Vấn đề biến đổi khí hậu, một khía cạnh quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, một lần nữa lại tạo nên dư luận trong cộng đồng quốc tế, trong đó có giới Công giáo.
Tuần qua, trong một tuyên bố được phổ biến ngay sau thông báo của Tổng thống Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris (Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - COP21) được tổ chức năm 2015, Đức cha Oscar Cantu, Giám mục GP Las Cruces, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã phản ứng: “Kinh Thánh xác nhận giá trị của việc chăm sóc thiên nhiên và chăm sóc lẫn nhau trong tình liên đới”, và “Hiệp định Paris là một thỏa thuận quốc tế thúc đẩy những giá trị này”.
![]() |
Chúng ta nhớ lại tại COP21, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đại diện Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh với lãnh đạo các nước rằng cần có một thỏa thuận nghiêng về đạo đức chứ không chỉ thỏa thuận về giới hạn thải khí carbon. Ngài cũng nói với các tham dự viên rằng, Đức Phanxicô muốn có một tài liệu ràng buộc hướng tới ba mục tiêu cụ thể: giảm bớt những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chiến đấu chống lại đói nghèo, và giúp cho nhân phẩm của tất cả mọi người được tôn trọng. Tất cả chúng ta đều biết rằng những người dễ bị tổn thương nhất và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là những người nghèo và các thế hệ tương lai, trong khi họ không phải chịu trách nhiệm về sự biến đổi này.
Đức cha Oscar Cantu cũng cho biết thêm: “Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Giáo hội Công giáo luôn ủng hộ Hiệp định Paris như là một cơ cấu quốc tế quan trọng để thúc đẩy quản lý môi trường và khuyến khích giảm bớt tình trạng biến đổi khí hậu”.
Trong thực tế, việc thúc đẩy ý thức và hành động bảo vệ môi trường đã và đang diễn ra đồng bộ trong Giáo hội toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều giáo phận cũng đã tuần tự triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là từ sau thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô.
Trong cuộc họp do Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức ngày 25.5.2017 nhằm đánh giá kết quả một năm triển khai Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Đức Giám mục phụ tá TGP.TPHCM Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã đề cập về chương trình của TGP trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với thiên tai. Ngài chia sẻ: “TGP.TPHCM đã tổ chức tuần huấn luyện thường kỳ hằng năm dành cho tất cả các linh mục của TGP với chủ đề “Gìn giữ và bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta”. Chúng tôi nhận thức và xác tín về giáo lý Công giáo với trách nhiệm đối với môi trường, đặc biệt cụ thể dựa trên thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Thời gian qua, TGP đã triển khai chương trình kéo dài 2 năm với những điểm nhấn sau: Ô nhiễm và rác thải; Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; Tiết kiệm năng lượng điện; Tiêu dùng xanh - trồng cây xanh. Bên cạnh đó, các đoạn video do TGP phối hợp với Đại học Tài nguyên Môi trường cũng được gởi về các giáo xứ người giáo dân học hỏi. Mọi thành phần trong giáo phận đã tích cực tham gia ứng phó với thiên tai do biến đổi khí hậu bằng việc đóng góp cho Quỹ cứu trợ khẩn cấp thiên tai của HĐGMVN.
Trái đất là của chung nhân loại và bảo vệ môi trường trái đất là trách nhiệm chung của mọi người, nhất là đối với các Kitô hữu luôn xác tín Thiên Chúa đã tạo dựng và trao phó cho con người được khai thác, chăm sóc và hưởng dụng những vật phẩm từ thiên nhiên. Những tín hữu đi ngược lại là sai lạc với Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội.
HOÀNG ANH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.