“TÌNH THƯƠNG BÁC ÁI PHẢI KHÔNG BIÊN GIỚI”

Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, nghĩa tử đầu tiên của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc nhớ mãi lời nhắn nhủ này khi nhắc về người thầy, người cha thiêng liêng của mình. Sau thánh lễ an táng, dù rất đau buồn nhưng cha Phaolô vẫn dành thời gian chia sẻ tâm tình với báo CGvDT.

CGvDT: Sự ra đi của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc để lại bao niềm tiếc thương, cách riêng với cha và những nghĩa tử của ngài…

- Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ: Từ sáng sớm 7.3, khi thức dậy để chuẩn bị cầu nguyện và bắt đầu một ngày mới trong học viện, tôi đã thấy trong điện thoại có những cuộc gọi nhỡ và nhiều tin nhắn do hai người cháu trong gia đình huyết tộc của ngài thông báo: “Cha ơi! Cha còn thức hay không? Ông cậu đã mất bên Rome rồi”. Tôi bàng hoàng kinh hãi, tâm trí thẫn thờ như đang trong một cơn mơ không tưởng, không muốn tin vào sự thật. Tôi nghẹn lòng và nghẹn lời, bấm số gọi lại ngay cho các cháu của ngài, và chỉ nghe trả lời bằng những tiếng khóc nức nở. Tôi câm lặng, rồi bật khóc.

Thưa cha, có lẽ nhiều vị có may mắn được làm con thiêng liêng của Đức cố Tổng?

- Ngài đã nhận nhiều người con ở những hoàn cảnh sống khác nhau, trong nước cũng như hải ngoại, gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Thật ra, từ năm 1971, khi Đức Tổng Phaolô được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, tôi biết có một người anh là Nguyễn Văn Tôn học lớp trên tôi được ngài nhận làm nghĩa tử đầu tiên. Thế nhưng sau này anh ấy đã chọn lựa đời sống gia đình, nên tôi từ người thứ hai được lên hàng đầu trong số các anh em tiếp theo được thụ phong linh mục. Tuy vậy, Đức cha vẫn luôn yêu thương anh Tôn và cả gia đình anh ấy, tình nghĩa và ấm áp lắm. Gần đây nhất, tôi nghe tin cha Giuse Bùi Công Trác, Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, cũng được ngài nhận làm con thiêng liêng, chắc hẳn là nghĩa tử sau cùng trong cuộc đời tại thế của ngài. Tôi chỉ cầu mong và hy vọng có cơ duyên được đoàn tụ với tất cả anh chị em là con cái thiêng liêng của Đức Tổng để cầu nguyện và dâng lễ tưởng nhớ ngài, để ngài vẫn luôn là điểm gặp gỡ cho hành trình niềm tin và sự hiệp nhất với nhau.

Cha Hỷ (X) bên di ảnh Đức cố Tổng

Cha có thể chia sẻ về những kỷ niệm khó quên với ngài?

- Kỷ niệm với ngài? Nhiều lắm! Xin được chia sẻ một chuyện thôi. Thời ấy, tất cả các lớp trong Đại Chủng viện Minh Hòa phải đi bộ hoặc đạp xe ra các vườn rau, đào đất canh tác, lao động, và chăn nuôi một đàn bò. Thường ngày thì cha Phaolô (sau này là Đức Tổng) là Giám đốc cùng đi chung với chúng tôi, nhưng hôm đó chắc bận việc nên ngài lại ở nhà. Có một người hành khất thất thểu đến xin chút gạo và chút tiền về quê. Dầu rằng hoàn cảnh sống lúc đó thật vất vả, khó khăn, cơm chưa chắc đã đủ ăn, và nhiều khi phải nấu thành cháo, cũng như độn thêm khoai lang, khoai mì hay các loại bắp luộc, thế mà ngài vẫn mở rộng lòng xót thương, đi lấy gạo và tiền để cho người ấy. Ngày hôm sau, nghe ngài kể lại, nhiều anh em nói: “Cha Giám đốc ơi! Người hành khất này chẳng đi đâu cả, chúng con thấy anh ta cứ quanh quẩn ăn xin trong khu phố này thôi. Một vài ngày lại thấy bóng dáng xuất hiện gần Đại Chủng viện. Cha đã bị lừa rồi”. Ngài chỉ cười hề hà như muốn cho qua mọi chuyện. Nhưng có một ngày ngài nhớ lại và bảo tôi rằng: “Con thấy không, tình thương bác ái phải không biên giới, không phân biệt thế này thế kia mới là tình thương bác ái đúng nghĩa, đúng với cung bậc tự do chứ. Đã thương thì đừng tính toán, và đã tính toán thì đừng có thương”. Tôi ngẫm nghĩ mãi mới hiểu được ngài muốn nói gì. Và sau đó, ngài lại bảo thêm: “Trong đời sống, làm sao phân biệt hết được ai là người giàu có hay nghèo khổ đây, vì chẳng ai mà lại không có lúc cơ cực khó khăn hay sung túc dư đầy, lành mạnh hay bệnh hoạn tật nguyền. Người ta có lẽ cũng phải khổ đau lắm mới làm như thế, dù là xin tiền, xin gạo thật lòng hay giả tạo lừa dối. Cái nghèo quả thực có nhiều nghĩa lắm”. Tôi nhớ mãi bài học này.

Cha có thể chia sẻ thêm về sự uyên bác cũng như đường hướng mục vụ của vị chủ chăn của TGP.TPHCM, thưa cha?

- Ngài say mê nghiên cứu triết học và thần học. Tuy luận án tiến sĩ còn dang dở, nhưng Chúa đã ban cho ngài năng khiếu ngoại ngữ. Bởi vậy, ngài có thể đọc sách nhiều, nhờ đó mà có kiến thức phong phú, và những suy tư sâu rộng trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng ngài còn có khả năng giảng dạy sinh động, hùng hồn, diễn giải mạch lạc, dí dỏm mà vẫn xác tín, lập luận ngắn gọn mà có sức thuyết phục người nghe.

Còn về đường hướng mục vụ trong tư cách của một vị chủ chăn, tôi chợt nghĩ ngay tới tinh thần “đối thoại cứu độ”“cởi mở cầu tiến trong niềm vui” để niềm vui cứu độ con người, cùng với lòng nhiệt thành thao thức muốn cho Tin Mừng được rao giảng và luôn ý thức trách nhiệm về tất cả những gì mình phải làm và có thể làm được vì phần rỗi của Dân Chúa. Hễ gặp bất cứ chuyện khó khăn nào, thì âm hưởng và dấu ấn sâu đậm của ngài để lại vẫn luôn là sự đồng hành trong “vui mừng và hy vọng”, yêu thương hòa nhã, không hề phân biệt bất kỳ ai, vì luôn nghĩ tốt cho con người, diễn tả qua thái độ sống chân tình, tận tụy phục vụ trong sự trung thành với Giáo hội.

Qua cách cư xử và quan niệm sống của ngài, cha học được gì từ người cha tinh thần của mình?

- Trước hết, nếu nói như Thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), thì có thể nói, đối với Đức cố Tổng, “sống là Thiên Chúa Ba Ngôi”. Chính ngài đã chọn bức danh họa Ba Ngôi của A. Roubliov làm huy hiệu Giám mục và diễn giải rằng: “Đây là một sứ điệp bình an và hiệp nhất, như Tin Mừng về một Tình Yêu tuyệt đối”. Với niềm xác tín đó của ngài, tôi thấy điều cần thiết và tốt nhất cho tôi bây giờ là học hỏi và sống bình an, hiệp nhất trong tình yêu thương với mọi người. Vì chẳng phải bình an, hiệp nhất chính là con đường của một tình yêu tuyệt đối mà tôi phải lên đường ngay kẻo muộn màng đó sao?

Kế đến, Đức cha Phaolô thường suy luận về Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót, và Chúa Con là dung mạo đích thực của lòng xót thương, trong tình yêu muôn thuở sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Tôi cầu nguyện cho mình học sao mà có được một tấm lòng bao dung như ngài, luôn chân thành cởi mở, hồn nhiên đón nhận.

Và rồi, tôi nhớ đến bài học thần học và linh đạo mà Đức cố Tổng giảng dạy cho anh em lớp tôi ngay ngày đầu mới bước vào Đại Chủng viện: “Nói về Chúa là gì? Và làm thế nào để nói về Chúa cho xứng đáng và đúng đắn đây?”. Chúng tôi chỉ biết ngập ngừng. Nhưng ngài càng nhấn mạnh: “Các con hiểu không, nói về Chúa chính là nói với Chúa. Vì nếu không biết nói với Chúa, thì làm sao biết có Chúa mà nói về Chúa được”. Cho đến hôm nay, tôi càng khao khát việc đọc kinh cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, để có thể đàm đạo, kề cận, gặp gỡ Chúa trong từng lời kinh, thực hành lời Chúa, thánh ý Chúa, để có thể rao giảng Chúa cho mọi người đang khát mong gặp Người.

Cuối cùng, như Đức cha đã chọn và đã sống trọn vẹn câu “Chúa là nguồn vui của con”, thì chẳng phải Chúa là cội nguồn phát sinh và hàm chứa mọi niềm vui ở đời này và đời sau của chúng ta đó sao? Làm sao sống vui để niềm vui định hướng cho cuộc sống vắn vỏi, vui với Chúa, vui với mọi người, dệt thành Tin Mừng tình yêu toát lên từ những thao thức khổ đau trong đời. Mẫu gương đức tin sâu xa của Đức cha Phaolô: “Tôi biết, tôi đã tin vào ai” đang dần khả tín đối với tôi, cho tôi sức mạnh và lòng can đảm đón nhận một ngày nào đó phải ra đi, bỏ lại cuộc sống một cách thanh thản nhẹ nhàng. Cái chết rất đẹp, họa hiếm và lành thánh của ngài lúc nào, và đâu đó đều nhắc nhở tôi về quê hương đích thực, để chỉ hy vọng vào một mình Chúa thôi, và chấp nhận con đường tôi phải đi để trở về với Chúa. Càng suy nghĩ thế, tôi lại càng cảm nhận trong lòng “đức tin của con sẽ cứu con”, để có thể phó thác tất cả vào lòng thương xót của Chúa.

Xin cảm ơn cha!

NHƯỢC NAM (thực hiện)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Tại kỳ họp lần 1/2024, HĐGMVN đã thảo luận và thống nhất quy định về thủ tục hôn phối dành cho các cặp đôi tại các giáo phận trên toàn quốc.
Những món quà dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan
Những món quà dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan
Các tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Quiapo (Philippines) đã gặp gỡ và tặng quà các tín hữu Hồi giáo tại Đền thờ Hồi giáo Vàng Manila vào dịp lễ Eid’l Fitr, ngày kết thúc tháng Ramadan.
Kinh Phục vụ
Kinh Phục vụ
Vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hành hương ở Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu.
Giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định tổ chức hiến máu nhân đạo
Giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định tổ chức hiến máu nhân đạo
Ngày 14.4.2024, tại giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định, Hội Chữ Thập Đỏ và Ban chỉ đạo Hiến máu Nhân đạo phường 12, quận 3 đã tổ chức ngày hiến máu nhân đạo.
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Trong các ngày 14-18.4.2024, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long đã diễn ra kỳ họp thường niên HÐGMVN lần 1/2024.
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Những xe bồn chở nước ngọt, dù về đến sân nhà thờ khi trời đã tối sầm hay giữa trưa nắng oi ả, vẫn luôn có bóng dáng cha chánh xứ Giacôbê Nguyễn Minh Phụng tất bật “nhận hàng”.