Con virus Corona thể mới đã toang ra nhiều vấn đề của đời sống thường ngày của con người cũng như đời sống đức tin của người tín hữu.
I. “TOANG” LÀ GÌ ?
Bên cạnh những từ lóng như “thả thính” (thả thính dính đầy sân), GATO (ghen ăn tức ở), AHBP (anh hùng bàn phím), Yolo (You only live once - bạn chỉ sống có một lần) v.v. là những từ lóng được giới trẻ sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, từ “toang” là một trong 26 từ lóng Hot nhất được sử dụng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19[1].
Toang thường được hiểu là các đồ vật bị vỡ phát ra tiếng động toang, nhưng toang cũng ám chỉ sự đổ vỡ, sự hủy bỏ một kế hoạch nào đó hay kết thúc của một quá trình nào đó.
II. TOANG TRONG ÐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, mối giao tiếp xã hội, đời tư, và tài sản của các bệnh nhân dù mang bí số vẫn bị toang ra trước bàn dân thiên hạ khiến ai cũng phải ngỡ ngàng.
Con Virus Corona toang ra cho thấy nền kinh tế của nhiều quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ vật liệu, linh kiện, máy móc, đến thành phẩm. Trung Quốc được coi là quốc gia cung cấp nguyên vật liệu sản xuất cho thế giới, ngay cả với những mặt hàng thiết yếu như các hóa chất để sản xuất dược phẩm. Cụ thể, Trung Quốc đang cung cấp 50% khẩu trang tiêu chuẩn cho thế giới. Ấn Ðộ đang phụ thuộc đến khoảng 90% các hoạt chất dược liệu từ Trung Quốc để sản xuất. Và mặc nhiên Trung Quốc còn được mệnh danh là một “công xưởng của thế giới” nhờ lực lượng nhân công rẻ, dồi dào, có tay nghề, nhiều quy định về môi trường, an toàn không quá cao, các lĩnh vực hậu cần đáp ứng tốt. Khi nền kinh tế Trung Quốc bị ngưng trệ thì kéo theo nền kinh tế của các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, sàn giao dịch chứng khoán lao dốc thảm bại không có gì khó hiểu.
Các cửa hàng bị đóng cửa, các chuyến bay bị hủy, các thành phố nhộn nhịp bỗng nhiên trở nên “thành phố ma”. Thành phố New York của Hoa Kỳ được mệnh danh là “Thành phố không biết ngủ” bây giờ buộc phải uống thuốc để ngủ, các con đường của những thành phố lớn từ Madrid đến Paris tấp nập nay đã bị phong tỏa. Các sự kiện thể thao Euro 2020 bị hoãn lại sang năm 2021, biên giới các quốc gia đóng cửa và cấm nhập cảnh.
Con Virus Corona toang ra cho thấy Italia, một đất nước có nền y tế phát triển nhưng không thể chống lại dịch bệnh và khiến Italia có tỷ lệ người chết vì Virus Corona cao nhất thế giới, dù ở bên ngoài vùng tâm dịch là Vũ Hán.
III. TOANG TRONG ÐỜI SỐNG ÐỨC TIN CỦA NGƯỜI TÍN HỮU
Con Virus Corona khiến con người toang ra và nhận biết rằng mình không toàn năng, cuộc sống của con người quá bấp bênh, và mối tương quan của con người cũng bị xâu xé.
1. CON NGƯỜI KHÔNG TOÀN NĂNG NHƯ VẪN TƯỞNG
Con người từ xưa đến nay vẫn tự hào cho mình là thông minh, mạnh mẽ, và làm chủ thế giới này. Con người tự cho mình có sức mạnh, có thể khống chế thiên nhiên, có thể “vắt đất thay trời làm mưa”… Thật đáng ngạc nhiên, thủ phạm bị chỉ mặt đặt tên là vài con virus vô cùng nhỏ bé có kích thước vài micron cũng đủ làm cho loài người khiếp sợ.
Dịch bệnh không phải mới xảy ra lần đầu. Kinh Thánh cho biết rằng khi vua Ðavít cướp quyền Thiên Chúa để kiểm tra dân số trên toàn đất Israel thì một trận dịch xảy ra trong vòng ba ngày đã cướp đi sinh mạng của hơn 70 ngàn người từ Dan tới Bersabê (2 Sm 24,2.9-17).
Vào năm 590, ở Roma, con người cũng từng đối mặt với dịch bệnh, hay ở Milan vào năm 1578 và năm 1630, người dân cũng phải đối diện với đại dịch kinh hoàng.
Có những thiên tai xảy ra trong chốc lát quá đủ phá hủy hết những công trình mà loài người tốn hàng chục hoặc hàng trăm năm mới dựng nên. Có những trận cháy rừng như ở Úc châu năm 2019 mà con người không có cách nào chặn đứng được, chỉ mong “Lạy Trời mưa xuống”. Có những trận động đất hay sóng thần mà cơ quan dự báo thuộc hàng top thế giới của Nhật Bản cũng đành thúc thủ vì thời gian xảy ra chỉ được tính bằng giây.
Hóa ra, con người có thể lên cung trăng, có thể lặn sâu xuống biển, có thể khám phá nhiều bí ẩn của vũ trụ thiên nhiên, nhưng vẫn không phải là toàn năng, mà chỉ có Thiên Chúa mới là toàn năng và là Ðấng Toàn Năng. Thiên Chúa chỉ cần đánh trúng vào gót chân của chiến binh Achilles thì con người không gượng dậy được và thất bại. Ðó là yếu điểm của loài người.
2. SỰ BẤP BÊNH CỦA ÐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, nhân loại đã và đang sống trong sự bấp bênh hầu như liên tục và ở mọi lãnh vực: Khủng bố vào nước Mỹ năm 2001 và các mối đe dọa an ninh khác, vụ bê bối trong Giáo hội và khủng hoảng niềm tin (2002), suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh (2007), sự bộc phát của một số bệnh dịch từ năm 2002 tới nay như SARS (2002), dịch cúm gia cầm (2006), dịch cúm heo châu Phi (2009), MERS (2012), Ebola (từ 2013 tới nay), v.v.
Theo giáo lý Nhà Phật, thế giới tuần hoàn theo bốn chu kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không. Trong đó, loài hữu tình xuất hiện trong một thời kỳ nhất định ở kiếp Trụ, đến thời kỳ cuối cùng của kiếp Hoại thì thế giới hoàn toàn bị phá hủy. Trong kiếp Trụ và kiếp Hoại lần lượt xảy ra ba tai ách, gọi là Tam Tai : Ðao binh tai (dùng các thứ vũ khí giết hại lẫn nhau), Tật dịch tai (các loại bệnh dịch hoành hành) và Cơ cẩn tai (nạn hạn hán mất mùa đói kém)[2].
Dịch bệnh Virus Corona thể mới hiện nay chính là Tai ương thứ hai. Kinh nghiệm của nhân loại cho thấy rằng một khi “nhân” đã hội đủ, đã chín mùi thì “quả” sẽ xảy ra mà không ai, cũng chẳng có một thế lực nào có thể ngăn cản hay hóa giải được. Tam tai kiếp nạn có liên hệ chặt chẽ với nhau, cái này xảy ra thì dẫn đến cái kia. Dường như từ xưa đến nay, nhân loại vẫn không thoát khỏi nạn binh đao chém giết, ôn dịch và đói kém. Ðiều gì đang thật sự xảy ra để loài người phải xét mình lại ? Còn Thiên Chúa cũng từng hỏi dân Ngài :
“Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi?
Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng?
Hãy trả lời cho Ta” (Mica 6,3)
Chính vì sống trong sự bấp bênh như vậy nhắc nhớ rằng, dù chúng ta có chuẩn bị cho tương lai của cuộc đời mình và gia đình mình tốt bao nhiêu, thì vẫn phải chấp nhận lời thánh Giacôbê nói : “Bạn không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao” (Gc 4,14) và “Không có điều gì chắc chắn mà chỉ có một điều chắc chắn là không có gì chắc chắn”. Luôn luôn có những sự bất trắc và bấp bênh xảy ra ở một mức độ nào đó không như chúng ta mong muốn. Con virus nhỏ bé nhưng đã phá hỏng mọi tính toán và sự ổn định của thế giới. Mọi thứ đều qua đi, đều tan biến, chỉ một mình Thiên Chúa tồn tại cho đến mãi muôn đời.
Hơn nữa, con virus cũng “dạy con người khiêm tốn hơn, biết nhận ra rằng rốt cuộc con người chỉ là thụ tạo yếu đuối mong manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài; nhờ đó biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hương tới Thiên Chúa vĩnh cửu”.[3]
3. CON NGƯỜI PHẢI XÉT LẠI MỐI TƯƠNG QUAN VỚI NHAU
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì đồng thời cũng bùng phát những cuộc chiến chưa có trong sách vở : cuộc chiến giành khẩu trang. Người ta sẵn sàng ẩu đả để có được hộp khẩu trang, sẵn sàng buôn khẩu trang và nâng giá để trục lợi. Từ cuộc chiến giành “khẩu trang” rồi lại đến “khẩu chiến” trên mạng xã hội và đời thường. Cuộc chiến kỳ thị giữa người Á châu và Âu châu cũng diễn biến xấu đi vì con Virus Corona.
Ở những nơi công cộng như nhà thờ, phố chợ, ai lỡ ho hoặc hắt xì hơi không kịp che miệng thì bị dè bỉu “Corona” [4], “Cách ly chưa” v...v. Những câu nói đượm tình đạo đức như “Ðức Bà chữa con” hay “God bless you” phải chăng đã biến mất ?
Cuộc chiến tranh giành sự sống diễn ra thật ác liệt. Trong thời loạn lạc, bảo vệ được sự sống là điều quan trọng, ai cũng tranh giành “Tôi phải sống” thay vì “Anh phải sống”[5].
Vào giữa thế kỷ XIV, Cái Chết Ðen, tên một trận đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu, mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1346-1351, với số lượng người chết ở châu Âu và châu Á từ 75-200 triệu người. Ước tính đại dịch này đã giết 30% - 60% dân số của châu Âu, tương đương 25-50 triệu người.[6]
Nước Anh và khu vực phía Nam trung tâm thành phố London là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là phần phía Bắc của nước Anh lại may mắn tránh khỏi đại họa. Ðiều gì đã mang đến phép mầu này ?
Một thương gia, từ London trở về làng Eyam (miền Nam của thành phố London), mang theo “Cái Chết Ðen”. Dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan cho 344 người trong làng và ai nấy đều hoang mang lo sợ. Theo một phản ứng rất tự nhiên, người dân trong làng chạy về phía Bắc để trốn dịch bệnh. Khi mọi người trong làng kéo nhau đi thì cha xứ William Mompesson đã lên tiếng kêu gọi mọi người : “Không ai trong chúng ta biết rằng dân phía Bắc có nhiễm bệnh hay không. Nếu đã nhiễm bệnh, dù chạy trốn hay không đều phải chết. Nếu chúng ta thoát khỏi nơi đây, nhất định chúng ta sẽ làm nhiều người chết hơn nữa vì sự lây lan của bệnh dịch. Xin mọi người hãy ở lại, mang sự yêu thương và nhân lành của chúng ta truyền tới đời sau, để các thế hệ tương lai được ban phúc lành, nhân họa đắc phúc”.
Nghe lời cha William Mompesson, mọi người trong làng đều đồng ý ở lại. Họ cùng với cha xây một bức tường đá ở cổng ra vào phía Bắc để ngăn không cho ai vượt ra ngoài. Và những gì xảy ra bên trong ngôi làng Eyam thật khủng khiếp. Khi cơn dịch qua đi, ngôi làng 344 người chỉ còn lại 33 người sống sót, hầu hết là những đứa trẻ còn vị thành niên.
Cha William Mompesson cũng đã chết, tuy nhiên, quyết định của cha đã ngăn không cho dịch bệnh lây lan tới phía Bắc. Và 344 người chết đều để lại một lời nhắn gởi trên chỗ mình nằm. Sau đó, người ta chôn 344 người chết và trên mỗi ngôi mộ viết một hàng chữ trên đó. Bia mộ của cha William Mompesson : “Xin hãy mang sự yêu thương và nhân lành truyền tới đời sau”. Trên bia mộ của một bác sĩ viết cho người vợ đang xa cách : “Xin hãy tha thứ vì anh không thể cho em nhiều tình yêu hơn nữa, vì họ cần tới anh”. Một người tên Ryder viết cho con gái : “Con thân yêu, con đã chứng kiến sự vĩ đại của cha mẹ và dân làng”.
Ngày hôm nay, người dân của nhiều nơi có dịch bệnh đang liều mình trốn chạy, trong khi các vùng lân cận lại tìm cách ngăn chặn trong tuyệt vọng. Từng có chuyện người dân Vũ Hán vì để bảo toàn tính mạng của mình mà liều mình trốn chạy, những người dân ở các vùng lân cận cũng vì muốn bảo toàn tính mạng mà xua đuổi, chặn đường. Thật bi đát !
IV. ÐỂ KẾT
Còn hơn một tuần nữa, Giáo Hội mới chính thức bước vào tuần Thương khó để tưởng niệm mầu nhiệm Chúa Giêsu tử nạn và Phục Sinh, nhưng thật ra Mẹ Giáo Hội và các chi thể của Giáo Hội đã bước vào tuần Thương khó trước thời gian quy định, và chắc chắn tuần Thương khó của năm 2020 sẽ là tuần Thương khó dài nhất trong lịch sử Giáo Hội. Trong thời bách hại, Giáo Hội bị bắt buộc đóng cửa nhà thờ nhưng hiện tại Giáo Hội phải tự đóng cửa nhà thờ. Thật nghịch lý thay ! Thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu là Giáo Hội đang bị xâu xé bởi những hệ quả của sự dữ : căn bệnh dịch Virus Corona.
Xưa kia thánh Phêrô đã trốn khỏi thành Rôma để tránh sự bách hại, thì nay Mẹ Giáo Hội, qua hình ảnh của một ông cụ 86 tuổi - Ðức Giáo Hoàng Phanxicô - lặng lẽ bước vào thành Rôma, lầm lũi và thẫn thờ lê bước đi trên đại lộ Via del Corso, đến cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ có tên là Maria Salus Populi Romani, để xin Mẹ cứu toàn thế giới; và đến cầu nguyện tại nhà thờ San Marcello, nơi có cây Thánh giá nổi tiếng với nhiều phép lạ, để cầu xin phép lạ chấm dứt dịch bệnh này.
Phía trước sẽ ra sao loài người không biết được; khi nào hết đại dịch, ai hay tổ chức nào sẽ chế ra vaccine để chữa bệnh ? “Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin, chứ không phải vì những gì mình thấy” (2Cr 5,7).
Linh mục Ðaminh Ðặng Quốc Hưng
______________________________________________
1 https://meovatcuocsong.vn/tu-long-hot-nhat-gioi-tre-dang-su-dung.html
2 Tam tai & cng giải hạn tam tai?
https://giacngo.vn/tuvantamlinh/tuvan/2017/07/19/5EC2C0/
3 https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-huong-dan-muc-vu-mua-dich-covid-19-ngay-19032020-59918
4 Những con virus chỉ có thể ký sinh nội bào bằng cách xâm nhập vào tế bào chủ và sử dụng vật liệu di truyền của tế bào chủ để tự nhân lên. Nói cách khác, virus sinh tồn theo kiểu bất chấp. Chúng tìm mọi cách sinh tồn mà không cần để ý đến thiệt hại của người khác.
5 Tập truyện ngắn của Khái Hưng.
6 https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1i_Ch%E1%BA%BFt_%C4%90en
Bình luận