Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Một, 2019 16:12

Trái tim của Giáo phận Hải Phòng

 

Tháng 10 vừa qua, cộng đoàn giáo xứ Nam Am, giáo phận Hải Phòng, sống trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 330 năm (15.10.1689 - 15.10.2019) ngày thành lập xứ đạo.

 

Hạt giống đức tin đã được gieo nơi đây từ năm 1631 - 1632 nhờ các thừa sai dòng Tên. Mảnh đất màu mỡ này đã đón nhận hạt giống ấy, làm trổ sinh kết quả tuyệt vời là cả làng đều chịu phép Rửa và trở thành làng Công giáo toàn tòng vào cuối năm 1632. Từ đó, giáo xứ Nam Am với 24 họ, 4 khu nhà xứ dần được hình thành và lớn mạnh ở vùng duyên hải Vĩnh Bảo, Hải Phòng (ngày trước thuộc lục tổng huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương). Miền “địa linh nhân kiệt” này là nơi xuất thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và “Ðức Thánh thuốc Nam, Hội Am Vĩnh Lại” Ðào Công Chính. Ðây cũng là nơi sinh sống, ghi dấu phục vụ của nhiều vị thánh tử đạo Việt Nam : Ðức cha Jerónimo Hermosilla Vọng (Liêm); Ðức cha José María Díaz Sanjuro An; thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang… Mỗi người Nam Am đã làm nên một họ đạo luôn rực lửa mến tin, vững vàng đi qua bao thăng trầm lịch sử.

Thánh đường, đài Đức Mẹ Nam Am mang phong cách kiến trúc hòa hợp Đông - Tây
ảnh: Yên Lam

Hôm kỷ niệm, trên những cung đường làng quen thuộc băng qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những ngôi nhà với bờ ao nhỏ nơi sân trước mang đậm phong vị quê nhà đất Bắc, đoàn kiệu cung nghinh tượng Ðức Mẹ Mân Côi tiến về ngôi thánh đường họ đạo trong tiếng kèn trống sôi nổi. Mỗi tín hữu diện bộ trang phục đẹp nhất, nét mặt tươi vui, thành kính tham gia đoàn rước. Ngày mừng giáo xứ được hình thành trở nên ngày hội, được hướng tới và chuẩn bị từ rất lâu. Làng Nam Am yên bình thường ngày chợt trở nên sinh động, cuốn hút tựa như người thiếu nữ thôn quê bỗng trở nên rạng rỡ khi điểm trang dự hội.

Thời đại 4.0 với biết bao đổi thay, phát triển từng ngày. Bức tranh làng quê khi xưa nay cũng dần thay đổi. Con đường đất hôm nào đã được trải nhựa, bê tông sạch sẽ. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, cao đẹp hơn. Bà con giáo dân đa phần vẫn sống bằng nghề nông, trồng lúa, cây thuốc lá…, một số người đi làm công nhân, nhân viên cho các công ty thuộc những khu công nghiệp gần thành phố Hải Phòng hay vào Nam học tập làm viêc. Ðời sống dần khởi sắc. Song, tất cả những đổi thay bên ngoài ấy không làm cho niềm tin và lòng mến Chúa bị nhạt dần, mà trái lại luôn được gìn giữ, vun xới để triển nở mạnh mẽ cùng thời gian.

Giáo dân tham gia lễ an táng cho các thai nhi

Là một xứ đạo lớn, kỳ cựu với bề dày lịch sử cùng truyền thống đạo đức vững vàng của địa phận Hải Phòng. Bởi thế, Nam Am còn được biết đến với mệnh danh “Con tim của giáo phận”, theo lời Ðức cố Giám mục Hải Phòng Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương. Như bao xứ đạo đó đây, Nam Am cũng có rất nhiều hội đoàn luôn hăng hái dấn thân để dựng xây Nước Chúa ngày một lớn mạnh. Việc học hỏi giáo lý, tham gia thánh lễ, các hoạt động đạo đức được các chủ chăn cũng như mọi thành phần trong xứ lưu tâm và thường xuyên đốc thúc lẫn nhau, nhất là đối với thiếu nhi, giới trẻ. Thành quả là trong kỳ thi giáo lý cấp giáo phận tháng 7.2019, đoàn thiếu nhi của xứ có 9 em đạt giải cao ở cả 3 cấp (1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải 3). Ðó là sự khích lệ và niềm tự hào của cộng đoàn tín hữu.

Không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt đạo, trước những thách thức của vòng quay xã hội, bằng khả năng của mình, bà con nơi đây luôn sẵn lòng hỗ trợ những ai lâm cảnh ngặt nghèo. Có thể kể đến như nhóm Bảo vệ Sự sống Nam Am đã và đang tất bật ngược xuôi tìm kiếm, thu nhận các thai nhi để cho các em nơi an nghỉ sau cùng. “Thực ra, có rất nhiều người trong xứ còn khó khăn nhưng mỗi khi có việc cần là ai nấy đều nhanh chóng góp sức, chung tay. Tôi nghĩ rằng xây dựng Giáo hội, xã hội khi có những người như họ thì dù gặp rất nhiều trở ngại vẫn có thể đi đến ngày thành công. Họ chính là động lực và đôi tay của chúng tôi”, cha chánh xứ Gioan Baotixita Nguyễn Quang Sách nhận định.

Thật vậy, khi nói về sự nhiệt thành của tín hữu Nam Am thì không thể không nhắc đến công trình Nhà Chúa hay còn được gọi là Ðền thánh Ðức Mẹ Nam Am uy nghi, sừng sững được xây nên từ bàn tay, công sức của bao người con Chúa.

Chạy xe trên quốc lộ từ thành phố về huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), còn rất xa, khách đã thấy thấp thoáng bóng dáng ngôi thánh đường với mái ngói tàu đao quật (cong phần góc mái) giữa nền trời xanh trong. Ðây là một công trình mang đậm phong cách kiến trúc Việt Nam hòa thêm đôi chút kiến trúc Gothic như sự giao hòa Ðông - Tây, có tổng diện tích 2.025m2, tọa lạc trên khuôn viên 6.500m2. Khách ghé tham quan có thể dễ dàng nhận ra sự quen thuộc của kiến trúc Việt qua cách bố trí “thượng thu hạ thách” (tức càng lên cao càng thu hẹp), các cột, kèo, xà, rường trụ… và những đường nét chạm trổ tinh tế được truyền thừa từ cha ông. Gỗ lim xanh được sử dụng cho toàn bộ khung nhà.

 Rước kiệu Mẹ mừng 330  năm họ đạo -  ảnh: Gx Nam Am

Mặt tiền nhà thờ là ba tháp chuông với tháp chính 50m và hai tháp phụ 28m có 8 mái cổ xếp tầng, cao vút được trang trí bằng những bức họa, những biểu tượng quen thuộc như quả bầu, hoa sen, cành nho, bông lúa... Cung thánh được chia làm 3 gian, chạm khắc họa tiết Việt, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Trung tâm gian thánh là các tòa vàng, mỗi bên có những tháp bút, bút đồng, phía trước là những cửa võng với đường chông, đường lá lật, lá quả nho đan xen, dát vàng. Nhìn lên phần mái chồng diêm hai bên sẽ thấy ngoài lớp cửa chớp lấy sáng là 5 mầu nhiệm kinh Mân Côi được thể hiện trên những tấm kính màu. Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác dẫu to lớn hay vô cùng nhỏ bé nhưng đều được những người thợ thủ công chăm chút tỉ mỉ như gởi vào đó vô vàn tâm tình, lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria. Ðoàn thi công khi ấy có nhiều thợ mộc, thợ nề là con cái Nam Am với người đứng đầu là ông Giuse Khổng Trung Mạnh, đã dồn hết tâm sức để xây dựng nhà thờ vững chắc, tạo tạc từng nét hoa văn tinh tế hầu làm nên một tổng thể đồ sộ, tráng lệ.

Trong trái tim mỗi con chiên họ đạo, ngôi thánh đường là tình yêu, là niềm tự hào khôn tả. Ðó không chỉ là nơi ngày ngày họ đến tâm tình, cầu nguyện cùng Chúa, mà còn là chốn ghi dấu để nhớ hoài mỗi lúc đi xa. Hơn 3 thế kỷ phát triển xứ đạo, 13 năm khánh thành Nhà của Chúa và nhiều nhiều năm sau nữa, vẫn tin rằng ngọn lửa mến tin nơi giáo xứ cổ này sẽ cứ bùng cháy mãnh liệt, dù gặp bao khắc nghiệt của thời gian.

YÊN LAM

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm