Tổng hội dòng Ða Minh lần 290 diễn ra tại Tòa Giám mục giáo phận Xuân Lộc từ 7.7 đến 4.8.2019. Ðây là sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Hội dòng trong tương lai. Nhân dịp này, CGvDT đã thực hiện cuộc trò chuyện ngắn cùng linh mục Giuse Nguyễn Ðức Hòa, Giám tỉnh dòng Ða Minh Việt Nam.
CGvDT: Thưa cha, xin cha chia sẻ đôi chút về công việc tổ chức cho tổng hội.
Linh mục Giuse Nguyễn Ðức Hòa: Ðầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn quý báo đã quan tâm và loan tin về Tổng hội dòng Ða Minh. Với mong muốn mọi sự được diễn tiến tốt đẹp thì từ 2 năm trước, anh em chúng tôi đã tiến hành chuẩn bị. Ban Tổ chức Trung ương, Ban tổ chức địa phương cùng với 5 tiểu ban chuyên lo việc hậu cần, sự kiện, y tế - sức khỏe, phụng vụ, thông tin - tài liệu. Anh em cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ và sắp xếp việc đưa đón các nghị viên sao cho đạt hiệu quả nhất. Theo dự định ban đầu thì Tu viện - Ðền thánh Martino Hố Nai, Biên Hòa, Ðồng Nai sẽ được chọn là điểm diễn ra tổng hội nên được lấy tên là Tổng hội Biên Hòa. Song vì tu viện không đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất nên chúng tôi phải tìm một nơi khác. Rất may, Ðức Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã quảng đại cho chúng tôi mượn một phần Trung tâm Mục vụ và Ðại Chủng viện Thánh Giuse của giáo phận để tổ chức và mọi sự đã được tiến hành một cách thuận lợi.
Thánh lễ trong khuôn khổ Tổng hội - ảnh: Ordo Paraedicatorum |
CGvDT: Cha có thể giới thiệu sơ lược với độc giả CGvDT về số tham dự viên, mục đích và lịch trình của tổng hội 2019?
Linh mục Giuse Nguyễn Ðức Hòa: Tổng hội 2019 có 104 đại biểu chính thức. Mỗi đoàn tham dự gồm 3 hoặc 4 thành viên là giám tỉnh, một giám định viên và một phụ tá giám định viên; nếu tỉnh dòng có phụ tỉnh thì sẽ có thêm một anh em đại diện phụ tỉnh. Ngoài ra còn có khoảng hơn 40 đại biểu khách mời, các chuyên viên. Trong thời gian diễn ra tổng hội, các tham dự viên sẽ bầu ra Bề trên Tổng quyền thứ 88 (nhiệm kỳ 9 năm) tính từ thời cha thánh Ða Minh, đồng thời sẽ cùng bàn thảo, quyết định các vấn đề của dòng như kỷ luật đời tu, đào tạo ơn gọi, tài chính... Do đó, sự kiện này mang tầm quan trọng và có ảnh hưởng đến toàn bộ Hội dòng.
Theo lịch trình, tuần đầu tiên chúng tôi tiến hành bầu cử để chọn ra vị Bề trên Tổng quyền mới. Thời gian còn lại sẽ dành cho 7 ủy ban thảo luận về 7 đề tài xoay quanh những thách đố hiện tại cũng như các yếu tố liên quan đến sứ vụ của dòng. Chúng tôi cũng dành ra những ngày Chúa nhật để đưa tham dự viên đi tham quan thực tế. Lễ bế mạc ngày 4.8 sẽ được tổ chức tại Tu viện - Ðền thánh Martino Hố Nai và cha Bề trên Tổng quyền mới sẽ nhận lời khấn của 21 thầy trong dịp này.
CGvDT: Theo chúng con được biết thì đây là tổng hội đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Xin cha cho biết thêm về ý nghĩa của chọn lựa này.
Linh mục Giuse Nguyễn Ðức Hòa: Năm 2016, khi tham dự tổng hội tại Bologna - Ý thì Bề trên Tổng quyền Bruno Cadore có ngỏ lời với tôi về việc tổ chức tổng hội tại Việt Nam. Và thông qua việc bỏ phiếu tại phiên họp đúc kết, các anh em đã đồng ý chọn nước ta là nơi diễn ra tổng hội lần này. Thật vậy, sau khi xem xét các yếu tố về an ninh, chi phí thì Việt Nam đáp ứng rất tốt các yêu cầu cho việc tổ chức. Ngoài ra, phải kể đến một yếu tố quan trọng đưa đến quyết định này là nguồn ơn gọi dồi dào ở nước ta. Trong toàn Hội dòng, con số thành viên của tỉnh dòng Việt Nam hiện xếp thứ 2 sau tỉnh dòng Ba Lan. Vì thế, các anh em đều muốn đến và xem nơi phát sinh nguồn lực mạnh mẽ đó.
Việt Nam là quốc gia châu Á thứ hai đăng cai tổng hội sau Philippines (tổ chức năm 1977) nhưng là đất nước ngoài vùng Kitô giáo (gồm những quốc gia có đa số người dân là Kitô hữu) khi chỉ có khoảng 7 triệu tín hữu trong tổng hơn 96 triệu dân. Thế nên, tổng hội lần này là biểu tượng cánh cửa dòng mở ra với các nền văn hóa ngoài châu Âu. Do vậy, xin mọi người cùng cầu nguyện để tổng hội diễn ra thành công và đạt được những kết quả tốt đẹp.
Xin chân thành cảm ơn cha!
Ðược thánh Ða Minh thành lập cách đây hơn 800 năm, dòng Ða Minh hay còn gọi là dòng Anh em Thuyết giáo là một dòng lớn của Hội Thánh Công giáo. Trong số khoảng 200 dòng nam, dòng hiện đứng hàng thứ 7 về số tu sĩ, sau dòng Tên, dòng Don Bosco, dòng Anh em Hèn mọn Phanxicô, dòng Anh em Hèn mọn Capuchin, dòng Biển Ðức và dòng Ngôi Lời. Theo niên giám năm 2019 của Tòa Thánh, dòng nam Ða Minh có 5.747 tu sĩ, trong đó có 4.300 linh mục, và tổng cộng số tu viện, tu xá của dòng là 557 nhà tại nhiều nước trên thế giới. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1550 nhưng đến năm 1967, tỉnh dòng Việt Nam mới chính thức được tách ra khỏi Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi với danh hiệu Tỉnh dòng Nữ Vương các thánh tử đạo Việt Nam. |
TRÚC YÊN thực hiện
Bình luận