Thứ Ba, 21 Tháng Bảy, 2020 10:00

Tình nghĩa xứ Long Thành

 

Vượt gần 40 cây số từ Sài Gòn tìm đến xứ đạo đã hơn trăm tuổi - Long Thành - ở địa phận Xuân Lộc rộng lớn để nghe, xem và hiểu về nơi những người con Chúa đang âm thầm vun đắp đức tin giữa muôn dân, dẫu phải bước qua trăm bề thử thách.

 

 

Thánh đường Long Thành - ảnh: Yên Lam

 

Tình làng, nghĩa xứ

Ðến xứ “rặt” miền Nam, khách gặp gỡ vị chủ chăn gốc Bắc - cha Giuse Phạm Quốc Tuấn. Nghe hỏi về những cảm nghiệm khi sống giữa đoàn chiên có nhiều phong tục, tập quán rất khác với nếp sống vốn có của mình, ngài cười bảo: “Hồi mới nhận xứ, tôi hồi hộp lắm, chỉ sợ mình không hòa hợp được nên sẽ gặp trở ngại. Giờ thì sắp hết năm thứ 2 được sống cùng bà con, họ đã nâng đỡ tôi nhiều, luôn tích cực cộng tác mỗi lúc giáo xứ có việc. Tôi nghiệm ra là bà con người Nam rất chân chất, thẳng tính. Họ xuề xòa, hồ hởi, đón nhận tôi như một người anh em. Họ làm nhiều thay vì nói và luôn phản hồi thẳng thắn những khi cảm thấy không thích hợp”. Có lẽ vì thế mà bầu khí chung của xứ đạo luôn sống động, vui vẻ và chân tình.

Bà con chung tay làm việc Nhà Chúa - ảnh: giáo xứ cung cấp

 

Vài chục năm trước, dân cư trong vùng sinh sống với nghề trồng trọt, chăn nuôi bò. Theo đà phát triển của xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, thêm vào đó là lợi thế vì địa bàn nằm gần dự án sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy nhịp sống của người dân khởi sắc lên. Ai từng có dịp đến đây nhiều năm về trước, bây giờ quay lại sẽ ngạc nhiên vì những nét thay đổi rõ rệt hiện lên trước mắt. Ðường phố trải nhựa rộng rãi, nhiều khu dân cư mới san sát, các dịch vụ tiện ích đầy đủ… như muốn thể hiện tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về mọi mặt.

Song, những thay đổi bên ngoài dường như chẳng hề ảnh hưởng đến tình làng, nghĩa xóm của những con người, gia đình đã định cư bên nhau qua bao thế hệ. “Giáo xứ có việc gì thì chỉ cần thông báo trên mạng xã hội là mọi người sẵn lòng giúp. Như hôm sửa cổng nhà thờ, anh em có tay nghề chủ động giúp việc xây, sửa…, còn nhiều người khác thì mua cà phê, trà sữa đến ủng hộ tinh thần. Vui lắm!”, anh Nguyễn Trần Hoàng Vân, một giáo dân Long Thành kể. Những ngày xứ đạo tổ chức lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh, Tết… thì không chỉ mọi giáo dân mà cả bà con các tôn giáo bạn cũng hào hứng góp sức, chung tay. Họ bên nhau khi vui, lúc buồn, tôn trọng, cảm thông, chia sẻ và trợ giúp nhau trong nhịp sống mỗi ngày. Hôm 10.7.2020, giáo xứ đã tổ chức ngày tổng kết năm học và tặng quà khuyến khích tinh thần học tập cho các em học sinh trong xứ, không phân biệt tôn giáo. Quà chẳng lớn, tiệc chẳng cao sang, nhưng ngập đầy niềm vui khiến các bạn nhỏ đến gần Nhà Chúa và các trẻ khác dễ hòa nhịp cùng cộng đồng chung.

 

Việc xung quanh khu vực có nhiều khu công nghiệp làm cho nơi này trở nên như đất lành tiếp nhận những cánh chim di cư từ khắp miền tổ quốc. Cộng đoàn Long Thành rộng lòng đón nhận và nâng đỡ những người tha hương. Cha sở cũng như bà con giáo dân sẵn sàng giúp đỡ khi biết được ai đó đang gặp phải khó khăn, chỉ mong sao họ có thể sớm ổn định đời sống. Thế nên, các di dân cũng mạnh dạn dấn thân vào việc chung, tham gia các hoạt động xứ đạo. Từ đó, những mối liên kết thân tình được kiến tạo và củng cố để thêm bền chặt.

Lời kinh nguyện giữ niềm tin yêu

Ví như đời người lắm lúc truân chuyên, họ đạo Long Thành qua lời kể của các cụ cao niên cũng có những khi tưởng như muốn lịm tắt. Trong quá khứ, có những ngày rộng, năm dài nơi này vắng bóng mục tử, thiếu đi các Bí tích. Ngọn lửa đức tin được bà con gìn giữ bằng việc họp nhau đọc kinh, nguyện cầu. Nếp sinh hoạt đó được kéo dài cho đến ngày nay khi các thành viên trong giáo họ cùng đọc kinh liên gia, các em thiếu nhi thì tập trung đọc kinh tại đài Ðức Mẹ trong khuôn viên thánh đường vào 19 giờ mỗi tối… Qua các hoạt động đạo đức bình dân, mỗi người nuôi dưỡng trong mình lửa mến tin và truyền lại ngọn lửa ấy cho thế hệ mai sau.

Dâng lời kinh nguyện dưới chân Mẹ

 

Từ lòng tin yêu Chúa, họ hiểu rằng yêu thương là hành động, nên từ các em nhỏ đã được hướng dẫn bỏ ống heo một phần tiền tiêu vặt của mình để đến dịp thì lấy ra san sẻ cho các bạn nhỏ khó khăn nơi các mái ấm gần xa. Ðều đặn mỗi tuần, linh mục, nữ tu, các thành viên Hội đồng Mục vụ xứ đi thăm viếng các gia đình, có khi là để trao tặng chút quà, hay đơn thuần chỉ là hiện diện để giải quyết thắc mắc, ủi an, lắng nghe chuyện nhà, chuyện đời của bà con. Những chuyến “hành hương” gần ấy không chỉ giúp kéo gần những xa cách mà còn khiến người đón nhận thấy ấm lòng vì biết rằng mình vẫn luôn được đồng hành giữa cuộc sống nhiều thử thách.

Lễ mừng xứ đạo tròn 130 tuổi sẽ được tổ chức vào năm 2024. Hành trình tương lai ẩn chứa nhiều biến chuyển. Chủ chăn và đoàn chiên Long Thành đang ấp ủ nhiều dự định như xây dựng nhà mục vụ giáo xứ; phát triển nhân sự để có thể thích ứng với sự phát triển của thời đại; xây dựng các chương trình cụ thể để đồng hành với di dân… Mỗi một việc đều cần nhiều thời gian, tâm sức, lòng nhiệt thành của mọi người, hầu có thể diễn ra suôn sẻ. Còn nhiều lắm những chông gai nhưng tin rằng, xứ cổ hơn trăm tuổi này sẽ từng bước vượt qua để kiên vững cùng năm tháng. n

 

Năm 1886, linh mục Giuse Trần Ðình Tiết đến Mỹ Hội coi sóc khoảng 200 giáo dân di cư từ miền Trung làm nên xóm đạo Mỹ Hội. Tại đây, ngài đã cùng cộng đoàn dựng một nhà nguyện bằng lá để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Ðến năm 1891, cha Augustino Lefèbvre (Nguyễn Văn Lực) cử cha Amedius Lemée về coi sóc vùng Long Thành thuộc trấn Biên Hòa. Năm 1894, cha Lemée phụ trách xây dựng bốn nhà thờ trong hạt Long Thành: Mỹ Hội, Phước Lý, Bình Quới và Long Thành. Riêng xóm đạo Long Thành, ngài cử cha Giuse Trần Ðình Tiết về làm mục vụ và xây dựng nhà thờ đầu tiên với tường gạch, cột gỗ, mái lá.

Ngôi thánh đường hiện tại được Ðức cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc, khánh thành ngày 22.2.2014.

Giáo xứ Long Thành tọa lạc tại trung tâm thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai. Giáo xứ hiện có khoảng 3.000 tín hữu, chiếm 25% số dân trên địa bàn.

 

YÊN LAM

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm