Những năm 1950, theo dòng di cư vào Nam, một số giáo dân thuộc các giáo xứ, giáo họ của giáo phận Vinh đã đến khu Mương Mán thuộc thị xã Phan Thiết để ngụ lại…
![]() |
Ban Loan báo Tin Mừng Châu Sơn họp mặt trong ngày lễ mừng bổn mạng - ảnh: Gx cung cấp |
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên họ quyết định đi lên miền cao nguyên Ðắk Lắk lập nghiệp. Họ ở lại và được dòng Châu Sơn nhượng cho khu đất để ổn định nơi ở, gầy dựng xứ đạo. Ngôi nhà nguyện của nhà dòng để lại là chốn đoàn chiên sớm hôm nguyện cầu cùng Thiên Chúa cho mọi việc được diễn ra trong an bình, tốt đẹp. Xứ đạo có tên Châu Sơn từ ngày ấy. Ông Nguyễn Ngọc Minh, một trong số những người đồng hành cùng dòng lịch sử của xứ đạo cho biết: “Thời gian đó, chúng tôi được Chúa thương sắp xếp tìm được chỗ định cư thuận lợi. Việc xây dựng xứ đạo trên đất mới cũng diễn ra trôi chảy. Chúng tôi mang theo nếp sinh hoạt đạo đức từ quê hương và tiếp tục những hoạt động ấy tại đây”. Cộng đoàn nhanh chóng ổn định, nên chỉ sau 4 tháng xây dựng, ngày 25.12.1956, Dân Chúa có vị chủ chăn đầu tiên là linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Ðăng Khoa. Từ đó mọi sinh hoạt nền tảng xứ đạo, nhà thờ, nghĩa trang… dần được hoàn thiện.
![]() |
Lớp trẻ giáo xứ thăm và tặng quà cho bà con dân tộc thiểu số - ảnh: Gx cung cấp |
Ngày nay, Châu Sơn là một giáo xứ lớn của địa phận Ban Mê Thuột với khoảng 8.000 giáo dân. Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chạy xe chừng 20 phút là đến xứ đạo. Theo đà phát triển của xã hội, bộ mặt giáo xứ cũng khang trang lên từng ngày. Những con đường trải nhựa, bê tông thẳng tắp dẫn lối vào ngôi thánh đường thay cho lối đi đất đỏ bazan gồ ghề ngày mới lập họ đạo. Bà con nơi đây sinh sống bằng việc chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt nổi tiếng với nghề nuôi nai lấy nhung. Những năm trước, nhiều hộ trong xứ nhờ vào nuôi nai mà lo cho con cái được đủ đầy, cuộc sống khấm khá, nhưng đến nay, khi đi một vòng họ đạo sẽ nhận thấy số hộ nuôi còn rất ít. “Nuôi nai được coi là nghề ‘có ăn mà nhàn thân’ nên có thời gian mọi người đua nhau nuôi, khiến giá nhung nai ngày càng hạ, người nuôi vất vả mà khó tìm đường ra, nên phong trào ấy lụi dần”, ông Thế, cư dân Châu Sơn bảo.
![]() |
Thánh đường Châu Sơn - ảnh: Yên Lam |
Ði qua những vất vả trong cuộc mưu sinh, người tín hữu xứ này vẫn luôn nuôi dưỡng niềm tin mạnh mẽ. Là một xứ đạo toàn tòng nên không khó hiểu khi các bậc phụ huynh đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ đời sống đạo, không chỉ giữ cho mình mà còn truyền lại cho con, cháu đến mai sau.
Từ ngày đến cắm dùi trên đất mới, trong hoàn cảnh khó khăn nhiều bề, đoàn tín hữu đã cố gắng hết sức để giữ nếp sinh hoạt đạo đức như ngày còn ở quê. “Sự quảng đại cùng tinh thần cộng tác nhiệt thành của bà con giúp linh mục chúng tôi có thể tiến hành mọi việc trong xứ một cách thuận lợi”, cha Antôn Vũ Thanh Lịch, nguyên chánh xứ nhận định.
YÊN LAM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.