Ðiều đặc biệt của đoàn tu sĩ tình nguyện khi đến với Trung tâm Hồi sức Tích cực do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách (đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16) là chúng tôi được làm ở mọi nơi.
![]() |
Chúng tôi hiện diện bên bệnh nhân theo cách của mình |
Hầu hết mọi khoa trong bệnh viện, chúng tôi đều có mặt: từ khoa kiểm soát nhiễm khuẩn đến khoa dinh dưỡng, khoa dược, rồi các bệnh phòng của khoa Hồi sức Tích cực; từ việc dọn rác đến tiễn đưa các bệnh nhân qua đời về nơi an nghỉ… Trong mọi công việc được cộng tác, chúng tôi đã nỗ lực hết mình, đến nỗi một vị bác sĩ lãnh đạo phải thốt lên: “Tôi thực sự ngạc nhiên vì sự hòa nhập và thích ứng của quý sơ và quý thầy”. Bác sĩ giải thích thêm: “Khi tiếp nhận đoàn tu sĩ tình nguyện, tôi quá bối rối vì không biết phải sắp xếp quý vị vào vị trí nào. Các tu sĩ không có hoặc có quá ít chuyên môn, mà Bệnh viện Bạch Mai là khu chăm sóc đặc biệt, hồi sức tích cực nên đòi hỏi rất nhiều… Nhưng đến hôm nay, tôi không biết nói gì hơn ngoài sự ngưỡng mộ đến bất ngờ. Trong tất cả mọi nơi, mọi việc được giao, quý sơ và quý thầy đã làm rất tốt...”.
Cứ thế hai tháng trôi qua, đoàn chúng tôi đã sống lời mời gọi của thánh Phaolô: “Trở nên mọi sự cho mọi người”.
![]() |
An ủi, động viên bệnh nhân
|
Ðại dịch đã mở ra một chân trời loan báo Tin Mừng mới. Ở nơi khắc nghiệt nhất, đáng sợ nhất, chúng tôi đã hiện diện theo đúng nghĩa của từ “mọi sự”. Không từ bất cứ một công việc nào, chúng tôi từng người cúi mình xuống thay tã, đổ bô vệ sinh, lau rửa cho từng khuôn mặt bệnh nhân mệt mỏi. Ở một nơi lặng lẽ khác, các sơ nhặt và đếm những đống quần áo, tấm trải giường rồi mang đi giặt, xếp ngay ngắn. Trong kho bên cạnh, các thầy trong khoa dược thì kiểm tra thuốc cách tỉ mỉ, cẩn thận. Cách đó không xa, ở khoa dinh dưỡng, có mấy nữ tu đang phân chia các suất ăn đến từng khoa phòng, dán từng phiếu ăn. Ngoài sân, bóng dáng một thầy nữa đang cúi mình thu gom rác, ra sức kéo những thùng rác thải làm sạch cả khuôn viên… Dù trực tiếp hay gián tiếp với bệnh nhân, trong mỗi công việc, chúng tôi đều biết mình đang làm gì và làm vì ai. Chúng tôi hiện diện, làm mọi việc theo khả năng của mình, như mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Không phải ai cũng làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại”.
![]() |
Đôi bàn tay nhăn nheo vì đeo nhiều lớp găng tay |
Dịch bệnh và tốc độ lây nhiễm không miễn trừ một ai. Hỏi chúng tôi có sợ không? Câu trả lời là rất sợ. Hơn ai hết, các tu sĩ tình nguyện hằng ngày chứng kiến, nhiều người đến rồi đi. Nhưng chúng tôi vẫn hiện diện một tháng, rồi hai tháng. Khi tốc độ lây lan của dịch bệnh dần được khống chế, cũng là lúc các dấu chỉ cho sự hiện diện của mình được lan truyền nhiều hơn. Nhân viên y tế nói với nhau: “Nhờ có các thầy, các sơ bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn. Trong bệnh phòng, bệnh nhân truyền tai nhau: Cần gì cứ tìm các cô, các chú có vẽ cây thánh giá ở áo, các cô chú ấy tử tế lắm, tốt lắm”. Mọi ánh mắt đã được thay đổi. Trước đây, gặp nhau như người xa lạ thì nay, mỗi sáng vào khoa, chúng tôi nhận được những lời: “Chào các sơ! Các sơ khỏe không?”. Rồi chúng tôi trao cho nhau nụ cười thật tươi qua ánh mắt. Những câu chuyện khi nghỉ ngơi, mọi người cởi mở hỏi thăm rất nhiều về đạo Công giáo. Chúng tôi phát hiện ra mình hiện diện ở bệnh viện không chỉ cho bệnh nhân mà thôi. Nếu trước đây các tu sĩ còn dè dặt khi muốn cầu nguyện cho bệnh nhân thì nay, không chỉ thực hiện dễ dàng mà còn được nhân viên y tế của bệnh viện mời gọi: “Xin các sơ đến đọc kinh cho bệnh nhân này, họ sắp đi ạ”.
![]() |
Các sơ đếm và xếp ngay ngắn quần áo của nhân viên y tế |
Ðời thường không ai muốn “đa năng” một cách bất đắc dĩ, nhưng trải qua hai tháng nơi tuyến đầu chống dịch, chúng tôi hạnh phúc khi được “đa năng”, vì biết rằng: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia hạnh phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,22-23).
Bộ đồ bảo hộ quá nóng, chiếc khẩu trang đúng chuẩn rất ngột ngạt, môi trường làm việc quá khắc nghiệt, áp lực công việc lớn lao…, nhưng khi tình yêu đủ đầy thì mọi khó khăn trở nên bé nhỏ.
Nữ tu Thérèse TRỊNH THÙY LINH, dòng Phaolô Sài Gòn
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.