Sâu trong lòng xứ đạo Bắc Hòa, giáo phận Xuân Lộc, có một tổ ấm của những người mẹ với đàn con nhỏ chẳng phải máu mủ ruột rà.
Biết đến nơi này từ mấy tháng trước, nhưng chúng tôi chẳng thể ghé lại vì giãn cách xã hội khi dịch Covid 19 diễn tiến phức tạp khắp nơi. Khi mọi hoạt động được trở lại như thường, chúng tôi đến thăm sau gần hai tiếng đồng hồ chạy xe từ Sài Gòn và được các trẻ nhỏ chào đón bằng những nụ cười.
![]() |
Các bạn nhỏ rất quý mến khách đến thăm |
Khoảng 20 trẻ sống trong tổ ấm được gầy dựng từ đôi tay của 7 phụ nữ giáo dân sống độc thân để dâng hiến trọn đời cho việc phục vụ tha nhân. Các chị đến đây để sống cùng, chăm sóc, nâng đỡ những con người bé nhỏ. Mỗi ngày của những phụ nữ thiện tâm này bắt đầu bằng thánh lễ, những lời nguyện cầu cho một ngày tất bật với đủ thứ việc. Chuẩn bị đồ ăn, canh giờ cho em này uống thuốc, giúp em khác làm vệ sinh, đưa các bé đến trường… Guồng quay đều đặn cứ thế xoay vần, mang theo mệt nhọc, bận bịu và có cả niềm vui. Dì Anna Phan Thị Thủy, trưởng cộng đoàn này vui kể: “Trong nhà chẳng lúc nào yên tĩnh cả. Ðám trẻ cứ líu ríu suốt ngày. Bạn này kể chuyện, bạn kia cáo tội… Chị em chúng tôi tha hồ làm trọng tài. Vất vả cũng có, nhưng vui thì nhiều hơn”.
Các em ở đây đa phần đều không có tổ ấm. Em nhỏ nhất mới 2 tuổi, lớn nhất đang theo học lớp 12. Có bé được cha mẹ gởi đến nhờ nuôi vì hoàn cảnh quá khó khăn. Như trường hợp bé Mỹ Ngọc được ba đem đến gởi gắm các dì cách đây vài tháng. Cuộc sống quá túng quẫn buộc người cha có vóc người nhỏ nhắn, đen nhẻm, phải sống xa đứa con gái duy nhất của mình. Nhờ các dì chăm sóc con, anh có thể yên tâm làm việc kiếm sống. Mỗi khi rảnh anh lại đến thăm con, ôm con vào lòng để có thêm động lực bước tiếp.
![]() |
Niềm vui trên những khuôn mặt nhỏ khi được nhận quà từ những người thương yêu |
Các dì vừa là cha vừa là mẹ, vừa phải lo bữa ăn, áo mặc, vừa tìm cách đưa em đến trường. Sinh kế duy nhất của cả nhà là nhà trẻ mầm non thì mấy tháng qua lại không thể hoạt động vì dịch bệnh. Ðể tiết kiệm chi phí sinh hoạt, các dì đi đốn củi đem về làm nhiên liệu nấu nướng, kiểm soát chi tiêu sát sao hầu lo cho đàn con được đủ đầy. Các con thì cố gắng phụ giúp công việc nhà cửa để những người mẹ bớt gánh nặng nề. Khó khăn nhiều lắm nhưng bầu khí gia đình luôn ấm áp tình yêu thương. “Lo nhất là những khi có em nào ngã bệnh. Như hồi đầu năm, có bé bị Lupus ban đỏ phải nằm viện suốt mấy tuần lễ. Chị em chúng tôi chia nhau túc trực. Nhìn con đau đớn, gầy rộc mà xót lòng. Chúng tôi chỉ sợ con không qua khỏi. May mà Chúa thương gìn giữ và tình hình tiến triển tốt”, dì Thủy tâm sự.
![]() |
Những người nắm lấy đôi tay để dẫn các em đi đến tương lai |
Biết đến công việc các dì đang thực hiện và thương cảm cho hoàn cảnh của các em, nhiều giáo dân trong xứ thường lui tới hỗ trợ cả nhà. Giới trẻ giúp chút kinh phí học hành, hiền mẫu giúp quần áo, miếng ăn… Xách theo 5 lít nước rửa chén, bà Sáu, một cư dân gần đó đem qua cho các dì xài. “Mấy ai dám làm công việc mà các dì đang làm. Mình nuôi con mình còn khó nói chi nuôi trẻ mồ côi. Tôi không làm được gì nhiều, chỉ có thể giúp các dì chút ít trong công việc bác ái này. Mọi sự phó thác cho Chúa”, bà bảo. Trong nhà có chiếc xe ba gác là phương tiện đưa đón các bé đến trường, nhưng con đường đất đỏ từ nhà lại lầy lội, nhiều ổ voi, ổ gà làm các dì không thể lái được xe. Ðang lo lắng tìm cách thì có một người hảo tâm nhận làm “tài xế” miễn phí cho các bạn nhỏ. Mỗi người một tay, họ đồng hành và nâng đỡ tổ ấm này suốt 8 năm qua.
Cứ thế, ngày qua ngày, những người mẹ chứng kiến những đứa con mình ngày một lớn khôn. Với họ, việc chăm cho các em được ăn no, mặc ấm, học hành đủ đầy chỉ là bước cơ bản. Ðiều mong muốn lớn nhất của họ là những trẻ này trưởng thành trong sự khôn ngoan, hiểu biết để trở nên những con người tốt và hữu ích trong tương lai.
KHUÊ TÚ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.