Ðây là tâm niệm sống của chị Maria Vũ Thị Thu Thảo, giáo xứ Bình Thuận, TGP TPHCM. Nguyện trao đi yêu thương bằng những việc làm nhỏ bé, chỉ để nhận lại nụ cười hạnh phúc của biết bao mảnh đời bất hạnh, chị lấy đó làm động lực dấn thân vào con đường thiện nguyện tô đẹp cho đời.
Ðang cặm cụi quét dọn nhà nguyện giáo điểm Phanxicô Xaviê (cách xứ nhà tầm 3km) để chuẩn bị cho thánh lễ Chúa nhật, chị Thảo tạm ngơi tay chia sẻ về hành trình nhân ái của mình :“Chẳng thể ngờ rằng thế kỷ 21 rồi mà ở vùng miệt thứ Kiên Giang vẫn còn những hộ gia đình sống cảnh hoang sơ, tạm bợ trong mái nhà tranh vách lá, dãi dầu mưa nắng. Không điện, không đường, không trường chợ, hầu như tách biệt với cuộc sống văn minh của xã hội, trẻ em hoàn toàn mù chữ”. Mở đầu câu chuyện bằng chuyến “ra khơi” gần đây nhất, chị kể đã cùng nhóm bạn về miền Tây, đi ghe vô tận kênh Tám thăm 13 hộ gia đình nghèo biệt lập.
![]() |
Món quà chia sớt với họ gói ghém trong những thùng mì, túi gạo… và một vài nhu yếu phẩm, có thể với người may mắn ấm no thì chẳng đáng là bao, nhưng với người đang túng thiếu quả là đáng quý. “Lúc trao quà, họ đón nhận với sự trân trọng, mình thấy xúc động vô cùng. Không biết làm sao họ có thể sống trong cảnh ngộ thiếu thốn như vậy. Nghe bà con chia sẻ thì thỉnh thoảng cũng có linh mục gần đây đến thăm”, chị Thảo cho biết.
Những phận đời nghèo khổ này luôn để lại trong lòng chị nhiều sự trăn trở và thúc đẩy chị lên đường. Cách đây khoảng năm năm, trong một chuyến đi viếng Ðức Mẹ Măng Ðen, đến thăm giáo xứ Kontrang của đồng bào dân tộc thiểu số, chị ấn tượng với chiếc kiệu Mẹ đứng quá đỗi đơn sơ, mộc mạc, chỉ có vài thanh tre chắp nối; lại thấy nhiều trẻ em và người già cần được nâng đỡ, người phụ nữ này chạnh lòng thương quá đỗi. Về Sài Gòn, chị kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo còn tốt để gởi lên cho đồng bào. Ban đầu, chị cũng e ngại vì cách làm này đã nhiều người thực hiện, nhưng hỏi thăm thực tế thì ở những buôn làng xa xôi họ vẫn thiếu thốn tấm áo che thân, nhất là mùa lạnh mặc chẳng đủ ấm, nên chị gắng vượt qua cái ngại ban đầu mà dấn thân thực hiện. Dè dặt, chị nói rằng những việc mình làm chẳng to tát gì, ai cũng có thể làm được và nhiều người làm như vậy, nhưng “đức tin mời gọi mình dấn thân vào con đường bác ái. Hễ đi đâu gặp những người như vậy, mình dễ mủi lòng lắm. Cái tâm thôi thúc nên làm theo sự mách bảo của nó”.
Như chiếc cầu nối, chị đứng ra nhận trách nhiệm, liên đới tấm lòng thiện hảo của nhiều ân nhân. Tùy theo nhu cầu của nơi cần giúp đỡ, khi thì chị gởi cho các sơ 10 áo giúp lễ, một ít quà bánh và một bao chăn làm quà ấm mùa đông cho các cháu xứ Ðạ Tông. Hay dịp khác, chị Thảo lại gởi tặng 1.000 khăn quàng thiếu nhi Thánh Thể lên miền Kontum. Có những chuyến chị đích thân đi, ngoài ra thì gởi xe.
![]() |
Mỗi dịp Tết, chị Thảo và các chị em cũng đi thăm viếng và biếu quà cho người già yếu, đau bại liệt |
Lâu nay, trước cổng nhà chị luôn có những túi quần áo để sẵn. Chị Thảo chẳng biết của ai mang đến, nhưng trong lòng cảm thấy rất vui vì mọi người tin tưởng và nối dài cánh tay chia sẻ. Hàng xóm gần bên biết chị làm việc thiện nên xúm vào giúp một tay. Tuy nhiên, cũng có lúc “dở khóc dở cười”: “Soạn đồ ra rác rất nhiều. Có những chiếc quá cũ và dơ không thể sử dụng được. Ðốt thì ô nhiễm môi trường mà bỏ xe rác thì tốn phí, với số tiền có thể mua nhiều thùng mì cho người nghèo, nên sẵn có chị em đến phụ khi xong việc, nhờ chở một bao rác về xử lý. Nhiều người không biết tưởng mấy chị ấy lấy đồ từ thiện về dùng, nên nói lời không hay. Nghe vậy mình rất buồn và áy náy nên phải giải thích cho mọi người hiểu”.
Vốn mang trong mình bệnh tim, cơ thể không hoàn toàn khỏe mạnh như bao người khác, chị phó thác mọi sự vào tình thương của Chúa quan phòng. Hằng ngày, ngoài thời gian ở nhà làm tôm khô, lạp xưởng, đến Tết thì làm thêm hoa mai, hoa đào vải đăng bán trên mạng để có chi phí cho công việc bác ái, thì phần nhiều thời gian chị dành cho việc Nhà Chúa. Ngày trước, chị thường hay lui tới làm việc ở giáo xứ Bình Thuận, khoảng hai năm nay từ khi giáo điểm được thành lập và xây dựng, chị âm thầm đóng góp sức lực nhỏ bé của mình, không nề hà khó nhọc giúp bưng bê gạch, phụ nước cho thợ hay quét dọn, lau ghế ngồi, cắm hoa. Chị giãi bày: “Gia đình mình đạo gốc nên từ bé đã cảm thấy gắn bó với nhà thờ. Từ lúc giáo xứ lập thêm giáo điểm, mình chạy qua chạy lại coi sóc, làm việc này việc nọ mỗi ngày, vì nhà gần đây hơn, riết rồi thành quen”.
Nhiệt thành với các công việc chung của xứ nhà, chị cũng khéo léo sắp xếp ổn thỏa việc riêng của gia đình để có thời gian tham gia sinh hoạt trong nhóm đọc kinh, hội Lêgiô. Mỗi cuối tuần, các chị em lại rủ nhau đi làm việc tông đồ, đến giúp cho mái ấm khuyết tật Phan Sinh gần họ đạo. Ở đây, các bạn không chỉ khiếm khuyết về thể chất mà tinh thần cũng không hẳn lành lặn. Họ tha thiết được quan tâm và mong có người đến bầu bạn.
Mỗi khi nghĩ tới những vùng đất còn nhiều hoàn cảnh kém hạnh phúc, chị lại thấp thỏm không yên, ấp ủ trong lòng nhiều dự định góp phần lan tỏa yêu thương: “Nếu diễm phúc được nhiều người cộng tác, mình sẽ làm một chuyến lên Kontum, nơi có rất nhiều người dân tộc thiểu số nghèo; lên Lâm Ðồng, nơi đường đèo cách trở; hay về miền Tây chèo ghe vào các vùng sâu, cùng nấu bữa ăn cho các cụ già và em nhỏ. Ước mong họ sớm có được mái nhà tình thương hoặc có những chiếc thùng phuy để chứa nước sinh hoạt…”, chị Thảo hy vọng.
NHÃ VĂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.