Lúc 12 giờ (giờ Rome, tức 17g, giờ VN), ngày 21.9.2023, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Chánh tòa giáo phận Đà Nẵng làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Huế. Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân cũng được Toà Thánh đặt làm Giám quản Tông toà Giáo phận Đà Nẵng.
![]() |
Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân năm nay 66 tuổi, ngài từng làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng (2007 - 2016) và coi sóc giáo phận Đà Nẵng từ năm 2016 đến nay.
Tổng Giáo phận Huế hiện do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh phụ trách. Theo thống kê, TGP Huế có diện tích 9.773 km² (tương ứng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), với khoảng 63.000 giáo dân.
![]() |
![]() |
TIỂU SỬ ĐỨC TÂN TỔNG GIÁM MỤC PHÓ GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN
Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân sinh ngày 16 tháng 6 năm 1957 tại Hà Nội.
Từ năm 1981 đến 1987, theo học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.
Ngày 8 tháng 12 năm 1987 được thụ phong linh mục, sau đó không lâu, ngài được bài sai làm chánh xứ Thượng Thụy và Cổ Nhuế (1988-1993).
Từ năm 1994 đến năm 1999, ngài du học tại Ðại học Giáo hoàng Urbaniano ở Rome và nhận học vị tiến sĩ Giáo luật.
Năm 1999, linh mục Giuse Ðặng Ðức Ngân trở về Việt Nam, làm Giáo sư Ðại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Thư ký Tòa Giám mục Hà Nội (1999-2002), Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam - giáo tỉnh Hà Nội (từ năm 2000-2007), Ðại diện Giám mục (2001-2003).
Từ 2004-2007, ngài làm chánh xứ Chánh tòa Hà Nội kiêm Tổng Ðại diện Tổng Giáo phận.
Ngày 12 tháng 10 năm 2007, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng.
Thánh lễ tấn phong Giám mục được cử hành ngày 3 tháng 12 năm 2007 bởi vị chủ phong là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Hai vị phụ phong là Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên và Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên. Ngài chọn khẩu hiệu giám mục: “Ad Gentes - Đến với muôn dân”
Ngày 12 tháng 3 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân về làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Đà Nẵng.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch Uỷ ban Văn hóa, nhiệm kỳ 2022 - 2025.
ĐÔI NÉT TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
Tổng Giáo phận Huế có diện tích 9.773 km². Theo Cẩm nang Năm Thánh Tổng Giáo phận năm 2020, giáo phận có 63.070 giáo dân, 182 linh mục và 85 giáo xứ.
Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đoàn đức tin TGP Huế trải qua nhiều giai đoạn.
1. Huế thuộc Giáo phận Đàng Trong (1659-1844)
Đức Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) ban Sắc chỉ Apostolatus Officium, ký ngày 29.7.1658 bổ nhiệm linh mục François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis và linh mục Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Berythe, đều là Giám mục “trong phần đất dân ngoại” ở Việt Nam - Đại Việt. Hơn một năm sau, ngày 09.09.1659, Đức Giáo hoàng Alexandre VII lại công bố Sắc chỉ Super Cathedram phân chia “phần đất dân ngoại” ở Việt Nam - Đại Việt rõ ràng: Đức Giám mục Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài và Đức Giám mục Lambert coi sóc giáo phận Đàng Trong.
2. Huế thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong (1844-1850)
Đức cha Taberd, vị Giám mục chính thứ 10 Giáo phận Đàng Trong qua đời năm 1840 và Đức cha phó Cuénot kế nhiệm triệu tập Hội nghị Gò Thị tháng 10.1841 chuẩn bị cho việc xin Toà Thánh chia tách và thành lập 2 giáo phận mới. Đến tháng 9.1844, Toà Thánh đã quyết định thành lập hai giáo phận mới: Giáo phận Tây Đàng Trong và Giáo phận Đông Đàng Trong.
3. Giáo phận Bắc Đàng Trong (1850)
Năm 1850, Tòa Thánh lại chia Đàng Trong thành bốn địa phận: Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) vẫn do Đức cha Cuénot coi sóc; Tây Đàng Trong (Sài Gòn) do Đức cha Lefèbvre đảm trách; Nam Đàng Trong (Nam Vang) do Đức cha Michel điều hành; Bắc Đàng Trong (Huế) do Đức cha Pellerin cai quản.
Ngày 28-8-1850, Đức Piô IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici, Đức Hồng y A. Picchiani thừa lệnh ký tên, đóng dấu ấn Ngư phủ, chấp thuận thành lập giáo phận mới có danh xưng là Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế) với diện tích khoảng 12.227 km2. Ranh giới phía Ðông là biển Ðông. Phía Tây là biên giới Việt-Lào. Phía Bắc là dòng sông Gianh - Nguồn Son, có huyện địa đầu Bố Trạch. Phía Nam từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan của đèo Hải Vân trở ra, thuộc huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nhân sự gồm có 2 thừa sai Pháp Jean Paul Galy và Joseph Sohier, 12 linh mục người Việt, 2 chủng viện Di Loan và Kẻ Sen, 6 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý, Di Loan, Dương Sơn, Phủ Cam, Kẻ Bàng, Mỹ Hương, 24.000 giáo dân. Tháng 12.1856, Đức cha Pellerin rời Huế vào Đà Nẵng và lên tàu La Capricieuse của Hải quân Pháp đi Hương Cảng rồi đi Pháp. Tháng 11.1860 Đức cha đi Penang. Đức cha giao phó công việc điều hành Giáo phận trong tay Đức cha Phó Sohier (tấn phong giám mục 17.08.1851 tại Di Loan).
Năm 1924: Giáo phận có 44 thừa sai, 83 linh mục, 35 sư huynh, 500 nữ tu, 68.000 giáo dân.
Năm 1925: Ðức Giáo Hoàng Piô XI lập Tòa Khâm Sứ Ðông Dương. Vị khâm sứ đầu tiên là Giám Mục Constantino Ajuti, người Ý, được bổ nhiệm ngày 25.5.1925. Quan Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài đã đề nghị và giúp đỡ xây cất Tòa Khâm Sứ tại Huế, cạnh nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam và khánh thành năm 1925. Năm 1951, Tòa Khâm Sứ được dời ra Hà Nội. Hiện nay, tòa nhà ở Huế là trụ sở của cộng đoàn Mến Thánh Giá Huế.
Năm 1941, Công đồng Đông Dương đã họp tại Toà khâm mạng Phủ Cam, Giáo phận Huế lớn mạnh với số giáo dân 74.904 người, 25 thừa sai Paris, 102 linh mục người Việt Nam.
Năm 1950, Giáo phận mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận, số giáo dân là 78.500.
Ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ra Tông Thư “Venerabilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
4. Tổng Giáo phận Huế (1960)
Ngày 8.12.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban Sắc lệnh nâng Giáo phận Huế lên Tổng Giáo phận và đặt Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục làm Tổng Giám mục. Năm 1962, Tổng Giáo phận Huế có 162 linh mục (112 lm triều, 50 lm dòng) và 100.225 tín hữu. Số giáo xứ có linh mục là 85 và giáo họ không có linh mục là 264.
Từ đó đến nay, Tổng Giáo phận Huế đã được coi sóc bởi các vị chủ chăn kế nhiệm: Tổng Giám mục Philipphe Nguyễn Kim Điền; Giuse Maria Trịnh Văn Căn (Giám quản Tông tòa); Stêphanô Nguyễn Như Thể; P.X Lê Văn Hồng; Giuse Nguyễn Chí Linh.
Hùng Luân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.