Một buổi tọa đàm với chủ đề “Linh mục Gioakim Ðặng Ðức Tuấn, danh nhân Công giáo ái quốc Việt Nam” đã diễn ra vào sáng 23.9 tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn. Ðông đảo các linh mục, tu sĩ nam nữ, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo… đã hiện diện và cùng chia sẻ nhiều thông tin, khảo cứu về chân dung linh mục Gioakim Ðặng Ðức Tuấn.
![]() |
Cuộc tọa đàm về linh mục Đặng Đức Tuấn trở thành hoạt động chính trong ngày truyền thống Văn thơ Công giáo tại giáo phận Qui Nhơn lần thứ 12. Hiện diện trong chương trình, Đức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, đã mở đầu bằng chia sẻ: “Tủ sách Nước Mặn của giáo phận nhận được những tác phẩm, tài liệu về cha Đặng Đức Tuấn do một số người phát hiện và gởi về. Vì vậy, Tủ sách Nước Mặn quyết định in lại tác phẩm của giáo sư Lam Giang và linh mục Võ Ngọc Nhã. Đồng thời, với tài liệu mới nhận được cùng các bài viết liên quan đến cha Đặng Đức Tuấn, chúng tôi tổ chức một buổi tọa đàm hầu làm phong phú thêm kho tàng văn học mà cha Đặng Đức Tuấn để lại… Năm 2024, nhân dịp giỗ 150 năm của cha Đặng Đức Tuấn, các con cháu tinh thần của cha sẽ có một cuộc hội thảo nhìn lại cuộc đời và đóng góp của ngài…”.
Ông Đặng Xuân Cảnh cùng một số thành viên gia tộc họ Đặng tại tỉnh Bình Định đã tham dự tọa đàm. Theo vị đại diện họ Đặng, với riêng ông cũng như những thành viên gia tộc, xem cha Đặng Đức Tuấn là niềm vinh dự của họ mình. “Sống trên cõi đời 68 năm, trong một thời kỳ lịch sử nhiều biến động, cha Đặng Đức Tuấn đã thể hiện một nhân cách đặc biệt. Ngài quả thực là một nhân vật lịch sử cần được tìm hiểu và tôn vinh”, ông Cảnh bày tỏ.
![]() |
Trong tọa đàm có hai đề tài tham luận được trình bày và nhận được nhiều câu hỏi quan tâm, phân tích và phản biện, để làm sáng rõ con người và tư tưởng linh mục Đặng Đức Tuấn. Đề tài thứ nhất do PGS TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXHNV TPHCM) trình bày với chủ đề “Đặng Đức Tuấn trong phong trào canh tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX”. Bài tham luận xoáy mạnh hai luận điểm về tư tưởng canh tân và tư tưởng kính Chúa yêu nước của linh mục Đặng Đức Tuấn trong phong trào canh tân nửa cuối thế kỷ XIX và qua 6 bản điều trần, cùng các tác phẩm của ngài.
Với đề tài “Đặng Đức Tuấn, hành trạng và tác phẩm”, TS Võ Minh Hải (ĐH Qui Nhơn) đã tập trung giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và hệ thống tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu của linh mục Đặng Đức Tuấn. Tham luận chứng minh linh mục Đặng Đức Tuấn là một trí thức Công giáo thế kỷ XIX có ảnh hưởng đến lịch sử vận động văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ và Bình Định. Theo TS Võ Minh Hải, cha Đặng Đức Tuấn là người hoàn thiện văn học Hán Nôm Công giáo Bình Định trước thế kỷ XX. Tham luận này còn có các nghiên cứu về xuất thân, dấn thân cũng như các tác phẩm và tư tưởng. Kết lại tham luận, TS Võ Minh Hải chia sẻ: “Từ tư tưởng và tác phẩm của ông, chúng ta có thể nhận thấy văn học Hán Nôm Công giáo đã vận động trong một xu thế vừa hướng tâm vừa ly tâm. Nó vừa gắn kết tư tưởng Kitô trong môi trường Nho giáo vừa thúc đẩy sự phát triển của một nền tảng văn hóa Việt Nam thông qua sự tiếp cận văn minh Tây phương. Với những lý do đó, tác gia Hán Nôm Đặng Đức Tuấn xứng đáng có được một vị trí quan trọng của văn học cổ điển Việt Nam, khu vực Nam Trung bộ và lịch sử văn học Bình Định”.
![]() |
Tọa đàm sôi nổi với nhiều ý kiến góp ý, bổ sung, tranh luận để làm sáng rõ hơn về xuất thân, con người, đóng góp như một tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam. Trong bầu khí học thuật đầy tinh thần xây dựng, các nhà khoa học xã hội uy tín như dịch giả Cao Tự Thanh, PGS TS Nguyễn Hữu Sơn, TS Nguyễn Thanh Sơn, nhà văn Bùi Công Thuấn, linh mục Giuse Trương Đình Hiền… đều có phát biểu, trình bày quan điểm, cách nhìn riêng về linh mục Đặng Đức Tuấn cũng như ý nghĩa buổi tọa đàm.
Chuẩn bị cho tọa đàm, Ban Văn hóa giáo phận trước đó đã thu thập, chọn lựa và phân loại các bài viết, bài nghiên cứu về linh mục Đặng Đức Tuấn thành 5 nhóm nội dung: Con người và xứ sở; Tinh hoa Công giáo ái quốc; Tác phẩm; Tư tưởng; Sự lan tỏa và tiếp nhận. Đáng kể có các bài nghiên cứu của cha Gioan Võ Đình Đệ về xứ sở, nơi sinh ra linh mục Đặng Đức Tuấn và nơi ngài đang an nghỉ. Phần nhiều các bài viết bàn về các tác phẩm của cha, hoặc mong ước lòng kiên trung yêu đạo, yêu nước của cha Đặng Đức Tuấn qua tọa đàm sẽ có thể lan tỏa sự quan tâm của nhiều giới. Ghi nhận những công trình của cha Đặng Đức Tuấn để lại trước đây, giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức giải văn thơ mang tên Đặng Đức Tuấn. Qua đây, giáo phận cũng bày tỏ ý hướng muốn có thêm nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và lan tỏa chân dung linh mục Đặng Đức Tuấn. Qua buổi tọa đàm, cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh - phụ trách Tủ sách Nước Mặn giáo phận cũng mong muốn sẽ nhận thêm được nhiều bài viết về linh mục Đặng Đức Tuấn trong thời gian tới đây, để hoàn thiện các sách và tài liệu liên quan.
![]() |
Các ấn phẩm của Tủ sách Nước Mặn được trưng bày tại hội thảo |
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.