Ngày… tháng 9 năm 2017
Mình được mời tham dự đại hội Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) liên hạt Phú Thọ - Chí Hòa - Tân Sơn Nhì vừa tổ chức tại nhà thờ Phú Bình, hạt Tân Sơn Nhì, hướng tới 100 năm ra đời của Hội Nghĩa Binh Thánh Thể (1917-2017), một đoàn thể tông đồ cầu nguyện được Hội Thánh công nhận trong hệ thống Công giáo Tiến hành, hình thành từ Pháp.
![]() |
Tại Việt Nam, năm 1929, hội Nghĩa Binh Thánh Thể được thành lập lần đầu tiên tại Hà Nội, sau lan ra các giáo phận toàn quốc. Năm 1964, với bản nội quy thống nhất ra đời, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, đặc trách Công giáo Tiến hành của Hội đồng Giám mục, đã chấp thuận đổi tên Hội Nghĩa Binh Thánh Thể thành Phong trào TNTT Việt Nam và cho phép tổ chức rộng khắp các xứ đạo, dành cho thiếu nhi Công giáo. Năm 1971, cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh, Tổng Tuyên úy, những cha Tuyên úy các giáo phận và các Huynh trưởng trong Phong trào đã họp đại hội toàn quốc quyết định ban hành bản Nội quy mới, qua đó xác định Phong trào TNTT là một phong trào chọn lựa, nhằm giáo dục các thiếu nhi, giới trẻ theo tinh thần của Công đồng Vatican II, qua sắc lệnh “Tông đồ giáo dân”: “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ”. Phong trào sử dụng phương pháp siêu nhiên và tự nhiên trong giáo dục với phương châm: Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, lấy Thánh Kinh là nền tảng qua chương trình thăng tiến đoàn sinh.
100 năm hình thành và phát triển, Phong trào TNTT Việt Nam hôm nay tự hào đóng góp phần mình vào việc: “Giới trẻ (Công giáo) Việt Nam đem Chúa cho giới trẻ Việt Nam” (Thiếu nhi tân hành ca), không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi có người Việt Nam Công giáo cư ngụ trên thế giới.
Người Lữ hành Emmaus
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.