như bên trong khuôn viên là những hàng tre cao vút. Rễ tre cắm sâu vào lòng đất, vừa tạo nét đặc trưng riêng, vừa biểu trưng cho đức tin kiên vững của những người con Chúa tha phương. Theo tài liệu giáo xứ còn lưu lại, trước khi tản mát, Russeykeo tại Campuchia có hơn 10.000 giáo hữu.

Năm 1970, do bối cảnh lịch sử, bà con Việt kiều xuôi dòng Mêkông trở lại quê cha đất tổ. Hồi hương về Việt Nam, giáo dân phân tán đi nhiều vùng miền khác nhau. Một nhóm đông theo cha Gioakim Hồ Quang Luật lặn lội đi tìm vùng đất mới, sau cùng về định cư dưới chân núi Chứa Chan. Từ đó, giáo phận Xuân Lộc có thêm một xứ đạo có lịch sử đã trải dài hơn một thế kỷ trên đất bạn.

Mỗi khi giáo xứ có công việc thì rất đông người cùng tham gia

Bên ly chè xanh, ông Võ Minh Thông, năm nay 70 tuổi, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu về Việt Nam: “Gần 50 năm trước, khi chúng tôi về định cư, nơi đây còn là mảnh rừng hoang vu, ban đêm, nhiều người đi săn thú rừng. Ngày ở Campuchia, bà con đã quen với nghề cá, số còn lại cũng là thợ sơn, thợ máy…, không biết làm nông, cấy lúa. Do vậy, hầu hết bà con đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Nhiều người quen với sông nước thì xuôi về miền Tây tìm kế sinh nhai. Sau này, số đông còn lại chuyển qua làm lò than hay trồng mía bán cho nhà máy. Hằng tuần, cha xứ phải về thành phố chạy vạy tìm những sự hỗ trợ để lo cho dân”.

Ðể có nơi thờ phượng, cha Gioakim cùng giáo dân dựng một ngôi nhà nguyện bằng vách tre nhằm kịp mừng lễ Giáng Sinh năm đó. Trong đời sống đạo, dường như đức tin đã trải qua nhiều thử thách nên mọi khó khăn được người tín hữu đón nhận cách nhẹ nhàng, từ đó ra sức gầy dựng xứ đạo.

Dãy nhà mục vụ vừa được giáo xứ vào hoạt động

Một cộng đoàn thương yêu

Sau gần nửa thế kỷ định cư tại Việt Nam, Russeykeo hiện nay đã là cộng đoàn lớn mạnh với khoảng 8.000 tín hữu, chưa kể khá đông anh chị em công nhân trong các khu công nghiệp gần kề đến sinh hoạt. Vùng đất hoang vu ngày xưa nay trở thành khu dân cư đông đúc. Giáo dân gắn bó với nhiều ngành nghề như làm nông, trồng cây ăn trái, buôn bán. Những khu công nghiệp mở ra trên địa bàn cũng giúp họ có thêm nhiều chọn lựa về công ăn việc làm.

Giáo xứ Russeykeo trải rộng tại xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Sau khi hồi hương về Việt Nam, nhiều giáo dân từng quay trở lại thăm giáo xứ ngày xưa. Ông Võ Minh Thông cũng đã 3-4 lần quay lại bên đó nhưng chỉ để tìm kiếm cho mình những hồi ức, chứ cảnh vật ngày nay đã đổi khác.

Ðến thăm giáo xứ, ai cũng dễ dàng nhận ra nơi đây là một cộng đoàn gắn kết. Chỉ tay về dãy nhà giáo lý, nhà sinh hoạt vừa mới khánh thành, cha sở Phaolô Ðoàn Thanh Phong cho biết: “Mỗi lần giáo xứ xây dựng cơ sở vật chất gì thì giáo dân rất hồ hởi và nhiệt tình tham gia. Mỗi ngày có rất đông người đến phụ giúp, nhà xứ chưa bao giờ phải lo lắng về nhân công”. Ðã thành truyền thống, khi trong xứ có người qua đời thì cha xứ, các ông trùm đều đến thăm viếng, còn giáo dân khu xóm phụ vào mỗi người một tay giúp gia chủ chu toàn việc tang hiếu. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người có chức việc lại phân chia đến từng gia đình để đọc kinh và chia vui đầu năm với bà con. Russeykeo còn là điểm sáng tại địa phương về chương trình hiến máu nhân đạo… Qua thời gian, họ đạo ngày càng khắc họa rõ nét hình ảnh một cộng đoàn thân thương.

Một buổi thi giáo lý của thiếu nhi

Trong việc đồng hành với thiếu nhi, cha xứ cùng phụ huynh tạo thành mối dây liên kết để chăm lo đức tin cho con trẻ. Nhờ vậy, các em nhỏ luôn sốt sắng tham dự thánh lễ và tích cực tham gia các sinh hoạt. Ngày chúng tôi ghé qua, dù chỉ là thánh lễ ngày thường nhưng các em ngồi gần kín nhà thờ. Cha xứ cho hay, lễ ngày Chúa nhật hằng tuần thiếu nhi ngồi tràn cả trên cung thánh. Vì số lượng trên 1.000 em và có tới 28 lớp giáo lý nên giáo xứ vừa mới đưa vào hoạt động dãy nhà giáo lý khang trang, không còn cảnh nhiều lớp phải học dưới tán cây trong khuôn viên như trước. “Trong chặng đường sắp tới, Russeykeo sẽ chú tâm nhiều hơn vào các chương trình bác ái đến với người nghèo và anh chị em di dân, do bà con xa quê ngày càng quy tụ đông hơn nơi vùng đất này”, cha sở Phaolô chia sẻ.

PHÚ THỊNH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm